Công nghệ VAR đang là 'ngôi sao' tại World Cup 2018

Vòng bảng World Cup 2018 chưa đi được nửa đường nhưng VAR đã trực tiếp can thiệp vào 3 tình huống penalty và gây ra cả những tranh cãi.

Brazil có thể đã thắng nếu trọng tài sử dụng VAR / Bên trong trung tâm VAR tại World Cup 2018 / Công nghệ VAR quyết định bàn thắng trong trận Bồ Đào Nha - Tây Ban Nha

Chỉ sau 5 ngày World Cup, công nghệ VAR (Video Assistant Referees - trợ lý trọng tài qua video) đã có tác động không nhỏ tới nhiều trận đấu cũng như khấy động hàng loạt cuộc tranh luận, dù mới chỉ là lần đầu tiên được áp dụng tại một kỳ bóng đá thế giới.

Trong trận cầu giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, pha ghi bàn của Diego Costa trở thành bàn thắng đầu tiên trong lịch sử World Cup được công nhận dưới sự trợ giúp của VAR. Ngay trước tình huống ghi bàn, anh này có vẻ đã phạm lỗi với trung vệ bên phía đối thủ là Pepe nhưng sau khi tham khảo VAR, trọng tài đã quyết định công nhận bàn thắng.

Tình huống tranh chấp của Costa được trọng tài xác nhận là hợp lệ sau khi tham khảo VAR.

Với sự trợ giúp trực tiếp của VAR, các trọng tài thậm chí đã ra quyết định thổi phạt tới 3 quả penalty. Pháp được "trao" một quả trong trận mở màn với Australia, Đan Mạch cũng được hưởng một quả 11 mét tương tự ở phút 59 và giành chiến thắng tối thiểu trong một trận đấu bị lép vế trước Peru. Ngay trong trận đấu với Hàn Quốc hôm qua, ngày 18/5, Thụy Điển cũng giành trọn 3 điểm nhờ pha ghi bàn duy nhất trên chấm phạt đền sau khi trọng tài tham khảo VAR.

VAR cũng trở thành tâm điểm sự chú ý ngay cả khi trọng tài không sử dụng đến nó. Theo Telegraph, ở trận đấu ra quân, các cầu thủ Iceland đáng nhẽ đã được hưởng một quả phạt đền nếu trọng tài phát hiện tình huống để bóng chạm tay một cầu thủ bên phía Argentina trong vòng cấm. Tuy nhiên, trọng tài đã từ chối xem lại VAR dù các cầu thủ tới từ Bắc Âu ra sức đề nghị.

Ở trận cầu diễn ra ít giờ sau đó, công nghệ VAR lại bị chỉ trích vì không can thiệp vào bàn gỡ của Thụy Sĩ trước Brazil. Cựu trọng tài người Anh, Keith Hackett cho rằng Zuber đã phạm lỗi với cầu thủ Brazil trước khi ghi bàn thắng cho đội nhà. Nhưng trọng tài chính đã không tham khảo lại VAR trong tình huống này.

Bàn thắng của Thụy Sĩ gây tranh cãi vì trọng tài không nhờ tới sự hỗ trợ của VAR.

Việc sử dụng hệ thống VAR cho World Cup được FIFA phê duyệt đầu năm nay, bất chấp còn một số ý kiến trái chiều. Trước đó, công nghệ này đã được thử nghiệm ở giải Bundesliga của Đức, Serie A của Italy và một số trận đấu thuộc FA Cup và League Cup của Anh.

Hệ thống VAR bao gồm một phòng điều khiển với bốn trọng tài ngồi bên trong và quan sát hình ảnh truyền về từ khoảng hơn 30 máy quay. Nhờ vậy, họ có đủ mọi góc độ để đánh giá về tình huống trên sân. Các trọng tài trong phòng có thể liên hệ trực tiếp với trọng tài chính trên sân qua micro. Trọng tài chính có thể quyết định xem lại tình huống qua một buồng riêng ở ngoài đường biên.

FIFA cho phép VAR can thiệp vào bốn trường hợp: bàn thắng, phạt đền, thẻ đỏ hoặc trọng tài nhận diện sai cầu thủ. Nhóm các trọng tài ngồi bên trong phòng điều khiển VAR cũng chỉ được nhắc, hỗ trợ trọng tài chính khi liên quan đến các tình huống nói trên.

Phòng điều khiển VAR giúp hỗ trợ trọng tài với các góc máy từ hơn 30 máy quay trên sân.

Bakary Gassama, trọng tài người Gambia, người đã sử dụng VAR trong trận đấu giữa Peru và Đan Mạch bày tỏ sự lạc quan và cho rằng hệ thống VAR giúp các trận đấu trở nên cân bằng hơn. Các trọng tài cũng có cảm giác an toàn và tin cậy hơn khi đưa ra các quyết định quan trọng. "VAR không thể loại bỏ hoàn toàn nhưng có thể làm giảm những sai lầm lớn của các trọng tài", ông Bakary nới với BBC trước giải đấu.

Dù vậy, ngoài việc không đưa ra hỗ trợ cho một số tình huống để đảm bảo công bằng cho tất cả, VAR cũng bị một số người cho rằng làm giảm cảm xúc trong bóng đá. Hơn nữa, việc sử dụng VAR cũng thường làm kéo dài thời gian "chết" giữa trận đấu, tăng số phút bù giờ. FIFA cũng thậm chí có một số quy định về thời lượng để ăn mừng bàn thắng trong trận đấu để phòng trường hợp mất nhiều thời gian để trọng tài cần nhờ đến sự hỗ trợ của VAR.

VAR là viết tắt của cụm từ Video Assistant Referees - "Trợ lý trọng tài qua video", với vai trò chính là hỗ trợ việc ra quyết định của các trọng tài chính trên sân cỏ thông qua quá trình phân tích trực tiếp video hình ảnh của các tình huống va chạm, sút phạt, ghi bàn... trên sân. Công nghệ này đã được áp dụng tại một số giải đấu ở các quốc gia, nhưng là lần đầu tiên được đưa vào sự kiện lớn như World Cup. "Bộ não" của hệ thống VAR là một phòng vận hành video tập trung (VOR) được đặt tại Trung tâm truyền thông quốc tế IBC ở thủ đô Moskva (Nga), nơi thu nhận thông tin truyền về bằng cáp quang từ 12 sân vận động nơi diễn ra các trận đấu trong khuôn khổ World Cup 2018. Các thông tin dạng video này được truyền về từ 33 camera khác nhau, trong đó có 8 camera quay chậm và 6 camera quay siêu chậm tại mỗi sân vận động. Ngoài ra, hệ thống cũng truy xuất thông tin từ 2 camera chuyên để bắt việt vị, được bố trí để hỗ trợ riêng cho đội ngũ trợ lý trọng tài này.

Theo VnExpress

Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy