Cách mạng 4.0 hiện diện ở Hà Nam

Tới thăm các cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ mới, chúng tôi không khỏi lạ lẫm và tò mò. Sản xuất tự động hoá, công nghệ sử dụng robot trước đây được cho là xa vời, nay đang hiện hữu ngay trong nền công nghiệp ở Hà Nam.

Nasaco Hà Nam là mô hình nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi thế hệ mới, kết tinh của khoa học công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Tất cả các khâu từ lấy mẫu, nhập liệu, nghiền, giãn nở, ép viên, đóng gói, xếp bao... đều được vận hành tự động bởi hệ thống điều khiển trung tâm và hệ thống robot. Do vậy, chất lượng của sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ và đạt tới độ chính xác cao.

Đặc biệt, với công nghệ làm chín và tiệt trùng nguyên liệu trước khi đưa vào ép viên, giúp tăng độ hồ hoá, độ xốp, độ bền của viên, tạo ra mùi thơm của thức ăn, kích thích tiêu hóa, giúp vật nuôi dễ ăn, dễ tiêu hóa hấp thụ dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế ngành chăn nuôi.

Dây chuyền sản xuất bia lon tại Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Phủ Lý. Ảnh: Thế Tuân

Còn tại Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Phủ Lý, hiện có tới 80% công đoạn sản xuất được tự động hoá hoàn toàn thông qua điều khiển hệ thống phần mềm trung tâm. Nhờ vậy, năm 2017, công ty sản xuất và tiêu thụ được 65 triệu lít bia các loại. Ông Đinh Quang Hải, Giám đốc Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Phủ Lý cho biết: Mục tiêu của công ty trong năm 2018, đầu tư thêm dây chuyền chiết chai mới, công suất 34.000 chai/giờ. Dây chuyền công nghệ được đầu tư đồng bộ của Đức, hiện đại nhất Việt Nam.


Trên đây chỉ là hai trong số nhiều doanh nghiệp đã tiên phong trong thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 trên địa bàn tỉnh. 

Robot UKK đóng gói và xếp sản phẩm tại Nhà máy Nasaco. Ảnh: Tiến Đoàn

Trên các lĩnh vực sản xuất 4.0 đã và đang được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh đi đầu trong cả nước về thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tính đến nay, đã qui hoạch được 4 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 503,82ha, bước đầu xác định được một số sản phẩm chủ lực về rau, quả. Ông Đặng Đình Thoảng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết: Công tác nghiên cứu sẽ phát triển các nhiệm vụ khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết chuỗi theo 4.0 và ứng dụng Internet kết nối trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Đối với sản xuất công nghiệp, tỉnh có 6 doanh nghiệp KH&CN. Quá trình hoạt động, các doanh nghiệp KH&CN khẳng định vai trò đổi mới, sáng tạo trong nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao đối với một số mặt hàng của địa phương.

Hà Nam đang phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp phát triển và là trung tâm du lịch của khu vực. Thực hiện tốt 4.0 là cơ sở để chúng ta biến mục tiêu này thành hiện thực.

Hiện nay, hạ tầng thông tin đã đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ phổ cập, bắt buộc, dịch vụ cơ bản và nhiều dịch vụ giá trị gia tăng. 100% số xã, phường, thị trấn có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông. Năm 2017, các doanh nghiệp viễn thông (Viettel Hà Nam, VNPT Hà Nam) đã phủ sóng dịch vụ 4G 60-70% diện tích toàn tỉnh.

Để thúc đẩy cuộc CMCN 4.0 tỉnh cần lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp công nghệ thông tin, tạo điều kiện thu hút các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài nước về đầu tư. Xây dựng vườn ươm khởi nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ thông tin tạo thành hệ thống doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin. Có chính sách hỗ trợ phát triển một số lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm nhằm từng bước xây dựng ngành công nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, chiến lược sản xuất, kinh doanh đúng đắn có vai trò quyết định sự phát triển và lớn mạnh của doanh nghiệp. Kết quả này cũng đã được các doanh nghiệp trên khẳng định, muốn có được thành công cần có tư duy đổi mới và bắt đầu từ khoa học công nghệ, nó được ví như biểu tượng mang đến sự thịnh vượng cho doanh nghiệp.

Hoài Đức

Tiến Đoàn, Thế Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy