Một số nghiên cứu cho thấy vaccine giúp làm giảm một nửa nguy cơ gặp di chứng hậu Covid-19, song một số nhà khoa học nhận định còn quá sớm để kết luận.
Trước đại dịch, khoa phục hồi chức năng của bác sĩ David Putrino tại Bệnh viện Mount Sinai điều trị cho khoảng 50 bệnh nhân Parkinson, chấn thương hoặc đau nhức mạn tính mỗi tuần. Đến cuối năm 2021, lượng người bệnh tăng đột biến, hầu hết bị "Covid-19 kéo dài", hay di chứng hậu Covid-19.
Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, khó thở, mất ngủ, đau khớp, tức ngực, sương mù não (suy giảm trí nhớ). Vấn đề nghiêm trọng hơn là tổn thương các cơ quan như thận, phổi, tuyến tụy và tim. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các di chứng xảy ra trong ba tháng kể từ khi dương tính và kéo dài ít nhất hai tháng.
Các nhà khoa học vẫn cố gắng tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Một số ý kiến cho rằng đây là hậu quả khi virus làm tổn thương hệ cơ quan trong cơ thể. Số khác phỏng đoán "Covid-19 kéo dài" liên quan đến phản ứng miễn dịch của người bệnh.
Bác sĩ Putrino tiếp nhận khoảng 1.600 người gặp di chứng sau nhiễm nCoV và còn hàng dài bệnh nhân đang chờ được khám. Putrino nhận ra rằng một số người đã tiêm chủng vẫn gặp tình trạng này.
"Những bệnh nhân đó không nhiều bằng người chưa tiêm chủng, nhưng vẫn có", ông nói.
Vaccine có thể ngăn ngừa hoặc giảm thiểu độ nghiêm trọng của Covid-19 kéo dài. Tuy nhiên, giới chuyên môn vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng.
Nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Israel cho thấy người đã tiêm chủng đầy đủ ít có nguy cơ mắc Covid-19 kéo dài. Các chuyên gia khảo sát 950 F0 tại một số bệnh viện kể từ tháng 3/2020 đến tháng 6/2021. Trong đó, 67% người được khảo sát đã tiêm phòng.
Họ phát hiện ra rằng người đã tiêm chủng đầy đủ ít gặp di chứng hậu Covid-19 hơn từ 54-68%, trong khoảng thời gian từ 4 đến 11 tháng kể từ khi khởi phát triệu chứng.
"Kết quả của chúng tôi cho thấy ngoài việc giảm nguy cơ mắc bệnh cấp tính, tiêm hai liều vaccine còn giúp ngăn ngừa Covid-19 kéo dài", tiến sĩ Paul Kuodi, Đại học Bar-Ilan, trưởng nhóm nghiên cứu, nói.
Kết quả này phù hợp với nghiên cứu trước đây tại Đại học Hoàng gia London, công bố trên tạp chí Lancet vào tháng 9/2021. Các chuyên gia cũng cho biết người tiêm vaccine Pfizer, Moderna và AstraZeneca ít nguy cơ gặp di chứng hơn so với những người không tiêm chủng. "Chúng tôi nhận thấy tỷ lệ di chứng trong 28 ngày hoặc lâu hơn giảm một nửa sau khi tiêm hai liều vaccine", báo cáo nêu rõ.
Nghiên cứu dựa trên dữ liệu y tế của các F0 kể từ tháng 12/2020 đến tháng 7/2021. Trong đó, hơn 6.000 ca nhiễm nCoV đột phá sau liều đầu tiên, hơn 2.300 người mắc Covid-19 sau liều thứ hai.
Dù vậy, đến nay, các nhà khoa học chưa đưa ra kết luận chắc chắn. Kết quả của các nghiên cứu cũng không đồng nhất. Ví dụ, trong báo cáo của một nhóm chuyên gia tại Đại học Oxford, tỷ lệ mắc Covid-19 kéo dài trước và sau khi tiêm chủng không có sự khác biệt rõ rệt.
Nghiên cứu thực hiện trên 9.400 bệnh nhân, tiêm vaccine Pfizer Moderna hoặc Johnson & Johnson. Các nhà khoa học cũng phát hiện ở người trên 60 tuổi nhiễm nCoV đột phá, khả năng bảo vệ của vaccine trước các di chứng gần như bằng không. Họ nhận định đây là "điều đáng lo ngại".
Hiện các chuyên gia và giới chức y tế còn nhiều tranh cãi khi nói đến Covid-19 kéo dài và tình trạng tiêm chủng. Dù vaccine làm giảm đáng kể triệu chứng nghiêm trọng, song có thể chúng không ngăn hoàn toàn các di chứng sau đó. Quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao vẫn ghi nhận nhiều ca Covid-19 kéo dài.
VNE