Khỏi Covid, tôi vẫn đau họng, ho khan dù ngậm thuốc ho và súc miệng đầy đủ. Xin bác sĩ tư vấn thêm thuốc xịt họng để tôi thấy dễ chịu hơn?
Trả lời:
Khi mắc Covid-19 hoặc thay đổi thời tiết, nhiều người khó chịu do viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, phế quản... nhưng chủ quan không đi khám mà tự ý mua các loại thuốc dạng xịt vì tiện lợi, dễ sử dụng, dẫn đến lạm dụng. Một số khác sử dụng thuốc xịt họng... không theo chỉ định gây hậu quả bị kích thích tại chỗ vùng hầu họng, lâu ngày ngứa rát họng, miệng khô, ăn uống khó khăn, mất cảm giác...
Hiện, thị trường có nhiều loại thuốc xịt họng khác nhau, thường là kháng sinh hoặc kháng viêm sử dụng tại chỗ. Thuốc có tác động trên một số vi khuẩn nên cũng có thể làm giảm hôi miệng. Thuốc xịt họng còn có tác dụng điều trị hỗ trợ tại chỗ có tính kháng khuẩn trong các nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm xoang, sổ mũi, viêm họng mũi, viêm họng, viêm amidan, sau cắt amidan, viêm thanh quản, viêm khí quản.
Thông thường, bác sĩ sẽ dựa vào kết quả chẩn đoán lâm sàng để kê loại thuốc xịt họng nào cho người bệnh với liều lượng và thời gian phù hợp. Cụ thể:
Thuốc chứa kháng sinh như benzakonium, fulsagin, hexaspray, neomycin... dùng trong các trường hợp bị viêm nhiễm vùng hầu họng do vi khuẩn như viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản...
Thuốc chứa corticoid như betamethasol, fluticasol (seretide, flixotide)... có tính chất dự phòng các cơn co thắt phế quản. Thuốc chứa các hoạt chất giãn phế quản như salbutamol, terbutalin, bambec, berodual...
Lưu ý, liều lượng, số lần dùng thuốc ở người lớn và trẻ em khác nhau, thường điều trị không quá 10 ngày.
Trước khi dùng thuốc, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết tình trạng sức khỏe tổng thể, đặc biệt là phụ nữ có thai và cho con bú để được hướng dẫn.
Trường hợp thuốc gây phản ứng tại chỗ tạm thời như kích thích vùng miệng, hầu họng thì cần gặp bác sĩ điều trị để được tư vấn biện pháp khắc phục.
VNE