Đau cơ ở bệnh nhân Covid-19 có thể kéo dài hơn so với các trường hợp nhiễm virus khác và có thể đáp ứng kém với thuốc giảm đau thông thường.
Câu hỏi: Sau nhiễm Covid-19, vì sao có người rơi vào trạng thái đau mỏi cơ kéo dài?
Trả lời:
ThS, BS Ngô Thị Kim Oanh, Cơ sở 3 - Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh:
Đau mỏi cơ kéo dài sau mắc Covid-19 là một tình trạng chiếm khoảng 20-30% các triệu chứng dai dẳng sau Covid-19. Đau cơ ở bệnh nhân Covid-19 có thể kéo dài hơn so với các trường hợp nhiễm virus khác và có thể đáp ứng kém với thuốc giảm đau thông thường.
Nguyên nhân và cơ chế của tình trạng này vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu, hiện tại có 3 giả thuyết được đặt ra: Thứ nhất, do mô cơ bị tổn thương do sự tấn công trực tiếp của virus.
Thứ hai, thông qua phản ứng viêm dẫn đến tình trạng tăng nồng độ lactate máu, giảm pH nội bào và lượng oxy thấp dẫn đến tình trạng đau mỏi cơ giống với tình trạng mỏi cơ sau khi vận động quá sức. Ngoài ra hiện tượng tăng đông, viêm mạch máu trong và chung quanh dây thần kinh và cơ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu máu đến nuôi dưỡng cơ.
Thứ ba, tác dụng phụ của thuốc điều trị của một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị Covid-19 có thể gây ra tác dụng phụ đau cơ, thí dụ như các thuốc kháng virus (Ribavirin) và corticosteroid (Dexamethasone)...
Điều trị đau mỏi cơ kéo dài sau Covid-19 cần loại trừ các yếu tố gây nên tình trạng này, do đó mục tiêu là giảm mức lactate trong máu, tăng sự vận chuyển oxy đến các mô... và thuốc giảm đau có thể không hiệu quả.
Người bệnh nên vận động, tập thở nhẹ nhàng giúp tuần hoàn được lưu thông, tăng cường trao đổi khí, cung cấp oxy cho mô đồng thời đẩy nhanh quá trình đào thải lactate dư thừa trong máu.
NDĐT