Sống mãi như những cây trắc bách hương - Trường La Salle

Angelita ngồi thoải mái trên một chiếc ghế gỗ tiện theo kiểu đồ gỗ đẹp thời thượng, có dáng thân ghế thót dần, không đối xứng nhưng vững chắc.

Làn tóc đen dày và mượt mà, làm nổi bật khuôn mặt trái xoan và đôi mắt biểu cảm của cô gái nhỏ, trông rất giống một cô búp bê bằng sứ bởi làn da trắng mịn như nhung. Thái độ, cử chỉ của cô đứng đắn, thân mật dễ gần, và những cuộc chuyện trò thật rõ ràng và chân thực, làm rung động lòng người. Cô bé tự nhận mình là một người hay sợ hãi, nhưng trong con người cô, có một cái gì đó báo cho ta biết, cô có một quyết tâm sắt đá để vượt qua sợ hãi nếu trong đời có lần nào không thể tránh được nó. Cô mặc chiếc áo khoác màu xám, váy chun phồng, tất dài đến đầu gối, có vẻ khắc khổ của bộ đồng phục học sinh.

Cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro phát biểu tại Quốc hội ở La Habana ngày 7/8/2010.  Ảnh: tuoitre.vn

Fidel đứng bên cạnh chị, trong bộ quần áo lính thủy rộng thùng thình, nhưng lại ngắn, làm tăng thêm độ dài của tay chân và vẻ mặt của cậu bé. Cậu đặt một cánh tay trên lưng ghế, còn tay kia tì vào dây lưng da thắt ngang lưng. Đôi mắt cậu sáng long lanh và cậu mỉm cười với một thái độ từ tốn. Chị cậu là một điểm tựa, một tấm lòng hiền hậu, lớn hơn em ba tuổi, cô cảm thấy mình có trách nhiệm đối với cậu em, một vài lần đòi hỏi cậu phải có thái độ tốt hơn, và các lần khác, chia sẻ những trò tinh nghịch trẻ con của lứa tuổi cùng cậu, chứ không nghiêm khắc chấn chỉnh như người lớn. Lần thứ nhất đến ở Santiago, cậu đã chụp tấm ảnh trong một hiệu ảnh ở thành phố Oriente.

Trong gia đình Feliú, hoàn cảnh đã thay đổi đáng kể. Belén và Luis Hibbert đã thành hôn, vì lẽ đó, viên lãnh sự của Haiti cũng có chút uy quyền ảnh hưởng, làm hạn chế quyền làm chủ của Eufrasia. Cô giáo đã không thể áp đặt mệnh lệnh của mình đối với cô chị gái Belén như trước nữa.

Angelita được ban thêm một phép lành nữa là không phải băng qua thành phố mới tới được trường Spencer, vì đã ghi tên vào học lớp của Belén, gần nhà. Như vậy, cô không còn phải hết hơi cuốc bộ dưới nắng gắt những buổi trưa. Cô có thể đi và về một cách yên tĩnh, như thể bước dạo chơi phố, thỉnh thoảng dừng lại, ngắm nhìn các cửa hàng... Ramón vẫn ở lại Birán. Mãi sau, Ramón cũng quay lại Santiago, để học tập tại trường La Salle.

Gia đình Feliú bấy giờ sống trong một ngôi nhà bên cạnh nhà cũ và đi vào theo lối cầu thang trong sân sau. Ngôi nhà mới đến ở này không còn mưa dột nữa, nhưng vẫn còn những điều bất tiện, nhất là vào ban đêm; Fidel ngủ trên một cái giường mây. Ngôi nhà nằm trong một ngõ nhỏ, gần đường lớn, và ở Santiago vẫn còn bị rung chuyển vào lúc trời tối. Người ta không hiểu tại sao vẫn có những tiếng nổ trong đêm, nhưng ai cũng muốn có được sự yên tĩnh để ngủ yên trong những ngôi nhà đằng sau, xa cái tiếng động khi ngói rơi xuống mái, xuống tường. Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu vẫn yên tĩnh. Bây giờ những lực lượng của dân chúng đã không còn chiếm đóng nơi ấy nữa.

Mùa Đông, vào độ cuối năm, bọn trẻ con vẫn tiếp tục phấn khởi đón những ông già Noel đến, chúng viết cho ông bức thư xin quà, và thật nhiều đồ chơi, chất đầy vào kho và làm cho chúng thỏa thích với những trò chơi mà chúng nghĩ ra. Đến rạng sáng, nhất là đối với Fidel, ảo tưởng đã biến thành sự thất vọng: đến lần thứ hai, những ông Vua Mago đó đã mang đến cho cậu bé một chiếc kèn coócnê, thích hợp với những lễ hội hóa trang hơn là trong buổi hoà nhạc, nhưng mà dùng để làm gì được nữa, đối với một cậu bé chưa bao giờ ghi nó vào danh sách những món đồ chơi xin ông già Noel, vì chẳng bao giờ có đôi tai biết thưởng thức những giai điệu hay, và càng chẳng có một tí chút thiên hướng về âm nhạc. Chiếc coócnê lần trước hoàn toàn bằng giấy, còn chiếc coócnê lần này, người ta mang tặng cậu bé bằng kim khí và cáctông.

Sau khi từ Birán trở lại, mấy anh em cảm thấy nhẹ mình, bởi tất cả những sự thay đổi thuận lợi cho hoàn cảnh của họ, vì bây giờ, đã không phải chịu thiếu thốn như lần trước. Tuy nhiên, cũng còn những điều không thay đổi: lần này, Fidel vẫn không có sách và học ở một trường nào cả. Tất cả việc học tập của cậu bé chỉ gồm viết những bài chính tả ngắn gọn và ôn lại những bản cửu chương. Cậu thật sự khó chịu vì đã học tập rất tiến bộ tại trường làng ở Birán, nơi đây, mới 4 hoặc 5 tuổi cậu đã biết đọc, biết viết. Những buổi sáng trôi đi còn ít nhiều phấn chấn, nhưng đến buổi trưa thì thật không chịu nổi, chẳng có việc gì mà làm, một sự chán chường thực sự đối với bản chất hăng say học tập, siêng năng, mơ mộng và năng động của Fidel.

Sau khi Machado sụp đổ và xảy ra cuộc đảo chính quân sự ngày 4/9, những ngày đầu là một hành động tích cực nhưng sau đó, dưới sự bảo trợ của viên đội Fulgencio Batista và thế lực của Mỹ, thì thực sự là một cơn ác mộng, vì nó mở đầu một thời kỳ đàn áp lan tràn, không thể ngăn cản được, với những cơn gió xoáy đã gây xáo động, dẫn đến cuộc cách mạng năm 1933, đưa tiến sĩ Ramón Grau San Martín lên làm Tổng thống. Chính phủ đó chỉ tồn tại được từ năm 1933 đến tháng Giêng 1934, vì đã thông qua luật quốc hữu hóa lao động, một yêu cầu của giai cấp công nhân Cuba, được nhắc lại trong Quốc hội và Hội nghị Công đoàn, từ những năm đầu của thế kỷ XX. Những người ở vùng biển Antillas nhập cư đang trong lúc vô vọng, chấp nhận cái giá của chính sự bất hạnh của mình, những việc làm với tiền thù lao tồi tệ, làm như vậy, đã đẩy những người lao động Cuba phải chuyển đi nơi khác, đồng lương bị hạ thấp và làm tan vỡ mọi hy vọng của những nông dân Cuba ước mong có được cuộc sống khá hơn. Những công nhân chặt mía người Haiti lại bị rơi vào quyền định đoạt của những nhà địa chủ và nghiệp chủ một cách bất công.

Tới lúc đó, thực tế quốc gia đã tích tụ những bất bình đẳng và từ những năm 1920, đã thấy rõ ràng sự thống trị hoàn toàn của Mỹ, trong đó, tình hình sở hữu ruộng đất là một ví dụ nổi bật nhất, một điều đã được công nhận trong những đoạn văn nghiên cứu của Leland H. Jenks, với những tư liệu từ thời dường như đã xa xưa. Jenks lại bổ sung thêm là vẫn ông Van Horne đã xây dựng dài thêm đường sắt từ Santa Clara đến tận những vùng đất chưa khai thác của Oriente, trong thời kỳ mà gia đình Lina Ruz, đi từ Pinar del Río tới Tana thuộc Camaguey, tại đó, những nhà thầu đã hứa hẹn giao việc làm, để trồng mía cho những công ty sản xuất đường của Mỹ. Jenks viết trong những ghi chép của mình vào năm 1906:

(...) Ngài William Van Horn hầu như đã chiếm được chủ quyền của các tỉnh Camaguey và Oriente

(...) Chỉ riêng ở trong tỉnh Camaguey, đã có 7.000 chủ sở hữu người Mỹ. Bảy phần tám ruộng đất giáp ranh với Sancti Spíritus đều là của Mỹ (...)

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trò chuyện cùng lãnh tụ Fidel Castro trong cuộc gặp tại Havana, Cuba vào tháng 9/2016.  Ảnh: vietnamnet.vn

Ngay cả những người Mỹ, sau khi tính toán lại, thấy không thỏa đáng, đã đổ tội về sự không may cho những công nhân chặt mía người vùng biển Antillas, đuổi họ xuống tàu, trục xuất họ ra khỏi hải cảng Santiago de Cuba, vì Công ty Nipe Bay trước kia đã đề xướng việc đưa người Haiti vào Cuba, qua yêu cầu của người đại diện của họ là Florentino Rosell, vào năm 1913, theo đó, chính phủ của Tổng thống José Miguel Gómez đã cho phép họ nhập cư một cách vội vàng quá đáng "vì cho rằng những lý do mà các doanh nghiệp viện dẫn là đáng chú ý".

Các em bé lúc ấy chẳng hiểu biết gì về những chuyện chính trị và kinh tế, chúng chỉ cảm thấy phiền phức vì những con người ấy đã nuôi sống cả đám đông buộc phải ra đi vĩnh viễn. Một số người yên lặng lẩm nhẩm tỏ sự bất bình của mình, ngẩng cao đầu, đôi bàn tay nắm chặt. Một số khác bước chậm, đôi vai rũ xuống, cúi đầu như thể bây giờ chẳng có gì quan trọng nữa. Các cô bé, cậu bé lo lắng nghĩ có lẽ người ta sẽ làm như vậy đối với người Haiti trong điền trang của gia đình... Con tàu với hai ống khói bập bềnh trôi chậm trên mặt nước vùng vịnh, gây cho bọn trẻ một cảm giác nặng nề. Cùng với Luis Alcides Hibbert, họ từ biệt con tàu La Salle ở cuối Đại lộ Hải cảng.

Belén và Luis Hibbert kết hôn đã làm thay đổi kiểu cách và tập quán của gia đình. Bếp núc và món ăn đã sắp xếp theo kiểu Pháp. Với Fidel, cậu bị buộc phải ăn rau, vì gia đình không có thói quen ăn củ cải đường và càrốt. Ở Birán, gia đình thường ăn đậu mỏ, cơm tẻ hoặc cơm gà, thịt bò, lợn, sắn, khoai, chuối và không bao giờ thiếu trái cây trên bàn ăn, cùng món tráng miệng và tách càphê. Sau đó, ông Ángel ngồi nghỉ dưới bóng mát ở ngoài cửa lớn hoặc ở trong phòng làm việc nhỏ, khoan khoái hút một điếu xìgà và nhả khói ra, loại xìgà đóng trong những hộp thơm mùi gỗ trắc bách hương. Cậu con trai nhớ lại từng chi tiết nghi thức ấy, trong khi ngồi chờ bữa trưa bên bàn ăn trong nhà của Belén. Ông Ángel nắn điếu xìgà để biết nó có đủ độ ẩm thích hợp không, sau đó, ông nghe những điếu xìgà, cậu bé thấy như thế, bởi vì ông già để nó gần tai mình, trước khi quyết định lấy một điếu trong số những điếu thuốc thích thú để hút. Trước khi châm lửa đốt xìgà, ông lại ngửi điếu thuốc để biết chắc chắn mùi hương cây trắc bách, thứ gỗ dùng làm hộp đựng xìgà đã ngấm vào điếu thuốc đến độ nào...

Ngày mà Fidel gợi nhớ lại ấy, bên bàn ăn bữa trưa, người ta chuyện trò xung quanh việc học hành và báo cho Fidel biết đã đăng ký cho cậu vào học tại một trường học do các giáo sĩ dạy, một tin mà cậu thấy vui mừng và không khỏi có một chút lo âu.

Đầu năm 1935, Fidel ghi tên vào học học kỳ hai của lớp 1, tại trường của các thầy dòng La Salle, lúc đó cậu 8 tuổi.

Trường học, chỉ cách nhà sáu góc phố, thực hiện thời khóa biểu một cách tỉ mỉ. Buổi sáng, Fidel đến lớp học, buổi trưa về nhà ăn trưa, sau đó, quay lại lớp để học buổi chiều. Tại trường, họ dạy Fidel về giáo lý Cơ đốc, một vài đoạn Thánh sử và cuộc đời của Thánh San Bautista de La Salle, người sáng lập Viện Thầy dòng Đạo Kitô. Theo như lịch sử đã viết, La Salle được phong làm Giám mục năm 1678, đã từ chối không nhận bổng lộc của Giám mục và phân phối của cải của mình cho những người nghèo. Đức Giáo hoàng León XIII đã phong Thánh cho Giám mục vào năm 1900.

Không chỉ ở Santiago, nơi sinh sống của nhiều bạn hữu mới và có thêm nhiều kinh nghiệm thú vị, mà còn có nhiều lý do để vui mừng, ở Birán, mọi người đang đón chờ một cuộc sinh nở nữa vào ngày 2 tháng Giêng 1935, vào lúc 5 giờ sáng, cùng lúc mặt trời vừa lóe sáng, sương rừng dày đặc và lạnh ngắt, đọng thành từng giọt từ lá cây và hoa dại rơi xuống mái lá cọ những căn lều của nông dân. (Emma Concepción, cô bé mới ra đời vào lúc 5 giờ sáng khi bình minh hé mở). Cô bé rất đẹp, vẻ mặt hiền lành của cô đã lôi cuốn sự chú ý của cha mẹ và tất cả gia đình.

Vào tháng Giêng đó, Fidel và Angelita lại mơ ước đến những quà tặng của những ông già ảo thuật như: Melchor, Gaspar và Baltazar. Những cô, cậu bé làm tất cả mọi việc có thể để làm vui lòng các vị ảo thuật đó. Fidel lại nhận được, lần thứ ba này, một cây kèn coócnê. Món đồ chơi ấy, dù lần này làm toàn bằng đồng, cũng không quyến rũ được cậu bé, có lẽ cậu muốn nhận được món quà khác đáng mong đợi hơn, chẳng hạn một quả bóng chày, một vài chiếc găng da hoặc một cái gậy để đánh bóng chày, hoặc một thanh kiếm hay một bộ quần áo của võ sĩ đấu bò.

Trong buổi lễ rửa tội tại Nhà thờ của thành phố và địa phận Tổng Giám mục ở Santiago de Cuba, ngày 19 tháng Giêng 1935, hai vợ chồng mới cưới Emerenciana, Belén, Feliú Ruiz và Luis Alcides Hibbert, họ vứt đi của Fidel, luôn một lúc, dấu vết Do Thái mà họ coi như một con chim báo điềm dữ, vì không được rửa tội "như Chúa đã truyền phán", phải chờ đợi ngài Fidel Pino Santos oai vệ và một buổi lễ không bao giờ tổ chức. Trong lễ rửa tội, thấy ghi tên là Fidel Hipólito Ruz González.

Trong lúc nghe bản nhạc thiêng liêng của nhà thờ, với bộ quần áo trắng, một chút lãnh đạm và ngơ ngác trên khuôn mặt, cậu nhận lễ ban thánh thể đầu tiên, nửa năm sau, ngày 2 tháng Sáu, trước kỳ nghỉ hè không lâu, sự vui mừng lớn nhất mà tới lúc đó cậu mới cảm nhận được.

Về chiếc ôtô cà tàng mà Lina đã lái trong những năm 1920, bây giờ không còn ai nhớ đến nữa và trong điền trang, mọi công việc chuyên chở đều bằng xe ngựa kéo, trên những con đường bụi mù mịt và trở nên lầy lội bùn đất bởi những cơn mưa đến từ phương bắc hoặc phương nam, hoặc từ những rừng rậm, rừng cam.

Hàng hóa được chở bằng những chiếc xe bò kéo từ Birán đi và về tới ga xe lửa, cách đó 4 km, hoặc đến trạm đường sắt chở mía của Nhà máy đường Miranda, cách nhà 1 km, tại đấy, có một toa xe nhỏ để cho gia đình dùng khi cần phải đi tới Santiago de Cuba và trở về qua những cánh đồng mía bát ngát, dưới bầu trời xanh lấp lánh.

Trong ngôi nhà lớn của điền trang không như ở Santiago, nơi mà từ năm 1907, ánh sáng điện đã chiếu sáng rực mọi con đường và căn nhà u tối. Tại Birán, hiện giờ vẫn còn dùng đèn dầu hỏa và nến. Tốt nhất là soi mình vào trong gương lúc rạng đông, khi mọi bóng tối đã tan đi và những gương, kính đều rực sáng chói lọi cùng ánh sáng mặt trời.

Trong một lần quan sát như vậy, Lina đã tự khám phá, thấy mình mặc bộ áo thắt eo và váy dài, một đôi giày gót cao, mũi nhọn, tất trắng và mũ hẹp vành. Toàn bộ y phục đó làm nổi bật cái vẻ mảnh khảnh của những năm tháng thanh niên, nhưng cũng đã có vài nếp nhăn ở hai bên mép và ở đuôi mắt vẻ Trung Hoa sống động. Ángel biết những sự thay đổi ở bụng và hai bầu vú của vợ khi sắp có thai, nhưng vào thời gian này, khuôn mặt xinh xắn hầu như vẫn thế, y như ngày hai người yêu nhau lần đầu. Ông đi đến đằng sau bà và hai người đối mặt nhìn nhau.

Lina ngắm nghía chồng đến từng chi tiết trong tấm gương to. Ángel Castro mặc áo vét len mỏng, kẻ ô vuông, khuy cài chéo, quần màu sáng, đi ủng, cưỡi ngựa. Vừa tròn 60 tuổi, vẫn còn đầy sức sống, niềm say mê tha thiết và những tình cảm yếu đuối.

Thỉnh thoảng, Lina không giữ được bình tĩnh, đã nguyền rủa cái hình ảnh gà trống đẹp mã và những ham muốn đối chọi nhau. Bực mình, Lina cãi nhau với ông về việc ông về nhà rất muộn và chuẩn bị trả thù ông một cách rất trẻ con, khi ông về muộn, vì đã đi đến nơi nào đó, với những mối tình chốc lát, thoáng qua. Tuy nhiên, Ángel bao giờ cũng quay trở về nơi êm ấm trong lòng vợ và sự rắn rỏi của bản thân, đã khiến cho ông thấy rất cần thiết phải sống trong sự yêu thương nhau cho đến tận cùng.

Lãnh tụ Fidel Castro bắt tay Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhân chuyến thăm đến Cuba vào ngày 19/9/2016.  Ảnh: vietnamnet.vn

Buổi chiều hôm ấy, Ángel đi đến xưởng của Pinares de Mayarí để giám sát việc đốn gỗ vào cuối tuần trăng, cách thức để chống mối mọt về sau. Mặc dầu không bỏ những đồn điền mía để không đỡ làm tròn giao ước đã cam kết với nhà máy đường Miranda, việc khai thác gỗ đã mang lại cho ông đến 300 pêsô một ngày, một nguồn thu nhập quan trọng trong tình trạng kinh tế đầu tư thua lỗ, nợ nần của mình.

Cả hai cha con Ángel và Fidel, cậu bé có thiên hướng tìm tòi thám hiểm trong kỳ nghỉ hè ở nhà, cùng đi. Bên ánh sáng của những bó đuốc trong căn lán của những công nhân nghề rừng, Ángel kể những câu chuyện về chiến tranh và những cuộc du hành của mình trên Đại Tây Dương, trong các mỏ và những năm ông làm thầu khoán trong Công ty Liên hợp Trái cây. Ông không nghĩ như vậy, nhưng trong những cuộc du ngoạn rất xa nhà, ông tỏ ra một người khéo nói chuyện và hùng biện hơn. Fidel nhận thấy sự thay đổi tính cách ấy và cho là vì nỗi nhớ quê hương, bởi vì ông già trước kia là con người ít nói chuyện, và vẫn lưu giữ quá khứ như nơi ẩn náu của một nhà tu khổ hạnh. Cánh rừng vang tiếng lốp đốp và tiếng đổ ầm ầm của những cây có nhựa thơm, như cây dái ngựa, cây jucaro, cây cuyá, cây trắc bách hương, cây cuabas, những cây cho bóng mát khi người ta bước đi theo những vạt rừng hầu như bất tận, hoặc có lẽ như sự tĩnh lặng và yên ổn ở dọc đường, đã biến cái tài dí dỏm trang nghiêm của ông thành một dòng thác những lời thú nhận tâm tình và những giai thoại, trong lúc cậu con trai được thỏa thích nghe cha kể chuyện và được trông thấy ông có vẻ hài lòng. Trời rét, nên khi nói, hơi thở của Ángel ở trong bóng tối trở thành một ngọn gió nồm yếu ớt.

Tháng 9/1935, Ramón và Fidel lại tụ họp với nhau và bắt đầu cùng vào học lớp mới trong trường La Salle. Fidel học lớp 2, vừa tròn 9 tuổi và phải trở về nhà của gia đình Feliú mỗi buổi chiều. Hai người đỡ đầu cho các cậu, Belén và Hibbert, rất chặt chẽ, thường mắng cậu bé và dọa sẽ đưa cậu vào học nội trú trong trường.

Sau những tháng nghỉ hè, thật rất khó khăn để thích nghi với cái cảnh nhớ cha mẹ ở xa, không được tự do và cảm thấy mình cô đơn. Cậu bé quyết định thay đổi cuộc sống và nổi loạn, để có thể hoàn thành được cái chuyện dọa dẫm: cho cậu vào học nội trú, như thế sẽ được nhiệt tình tiếp nhận hơn và vui thích hơn, tránh được những bài thuyết giáo, những lời mắng mỏ, nguyền rủa nhắc đi nhắc lại.

Một hôm, vào những ngày cuối năm 1935, lần đầu tiên trong đời, cậu không chấp hành mọi mệnh lệnh, mọi quy định, mọi cấm đoán và lặng lẽ sắp xếp một cách có ý thức như là một sự đại nổi loạn đến mức thực sự không mong gì hơn nữa, người ta đã phải đưa cậu vào học nội trú trong trường La Salle.

Đối với cậu bé, đó là một biến đổi tốt và triệt để. Từ đó, không bao giờ cậu quay lại nhìn đường phố Santa Rita, và không hận thù gì khi nghĩ lại quá khứ một cách độ lượng đối với những con người đã làm cậu khổ sở. Cậu dự định để tất cả mọi sự ở lại phía sau, tuy nhiên, cậu không đạt được tất cả như ý muốn, dù đã ở xa, bởi vì những kinh nghiệm sống ở đấy đã như những vết thương vẫn tồn tại mãi mãi như một kỷ niệm đắng cay. Trong trường La Salle, cậu được chơi ở sân trường với những bạn cùng lứa tuổi những trò chơi, chạy nhảy, trốn tìm trong những giờ chơi. Không gian mở rộng tốt lành và hội bạn cùng trang lứa thật tuyệt vời đã làm cho cậu rất sung sướng, cậu cảm thấy vui mừng khiến cậu cảm thấy được sự yên tĩnh và giấc ngủ say ban đêm.

Những ngày thứ Năm và Chủ nhật, chiếc thuyền El Ceteto hướng mũi từ phía bến cảng La Alamada lao về mé bán đảo Renté, tại đó, những thầy dòng của trường có một nhà nghỉ, có sân chơi thể thao ngay bờ biển. Con thuyền bơi đi chầm chậm về phía vịnh, đi chậm độ 20 hoặc 30 phút đến bến cảng có bãi biển đầy những trai ốc nhiều màu sắc, những thân cây panma lá bạc và những bí mật của những chiếc tàu bị đắm. Fidel đã đi tới đấy để hít thở hương vị của biển vào tận hai buồng phổi và tận cùng ký ức. Cậu cảm thấy tất cả sự sung sướng của thế giới trong cuộc sống tự do ấy, nào là câu cá, bơi lội, đi bộ, chơi cờ và khảo sát vô biên.

Thời gian ấy trôi qua như bay và những ngày nghỉ Tuần lễ Thánh đã đến, một dịp tốt để trở về điền trang và lại được trông thấy bố mẹ và những đứa em bé nhất: Raúl, Juana và Emmita.

Tại nông thôn, vẫn giữ một tục lệ thống nhất cứng nhắc và buồn bã về cái chết chính xác của Đức Chúa vào ngày thứ Sáu Thánh nạn, vì vậy, không thể nào vui vẻ, nói cười đùa bỡn, cao giọng. Những ngày đó là ngày lễ xức dầu Thánh, bà Dominga và Lina cầu nguyện rất sùng kính trước bàn thờ.

Bà Dominga vẫn là người đẹp thanh khiết, cả về thể xác lẫn tâm hồn, "nghèo nhưng trong sạch, nghèo nhưng chân chính", người ta nghe nhắc lại nhiều lần như một luật lệ không thể chối bỏ. Cả bà cũng như Pancho, đều sống với sự trong sạch, đoan trang và niềm tự hào không cần phô trương, để truyền lại cho hậu duệ và nhận được sự kính trọng của những người đánh giá cao phẩm giá và danh dự của mình, trên tất cả mọi thứ.

Lina và cả Angel Castro đều biết rõ những điều ấy, cho nên khi hai người quyết định giúp đỡ ai một chút gì, thì họ đều làm một cách kín đáo, không phương hại đến sự trung thực và tư cách đáng kính của ông bà già, để khỏi tổn thương đến sự chu đáo của hai người.

Ngày thứ Bảy vinh quang đến như một sự bù đắp cho những nỗi buồn rầu và sự dối trá đã qua. Đức cha từ rất xa đến để làm lễ rửa tội cho nhiều người, còn Ángel thì nhận đỡ đầu cho một đám đông trẻ nhỏ.

Fidel rất hài lòng về những ngày lễ ấy, không chỉ vì được gặp cha mẹ, gia đình mà còn vì thời gian ở lại điền trang đã rút ngắn bớt thời gian để tới được kỳ nghỉ hè.

Bắt đầu từ tháng 9/1936, Fidel được học lớp 3 và tỏ ra rất ham thích môn lịch sử thần kỳ của nhân dân Do Thái cùng với những truyền thuyết, thần thoại. Cậu bé bị thu hút vào những bức tranh kể về những sự kiện xảy ra ở thời kỳ ấy.

Thánh sử đã làm mê hồn cậu bởi những ký sự chiến đấu, chiến tranh với sự giải thích về những nguồn gốc của loài người, về cuộc sống, thế giới, con người, nạn hồng thủy, về chiếc hòm của Noé, lịch sử Moisés và những bức tranh về luật vẽ một cách thần diệu. Mới 10 tuổi, cậu bé đã bị cuốn hút vào những câu chuyện trong tranh đó, nhưng cũng không lơ đãng với môn địa lý, thực vật học và những môn khoa học tự nhiên khác. Trong danh sách những môn ưa thích, cậu đã đặt môn ngữ pháp vào cuối bảng, một môn học phức tạp và nặng nề đầy những quy tắc võ đoán mà cậu phải tuân theo một cách nhiệt tình và tự giác tất cả những bài học.

Về môn toán, không có gì cậu phải lo lắng, và đã thành người nổi trội trong môn vẽ hình học, nhưng thiếu khả năng vẽ những cảnh vật hoặc chân dung con người. Cậu cảm thấy rất thích thú trong những giờ học tập hoặc ăn trưa và ăn tối; hoặc khi mọi người đều được nghe những bài tập đọc. Cậu là một trong số những người đọc, đặc biệt những bài nói chuyện về tôn giáo, những câu chuyện về các vị thánh và những bậc tử vì đạo. Việc tập dượt mà cậu bé rất thích thú ấy không ngờ đã để lại dấu ấn sâu sắc trong cảm nhận văn học và trong những hiểu biết của cậu, cho đến cả cái thiên tư hùng biện bởi cái cách nhấn mạnh, và lên giọng những suy nghĩ nói ra thành lời của mình.

Cậu cho rằng những lời cầu kinh là một hình phạt thực sự. Cậu thiếu cái thiên hướng để chịu đựng những buổi lễ misa và nhiều lễ khác đáng ghét và kéo dài lê thê. Họ cầu nguyện Ave Maria và Đức Chúa tôi 50 lần và cuối cùng người ta cũng chẳng hiểu được điều mà họ đã học thuộc lòng. Những lời nói cứ mòn đi, mất hết ý nghĩa, để rồi biến thành những câu hoàn toàn khó hiểu và trống rỗng, trong khi chỉ một câu suy nghĩ kỹ, được nói ra chậm chạp, rõ ràng, đi vào lòng người sẽ có giá trị hơn rất nhiều.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch Fidel Castro tham dự cuộc mít tinh được tổ chức tại Trường Đại học Tin học với sự tham gia của 5.000 sinh viên Cuba ngày 8/3/2004. Ảnh: TTXVN

Mặt khác, ở trong lớp học, trí tưởng tượng của cậu bay đến tận những trận đánh, những cuộc du ngoạn khảo sát biển, những trận đấu bóng chày hoặc bóng rổ, và cả những cuộc tình có thể có, hoặc không với tới được.

Đến kỳ nghỉ lễ Noel, các cô cậu không được về nhà vì lúc đó, dịch bệnh thương hàn đang hoành hành ở Birán, nên cha mẹ nghĩ tốt nhất là các con phải ở lại trường để tránh nguy hiểm.

Vào ngày của các ông Vua, bọn trẻ cũng có được quà mừng đồ chơi ở hiệu Ten - Cents và tất cả đều tin rằng những học sinh lớn tuổi sẽ là những người chuẩn bị những trò bất ngờ, sau khi nghe đọc những bức thư, trong đó những học sinh nhỏ đều cầu xin thần thánh thực hiện những ước mong của chúng. Cái ảo ảnh ấy tan đi, chỉ còn lại một điều cay đắng làm cho chúng tỉnh ngộ, chỉ làm mất đi tính chất thơ ngây đầu tiên của thời thơ ấu.

Trong thời kỳ đó, mấy cậu bé mua bóng, chày và găng..., nhưng cuối cùng, một nỗi chán ngán lạ lùng đã đè nặng lên cả khung cảnh rộng thênh thang của ngôi trường. Sống trong cái cảnh ấy, mấy cậu, cô bé chỉ mong muốn thời gian trôi qua nhanh và mơ ước có thể được nghỉ những ngày trong Tuần lễ Thánh, khi đó, chúng sẽ được trở về Birán.

Antonia García bước đi những bước chậm chạp từ nơi này đến nơi kia. Đầu tiên, bác pha cà phê, sau đó mang đến cho Fidel một tách đầy, bốc khói thơm lừng. Tiếp đó, đun sữa, múc nước, đãi vỏ những hạt đậu mỏ đã ngâm từ đêm trước, và gọt khoai để luộc. Sáng nào Fidel cũng ngồi trên một chiếc ghế đẩu trong góc bếp.

Cậu bắt đầu đọc những tiêu đề các bài báo và cất cao giọng khi có những bản tin nói về chiến tranh.

- Hãy đọc từ từ, cậu bé, để xem ta có thể hiểu được chút nào - García đề nghị, cốt để nhận được lời giải thích, chứ không phải muốn làm giảm tốc độ đọc của cậu chủ.

Bác già García kéo lê một bên chân trong lúc bước đi, vì bệnh thấp khớp nặng. Bây giờ bác đã không thể cưỡi ngựa và cũng chẳng thể làm được công việc chặn đàn bò, ngựa của mình. Mọi khớp xương đều sưng tấy, nếu cố gắng nhảy lên mình ngựa, thì đau đớn không thể nào chịu nổi. Lúc đó, bác cảm thấy những khớp xương như tan dần thành bột.

Fidel nhớ lại từ khi García có mặt trong không gian của căn nhà bếp, có lẽ đó là nơi ấm cúng nhất của ngôi nhà, tại đó, ngửi thấy mùi cà phê, mùi kinh giới, mùi quế, tiếng than nổ lép bép, nơi làm mát lạnh nước bằng tủ lạnh, nơi mọi người trong nhà cảm thấy muốn chuyện trò, muốn ngồi nghỉ. Đó là một căn nhà ấm áp và cậu thiếu niên ngồi tại đó hàng giờ, cao giọng đọc cho bác bếp nghe những tin tức đến từ Tây Ban Nha và đã tiên đoán được cuộc nội chiến sẽ xảy ra.

Những tờ báo mà ở Birán nhận được tất cả đều là những tờ của phái trung hữu. Tờ Nhật báo Hải quân, chiến sĩ hung dữ của phe đối lập theo chủ nghĩa Franco, thông báo về sự bất hạnh và những thất bại trong phe Cộng hòa, và cậu thiếu niên đọc báo an ủi bác già García, nói rõ cho bác biết là những trận đánh không phải đã tồi đến thế. Những tờ báo Thế giới, Thông tin và Đất nước đến từ La Habana và may mắn sao, những tin tức đăng trên những tờ này đều tỏ ra khách quan hơn. Người ta chỉ nhận được tờ Nhật báo Cuba từ Santiago de Cuba mang đến.

Bác già García không biết chữ nhưng bằng trực giác cũng cảm nhận được đúng ý nghĩa của bài báo như thể một người đã từng sống và đau khổ nhiều. Bác được thừa nhận là một người chống chủ nghĩa quân phiệt. Bác không muốn nghe nói đến một ông cố đạo, bởi từ lâu đã có sự liên kết giữa giới giáo sĩ với những địa chủ ở Tây Ban Nha. Bác nguyền rủa Đức Chúa và tất cả những vị Thánh trên trời, nhưng bác chỉ nói khẽ thôi, để cho Lina không nghe thấy những câu nguyền rủa chống giáo quyền đó của bác.

Ángel Castro khẳng định García là cộng sản. Theo ông, tất cả những người trong phái Cộng hòa đều là cộng sản. Nước Cộng hòa đã thúc đẩy cải cách ruộng đất, và điều ấy là dấu hiệu cơ bản để ông Ángel xác định thái độ của mình. Ông chủ điền trang là một người có lòng tốt, có tinh thần độ lượng, hào hiệp, đồng thời cũng là người có những tư tưởng chính trị bảo thủ. Ông không thích công đoàn, theo ông, họ chỉ gây ra lộn xộn, mất trật tự.

Những người cộng sản đầu tiên mà Fidel biết là những người Tây Ban Nha, theo như những lời giải thích ngây ngô của bố. Trong nhóm ấy, có mặt ông nhân viên điện báo Varelo, Nono Cid, César Alvarez và García. Ángel cho những người đó là cộng sản, dù rằng họ không phải như thế và chính họ cũng không hiểu rõ cộng sản nghĩa là gì. Dù có gốc rễ là nông dân nghèo khổ, Ángel vẫn bảo vệ địa vị và quyền lợi của những ông chủ đất đai, chỉ vì ông nắm quyền hành kiểu tộc trưởng, đáng kính trọng và có nhiều ân đức.

Những người Tây Ban Nha trong điền trang phân chia thành những người theo phái Franco và những người đồng minh với nước Cộng hòa, nhưng đây chỉ là một sự mâu thuẫn bạn bè bởi sự đánh giá có tính chất quen thuộc mà họ cảm thấy. Trong những ván bài đôminô, họ tranh cãi và tinh thần căng thẳng, tuy nhiên, chỉ giây lát sau, tất cả những điều đó đều tan biến hết, không còn một chút dấu vết gì về sự đối kháng, bất đồng.

Cậu bé Fidel có cảm tình với sự nghiệp mà bác García theo đuổi, có lẽ vì trong cậu đã nảy sinh một tình cảm cao quý đối với bác bếp già. Đôi khi cậu dành ra hàng giờ đọc những bản tin mà báo chí đã nêu lên. Cả hai cùng theo dõi những sự kiện nổi bật bởi những hàng tít và cứ tiếp tục như vậy, mỗi lần Fidel trở về nghỉ hè hoặc nghỉ lễ ở Birán. Trong dịp Tuần lễ Thánh năm 1936, bác bếp già sốt ruột chờ đợi những buổi đọc báo, đau khổ trước mọi sự xảy ra và tỏ ra rất quan tâm đến những sự kiện tại Tây Ban Nha. Trong khi người ta nói về thói xấu của bác, bác vẫn hàng giờ ngồi nghỉ và chỉ nhắm mắt ngẫm nghĩ, trầm tư, rồi bước đi, bước lại trong căn nhà bếp.

Vào thời kỳ ấy, García đã sống ở bên cạnh ngôi nhà lớn, trong một căn phòng trước kia dùng làm kho chứa ngô, đỗ và sau đó, sửa chữa lại thành căn nhà ở của bác bếp.

Khi bác ốm, Lina là người thầy thuốc chữa cho bác. Một trong số những người làm ở điền trang nhận xét: "có những người đến ngay đối với cha mẹ mình cũng chẳng được như thế, nhưng Lina ngày nào cũng mang thuốc chữa bệnh và cơm nước mà bác cần đến, mặc dù bác vẫn lầm bầm nguyền rủa Chúa".

Kể từ cuối năm 1935, bắt đầu vào học tập trung trong trường La Salle, Ramón, Fidel, Raúl và Cristobal Boris, một cậu bé ở Pinares de Mayarí, con của người quản lý xưởng máy cưa của Công ty khai thác gỗ ở Bahamas, chuyên xuất cảng ván gỗ và có lẽ cũng cái doanh nghiệp Mỹ từ đầu thế kỷ cho đến 100 năm sau đã ký kết được quyền khai thác gỗ của những đảo dưới quyền cai trị của Nueva Providencia và thủ phủ Nassau.

Vầng hào quang của một gia đình giàu có lan rộng khắp trường, nhờ vào một bài bình luận của Fidel đã khẳng định là trong nhà cậu, thu nhập đến 300 pêsô một ngày; và tin đó chuyển ra đã làm mọi người đặc biệt chú ý, bởi vì ban quản trị của trường học dự tính rằng vốn liếng của Ángel sẽ rất cần thiết và hoan nghênh ông đóng góp cho nhà trường. Vì thế, nhà trường đã xếp cho mấy cậu bé một buồng riêng.

Lina đến thăm mấy đứa con trai lớn, còn Raúl ngày thứ Bảy đó, vì không có lớp học và quang cảnh của trường cũng chỉ là những trẻ chơi bóng ở mọi chỗ, nên đòi ở lại cùng mấy người anh. Lina ra khỏi trường đến một cửa hàng gần đấy, mua quần áo và một cặp đầy những thứ cần thiết cho cậu con trai nhỏ nhất trong nhà, khoảng 4 tuổi rưỡi, có thể ở trong trường học. Tối đến, Raúl nhận thấy mình sống xa mẹ, thế là bắt đầu khóc. Người ta quên không để lại bình sữa, đến lúc ấy đã khuya, một ông cố đạo phải đi tìm mua ở một hiệu thuốc trực đêm để chữa bệnh và bán thuốc chữa bệnh cấp cứu. Raúl còn rất nhỏ, cậu bé tựa như một người đem lại điều lành cho nhà trường, cậu không phải tuân thủ giờ giấc, không phải dự lễ cầu kinh, không thuộc vào nhóm hoặc lớp nào trong trường, cậu được đi lang thang khắp các hành lang, không lo ngại vì sắp tới giờ ra chơi kéo dài từ 10 đến 15 phút. Cậu bé tí hon ngó vào các lớp học, tại đó, cậu mong nhìn thấy mấy ông anh, hoặc ngồi lên xe đạp, đạp một vòng quanh hành lang. Trong khi đạp xe như vậy, cậu đâm phải một chiếc đàn dương cầm, và bị thương ở đầu, làm cho cả trường rối tinh lên như có báo động. Lần khác, người ta cắt tóc cho cậu bé, nhưng cậu không thích, nên đã lấy kéo cắt sửa lại, làm lem nhem đầu tóc, không còn ra sao nữa; ban phụ trách đã phải cắt trọc cho cậu bé, khiến cậu được mang một cái tên lóng: "Cu tí trọc".

Tổng Tư lệnh Fidel Castro (giữa) dẫn đầu đoàn quân khởi nghĩa tiến vào La Habana ngày 8/1/1959 sau khi Cách mạng Cuba thành công. Ảnh: TTXVN

Một chiếc xe cứu hỏa đi qua cũng làm nhộn nhịp thêm ngôi trường La Salle đêm hôm ấy. Trong ánh mắt của Raúl loé lên tất cả những hành động ma mãnh có thể làm được, cậu đứng trên một chiếc ghế dài và kêu lên:

- Chú ý, chú ý, Santiago đã bị cháy; Cristobita nghe đây: Santiago đã bị đốt cháy.

Cậu bé lại gào lên cầu cứu và mọi người chỉ có thể làm cho cậu bình tĩnh lại, sau khi thầy dòng Enrique cho cậu uống một viên thuốc an thần. Trong buồng, Ramón bàn với Fidel và Raúl. Có người khẳng định đứa em không được dạy bảo tốt, cần phải đặt nó vào khuôn phép, kỷ luật, dạy cho nó sự nghiêm khắc của chế độ học tập. Ramón thì thông cảm với Raúl, trông thấy cậu em còn bé quá, làm sao có thể chịu đựng nổi bao nhiêu yêu cầu như vậy. Cậu anh cả thay bố trông coi, chăm sóc em, tắm rửa và mặc quần áo cho em, bảo vệ nó như người cha bảo vệ con.

Với việc xây dựng thêm tầng ba ồn ào, trường Thầy dòng La Salle mở ra khả năng thu nhận nhiều học sinh vào năm học 1937. Trong buổi lễ kết thúc năm học, sự có mặt của Raúl đã chiếm được cảm tình của mọi người, vì vóc người thấp bé và gầy, hát và đi lại một cách duyên dáng đặc biệt trên sân khấu: Cánh cửa nhà tôi có một thứ này, có một thứ này, nhưng nó là thứ gì? Nhưng nó là cái gì? Hãy mở nó ra và khép lại như những cái khác, như những cái khác.

Khán giả cười phá lên trước hình ảnh đứa trẻ tinh nghịch của gia đình. Angelita ngồi trên lô ghế mời, không bao giờ quên được buổi lễ này và thấy rất thích thú.

Kỳ nghỉ hè năm đó, những chiếc vali đều chất đầy những bức tượng thánh, mà mấy anh em đã mua được trong Đại hội lễ ban thánh thể tổ chức tại trường.

Lina rất cảm động trước những hành động tốt đẹp của các con, khen ngợi sự kính cẩn tôn giáo và sự nỗ lực sưu tầm thêm nhiều tranh ảnh đẹp để bày trên bàn thờ trong nhà. Ngay cả Ángel cũng nhìn những thứ đó bằng cái nhìn tốt đẹp, không hỏi từ đâu mà chúng tìm được những tượng bằng thạch cao, những áo lễ nhiều màu và những khuôn mặt thánh thần nhiều đến thế. Phong ba bão táp sau đó mới nổi lên, khi về tới Birán, cái giá tiền quá đắt so với giá trị nghệ thuật rất ít của những tượng điêu khắc thô kệch này. Ông chủ điền trang, tức giận vì sự phung phí quá đáng tiền của, Ángel quát mắng, không nghĩ đến sự căm ghét của Đức Chúa, cũng chẳng nghĩ đến sự trừng phạt của trời, nếu các vị thần thánh nghe thấy những lời nguyền rủa đó.

Không phải chỉ duy nhất có cơn gió lốc. Người cha lo nghĩ không biết vì đâu thỉnh thoảng lại thấy có gà mái và vịt chết, ông tìm cách phát hiện ra thủ phạm. Carlos Falcon và người anh mà mọi người gọi là Tropezon; Ramón, Raúl và Fidel trước tiên dùng mũi tên mua ở hiệu Ten - Cents ở Santiago de Cuba, nhưng sau đó, mấy cậu làm lấy bằng lie, đinh 6 phân và lông chim. Dịp tốt nhất là một ngày thi đấu. Mấy cậu bé thi bắn tên vào một con vịt to. Fidel, đã lão luyện về bắn tên, kêu lên.

- Chẳng có gì, ta tóm nó ngay!

- Người tóm được mi là ta! Vang lên đằng sau lưng Fidel, giọng nói của con người mà các cậu kính trọng nhất.

Carlos Falcon tin rằng Angel có khả năng đoán được hướng đi của một cơn giông bão. "Một hôm ông ra lệnh gieo hạt, vì sắp có mưa, và lập tức nước đã bay trong gió, dù lúc đó, trời vẫn quang đãng. Mấy ngày sau, ở đấy có một trận mưa rất to". Anh ta công nhận Angel Castro là một nông dân chính cống.

"Không có ai ngắt một quả cam, vì nó sẽ khô đi, anh sẽ cắt nó bằng một chiếc kéo nhỏ và một mầm non sẽ nảy ra (...) hãy tỉa những cây con và cần phải sơn thân cây bằng thuốc vẽ sơn dầu, dầu hoặc kẽm và vẽ sửa lại, tất cả đều màu trắng và vườn cam giống như ở dưới một nghĩa trang với những vạch màu trắng và những bóng tối".

Trong những ngày nghỉ hè, ba anh em trai đi thăm nhà của Cristobita ở Los Pinares. Sau đó, bức ảnh kỷ niệm được đưa ra xem, vẫn chiếc mũ trắng mà Fidel đội, khi chụp ảnh, đứng trên chiếc máy kéo của điền trang. Chiếc mũ ấy đã nâng thêm chiều cao của Ramón, còn Raúl tay giữ khẩu súng lục một cách thật nặng nề. Cũng như mọi khi, mấy cậu cưỡi ngựa dạo chơi. Fidel nhận thấy nền đất không biến thành bãi lầy vì có nhiều đá lẫn trong đất. Tiếng sắt thép trong bộ yên cương, bàn đạp nổi lên khi con ngựa phi trên cát bụi của con đường hàng tỉnh.

Tháng 9/1937, giống như một tháng mùa Hè, vì trời nóng gay gắt. Khi các lớp học bắt đầu tiếp tục, hội đồng giáo sĩ công nhận sức học tốt của Fidel trong năm học trước, nên cho phép được ghi tên lên học lớp 5, không phải học lớp 4. Lúc đó, Fidel đã 11 tuổi; ở trong trường La Salle, các giáo sĩ coi cậu như học sinh giỏi, nổi trội về mặt thể thao, với giọng nói biểu cảm và rất chính xác trong tập đọc, có kỷ luật và nghiêm túc. Tuy nhiên, những sự rắc rối giữa Fidel với thầy dòng Bernado, một trong những giám thị có nhiệm vụ giám sát các học sinh nội trú, đã khiến cậu không được quay lại trường này, sau khi đã học xong những tháng đầu của học kỳ.

Vừa mới đến Birán trong dịp nghỉ hè, và trong một cuộc du ngoạn khảo sát ở Rente, đã xảy ra sự bất hòa đầu tiên: Fidel cãi nhau với Iván Losada, một cậu bé rất được thầy dòng Bernado chiều chuộng, họ đã vật lộn nhau đến đứt khuy áo và người ta buộc phải tách hai cậu ra giữa lúc chiếc canô chòng chành trên vịnh, một sự việc rất bình thường giữa những cậu bé ở độ tuổi ấy.

Cuộc du ngoạn trở về vào lúc đêm, và cả bọn bước lên La Alameda đi tới trường La Salle, giữa đại lộ của xóm các cô gái lầu xanh có những khuôn mặt trát phấn son đầy mùi hương của nhà thổ, họ thò đầu nhìn qua những khung cửa sổ và cửa chính, thốt lên những lời bình táo tợn và nịnh nọt.

Bọn học sinh đi theo hai hàng, một bên theo vỉa hè bên trái còn hàng bên kia, theo vỉa hè phải. Mỗi lần đi qua đấy, những hình bóng tàn tạ ấy không kính trọng thầy dòng, mời mọc thầy, đặt ra cho thầy những lời đề nghị dâm dật, lả lơi và tựa như họ khen ngợi nhau để quấy rầy những kẻ mặc áo thầy tu, như thể những bộ áo thầy dòng đều là những sự rủi ro. Có lẽ những cô gái này đã nhìn thấy trong những bộ áo ấy, những người sùng đạo rất khinh rẻ họ, và thái độ trơ trẽn ấy, họ chỉ có thể cáu giận và trả thù vô ích...

Khi tới đoạn đường đua ở một nơi vắng vẻ trong trường học, Fidel và Iván lại quay ra đánh đấm nhau để dẹp hết băn khoăn, không còn áy náy, một lần cho xong những thù hằn. Iván Losada bị thua, mặt sưng vù và bầm tím.

Kẻ thắng cuộc đang ở trong nhà thờ nhỏ, nơi cất giữ đồ lễ, trong lễ ban phước lành, thì thầy dòng Bernado gọi cậu ra một chỗ, và không hỏi lý do cũng chẳng cho phép giải thích, tát hết sức mạnh vào mặt cậu bé; sau đó, khi người bị tấn công quay mặt lại, Bernardo lại đánh thêm và để cậu đứng đấy, không chỉ choáng váng mà còn cảm thấy tủi nhục, đau đớn, bối rối vì bị tổn thương trước một sự bất công.

Tháng 11, xảy ra cuộc chạm trán cuối cùng. Bọn học sinh tranh thủ 10 hoặc 15 phút ra chơi để đánh bóng chày. Họ tranh nhau vị trí tốt hơn. Fidel tranh cãi, chợt thầy dòng Bernardo từ phía sau đi tới đánh luôn Fidel. Không sợ hãi gì, Fidel thẳng cánh vụt mấy chày đáp lại, cho đến khi thầy dòng giữ được cậu.

Chủ tịch Fidel với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại sân bay Gia Lâm năm 1973. Ảnh: cand.com.vn

Sau đó, Fidel định biện bạch cho sự phản kháng trước ông hiệu trưởng, nhưng ông ta không muốn nghe cậu nói và không công nhận lẽ phải.

Thầy dòng Bernardo làm ra vẻ mình là nạn nhân, là người bị xúc phạm, và những vị chức trách của nhà trường lựa chọn cách không cần biết đến cậu học trò đó nữa. Họ không cho điểm hạnh kiểm một tí nào, không nói gì đến những cái đúng của cậu và quên hẳn cậu, không biết gì về cậu.

Còn 45 ngày nữa thì đến kỳ nghỉ lễ Noel. Đối với cậu, thời gian như trôi đi quá chậm, cậu cảm thấy hãy còn phải đợi một thời gian thật sự lâu mới có thể được gặp lại những người thân của mình, ở đấy, có lẽ được giải thích về sự phản ứng quá mạnh của cậu, cái tính nhạy cảm trước sự lạm dụng, đối xử khác nhau trong việc trấn áp của các nhà giáo; sự phẫn nộ của cậu trước những lời lăng nhục, mắng chửi quá đáng và thô bạo của thầy dòng Bernardo, con người đáng lẽ phải tỏ ra có đạo đức, chín chắn và bình tĩnh khi can thiệp vào những sự cố giữa bọn học trò.

Ángel mặc bộ quần áo vải chéo với bộ khuy bằng xà cừ, giặt và là không chê vào đâu được, còn Lina sánh vai ông, nhờ độ cao của gót giày và bộ váy áo dài nhẹ tênh bằng vải muxơlin. Sự hiện diện của hai người tại nhà trường, nơi ông bà chờ nhận những giấy tờ chứng nhận xuất sắc của các con, đã gây ra những bối rối lớn cho họ.

Đến ga cuối cùng của cuộc hành trình trên xe lửa, Lina cảm thấy buồn nôn và mệt mỏi. Đứng lại giữa phòng đợi, bà không biết làm thế nào bây giò, vì rất khó chịu, toàn thân ướt đẫm mồ hôi "từ đầu đến chân", theo như lối nói của bà Dominga, khi luống cuống lau khô cho lũ con, rồi xoa long não và xát mạnh toàn thân cho chúng, để tránh chứng nhức đầu, sổ mũi và "chả ai mà biết được bao nhiêu là ma quỷ nữa có thể đến với chúng nó, sau khi đã tắm nước mưa rào", một "cái chết ma quái" mà những phụ nữ nông thôn cho là hầu như chắc chắn nếu không lôi được tất cả lượng nước mưa từ trong xương ra.

Trông thấy cha mẹ đến trên một chiếc ô tô thuê, Ramón, Fidel và Raúl đi tắt theo đường hành lang của nhà trường, để đón một cách vui vẻ và ầm ĩ, không biết rằng giông bão sắp đổ xuống đầu mấy anh em.

Lina không nghĩ đến những ma quỷ để khỏi phải cầu nguyện, mà nghĩ đến cái thai mới, một tiên cảm hãy còn chưa được khẳng định, mà lũ trẻ có lẽ không nghĩ đến. Chúng chỉ trông thấy mặt mẹ xanh tái như thể sắp ngất, chúng liền bước đến gần, để đỡ bà và hỏi mẹ thấy mệt sao.

- Không việc gì cả, chỉ mệt vì cuộc hành trình và cái nóng ẩm ướt ở Santiago - bà đáp một cách lảng tránh, đồng thời thở sâu và ngẩng cao đầu, đôi mắt nhắm lại rồi nhanh chóng mở ra, lấy lại bình tĩnh trước thái độ vồn vã của mấy đứa con và sung sướng được trông thấy chúng khỏe mạnh và mỗi ngày một lớn.

Trong văn phòng rộng và thanh đạm của ông giám đốc trường học, tất cả mọi người đón tiếp vợ chồng Ángel và Lina một cách rất xứng đáng và đầy đủ lễ tiết, nhưng lại trình bày với họ một tập danh mục những lời than vãn, giận dữ về những hành động đáng ghét của những người con của ông bà. Ban giám hiệu của nhà trường cho rằng, mấy cậu học trò ấy thật vô kỷ luật, bất chấp, không sợ ai, và như thế không thể chấp nhận được: "chưa được, chưa hoàn hảo, phải sửa chữa, phải tuân thủ những quy định, phải nghe lời thầy giáo", người ta bực tức đáp lại bằng một giọng than thở nhỏ nhen, khó hiểu đối với trẻ con, để bảo vệ những nguyên tắc chính xác và cứng rắn của nhà trường.

Lina và Ángel im lặng lắng nghe, bởi vì họ không thể tin vào những gì đã xảy ra đúng như thế, và hơn nữa, họ đều cảm thấy xấu hổ trước những lời nói mà họ võ đoán là có cơ sở.

Cuộc thảo luận kéo dài đến mức Ángel và vợ không biết làm thế nào, để giảm bớt những sự quấy nhiễu mà các cậu con đã gây ra. Trong khi ông giám đốc nhắc đến sự bực mình của ông đối với hạnh kiểm của những người con gia đình Castro Ruz, Ángel tỏ ra thản nhiên, không ngừng hút thuốc một cách từ tốn, để ngăn cơn bực tức.

Mấy cậu bé nhận thấy ông bực mình cau mày cùng Lina đi ra khỏi cuộc đàm luận, vẻ mặt ông làm cho các cậu dự đoán sẽ bị mắng mỏ và có những lời thuyết giảng dài dòng, dù cho hai ông bà vẫn giữ im lặng suốt trong chặng đường trở về điền trang. Vẫn còn chưa ai biết chắc chắn các cậu sẽ báo cáo thế nào với cha mẹ, nhưng cứ theo như hình phạt nghiêm khắc và những lời nói của Ángel, thì cách giải thích của Ban giám hiệu nhà trường là phù hợp với những quyền lợi của họ. Fidel cảm thấy trong nhà mình mọi người đã tin vào những lời bình thật là bất công của trường học.

Mãi sau, ngồi trên bậc cửa của ngôi nhà lớn, Ángel mới kể cho mọi người đến thăm, điều mà ông giám đốc đã khẳng định rằng những đứa con gia đình Castro Ruz "là một lũ cướp lớn nhất của nhà trường".

Những ai đã nghe họ nói điều đó không thể nào phân biệt rõ thực hư ra sao, có lẽ ông đã kể lại chuyện với một nỗi bực dọc, hay là ngược lại, Ángel cảm thấy có chút gì vui mừng trong nội tâm, hầu như chưa ngấm vào giọng của những câu mà ông đã tiếp nhận một vài lần. Có lẽ ông ngạc nhiên về sự bất chấp của mấy cậu con đối với sự cứng nhắc của nhà trường và không thể kìm nén trong lòng cái cảm giác nước đôi và không thú nhận được là từ chối hay chấp nhận. Tuy nhiên, chẳng quan trọng gì nhiều lắm điều suy ngẫm hoặc cảm nhận, Ángel tin chắc rằng đưa bọn con trai lên Santiago, phải xa rời cha mẹ chỉ trong một thời gian, vì sự thực chúng không tiến bộ trong học tập. Ông quyết định để chúng ở lại Birán, tại đây, công việc sẽ làm cho chúng thành người, cũng như những sự đau khổ và cố gắng trong cuộc sống đã rèn đúc cho ông được như ngày nay. Không một đứa nào trong mấy cậu bé được quay lại học tập ở Santiago nữa, vì sử dụng tiền vào việc ấy, rốt cuộc, chỉ là một sự phung phí thực sự.

Ángel giao nhiệm vụ cho César Alvarez, người giữ sổ sách, bắt Fidel và Ramón phải giải quyết một bảng dài những tính toán trong sổ sách, coi như một hình phạt xứng đáng với bao nhiêu sự hỗn láo và nổi loạn ở trường học. Nhân viên giữ sổ sách ấy dùng một cuốn sách bài tập ở trường làm hướng dẫn để áp dụng hình phạt. May sao, Ramón cũng có một tập bài giải. Cậu đã có được cuốn sách ấy từ trước, nhờ thầy dòng Miguel cũng ở trong trường La Salle, làm việc trong Ban đồng ca, đã kết bạn với một vài cha cố và thầy dòng.

Mấy cậu bé chép lại những bài giải đáp trong cuốn sách giải bài tập, để giảm bớt thời gian tính toán và nhanh chóng ra chơi ngoài cánh đồng, hoặc thỏa thích phơi nắng gió và tự do lang thang. Mặc dù vậy, không phải bao giờ các cậu cũng thoát được; công việc mà các cậu phải hoàn thành là ở chỗ làm việc hàng giờ trong cửa hàng và trong văn phòng, những việc đã giữ các cậu cả một buổi sáng, khi tiết trời buổi sáng rất mát mẻ, độ lượng với người và vật, có thể đi lên tận bìa rừng với cái mát ẩm của sương rơi như một phép lành rút ngắn các khoảng cách.

Buổi sáng khi đến văn phòng, không còn thấy được sự hấp dẫn của ý nghĩ lạc vào nơi này ở giữa rừng cam và những chú ngựa để tìm những cuộc phiêu lưu mói.

César Alvarez người vùng Asturias thông minh, thân hình thấp, béo, mặc quần đi ngựa rộng làm cho ông ta trông càng thấp béo hơn. Là bạn tốt của Fidel, ông hay kể cho Fidel nghe những chuyện Hy Lạp, La Mã và làm thức dậy trong Fidel cái thích thú đối với những nhân vật trong văn chương và ngoài đời bằng một lối kể chuyện cuồng nhiệt lạ lùng, như thể ông ta cũng có cái biệt tài của những nghệ sĩ ca hát thời trung cổ, những người kể chuyện lịch sử đi hát từ làng này sang làng khác. César gây ấn tượng nhờ sự hiểu biết tiếng Anh, Italia và các tiếng Hy Lạp, Đức, La tinh và Pháp. Fidel nghe ông dịch từng đoạn văn, phát âm thật lưu loát, và nói chuyện với cô giáo Eufrasia bằng tiếng Pháp tại nhà cô ở Santiago thật trầm ấm, êm tai, như một người nào đó mà chị em Feliú đã nói chuyện bằng tiếng Pháp, nên mấy cậu chẳng hiểu một chữ nào cả.

Ramón rất thích kiểu chữ gôtích mà Alvarez viết. Từ trước, chưa bao giờ cậu được trông thấy những nét chữ bay bướm, lắng đọng và hoàn mỹ đến thế. Những nét chữ tựa như nét vẽ hoặc những chữ tượng hình cổ đại.

Ông kế toán này sáng sớm đã đến văn phòng. Ngày lại ngày, bao giờ cũng đúng vào giờ đó, ông rời chiếc giường ấm của Emiliana, vợ kế của ông, một phụ nữ da màu, to khỏe và chúa nghi ngờ, không cho phép ông Alvarez uống càphê của những người làm công, vì "nó có mùi chết chóc".

Khi hết ngày làm việc, trong văn phòng đầy những sổ kế toán, hóa đơn và giấy đặt hàng, ông vội chạy về nhà với Emiliana, ở ngôi nhà cách văn phòng làm việc của ông hơn 1 km, trên một gò đất hơi cao, tại đó, tất cả những công việc hàng ngày tan biến thành bụi trước sự quyến rũ của bộ váy áo mỏng tang trong suốt mà Emiliana mặc trong những buổi chiều và lời mời gọi của tách cà phê mới pha.        

Fidel cảm ơn những giờ nói chuyện mê hồn cùng ông kế toán. Cậu không quên sự tôn trọng khi ông nói với cậu và khích lệ sự tò mò đối với bao nhiêu công việc giữa đống giấy tờ bề bộn, và bảo vệ ý kiến là cậu phải trở thành luật sư, một nghề nghiệp mà César Alvarez cho rằng Fidel có đầy đủ điều kiện.

(Còn nữa)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy