Bên cạnh tiêm vaccine, chấp hành nghiêm khuyến cáo của các cơ quan chức năng và biện pháp 5K, cần phải làm gì để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2?
Hỏi:
Ở thời điểm hiện tại, đại dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát tại nhiều tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn còn đó nếu chúng ta không tuân thủ những biện pháp phòng, chống dịch. Ngoài tiêm vaccine, chấp hành nghiêm khuyến cáo của các cơ quan chức năng và biện pháp 5K, cần phải làm gì để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2?
Trả lời:
Bên cạnh những biện pháp kể trên thì việc thay đổi lối sống và sinh hoạt đúng cách cũng sẽ góp phần đáng kể giảm nguy cơ lây nhiễm hoặc mắc bệnh thể nặng nếu không may bị nhiễm virus.
Đầu tiên, chúng ta cần chú ý đến sức khỏe tinh thần, cụ thể là hình thành những thói quen tốt, tránh lo lắng quá mức và dành thời gian chăm sóc bản thân, gia đình và những người chung quanh.
Về chăm sóc bản thân, trước hết phải xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng, ăn nhiều rau quả và trái cây tươi để bảo đảm năng lượng và cải thiện hệ miễn dịch. Thường xuyên bổ sung những vitamin có lợi, đặc biệt là vitamin C và D. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người thiếu vitamin D có nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp cao hơn những người khác. Hạn chế tối đa việc lạm dụng bia, rượu bởi uống nhiều chất có cồn sẽ tác động tiêu cực đến hệ miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp và các bệnh truyền nhiễm khác. Bên cạnh đó, thường xuyên vận động như đi bộ, chạy bộ và các môn thể dục sẽ cải thiện đáng kể thể lực. Chưa kể, khi tập luyện ngoài trời, tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên sẽ giúp cơ thể tổng hợp vitamin D có lợi cho sức khỏe.
Cùng với chế độ ăn uống khoa học, vận động thường xuyên cũng giúp giảm trọng lượng dư thừa, duy trì cân nặng hợp lý. Thực tế vừa qua cho thấy, những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hoặc tử vong cao do nhiễm virus SARS-CoV-2.
Cuối cùng là việc giữ thái độ sống lành mạnh, tích cực để có một tâm trí khỏe mạnh. Đại dịch vừa qua đã gây nên những sang chấn tinh thần không chỉ với bệnh nhân mà cả với các bác sĩ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, người phục vụ và người tình nguyện. Nên nhớ, sức khỏe tinh thần quan trọng không kém sức khỏe thể chất. Ăn uống đầy đủ, sinh hoạt lành mạnh, khoa học và tập thể dục đều đặn sẽ giúp bạn có sức khỏe tốt, hệ thống miễn dịch mạnh mẽ để vượt qua và chiến thắng đại dịch.
NDĐT