Vaccine Covid-19 ảnh hưởng đến sinh sản của trẻ, lăn trứng gà giúp giảm sưng, tiêm ngừa là không bị nhiễm bệnh… là những vấn đề mà nhiều người thường nhầm lẫn.
Việt Nam đang triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em 12-17 tuổi, theo tiến trình hạ dần theo độ tuổi, tình hình cung ứng vaccine và dịch bệnh tại từng địa phương. Từ khi vaccine Covid-19 được triển khai tiêm cho trẻ em, đã có nhiều thông tin lan truyền chưa chính xác khiến nhiều người băn khoăn.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC, chỉ ra 5 hiểu nhầm thường gặp nhất về việc tiêm vaccine Covid-19 ở trẻ em.
Vaccine Covid-19 ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ
BS Bạch Thị Chính cho biết, hiện nay chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy vaccine Covid-19 ảnh hưởng đến quá trình dậy thì lẫn khả năng sinh sản của trẻ (bao gồm cả nam và nữ) trong tương lai. Các loại vaccine Covid-19 được cấp phép đưa vào sử dụng đều được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kiểm định về độ an toàn và tính sinh miễn dịch tốt, được sử dụng tiêm cho trẻ ở nhiều quốc gia.
Bác sĩ Chính chia sẻ thêm, hiện nay, Việt Nam đang triển khai tiêm vaccine Covid-19 Comirnaty của Pfizer cho trẻ. Đây là vaccine sử dụng mRNA (vật liệu di truyền), mRNA chỉ xâm nhập vào tế bào chất, không đi vào nhân tế bào, do vậy không ảnh hưởng đến nhiễm sắc thể, không có nguy cơ gây ra rối loạn biến đổi gen làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ cũng bác bỏ về mặt khoa học thông tin vaccine Covid-19 có nguy cơ gây vô sinh ở trẻ.
Ảnh hưởng của vaccine đến chu kỳ kinh nguyệt
Một số người ghi nhận sự thay đổi chu kỳ kinh nguyệt sau khi tiêm vaccine Covid-19. Hầu hết những thay đổi này sau đó trở lại bình thường và các nhà nghiên cứu tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ đang nghiên cứu xem những thay đổi trên có liên quan đến vaccine Covid-19 không hay là ngẫu nhiên. Trên thực tế, chu kỳ kinh nguyệt có thể bị ảnh hưởng bởi một loạt các yếu tố như tuổi tác, thuốc men, bệnh tật, tinh thần, thay đổi chế độ ăn uống hoặc tập thể dục và nỗi lo lắng về Covid-19.
Chườm nóng, chườm đá hoặc lăn trứng gà để giảm sưng vết tiêm
Sưng tại vết tiêm là phản ứng thông thường của cơ thể cho thấy hệ miễn dịch của trẻ đang đáp ứng với vaccine. Việc chườm mát có thể áp dụng khi vết tiêm sưng tấy nhẹ. Tuy nhiên, bác sĩ Chính khuyên gia đình nên đảm bảo sử dụng nước đá được làm từ nguồn nước sạch, được bọc trong khăn sạch và chườm xung quanh vết tiêm, không di ấn trực tiếp đá lạnh lên vị trí vết tiêm. Tuyệt đối không nên bôi đắp bất cứ vật lạ nào lên vết tiêm.
Bên cạnh đó, phụ huynh có thể áp dụng một số cách đơn giản để giúp con giảm đau tại vết tiêm như:
- Sau khi tiêm, cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng theo dõi thêm 30 phút, liên tục theo dõi để đánh giá các phản ứng bất thường ở trẻ nếu có. Báo ngay cho nhân viên y tế gần nhất khi phát hiện bất thường của trẻ.
- Trẻ sốt nhẹ (dưới 38 độ), chưa cần cho uống thuốc hạ sốt mà tiếp tục theo dõi nhiệt độ và tổng trạng của bé. Nếu nhiệt độ của trẻ cao hơn, có thể xem xét dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ khó chịu, đau, hoặc trẻ có tiền căn co giật do sốt.
- Dùng khăn ấm chườm hoặc lau người cho trẻ, đặc biệt ở một số vùng như bàn tay, bàn chân, nách...
- Mặc quần áo thông thoáng, thấm hút mồ hôi, không nên đắp chăn sẽ làm thân nhiệt tăng cao hơn.
Tắm gội sau tiêm có thể hạn chế sốt
Tắm bằng nước nóng giúp cơ thể thoải mái, ngủ ngon hơn. Sau khi tiêm vaccine, trẻ thường có một vài triệu chứng phụ như mỏi cơ hay sốt làm cơ thể cảm thấy rất mệt mỏi và khó chịu, tắm bằng nước nóng giúp các cơ thư giãn, sạch sẽ, tinh thần thoải mái hơn. Tuy nhiên, khi tắm rửa, cần tránh chà xát mạnh vùng tiêm để tránh làm đau và tổn thương vùng tiêm. Trẻ cũng không nên ngâm mình quá lâu trong nước, sau khi tắm xong cần lau khô người và sấy khô tóc tránh để nhiễm lạnh nếu đang sốt.
Điều quan trọng cần làm là theo dõi sức khỏe của trẻ sau khi tiêm vaccine Covid-19. Nếu trẻ sốt nhẹ (dưới 38 độ) chưa cần cho uống thuốc hạ sốt mà tiếp tục theo dõi nhiệt độ và tổng trạng. Sử dụng nhiệt kế để theo dõi thân nhiệt của trẻ, nếu trẻ sốt trên 38,5 độ có thể sử dụng thuốc hạ sốt và nếu tình trạng này kéo dài không đáp ứng với thuốc thì nên đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm. Thiết bị nhiệt kế cần đảm bảo độ chính xác, nếu nghi ngờ độ chính xác của nhiệt kế, hãy thử đo với người xung quanh hoặc sử dụng nhiệt kế khác.
Tiêm vaccine Covid-19 có thể an tâm tới trường
"Sau khi tiêm vaccine Covid-19 đủ liều, phụ huynh có thể an tâm một phần nhưng đã tiêm vaccine vẫn có khả năng nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với nguồn lây. Ngoài vaccine Covid-19, còn có hàng chục căn bệnh nguy hiểm khác có thể tấn công trẻ. Vì vậy, tốt nhất phụ huynh cần bảo vệ trẻ khỏi những bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine, nhất là các vaccine đã được chứng minh có tác dụng tăng cường miễn dịch chéo không đặc hiệu, giảm nguy cơ mắc, biến chứng và tử vong gây ra do Covid-19", bác sĩ Bạch Thị Chính khuyến cáo.
Hiện nay, Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC có đầy đủ các vaccine, được nhập khẩu chính hãng, đáp ứng nhu cầu tiêm chủng mọi nhóm tuổi, đặc biệt là vaccine được khuyến cáo cần tiêm cho trẻ tuổi vị thành niên trong thời điểm hiện nay như vaccine phòng các bệnh do phế cầu khuẩn, cúm, bạch hầu - ho gà - uốn ván, sởi - quai bị - rubella, vaccine thủy đậu, vaccine phòng ung thư cổ tử cung và các bệnh lây truyền qua đường sinh dục gây ra do virus HPV, vaccine phòng viêm gan A,B...
Sau khi tiêm chủng vaccine đầy đủ, trẻ vẫn nên tuân thủ 5K và đảm bảo vệ sinh hàng ngày.
VNE