Sống mãi như những cây trắc bách hương - Thầy tu dòng tên

Ngày 7 tháng Giêng 1938, khi phải đi Santiago, Ángel không cho lũ con đi theo để chúng trở lại trường học. Raúl lên 6 tuổi, vẫn xa lạ với tất cả. Ramón, ngược lại, rất sung sướng vì cậu thích lái máy kéo và làm thợ cơ khí, như thế mới thực hiện được ước muốn sống ở nông thôn, tại ngay trang trại của cha mình.

Fidel thì trái lại, không chịu đựng được quyết định ấy của cha, nhất là cậu đã bị phạt một cách vô lý và ông không thèm đếm xỉa ý kiến của cậu về những sự việc đã xảy ra. Cậu đã là nạn nhân của sự đàn áp về thể xác, bị ức hiếp, bị hành hạ dã man và vô nhân đạo và cậu cảm thấy một nỗi nhục lớn.

Cựu lãnh đạo Cuba Fidel Castro (giữa) bỏ lá phiếu của ông tại thủ đô Havana ngày 3/2/2013. Ảnh: tuoitre.vn

Cậu quyết định nói chuyện với mẹ, tin vào tính nhạy cảm và sự lo lắng về việc giáo dục con cái, bởi vì bà không muốn các con sống một cuộc đời thiếu hiểu biết, thiếu học vấn. Bà có đủ sáng suốt và đã trông thấy rất rõ ràng: tương lai của các con bà không chỉ nhờ vào tài sản, mà còn cần thiết phải có học thức. Đầu tiên, Fidel giải thích cho mẹ rõ, sau đó, trong một trạng thái bốc đồng nổi loạn, cậu dọa sẽ đốt nhà. Cậu bảo đảm như thế để gây ấn tượng, còn bà mẹ biết rằng đó chỉ là những lời dọa dẫm tầm phào. Lina nói chuyện với Ángel. Bà nằn nì và ủng hộ điều mong muốn được học tập và tiến bộ của con. Sự thực bà rất hài lòng làm việc đó, bởi vì bà linh cảm thấy cậu con trai không nói dối và công bằng nhận xét Fidel là một học trò tốt, xứng đáng được chú ý đến những ý kiến và mong muốn của cậu.

Lina kiên nhẫn can ngăn chồng, và cuối cùng ông cũng nhận ra và sửa soạn cuộc hành trình tới Santiago để đăng ký cho Fidel vào học trường Dolores của Giáo hội Giatô. Ông cũng đi thăm Fidel Pino Santos, lúc ấy đang tham gia vận động tranh cử đại biểu, người thuộc đảng của chính phủ.

Ángel đôi khi than vãn về sự có mặt của những công chức nhà nước và những viên thanh tra tham nhũng, không phải vì họ đòi hỏi người ta phải thực hiện những quy định đã đặt ra, mà họ đòi hỏi bằng mọi cách phải nộp tiền cho họ, không cần biết những hiệu buôn hoặc những điền trang ấy làm ăn, thu nhập ra sao. Về phía chính phủ, người ta gào lên những lời phê bình khó chịu, gay gắt đối với nhiều vấn đề tiêu cực của những nhà chính trị tha hóa và chính quyền đồi bại, mà tuyệt nhiên không nói gì tới ảnh hưởng và ưu thế của người Mỹ. Chính những người Mỹ được đối xử thân thiện và đánh giá cao năng lực tổ chức và có hiệu quả thể hiện trong việc quản lý những nhà máy đường.

Ángel có quan hệ rất tốt về mặt kinh tế với họ, mặc dù phải cạnh tranh buôn bán và liên tục đấu tranh mạnh mẽ chống lại việc Công ty Liên hợp Trái cây Mỹ lấn chiếm đất đai.

Lúc đầu, những người Mỹ đến thăm ngôi nhà lớn không phải là những người làm ở Công ty Liên hợp Trái cây, mà là những người trong ban quản trị Tập đoàn đường Warner, có một công ty con là Nhà máy đường Miranda, sở hữu một dãy nhà máy đường rải rác từ bờ biển miền bắc đến tận bờ biển phía nam, và công ty con này đã ký hợp đồng với ông Ángel. Fidel ngồi quan sát họ trong buổi nói chuyện tại văn phòng quản trị khi họ quyết định hạn ngạch sản xuất mía cho nhà máy đường - một công việc rất quan trọng - hoặc khi nhấm nháp rượu vang Tây Ban Nha tại phòng khách, lúc mà mọi người bàn luận về những tin tức thời sự mới, để sau đó đi thăm trang trại.

Người đầu tiên mà Fidel nhớ đến là viên quản trị của Nhà máy đường Miranda, sau đó đến những người khác đã được tiếp đón ở trong nhà, Morey, viên quản trị của Nhà máy đường Marcané, thuộc Công ty Liên hợp Trái cây, và những người ở các doanh nghiệp hoặc công ty, bao giờ cũng tỏ ra tốt bụng và có uy quyền, đã đầu tư rất nhiều cho những người trong ban quản trị và những người có cổ phần sống ở New York hoặc những thành phố khác trên đất Hoa Kỳ. Họ đến với địa phương nhỏ bé, hầu như mất hút trong các bản đồ địa lý này, cùng những khoản đầu tư to lớn vào những ngành công nghiệp tối tân, hoặc vào việc kéo dài những tuyến đường sắt. Những vị trí điều hành bậc cao đều do người Mỹ nắm giữ, còn những vị trí ít quan trọng và ở trình độ thấp hơn thì thuộc những người làm thuê Cuba. Những người Mỹ sống trong những khu dân cư riêng biệt, trong những nhà vườn kiểu Thụy Sĩ, xung quanh có cây xanh bao bọc tuyệt đẹp, cửa chính và cửa sổ có màu thép và được đặc quyền hưởng thụ ánh sáng điện, với những tiện nghi hiếm có và hấp dẫn, khiến những người không có những thứ ưu đãi đó thấy tủi thân và chỉ biết đứng ngắm từ xa.

Đây là một xã hội cục bộ rất kỳ cục, tại đấy, những người Mỹ có thể tùy thích sắp xếp đến cả số phận của người dân. Đối với những công nhân gần gũi, họ hàng thì họ chú ý dành cho một chút nể nang, còn đối với những người làm thuê vùng biển Antilles và những người Cuba hết đường làm ăn, thì họ bóc lột thậm tệ - lạnh lùng, tính toán, nhanh chóng - điều đã cho phép họ giữ được trật tự, có hiệu quả và thu được lợi tức cổ phần béo bở.

Không coi khinh sự am hiểu, bất kỳ một nhà chức trách nào, dù là người Mỹ, hoặc không phải người Mỹ như thị trưởng, thượng nghị sĩ hoặc chỉ là nghị viên, đều xứng đáng ở tại nhà Angel, với tất cả sự kính trọng và vì nể. Cũng không xưng mày tao khi ủng hộ cho ông bạn Fidel Pino Santos trong những khát vọng chính trị của ông ta. Có lẽ ông cảm thấy bị bắt buộc hoặc cam kết theo tính chất của mối quan hệ cá nhân và kinh tế giữa hai người vẫn thường xuyên được duy trì. Đi sâu vào những cuộc vận động, điều đó giống như một việc kinh doanh hơn là vấn đề về ý tưởng cao đẹp.

Trong buồng của Fidel, Ramón và Raúl có để một hộp tiền bạc của Ángel. Mấy anh em nghe nói nó được sử dụng theo cơ chế kết hợp và phân phối cho những viên trung sĩ chính trị những món tiền, để mua phiếu bầu cho Fidel Pino Santos, bất chấp việc Lina chống lại sự điều hành ấy, vì bà cho đó là một sự lãng phí tiền bạc vô ích.

Trong cuộc hành trình tháng 12/1937 tới Santiago, trước lễ Noel ít ngày, Lina đã đến dự lễ tang bà Exuperancia Martinez Gandol, vợ của Fidel Pino Santos, mất ngày 19 tháng 12 năm đó. Angelita lúc đó 14 tuổi đi theo mẹ, và cô bé không bao giờ quên cái ngày ảm đạm đó.

Ángel muốn nhân dịp thăm thành phố lần thứ hai để đến chào ông bạn và an ủi ông.

Ramón ở lại Birán và Raúl được gửi vào học tại một trường dân - quân, ngôi trường đã được xây dựng với lòng khao khát tranh thủ gây uy tín của một ông đội khác tên là Fulgencia Batista, một nhân vật hung ác sau cuộc đảo chính quân sự ngày 4 tháng 9, sau sự sụp đổ của Machado, đã phản bội lại những mong muốn cách mạng và lái tình hình đất nước đến chỗ đáng khinh ghét theo những quyền lợi của Hoa Kỳ. Trong mỗi trường học kiểu ấy của quân đội, giáo viên là một quân nhân, nguồn tài chính hơn hẳn những trường học công lập nghèo. Nơi Raúl học cách xa nhà 4 km, tại Birán 1. Ông giáo là một quân nhân hoạt bát, hay chiều chuộng những người có "vị trí khá", tin rằng ông ta sẽ chiếm được lòng tin của ông chủ điền trang, để cho Raúl, cậu học trò nhỏ nhất tin mình và cho phép mình tùy ý dạy dỗ và Raúl cũng cảm thấy thoải mái. Sau đó ít lâu, ông giáo quân nhân ấy buộc cậu bé Raúl phải học thuộc lòng một bài diễn văn để đọc trước mặt Batista, trong một cuộc đi thăm La Habana: "Nhân danh những học sinh của trường dân - quân ở Birán 1, chúng tôi xin Ngài thăng cấp trung úy cho thầy giáo đội trưởng của chúng tôi...". Quả nhiên, Armando Nunez thăng cấp cho ông giáo và chuyển ông lên một trường kỹ thuật cấp cao hơn ở Mayarí, tại đó, ông mang theo cả Raúl. Tuy nhiên, chú học sinh ấy còn bé quá, không thể ở đấy được, cho nên Armando gửi cậu tới Santiago sống ở nhà một người bà con họ hàng của ông trong khu phố Los Hoyos, cậu bé Raúl ở đó cho đến ngày Lina đi tìm cậu ở Mayarí, nhưng không thấy. Bà mẹ lập tức tìm đến chỗ cậu con sống một cách sung sướng tại đây, và được học tại một trường công, mua sắm ở cửa hiệu, xin tiền phong bao và chơi bóng chày, ném bi sắt với lũ trẻ con trong nhà.

Angelita lại lên gặp Fidel. Ángel nhờ một gia đình bè bạn ở Santiago, sống trong ngôi nhà ở góc phố đường Calvario trông nom hai chị em. Angela vào học ban tú tài, còn Fidel học ngoại trú tại trường Dolores để kết thúc lớp năm. Đúng ngày 11/1/ 1938 ấy, Fidel ghi tên học tại một trường mới, người ta lần đầu tiên ghi tên cậu vào sổ Hộ tịch ở Cueto, tỉnh Oriente, là Fidel Casiona Ruz Gonzalez, tờ 258, tập số 10.

Ông chủ nhà, Martin Mazorra, chủ một cửa hàng có tên là Con búp bê, nơi Ángel mua quần áo nam giới cho cửa hiệu của mình bán ở Birán và cho gia đình mình, là một người thấp nhỏ, có vẻ lanh lợi và bình thản. Ông giữ quyền lực của mình ở trong bóng tối, lặng lẽ và kín đáo, chỉ để lộ tính chặt chẽ của mình nếu thấy cần phải nghiệt ngã để thu phục một người nào đó. Carmen Vega, vợ của ông, là một người phụ nữ lai, gốc rễ bần hàn, đẹp và gan dạ, dám nghĩ dám làm, sống với niềm tự hào dân tộc, với những tập quán tốt đẹp và niềm kiêu hãnh được có mặt trong giới tốt nhất của những người ưu việt. Bà có ba con, người con lớn nhất của người chồng trước, người con thứ hai là Martin đang học lái máy bay tại Mỹ, và Riset, cô con gái bé nhất nhà.

Nhân dân Quảng Trị chào mừng đoàn đại biểu Cuba do đồng chí Fidel Castro dẫn đầu tới thăm vùng giải phóng năm 1973. Ảnh: TTXVN

Về hai người con với Mazorra, cô con gái là cô bé tinh ranh nhất. Riset đang theo học năm thứ ba ban tú tài.

Fidel biết điều đó bởi những vạch trắng trên váy vải sọc xanh da trời của cô. Tóc đen, làn da màu nâu sáng của những cô gái lai, hơi béo một chút, người ta đã thấy nổi lên những đường cong mềm mại. Sự có mặt của cô làm vui hẳn môi trường xung quanh như thể một trường đua ngựa, cô ta rất vui nhộn và tự nhiên. Cậu thiếu niên yêu cô bằng một tình yêu thuần khiết của cái tuổi mà các cậu con trai say mê một người con gái lớn tuổi hơn mình, cậu nhìn theo cô từng bước, đỏ mặt xấu hổ chỉ nhìn cô hoặc im như thóc trong giờ phút lý tưởng để bày tỏ tình cảm của mình.

Hai ông bà chủ nhà ngay từ đầu đã có thái độ nghiêm khắc, đòi hỏi cậu thiếu niên làm một điều không thể thực hiện được, nhất là việc phải đối xử tốt với địa chủ ở Birán. Hai vợ chồng Mazorra mong rằng những phẩm chất của Fidel sẽ được đánh giá tốt nhất, không nhắc đến vấn đề lôi thôi trước đây ở Trường La Salle, sự quá khắc nghiệt của những thầy tu dòng Tên, sự chậm trễ trong việc đi học và thời gian để thích nghi với những hoàn cảnh mới. Họ không thống nhất với nhau, không chịu thừa nhận đã có một thời kỳ cần thiết như vậy đối với cậu học trò, trong thời kỳ ấy, thật khó mà bộc lộ được sự nổi trội trong năm học.

Fidel cảm thấy thú vị với một vài môn học, như Địa lý đại cương, kể cả những cuộc đi lên Cung trăng và Sao Hỏa, các vì sao và không gian vũ trụ, nhưng mặc dầu cậu có mê say như thế, điểm số của cậu vẫn vào loại rất thấp.

Nếu cậu không đạt được kết quả tốt trong những điểm đánh giá hàng ngày, người ta sẽ rút tiền để xem phim, ăn kem, mua tạp chí Con chim sẻ, một tờ báo của Áchentina đăng những chuyện vặt, đến rất đúng kỳ tại các quầy sách báo giá 5 xu một tờ. Cậu đọc truyện Bánh nào súp ấy, một cuốn tiểu thuyết của miền tây, phỏng theo một cuốn phim ảnh rất được hoan nghênh. Gian buồng tối làm cho cuốn phim đẹp tuyệt vời. Cậu ngồi hàng giờ trước màn ảnh quay cuồng đến chóng mặt những hình ảnh trong cuốn phim về những chàng cưỡi ngựa như Tom Mix và Buck Jones, đối mặt bắn nhau hoặc đấm nhau trên những vùng khô cằn hoặc các quán rượu của miền Bắc Mỹ.

Vào khoảng thời gian ấy, cậu xem phim "Gánh nặng của 600 người" nói về câu chuyện xảy ra vào thế kỷ thứ XIX ở Ấn Độ. Cậu được xem những phim hài hước, như những phim của Cantinflas hoặc những phim phiêu lưu trong rừng như phim Tarzán. Những phim tuyệt vời của Charles Chaplin với vai hề Chariot, con người mảnh khảnh, năng động có một kiểu hài hước nhẹ nhàng, lịch sự, tay chống batoong, đầu chụp chiếc mũ hình nấm, tính tình độ lượng, vẻ mặt buồn rầu và phớt tỉnh đã thực sự làm cho cậu say mê.

Chiếc máy hát đặt bên cửa rạp đang vang lên bài tănggô của Carlos Gardel, với giọng hát đầm ấm của Rio La Plata đã bị tan biến trong mây gió bởi một tai nạn máy bay tháng 6 năm 1935, từ đó, trở thành một bài thơ và đi vào truyền thuyết. Những đĩa hát của hãng RCA Victor đã ghi lại rõ nét như thủy tinh, lẫn trong tiếng nhạc hòa âm của những cây đàn mandolin và ghita cùng lời thơ. Cái máy hát này đã làm cho cậu nhớ đến chiếc máy hát ở Birán. Thực tế cậu đã được hưởng thụ rất nhiều những buổi sáng Chủ nhật và những buổi chiếu phim chiều, khi nụ cười của Libertad Lamarque tràn ngập phòng chiếu phim những ngày cuối tuần.

Tất cả niềm vui ấy đều tan biến vào ngày Thứ hai. Không đồng ý với rất nhiều đòi hỏi cần thiết khác, cậu tìm kiếm và phát hiện ra cách để tránh những điều cấm đoán, dù cho những điểm số không được cao. Cậu bịa ra với trường là mất cuốn sổ ghi điểm, để cho những người đỡ đầu tin tưởng. Rồi cậu đi lấy một cuốn sổ khác trong đó có những số điểm thực sự và cậu ký tên. Mặt khác, với sổ điểm thật tốt, nhưng không phải là con số thực thì cậu đưa về để hai ông bà đỡ đầu ký.

Vấn đề ấy lộ rõ vào cuối năm học, khi những người đỡ đầu đến dự buổi lễ với hy vọng là cậu bé sẽ có mặt trong đám học sinh giỏi nhất. Fidel lúc đó đã có ngay một lời giải thích đáng giá:

- Cháu đã biết cái gì xảy ra rồi! Vì mãi sau tháng 12, cháu mới vào học, cháu bị thiếu mất 3 tháng học, nên khi cộng số điểm, số điểm của cháu ít hơn những người khác. Bởi vậy, cháu không thể đạt được những điểm tốt nhất.

Ngay từ đầu, bà giáo Emiliana Danger Arminan đã gây ấn tượng tốt đối với Fidel. Người to lớn, mũi to, mày rậm, môi dầy, mắt lỗ đáo màu nâu, thân hình to khỏe của bà không tương xứng với giọng nói nhẹ nhõm và dáng điệu thanh lịch của bà. Ngày được gặp bà, Fidel thấy bà mặc một bộ váy áo màu đen, có in những bông hoa màu tím hoa cà, cổ đeo một chuỗi hạt có ảnh tượng Đức Mẹ Caridad del Cobre. Bà giáo sinh ngày 26/6/1900, dù còn trẻ, nhưng có vẻ như đã mất hết hy vọng có con, và có lẽ vì vậy nên ngoài cái tính khắc nghiệt nghề nghiệp và những phẩm chất sư phạm, bà đi sâu tìm hiểu một cách đặc biệt lũ học trò của mình, lắng nghe chúng với sự quan tâm tha thiết, khuyến khích để chúng tiến bộ, ghi điểm cho từng ý kiến, gợi ý những tên sách để đọc, đề nghị những bức tranh ảnh minh họa, hoặc tìm tòi trong sách, từ điển. Giáo dục và văn hóa tràn đầy trong lời nói, trong hoạt động và trong tư thế hoàn hảo của bà. Gia đình Haiti của bà là hậu duệ của một dòng họ Pháp, nhưng tất cả các anh chị em đều sinh ra ở Santiago de Cuba, thành phố vùng Caribe với những ban công kiểu Hồi giáo, những rào sắt kiểu thuộc địa, và những đường phố ngoằn ngoèo, cao dốc, đôi khi đâm xuống chạy ngang theo bờ biển cho đến tận giới hạn gần cái hầm của Bartlett.

Là một giáo viên có phẩm chất đặc biệt, lúc đầu bà làm việc ở Viện Hàn lâm Spencer, sau đó làm giáo viên cao đẳng và lớp dự bị trong Viện Nghiên cứu ở Santiago. Trong thời kỳ nghỉ hè ấy, Angelita phải chuẩn bị vào học lớp dự bị và sau chuyển sang lớp để thi tú tài, muốn đạt được việc ấy đòi hỏi phải vượt qua mấy kỳ thi, vì vậy, cô không về Birán, và cùng ở lại với cô là cậu em trai Fidel.

Buổi sáng đáng nhớ ấy, bà giáo đặt trên bàn một cuốn sách mở rộng, cuốn sách dày cộp hơn 1.500 trang và bắt đầu thấy sự kỳ diệu. Các bài trong đó là nội dung của một cuốn trong Bách khoa toàn thư có minh họa hình ảnh, nghiên cứu về những sự việc và đề tài có thể tưởng tượng được. Emiliana Danger mở lớp học dạy ở nhà, và bắt đầu những lớp học bằng thư tín cho lớp dự bị của Angelita. Fidel như ở trên mây, bị cuốn hút trước những lời giảng đầy đủ, cặn kẽ và sáng sủa của bà giáo. Kể từ lúc đó, cậu ham thích hiểu biết, tỏ ra quan tâm và có khuynh hướng say mê học tập. Trong những cuộc nói chuyện, cậu cảm thấy bị choáng ngợp bởi dòng thác hiểu biết và sự say mê đã nhấn chìm cậu qua tiếng nói rành mạch và khôn khéo của bà giáo, về điều ấy, cậu đã trả lời rất cẩn thận trong bài ôn tập về những sự kiện, và đặt rất nhiều câu hỏi về những vấn đề thực chất.

Rất xúc động, bà giáo đề ra cho cậu học trò tình nguyện một kế hoạch để bước vào học cả năm thứ nhất ban tú tài song song một lúc, như thế, khi cậu đến tuổi đã định, cậu có thể có mặt trong các kỳ thi.

Trong con mắt của bà giáo, cậu là một cậu bé tinh khôn, chăm chú nghe và có những tình cảm cao thượng, có một đầu óc thông minh điển hình. Đôi khi cũng làm cho người ta khó chịu, nhưng ngay lập tức lại trở nên đáng yêu, ôm hôn và xin lỗi, công nhận là mình đã quá đáng. Những hành động ấy đã chinh phục được Emiliana, người mà bao giờ cậu cũng thấy có mặt, bởi vì bà là người đầu tiên đã khuyến khích cậu trong học tập, đánh thức tính tò mò và sự quan tâm của cậu đến việc hiểu biết, ngoài ra bằng tình yêu thương, bà còn đạt được việc làm cho cậu thành một người thợ kim hoàn, có một trong những thứ báu vật để mà mài giũa, không chỉ những đường nét bên ngoài, mà còn cả trong tâm hồn nữa.

Vào tháng 9/1938, lá cây đã bắt đầu rụng. Đài thông báo về tình hình mưa bão. Fidel thấy đau quặn ở một bên bụng. Các bác sĩ khám cho cậu và quyết định cậu nhập viện khu kiều dân Tây Ban Nha, tại đó, những nhân viên y tá mặc áo bờ lu trắng chăm sóc cho bệnh nhân. Ca mổ ruột thừa kết thúc tốt đẹp, nhưng vết mổ bị sưng và bệnh nhân phải nằm viện điều trị ba tháng liền.

Đêm đầu tiên khi được ăn trả bữa, Riset Mazorra Vega đến chăm sóc Fidel, cô gái mà cậu không có can đảm thú nhận tình cảm của mình. Mặc dù vết thương đau đớn còn rất khó chịu, cậu vẫn cảm thấy vui sướng được thấy cô gái ở ngay cạnh mình và chăm sóc cho mình.

Khả năng hoàn thành kế hoạch của bà giáo Danger thế là tiêu tan tất cả. Cậu phải ghi tên vào học lớp 6 lúc 12 tuổi. Tuy nhiên cậu không đến lớp học trước khi khỏi hẳn.

Trong thời gian ba tháng nằm viện, cậu dành thì giờ đi thăm những người bệnh, kể chuyện cho họ nghe, hỏi thăm về bệnh tật của họ, về đời sống của họ, lắng nghe và giúp đỡ họ tận tụy như những bà sơ hoặc các thầy thuốc tốt. Cậu có cái thiên tư về quan hệ giữa người với người và công việc thông tin, điều đó không ai có thể nghi ngờ, sau khi biết được sự quan tâm của cậu đối với mọi người.

Ramón thỉnh thoảng đến thăm cậu. Ramón đã cùng Raúl ở nhà "bà" Danger và nhà ông chủ hiệu buôn bán Mazorra trước khi ghi tên vào học tại Trường Dolores, từ đó, ở cùng Fidel. Từ Birán, Lina không thể đi thăm Fidel, vì vừa sinh Augustina del Carmen, ngày 28/8/1938 ấy, vào lúc 4 giờ chiều, mây phủ kín bầu trời và gió từ những rừng thông báo trước dông bão mùa hè.

Carmen Vega, vợ ông chủ cửa hiệu buôn bán Mazorra, không dự đoán trước được việc đã xảy ra như vậy. Nhưng bây giờ, Fidel không phải chịu bao nhiêu quy tắc và hạn chế. Sau khi nằm viện mấy tháng, Fidel đã thiết lập và tạo ra được sự yêu mến mới, người ta không trở lại thói quen phạt giam trong buồng để học mà chuyển sang phạt cúp bớt 20 xu một tuần lễ, với bài chế giễu giống như trước về số điểm và những lời dọa nạt sẽ gửi cậu vào nội trú tại trường.

Cậu chỉ còn nhớ một cách vui vẻ tới sự có mặt tuyệt vời của bà giáo Danger, những vẻ làm cho cậu say đắm của Riset và nhất là được nghe qua đài trận đấu quyền anh giữa Joe Louis và võ sĩ người Đức, Max Schmelling mà sau đó một thời gian, nhà báo người Italia, Curzio Malaparte viết:

Max Schmelling có vẻ đãng trí, khuôn mặt hơi cúi xuống ngực, nhìn từng người bạn cùng bàn, một cái nhìn vừa rụt rè, vừa cứng rắn. Anh có một thân hình hơi cao hơn bình thường, cử chỉ dịu dàng, hai vai hoàn hảo, tuyệt vời. Người ta không thể thấy được dưới lớp vải len nhẹ màu xám nhạt, cắt may rất đẹp bởi bàn tay của một thợ may người ở Viene hoặc người New York, đã che giấu tất cả sức mạnh kinh khủng của người mặc. Anh ta có một giọng nói trầm và du dương, nói chậm và mỉm cười, không biết có phải vì rụt rè, hay bởi cảm giác luôn tự tin một cách vô ý thức thường có ở những vận động viên. Cái nhìn của đôi mắt đen thật sâu và yên tĩnh. Khuôn mặt của anh ta trông nghiêm nghị và đáng yêu. Anh ta hơi cúi người về phía trước, hai cẳng tay đặt trên mép bàn, nhìn chăm chăm trước mặt, như thể đang đứng ở trên đài, sẵn sàng chống đỡ (...).

Joe Louis được biết đến như Người đánh bom Chocolate bằng hai nắm tay đã đánh ngã anh chàng da trắng trội hơn lăn xuống đất trong một cuộc đấu quyền anh trước mặt 80.000 khán giả trong sân vận động Mỹ ở New York, tại đây đã làm sáng tỏ ưu thế của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, hay của nước Đức theo chủ nghĩa phát xít Hitler. Đôi vai có góc cạnh nở nang của Louis và những bắp thịt điển hình cuồn cuộn theo hàng đôi, theo ý chí sâu sắc và nỗi ưu phiền của tổ tiên, đã xông vào Schmelling, ngày 22/6/1938, tông thẳng một quả đấm như trời giáng, khiến đối thủ phải chịu một trận đo ván đi vào truyền thuyết ngay trong hiệp thứ nhất, trong một cuộc đấu mà người ta nghĩ rằng phải rất mệt nhọc và kéo dài không dưới 15 hiệp. Cuộc tấn công man rợ và hết sức mãnh liệt của Louis đã đánh gẫy hai xương sườn của đối thủ người Đức trong một cuộc đấu chóng vánh chỉ mất 2 phút 34 giây, một trận tấn công có lẽ đã nhen nhóm từ sau trận thất bại năm 1936, khi mà Max Schmelling chiến thắng và Louis vẫn chỉ là một người tập sự trên võ đài.

Đài phát thanh đưa tin về trận đấu lịch sử đó, đánh thức sự chờ đợi của cả thế giới và thu hút sự chú ý của Fidel, cậu cũng đã áp tai vào đài nghe và đấm vào không khí, đứng dừng lại hoặc tiến bước, sang hướng này sang hướng kia của gian phòng nhỏ, tại đó tất cả sống trong sự kiện lạ lùng và không thể nhắc lại lần thứ hai, nó in sâu cho đến suốt đời trong ký ức một giây phút vui vẻ và cuốn hút, đến mức vào một ngày đẹp trời, cậu và anh Ramón vui vẻ, say mê tổ chức cuộc đấu quyền Anh trên sới chọi gà ở Birán, trong dịp nghỉ hè năm sau.

Fidel Castro cùng Chủ tịch Cuba Raul Castro. Ảnh: cand.com.vn

Một hôm, với một vẻ bình tĩnh lạ lùng, cậu thẳng cánh từ chối không nghe theo những gì người ta ra lệnh ở trong nhà Martin Mazorra: "Tôi không đi học, tôi không làm gì cả, tôi rất mệt nhọc, giờ tôi không thể chịu đựng được nữa". Cậu khẳng định dứt khoát và rất thuyết phục, khiến ngay hôm sau, người ta phải đưa luôn cậu vào ở nội trú trong Trường Dolores và cậu lại được thấy cái sung sướng được tham gia vào những cuộc thi thể thao, những cuộc du ngoạn thám hiểm, những hoạt động thực hành ở phòng thí nghiệm và những hôm không ngủ trong thư viện, với sự tự do hoàn toàn theo hành động và mơ ước của mình.

Sau sự vắng mặt dài ngày và thời gian ăn trả bữa sau khi ốm khỏi, ngày đầu tiên của lễ Chúa Giáng sinh, ở Birán, qua đi như bay. Lina đang bán hàng cho khách ở cửa hàng, vội chạy nhanh ra ôm hôn cậu, rất bằng lòng vì cậu đã trở về nhà sau khi đã phải chịu bao đau đớn, bởi sự xa cách, vì cậu ốm đúng vào dịp bà sinh em bé Augustina, không thể đến thăm được. Em bé gái mà sau đó Fidel nhìn thấy và bế ẵm, rất bé nhỏ và gầy, lúc đó đã được gần 4 tháng tuổi, dáng vẻ rất nhanh nhẹn. Hai cô em Juanita và Emma không thấy có thay đổi gì đáng kể, duy chỉ có vẻ hơi cao và gầy. Cậu gặp cô chị họ Clara, một thiếu nữ khỏe mạnh, da rất trắng, tóc xõa trên vai, khổ người trung bình, nhưng dáng đi có vẻ lạ lùng, núng nính, chân cao chân thấp.

Ángel đến vào giờ ăn trưa, sau khi phóng ngựa thăm một vòng quanh đồng ruộng và nói với cậu con trai rằng không nên cưỡi ngựa vào những giờ này, mà phải nghỉ ngơi buổi trưa dưới bóng mát ở ngoài cổng. Tại đó, Fidel và cha trò chuyện với nhau một hồi lâu về những vấn đề có thể tưởng tượng được, những chuyện cao quý và bình thường, dễ quên hay nhớ mãi. Alejandro, một trong số những người em của Lina, bước vào, và câu chuyện chuyển sang nói về quá khứ. Vào năm 1931, cậu đã yêu một cô thiếu nữ mồ côi cả cha lẫn mẹ, cô ta đã làm cho cậu mê mệt bởi một loại cỏ thơm trên rừng bôi lên da... Có người đã tố cáo với Đội Dân vệ về chuyện yêu đương của họ, bởi vì cô gái đã mang thai, và chỉ Ángel mới có thể cứu thoát cậu em vợ khỏi vũng lầy đó.

- Có ai đã trông thấy người ta lên án một người đàn ông muốn lấy vợ không? Điều cần phải làm là thả anh ta ra để tổ chức hôn lễ.

Alejandro sợ cô gái chết, vì hiện đang sống với em trai, cả hai đều rất nghèo khổ. Tạm thời, cô thiếu nữ ở nhà bà Dominga và ông Pancho, nhưng nếu người ta hành tội cậu Alejandro thì không biết sau đó sẽ ra sao? Sự bất hạnh không phải do cậu em vợ gây ra, cậu chỉ là người đã chấp nhận yêu cầu của cô gái, và bây giờ lại cưới cô "khi cô sinh con nhằm bảo toàn danh dự cho cô" - Pancho khẳng định.

Bây giờ họ sống ở đoạn rẽ số 31, đường đi Perico; nếu ai đi đến nhà của ông Manuel Argiz, em vợ Angel Castro, thì phải qua lối đó. Alejandro đi thăm ông Pancho và bà Dominga vào buổi sáng và buổi chiều mang đến cho Lina tin tức của ông bà già và lũ cháu Ana Rosa, Maria Antonia và Luis. Cậu ta xin phép vào trong nhà, đi đến tận nhà bếp, uống vội một tách cà phê và nói chuyện với chị gái.

Khi chiều xuống, có lẽ đây là lần đầu Fidel thấy được sự cố gắng học tập của cha mẹ. Chưa bao giờ cậu được nghe nói cha mẹ đã đi học ở trường, nhưng cả hai người đều đi học ở những lớp học tạm thời ở bậc tiểu học. Ángel đã đi học ở trường làng và ở trong quân đội, người ta tổ chức lớp học bắt buộc cho những người lính làm nghĩa vụ quân sự, còn Lina học trong ngôi trường nhỏ ở nông thôn miền Las Catalinas, tại đó, Lina bắt đầu đi học lúc được gần sáu tuổi ở Hatuey, vì vậy, cả gia đình đã hành hương từ Camaguey đến Oriente.

Ángel đọc báo, sau khi đã tự học biết rõ nghĩa của những dòng chữ. Ông làm việc đó một cách chậm chạp, nhưng hiểu rõ nội dung của những vấn đề buôn bán trình bày trên các trang báo, hiểu rõ sự thăng trầm của chính trị và những sự kiện biến đổi của chiến tranh ở châu Âu; ông đánh giá cao những hành động siêu việt trong cuộc đời của một đất nước; ông tự nhận mình yêu thích môn địa lý và kể chuyện một cách kính phục về những nhân vật lịch sử.

Lina nghiêng đầu bên đống sách vở trên bàn. Bà đọc lại những dòng chữ một cách rất vất vả, hầu như phải đánh vần từng chữ bên ánh sáng của một ngọn đèn ga. Nếu cần viết, bà cầm bút chì lóng ngóng viết và những con chữ ngả nghiêng siêu vẹo. Chỉ đế khi tối quá và mệt mỏi bà mới chịu nghỉ học, xếp sách, vở, báo và bước lên lầu giáp mái, tại đó, chồng bà vẫn tiếp tục đọc báo cho đến đêm khuya.

Fidel nghĩ đến đàn gà chọi quý tộc của cha mẹ không bao giờ chịu thua. Cậu đã xem những trận chọi gà vào ngày Chủ nhật trong mùa chặt mía, là cơ hội duy nhất để cho những tay chặt mía người Haiti và những người làm công có được một ít tiền, phung phí tiêu pha, để rồi sau đó, chết vì đói hoặc đau buồn. Sới chọi được ông Ángel thiết kế cho một người thuê. Người bán vé vào cửa, Epifanio Gomez, thu 50 xu một vé.

Những trận chọi gà diễn ra rất xúc động. Không khí căng thẳng chủ yếu ở chỗ đánh cược. Người ta hội họp ở đây từ 80 đến 100 người dân sống quanh vùng khoảng vài kilômét. Họ đến cùng những con gà chọi đang trong những túi vải trắng hoặc xanh: tất cả đều là loại gà đẹp. Những người nông dân nuôi những chú gà chọi của mình một cách thật hy sinh. Phải cho chúng ăn uống và tập luyện thật đặc biệt, và trong đó có việc cấm không cho chúng gần gà mái, để khỏi bị mất sức trong những trận "chiến đấu yêu đương". Tất cả những điều đó đã kích thích tinh thần chiến đấu: "chết oanh liệt trong trận đấu".

Những cuộc đặt cược hầu như bao giờ cũng là 5 pêsô, nhiều hơn nữa là 10 pêsô, thỉnh thoảng mới có người đặt tới 15 pêsô. Không phải người ta chỉ đặt cược trong một bảng mà có nhiều bảng danh sách. Fidel thường hay đặt cược 50 xu vào một chú gà chọi, đặt cược 1 pêsô vào một chú gà khác, và một con khác nữa đặt cược 2 pêsô.

Một số người đánh liều vào con gà quế, một số khác đánh liều vào con gà hoa vàng trắng, con gà lấm chấm trắng đen, con chọi đỏ đen, con chọi không đuôi, ở đây, có đầy đủ sắc màu và giống gà chọi khác nhau.

Đối với Fidel thì việc đặt cược không phải là quan trọng. Thực sự đối với cậu là giá trị của con gà, nếu nó là một con vào loại cậu biết rõ, và cái quý hơn cả là quan hệ bạn bè với chủ của nó. Cậu cũng chú ý đến những ai là người đánh cược vào giữa cuộc chọi của con gà, họ là người sẽ thắng cược: hoặc 5 ăn 1, 5 ăn 2 hoặc ngược lại. Các bà phụ nữ không chấp nhận cái trò chọi gà này. Lý lẽ của các bà không giống nhau. Nếu thắng cuộc, những ông chồng thường dùng tiền ấy và tiền gốc nữa vào những bữa rượu cho kỳ hết. Nếu thua cuộc tức là mất hết tiền của gia đình. Được hoặc thua, đằng nào cũng thế thôi, việc đó chỉ làm cho người đàn ông làm công trong điền trang càng thêm nghèo khổ.

Đối với Fidel, hoàn cảnh bất hạnh đó khiến cậu thấy buồn, nhưng cậu hiểu đấy chỉ là việc tiêu khiển duy nhất của những người lao động để quên đi những điều đau khổ. Không có hội hè, chẳng có đàn phong cầm lên tiếng, chẳng có nhà thờ, cũng chẳng có các cô gái Digan bói toán. Có lần, một gánh xiếc ốm đói, với một vài ba nghệ sĩ quần áo màu trắng xỉn, cũng đến đây. Những tiết mục của họ thật nhạt nhẽo. Để có thể xem được một gánh xiếc đúng như tên gọi của nó, người ta phải đến tận Marcané, để vừa xem xiếc vừa thăm thị trấn trong chốc lát.

Ramón, Angelita và Fidel đã một lần đi đến nhà Pablo để tìm hiểu về điệu nhảy, ở đó, người Haiti vừa nhảy vừa đánh trống và uống rượu mía với một vài người phụ nữ từ xa đến, để sống cuộc sống luyện kim đơn kỳ lạ bằng mồ hôi và những cơn co giật của một thứ tình yêu giả tạo, sau khi nếm vị ngọt của một loại địa y, một loại cộng sinh tảo với nấm để làm thành một thứ đồ uống gồm hỗn hợp sirô trái cây, rượu rum và tinh dầu dâu. Tuy nhiên, dù mấy cô cậu rất muốn đến thăm xem cuộc vui đó, nhưng không được phép.

- Đó là một cuộc nhảy sỗ sàng, bất lịch sự - Lina đã cảnh cáo con gái Angelita, một cô gái cao lớn, thích cho mọi người quà, giống như người cha đã làm. Cô vẫn thường đến nhà Piadosa, một phụ nữ nông thôn, nhiều con, và không biết phải làm thế nào đối với người chồng ở xa. Anh ta là một tay chuyên hái quả và lá panma hoàng gia  ở cả vùng này để có một số tiền công là mấy đồng một cây. Người con gái lớn của ông chủ điền trang mang thức ăn và quần áo của cửa hàng tiếp tế cho anh ta. Những cậu em của cô gái cũng tặng Alberta, bà vợ khốn khổ của anh ta và là mẹ của Carlos Falcon sống ở Altos de Birán những tặng phẩm tương tự bằng thái độ yêu thương. Có một lần, tất cả mọi người mời Lina đến ăn bữa trưa tại lán của Piadosa mà không biết rằng Lina là người cung cấp chính cho bữa ăn ấy.

Đối với mấy người con trai, không ai nói chuyện với các cậu về những ngày lễ hội của người Haiti ở Birán 7, tại Trocha; mấy cậu trẻ phải trốn khỏi nhà chạy đến để nhìn qua hàng rào xem cái cảnh gây khoái lạc khi xác thịt chạm quấn lấy nhau, sau khi những người đàn ông đã uống rượu hàng giờ trong cái không khí trống vỗ cuồng nhiệt, bên cạnh những phụ nữ nổi tiếng bởi những lời bình luận cay nghiệt, đang uốn éo với dáng điệu giả tạo, lả lướt.

Những ngày lễ hội ở Birán 7 tổ chức theo từng kỳ đặc biệt cách xa nhau, vì vậy, sới gà chọi là thú vui duy nhất trong mỗi ngày Chủ nhật. Cuộc chọi bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều thì tan.

Những chuyện cãi cọ trên các sới chọi bay xa 150 mét tới căn nhà lớn của điền trang. Trên sới chọi làm bằng gỗ, mái tôn, có khoảng 100 chỗ ngồi bậc thang theo một vòng tròn, đường kính 10 mét, trên mặt đất trải một lớp mạt cưa, các chủ gà chọi hoặc những người điều khiển trận đấu quát thét ầm ĩ. Fidel nhìn thấy họ khích động gà, hút máu ở vết thương của gà, hoặc đổ rượu lên đầu gà để kích thích chúng. Thỉnh thoảng cuộc đấu bị dừng lại, và những người đánh cuộc khuyến khích con gà mà mình đặt cược, hoặc trận đấu dừng hẳn khi một con gà bị mù, chạy ra ngoài vòng chọi ngã lăn ra, ngửa cổ lên trời.

Fidel nhớ những trận đấu thật khác thường. Một chú đã thua, bất  thình lình vẫy vẫy cánh, nhẩy xổ lên đánh gục ngay đối thủ bằng một cú đạp ngược. Thật kỳ lạ! Từ xa mọi người cũng đã trông thấy rõ sự việc bất ngờ trên sới chọi. Trong những trường hợp như thế, có những người chủ bỏ mặc gà chết trên sới chọi, còn những người chủ khác mang gà bị mù về để nuôi.

Ramón và Raúl có nuôi mấy con, còn Fidel chỉ nuôi một con. Cậu thiếu niên tin rằng con gà của mình hơn hẳn, nó dũng mãnh hơn. Cậu không huấn luyện nó, vì không biết cách huấn luyện. Cậu ở lại đấy hai tuần lễ dịp cuối năm để ăn Tết và đến những ngày tham gia vào trận chọi gà, uống rượu bia tươi rất lạnh, ăn bánh kem trứng và kẹo của ngưòi Haiti bày bán trên những cái bục hoặc mẹt trước cửa sới chọi gà.

Khi không phải học trong trường nội trú, Ramón chơi chọi gà. Bao giờ cũng thấy cậu ghi tiền thu thắng cuộc; trái lại, không bao giờ cậu cho ai xem tờ ghi chép lần thua của           gà mình.

Chiếc xe buýt tránh những đường phố rộng và hơi nghiêng từ El Cobre, để lại phía sau nhà thờ, làm nổi bật trên khung cảnh đầy cây panma ở hai bên đường và dừng lại gần một con đèo dựng đứng.

Có học thức hơn và thiên hướng kỷ luật hơn những người Pháp ở trường Hernianos La Salle, những tu sĩ của Hội Thánh dòng Tên, thành lập từ năm 1540, liên hiệp những truyền thống của Thánh dòng Tên dựa theo Ignacio de Loyola, cùng với tổ chức quân đội và đặc tính Tây Ban Nha.

Những học trò của Trường Dolores thường xuyên đi thám hiểm ở những miền chưa quen biết và hẻo lánh. Trước đó, họ đã đi khảo sát vùng Puerto Boniato và vùng Caney. Cùng với René Fernandez Barzaga và Balbino Pérez, Fidel giữ mối liên hệ gần gũi, bạn tốt. Leo núi vào loại giỏi, Fidel bất chấp những dòng suối tràn bờ, và những triền núi khúc khuỷu, quanh co. Cậu biết rằng, những giáo sư dòng Tên tổ chức những cuộc du ngoạn khảo sát này để hình thành tính cách cho các học sinh của họ và khích lệ sự cố gắng can đảm, sự chịu đựng dẻo dai, bất chấp những rủi ro, khêu gợi tinh thần dám nghĩ dám làm.

Cậu học trò Fidel đã biết cả mọi ngóc ngách tư tưởng của các thầy giáo và người phụ trách dòng Tên của lớp và cách đối xử của mình. Cậu tin chắc là không bao giờ các vị ấy trách mắng mình bởi sự chậm trễ không tới được nơi cao nhất của những ngọn núi. Bắt đầu leo lên và tới được nơi cao nhất, quả là một sự thách thức mà tất cả đều khuyến khích. Để leo lên tới đó, cậu bắt đầu chuẩn bị sức lực, nghệ thuật leo và sự nhanh nhẹn.

Màu xanh nổi bật của cây dương xỉ và sự ẩm ướt của đất dưới chân làm cho Fidel nhớ đến Birán. Cái cảm giác ấy gây cho cậu một niềm sung sướng. Với quyết tâm như trước, cậu vượt qua những con suối nước chảy cuồn cuộn, những khe rãnh lầy lội phải liều lĩnh để vượt qua những thử thách, như trong những cuộc thi thể thao mà cậu thường xuất sắc giành thắng lợi.

Ngày đi thám hiểm núi Cobre, cậu đã tới đích gần 2 tiếng đồng hồ, sau giờ quy định phải trở về. Cậu trở về với quần áo rách nhiều chỗ và đôi cánh tay dài, ngực và mặt đẫm mồ hôi. Đầu tóc thì như vừa gội, và đôi môi tái ngắt một màu xanh của kẻ bị ngất. Thầy giáo đưa cho cậu một chiếc bi đông đầy nước và làm cho cậu tỉnh lại bằng một ngụm nước và hỏi:

- Đã đến nơi chứ?

- Đã. Từ nơi cao nhất, những đám mây như thể một tấm đệm bằng lá cây dưới chân em. Hình như sắp có mưa. - Fidel trả lời.

- Em nói đúng đó. Đến chiều tối sẽ có một trận mưa rất to.

Thôi, chúng ta đi.

Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 1939, nhà thám hiểm trẻ tuổi cảm thấy thỏa mãn trong không khí của trường học. Cậu có một chút hoài nghi về tất cả những sự thật bày đặt ra bởi tôn giáo, cậu so sánh thấy thật quan trọng những truyền thuyết của Kinh Cựu ước. Cậu tỏ ra rất quan tâm đến những vấn đề thể thao và các môn khoa học tự nhiên.

Cậu nghe nói đến Darwin như một người ngoại đạo vẫn còn chưa giải thích được một cách rõ ràng học thuyết tiến hóa của các sự vật, vậy thì cái nơi địa ngục ác độc kia phải tìm ở tận đâu? Từ thế kỷ XIX, José Marti  trong một cuộc nói chuyện thân tình, đã bảo vệ một cách nhẹ nhàng và dễ hiểu cha con người ngoại đạo kia: "Người mà ngài vừa kể tới là một người Anh tên là Darwin Charles Robert, vầng trán của ông ta là một sườn núi dựng đứng". Fidel càng ngày càng cách xa cái bí mật tối om và thiên hướng của những người sùng đạo, nhưng đến cuối năm học, điểm học lực của cậu vào loại tối ưu trong những môn thuộc về trí tuệ và học thuyết. Trong thời kỳ đó, cậu luyện cho mình tính kiên trì, chứng tỏ khả năng và sự phản kháng của mình, leo núi và say mê học tập nghiên cứu qua sách trong thư viện.

Lưng đeo khẩu Winchester 44, Fidel đi một mình theo con đường nhỏ giữa triền núi cao, thuộc từng tấc đất của cả miền rừng núi và không có người ở này. Cậu không sợ đêm tối sắp đến. Với khẩu súng quen thuộc, cậu có cảm giác có thể đánh bại được tất cả kẻ sống cũng như đã chết. Có hai con đường đi tới Pinares de Mayarí, một dài hơn, ít đèo dốc hơn, kéo dài giữa những triền đồi, con đường thứ hai ngắn hơn, nguy hiểm hơn, ngoằn ngoèo len lỏi giữa những triền núi cao. Fidel thích đi theo con đường thứ hai, ở đấy phải leo lên một quả núi rất cao, đến độ con ngựa bị mệt lử, mồ hôi như tắm, hầu như kiệt sức. Cậu đi trên con đường hai bên trồng thông và kéo dài suốt chuyến đi là những cảm xúc và mong muốn khát khao được tới thăm lán trại của những công nhân lâm nghiệp khi bếp lò ở đấy hãy còn đang cháy.

Sau một sự cố gắng cật lực, cậu đã tới vùng cao nguyên, ở vào khoảng 700 mét độ cao, cái lạnh giá của rêu và gió mùa khá mạnh đã làm cho mồ hôi của con ngựa khô ngay trong vài phút. Quên cả quãng đường gập ghềnh và mọi điều nguy hiểm, Fidel muốn đi ngay tới gặp Ramón lúc đó đang ở La Casimba. Trong xưởng cưa xẻ gỗ đó, có một người Đức sống cùng bốn người con, có lẽ đó là một trong những gia đình nhập cư mới đến Cuba sau năm 1906.

Fidel đã đến thăm họ mấy ngày sau đó. Ngày 15 tháng 6, họ đã chụp ảnh chung bằng chiếc máy Leika loại máy nhỏ và rất hiệu quả. Trong một tấm ảnh, Fidel ngồi trên một khúc gỗ bên cạnh có Ramón và mấy cô gái trong vùng, tựa lưng vào một tấm ván gỗ; trong một tấm ảnh khác, hai anh em ngồi trên lưng ngựa còn những cô gái đóng giả những "phu nhân" trịnh trọng cầm dây cương.

Ramón đội mũ vành rộng, còn Fidel đội mũ lưõi trai kiểu lính thủy.

Những tấm ảnh giữ lại cho đến sau này có vẻ sáng sủa và rất rõ nét của một ngày không mây. Fidel nói chuyện với một cô gái trẻ, lưng tựa vào những tấm ván gỗ của xưởng cưa. Cậu nhìn cô bé thật quyến rũ; cô gái mỉm cười với cậu. Hai người rủ nhau đi dạo trên đồng quê, dừng lại bên một dòng sông nhỏ ven bờ đá rêu xanh và dương xỉ bao trùm.

Vào thời đó, các cậu trai chưa biết đến tượng thần Vệ nữ của Milo, tuy nhiên, họ cũng biết nhìn chăm chú vào những cô gái có háng, đùi nở nang và uyển chuyển thật rõ nét.

Một lần, khi ngồi yên tĩnh một mình, cậu viết cho một cô gái trẻ những bài thơ có lẽ là những bài thơ tình cuối cùng của cậu, gói trọn trong ma lực của ngôn từ, cậu tìm mọi cách nêu những ý tưởng để nói lên tình cảm của mình.

Sự thể hiện của cậu không đạt bước tiến về thi ca, nhưng dù vậy, cậu cũng tham gia vào một cuộc thi do nhà trường giúp đỡ tổ chức. Một buổi chiều, trong khi cậu ngồi miệt mài viết, viên giám thị nội trú bắt gặp, ông ta lặng yên chờ cho cậu viết xong mới ra mặt giằng lấy tờ giấy, ngồi trên bục giảng, đọc đi đọc lại những câu thơ, chẳng kể gì đến việc cậu học trò bước vào ngăn lại với sự hổ thẹn vô cùng. Sau cơn tức giận và hổ thẹn ngày hôm ấy, Fidel không bao giờ làm thơ nữa.

Ông cha đạo García, một cố đạo dòng Tên người Tây Ban Nha rất năng động luôn là một người biết biến những ước mơ thành sự thực sờ nắn được. Ông làm dấy lên trong đám học trò một tình yêu văn chương và một tinh thần có chút phiêu lưu. Ông tổ chức cuộc thi thơ qua một chương trình trên làn sóng ngắn, tại đó chính những học trò của trường Dolores biên tập các chương trình. Chương trình có kết quả tốt, liên lạc với tất cả các gia đình của các học sinh trong thành phố Santiago và vận động tham gia bình chọn để quyết định ai là người thắng cuộc.

Fidel học lớp 7, lúc đó 13 tuổi, hãy còn chưa có gì làm nhiễu loạn thi hứng của cậu. Những vần thơ của thi sĩ cùng những vần thơ của Elpidio Gomez, một cậu thiếu niên cùng tuổi ở Bayamo, rất phù hợp với truyền thống văn nghệ của thành phố.

Fidel có quan hệ tốt với tất cả bạn bè, cậu nhờ các bạn nói với gia đình để cha mẹ cũng tham gia bỏ phiếu chấm cho cuộc thi. Cuối cùng cuộc thi có kết quả thật bất ngờ: "Những bài thơ của Elpidio thật rất hay, nhưng những lá phiếu của chúng tôi, đương nhiên là cho thơ của Fidel".

Ramón trở mình bên nọ sang bên kia trên tấm vải trải giường, không sao ngủ tiếp được, hai lá phổi tràn đầy không khí. Cậu thở mạnh thành tiếng kêu vo vo. Cậu em lập tức co mình chạy đi báo cho mẹ, vì cậu thấy ông anh thở gấp từng cơn, vẻ mệt mỏi. Lina bắt cậu con ốm uống efedrina và xoa vào ngực cậu một loại dầu ấm để làm dịu cơn suyễn. Trong thời kỳ ấy, bệnh suyễn được coi là rất nguy hiểm, bởi vì chưa có bình xông và thuốc, phương pháp chữa trị duy nhất lúc bấy giờ chỉ là xông bằng hơi nước lá cây bạch đàn. Ramón nằm dài trong một căn buồng kín nhỏ, đun nước lá bạch đàn để xông hơi. Căn phòng phải kín bưng, cách xa chỗ có luồng gió, và không chứa những thứ ẩm ướt như bí, ngô, các thứ hoa, hoặc chanh, cam, bưởi làm phân tán sức nóng của hơi nước xông lá bạch đàn.

Ngày hôm sau, những cậu thiếu niên tụ tập trên sới chọi gà để tổ chức đấu quyền Anh, bị ảnh hưởng bởi trận đấu có vẻ thần thoại giữa Joe Louis và Max Schmelling mà kỷ niệm của nó sẽ còn lưu lại mãi. Ramón hoạt động như một trọng tài, vì những cơn ho liên tiếp không cho phép cậu làm được nhiệm vụ gì khác trên võ đài. Những trận đấu diễn ra thật nghiêm chỉnh suốt buổi sáng. Từng đôi đối thủ đấu với nhau. Mặc dù nhanh nhẹn và nhẹ nhàng, Fidel cũng một lần bị đối thủ hạ đo ván. Những chiếc găng đấu quyền Anh nhà nghề thường nhẹ cân, nhưng may mắn các cậu dùng loại găng to đùng trong huấn luyện, nên những cú đấm được giảm nhẹ.

Gilberto Suarez Spencer, con một người Haiti, làm công cho Công ty Liên hiệp Trái cây, cao hơn cậu, cho cậu một đấm vào đầu thật mạnh, làm Fidel choáng váng, rồi ngã gục như một thân cây gỗ đổ gục bởi nhát búa của người thợ rừng.

Đến buổi trưa, dù đầu vẫn còn đau, nhưng vẫn quyết định xem bản nháp bức thư của cha, viết ngày 5/12/1939, gửi chú Gonzalo, xây dựng cơ nghiệp ở Buenos Aires, Áchentina.

Em rất yêu quý,

Anh chị đã nhận được đúng lúc bức thư ngày 18/10 vừa qua, bức thư làm cho cả nhà anh chị rất vui mừng và ngạc nhiên, cầu chúc cho toàn thế gia đình cô chú khi nhận được lá thư này, có được sức khỏe thật tốt. Về phần ở bên này, nhờ ơn Chúa tất cả chúng tôi đều khỏe mạnh. Chú nói với tôi trong thư rằng chú đã tròn 59 tuổi, và ngày hôm qua; tôi cũng đúng 64 tuổi, ơn Chúa đã cho phép tất cả mọi người chúng tôi ở đây được sống thêm ít tuổi nữa cho đến khi trông thấy tất cả các con chúng tôi đã lớn. Chú hỏi tôi có bao nhiêu cháu, xin trả lời rằng tôi đã có chín đứa, bốn đứa con trai và năm con gái. Còn chú đã có mấy cháu? Mới đây, tôi vừa nhận được thư từ Tây Ban Nha và tôi cũng đã trả lời để bên ấy cũng vui lòng là tất cả đã kết thúc cuộc chiến tranh một cách tốt đẹp. Chúng tôi mong rằng bây giờ chúng ta đã biết rõ nhau rồi, không nên chậm trễ thư từ và cho chúng tôi luôn biết tình hình của cô chú và các cháu sống ra sao ở bên nước Cộng hòa anh em đó.

Tất cả mọi người trong nhà này gửi tới cô chú và các cháu bên đó những lời chào thân yêu nhất.

Bằng lối chữ nguệch ngoạc và nghiêng ngả, Ángel ký một chữ tên mình, và cùng với lá thư ông mong muốn sớm có được một lần gặp lại người em của mình.

Khi đọc bản nháp của bức thư, Fidel nghĩ tới sự phân tán của gia tộc và nhớ tới số phận của những nhân vật trong Kinh Thánh. Cậu nhớ lại những đau khổ mà dân tộc Do Thái xưa phải chịu đựng trên con đường đi đến miền đất hứa, và tưởng tượng xem cuộc sống ở nông thôn của Tây Ban Nha nó ra làm sao.

Fidel xin đăng ký vào học tại Trường Trung học phổ thông ở Santiago de Cuba ngày 15/5/1940. Đến cuối năm học không chỉ vượt lớp 7, mà còn vượt qua những thử thách khắc nghiệt mà các thầy giáo của những trường công đặt ra đối với những học sinh ở các trường tư muốn vào học chính thức các lớp trung học ở đấy.

Rất bình thản, Fidel đến lớp dự thi và đạt được điểm số đứng đầu những học sinh ở trong lớp. Trình độ học lực của cậu có được như vậy là nhờ kết quả của sự nghiên cứu học tập trong sách, còn ở trong lớp, Fidel hầu như không chú ý lắm đến những bài giảng của các thầy giáo.

Sức tưởng tượng của Fidel đặt hàng giờ liền không nghỉ vào những trận đánh lớn trong lịch sử. Những người anh hùng của Fidel khi đó là những tướng lĩnh như Alejandro, Anibal, Napoleón và Bolivar. Ngày nay, vẫn còn cuốn album tem thư về cuộc đời của Napoléon, và Fidel biết rõ trận Austerlitz, những trận chiến ở Italia, trận Bailén. Fidel khâm phục ông tướng này đến mức có ác cảm với mùa đông Nga, khi tuyết dày hàng thước và cái đói làm tan rã quân đội của ông ta, và cuộc rút lui như một bi kịch cay đắng và nhục nhã.

Trong một phòng trưng bày ở gần đó, có hình ảnh của Simón Bolivar, Carlos Manuel de Céspeded, Máximo Gomez, Antonio Maceo và José Marti. Ký ức của Fidel không bao giờ phai mờ được hình ảnh hai tiếng đồng hồ buộc phải ở lại để học, nhưng cậu đã ngẫu hứng bày ra một trận địa với quân lính bằng giấy như vẫn thường mơ ước.

Fidel phát biểu tại buổi chiêu đãi chào mừng đoàn Cuba được tổ chức tại Hà Nội trong chuyến thăm năm 1973. Ảnh: TTXVN

Nhiều lần khác, cậu nghĩ đến những cô gái với một chút lý tưởng hóa và có khuynh hướng lãng mạn thông thường, với độ chín trước tuổi của những chàng trai lớn lên trong thiên nhiên trong lành, không có định kiến ở nông thôn. Còn về thể thao, trước khi tổ chức những trận bóng đá, bóng rổ hoặc bóng chày bao giờ Fidel cũng tự hỏi những người nào tham gia vào đội bóng đối phương? Họ chơi thế nào? Có bao nhiêu bàn thắng vào lưới? Có bao nhiêu chày thủ bị xếp vào bóng tối? Sự thật là cậu ít tranh thủ thời gian học trong lớp, mà lại dành nó vào việc mơ tưởng không mệt mỏi của mình.

Phóng ngựa trên những con đường ở Birán trong những ngày nghỉ hè đầu tiên. Trên lưng con ngựa Careto, Fidel đi tới nhà những người nông dân để hướng dẫn họ cách thức bầu cử và làm cho họ tin tưởng việc bầu cho Pedro Emilio, người đang hy vọng trở thành đại biểu của phe đối lập trong Nghị viện, người luôn là bạn thân thiết với Fidel. Đối với María Lidia cũng vậy. Những đứa con của Ángel với bà vợ trước, không sống với mấy anh chị em Fidel, nhưng bao giờ vài thành viên trong cả hai gia đình cũng có sự tranh đua tế nhị một chút nhỏ và thầm lặng, nhưng thỉnh thoảng họ vẫn đến thăm ngôi nhà lớn ở Birán.

Lidia sống ở Santiago từ khi cưới bác sĩ Montero, một thầy thuốc có đôi chút địa vị và có phòng thí nghiệm riêng. Căn nhà của ông đủ tiện nghi, nhưng không có những đồ gỗ xa hoa, ông rất hồ hởi, thân mật tiếp đón mọi người. Khi Fidel học trong trường La Salle, bà Lidia đã mời Ramón và cậu đến ăn trưa những ngày Chủ nhật, làm cho hai cậu những món ăn đặc biệt và những món tráng miệng thật ngon lành.

Fidel khâm phục Pedro Emilio là nhà trí thức biết nhiều thứ tiếng, như tiếng Pháp, tiếng Anh và Italia. Nói chuyện với Fidel, ông kể cho cậu nghe nhiều chuyện và hứa sẽ cho cậu tặng phẩm và viết bài thơ: "Italia thiêng liêng, tôi yêu Người/ bằng tình yêu của cả tâm hồn vui vẻ của Người/ hãy làm cho nảy nở trong tôi mùa Xuân/ hãy làm cho tôi thành chủ lò nướng bánh của Người(...)”.

Pedro Emilio tự hào vì ông là một chính khách phe dân chủ và chống Batista, nhưng ở trong ngôi nhà lớn ở Birán, ông nổi tiếng hay cãi nhăng cãi cuội và khờ dại, và bị phê bình về cái tội đàn đúm lăng nhăng trong những quán cà phê và tụ tập trong cái gọi là thi đàn vô tích sự. Mặc dù vậy, Ángel vẫn ủng hộ ông ta trong những mơ tưởng chính trị, còn cậu con trai Fidel thì tin vào những lời hứa hẹn lúc vận động bầu cử, tin rằng ông ta sẽ tặng cho mình một con ngựa tốt, nếu ông ta được trúng cử.

Bất chợt xảy ra một sự việc không ai ngờ tới: quân lính của Batista vũ trang ập đến cấm bỏ phiếu cho những người đối lập với chính phủ tại những phòng bỏ phiếu ở Birán. Dĩ nhiên, Pedro Emilo cuối cùng không chiến thắng. Tất cả mọi người quan sát cảnh đàn áp ấy một cách căm phẫn. Bọn lính dày xéo lên người dân với vẻ căm ghét ghê gớm và vô nghĩa. Chúng chĩa súng vào người dân hoặc giơ roi quất mạnh vào lưng những người nông dân và những công nhân Haiti. Fidel cảm thấy xót xa trong lòng khi chính mắt trông thấy sự ngược đãi rõ ràng những người dân và kể từ đó trở đi không bao giờ quên được cái nghĩa chính của một trò lừa đảo chính trị và một số những cuộc bầu cử kết thúc bằng những đòn rất ngọt của những thanh mã tấu.

Từ năm 10 tuổi, Fidel đã trông thấy những hành động vũ lực của quân đội, và nhất là, bọn quân cảnh vệ mặc đồng phục của lính biên phòng Mỹ, kể cả mũ cũng là chiếc mũ Stetson của Mỹ. Chúng đóng quân ở những đồn bốt của quân đội gần các nhà máy đường, bọn lính dân phòng này luôn luôn chấp hành lệnh của nhà chức trách Mỹ, và những công chức cấp cao bao giờ cũng chống lại công nhân người Cuba, một cảnh tượng mà Fidel đã nhìn thấy thật rõ ràng và cảm thấy ngày càng căm phẫn tột độ.

Buổi trưa hôm ấy, sau khi đi dạo một vòng điền trang về, Ángel bình luận với con trai về những tin tức. Người cha nhìn nhận Roosevelt là một chính khách lớn, ông phê bình chính sách "tự do quá đáng" của nhà chính khách, nhưng không cho cái chính sách "chống khủng hoảng" của Roosevelt là xấu. Nhà chính khách lớn này đã giúp cho việc phục hồi nền kinh tế Mỹ, bằng cách chấp nhận làm chính sách kinh tế chính thức của Mỹ, và của cả những nước Mỹ Latinh, đặc biệt là chính sách kinh tế của Cuba, phụ thuộc không chỉ vào giá đường trên thị trường quốc tế, mà đến cả những điều đã thỏa thuận trước với Mỹ.

Những sức ép kinh tế không còn làm cho Ángel phải rối bời như trước. Dù rằng ông chưa lấy lại được tất cả tài sản của mình, nhưng ông vẫn tiếp tục được khai thác nó, cùng với hơn 10.000 hécta lĩnh canh của những cựu binh trong Chiến tranh Độc lập. Vì vậy, ông già vẫn tự cao nói không lâu nữa, mình sẽ có điều kiện để tổ chức lại những công việc của mình, và trang trại Manacas lại trở về với tài sản gia đình.

Những tiếng trống của ban nhạc Trường Dolores vang rộn nhờ Fidel, lúc đó đang mặc bộ đồng phục quân đội và đang bước trong hàng quân tuần hành. Chính cậu cũng kinh ngạc về cảnh này, bởi vì từ trước đến nay, chưa bao giờ cậu học một thứ nhạc cụ nào thực sự nghiêm túc cả. Trong thời kỳ học cấp 1, có lúc cậu cũng hát một vài bài ca hay thơ phổ nhạc tôn giáo, nhưng đến năm lớp 3, cậu ít khi tham gia những buổi hát ở nhà thờ. Thế mà bây giờ, cậu đánh trống không đến nỗi tồi trong đoàn nhạc, có lẽ vì âm thanh ấy khiến cậu nhớ lại cách đánh trống của những người Haiti ở điền trang khi họ nhảy múa để đưa tiễn một người trong bọn họ bị chết, như một nghi thức để cứu giúp người chết thoát khỏi mọi điều đau khổ và bay về trời.

Tháng Chín 1940, Fidel học năm thứ nhất ban Tú tài đăng ký ở Trường Dolores và cả ở Trường công cấp trung học tại Santiago de Cuba.

Cậu thấy xúc động trước những biến cố xảy ra trên thế giới và uy tín của Tổng thống Franklin D. Roosevelt, theo như quyền hành và sự kính trọng rất xứng đáng của người Mỹ, với vai trò là người giúp đỡ về vấn đề độc lập của Cuba, nhưng theo như những câu chuyện chính thức mà mọi người không biết, người ta đã cướp đoạt đất nước Cuba khỏi tay người Cuba bằng nhiều phương pháp, một số rất tế nhị, một số khác không được như thế, bọn chúng nhảy vào đủ mọi chỗ như con bạch tuộc tham lam và quá đáng.

Vì đã được học tiếng Anh một ít ngày, Fidel quyết định viết thư chào ông tổng thống để thực tập những hiểu biết của mình, gửi ngày 6 tháng Mười một 1940:

(...) Tôi 12 tuổi, tôi là một đứa trẻ và tôi suy nghĩ rất nhiều (...) tôi không nghĩ là tôi đang viết gửi Tổng thống Hoa Kỳ (...) Tôi không biết nhiều tiếng Anh, nhưng tôi biết nhiều tiếng Tây Ban Nha và tôi cho là ông không biết nhiều tiếng Tây Ban Nha, nhưng lại biết nhiều tiếng Anh, bởi vì ông là người Hoa Kỳ, nhưng tôi không phải là người Mỹ.

Tiếng Anh thực ra dễ hơn tiếng Pháp của những ông thầy dòng ở trường La Salle, văn phạm của nó cũng đơn giản và ít rắc rối hơn trong phát âm.

Trong Kinh Thánh, cậu biết rằng các ngôn ngữ khác nhau là sự trừng phạt của Thượng đế để tạo ra sự lầm lẫn giữa những con người, mưu đồ xây dựng Tháp Babel và lên trời. Người ta giải thích sự tồn tại bằng rất nhiều cách khác nhau, để nói lên một điều giống nhau. Dù cách này hay cách khác, Fidel cho rằng có những môn học khó mà hầu như bao giờ cậu cũng được điểm ưu và bất cứ môn học nào cậu cũng thích thú.

Sau khi viết thư cho Tổng thống Mỹ được ít lâu, một bức thư trả lời đã bất ngờ gửi đến, một sự thì thầm nổi lên trên khắp các hành lang của nhà trường. Người ta khẳng định rằng Roosevelt đã viết thư trả lời bức thư của Fidel. Thực ra bức thư trả lời viết bởi một Vụ hoặc một Ban nào đó của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Cuba. Họ trả lời theo phép lịch sự và sự việc đó lại trở thành một sự kiện lớn trong trường học của Fidel.

Fidel lại cảm thấy hứng thú và viết. Trong lần thứ hai, cậu nói về những khoáng sản thiết yếu trong công nghệ đóng tàu cho chiến tranh và sự sẵn sàng của mình tham gia chiến đấu như là người tình nguyện trên mặt trận chống phát xít. Cậu cũng xin một đồng bạc giấy 5 đôla. Trong sách của trường học, thầy có nói về những đồng tiền và những tờ giấy bạc, nên cậu mong muốn giữ một đồng làm kỷ niệm, giống như những tấm ảnh bưu thiếp về cuộc đời của Napoleón.

Những cánh đồng mía trải dài màu xanh đến tận bìa rừng thông và không ai tưởng tượng được rằng đã có những trảng ruộng sạch bóng, mà hơn 35 năm không hề được bón phân. Ángel tạo công việc cho những công nhân của mình, dù rằng để làm được như thế, phải đưa được nước từ sông lên trong mùa khô hạn. Những công nhân làm cho Ángel được nhận tiền lương gấp đôi công nhân của những chủ khác ở những đồn điền khác. Họ được tổ chức thành đội, có một viên cai đứng đầu, vừa làm vừa giám sát, đôn đốc.

Đường không còn bị hạn chế, những hạn mức cho từng người nông dân được nâng cao hơn. Mức sản xuất của Ángel Castro lên tới 4.000.000 arôbát mía. Theo hợp đồng, nếu người tá điền là chủ ruộng đất, xưởng sản xuất đường sẽ trao bằng đường 6%, nếu không phải là chủ ruộng đất thì sẽ bị mất 5% cho người chủ đất.

Cùng với việc đường tăng giá nhờ chiến tranh ở châu Âu và mía được mùa lớn, ông chủ điền trang thu được 2.700 tấn đường, với giá 3 xu một kilô, tổng cộng là 80.000 pêsô. Ông phải trừ tiền công thợ chặt mía, chuyên chở, trồng mía, tuy vậy, thu nhập của ông không thấp. Ông còn có thêm thu nhập từ đàn bò, việc buôn bán của cửa hàng và tiền bán gỗ. Chắc chắn tổng số thu của ông phải vượt quá 100.000 pêsô, nhưng tất cả số tiền ấy cứ phải để đấy, sẽ chia ra trong cả điền trang, bởi vì cả Ángel lẫn Lina đều nói rằng phải giải quyết những việc cấp bách không chỉ cho các gia đình ở đây, mà còn cả những công nhân của Công ty Liên hợp Trái cây, hoặc những người đi qua trên đường đến Sao Corona trong thời gian không có việc làm, để họ đi tìm việc làm ở các đồn điền cà phê ở Mayarí Arriba.

Carlos Falcón nhớ lại nét mặt và cử chỉ của Ángel đối với mấy người nông dân ở Benítez đi bộ đến Sierra Maestra vào lúc mặt trời sắp lặn. Ángel bảo Carlos Falcón và mấy người đi tìm họ:

- Hãy nhìn xem, bây giờ đã tối quá rồi, bọn nhóc đó làm sao mà đi bộ vào giờ này? Ở đấy, có một đường hào, hãy bảo họ nghỉ lại ở đấy đến sáng mai.

Ông lôi trong sắc cốt bằng vải một cuốn sổ có giữ gốc và lấy ra 10 pêsô. Sau đó ông nói với Carlos:

- Hãy nói với Antonio gửi gấp cho họ.

Antonio Castro đã làm quản đốc kho hàng. Ángel một hôm đến thẳng quầy hàng mẫu và nói với Antonio rằng không gửi số tiền mà các con ông xin.

Người giúp việc ông không chấp nhận lệnh đó:

- Nếu tôi không được làm việc ở đây, tôi sẽ đi ngay, nhưng tôi không thể đồng ý với ông trong việc này. Mấy cậu ấy là những người thừa kế của ông, tại sao tôi lại từ chối các cậu điều đó? Không, thưa ông.

Ông chủ điền trang chấp thuận.

- Được rồi - Ông nói với Carlos và cứ để nguyên như vậy, không thay đổi cái thói quen là Angelita, Ramón, Fidel và Raúl, tự chính họ, đã trao số tiền họ xin cho những người khác.

Antonio Castro tiếp tục sống trong căn nhà nhỏ đối diện với ngôi nhà lớn ở Birán mà một số năm sau đó, bà Dominga đến ở.

Fidel quan sát sự di chuyển của những chiếc xe đẩy vào ra trên con đường như kiến bò bất tận của cha mẹ cậu để chia những gói hàng cho ngày lễ Giáng sinh. Ángel sai người đi tìm "những tay dao thớt" đến để làm thịt mấy con ngựa ở bên ấy giao cho Hevia đảm nhận. Sau đó, Nené Sánchez gửi đi, theo sự chỉ dẫn của mình và đóng hộp những món quà nhập cảng: kẹo làm tại Jijona, nho, táo, những hộp cốctai trái cây, xúc xích rán dầu, rượu vang mônxka, rượu vang táo và rượu vang trắng để giao theo đơn đặt hàng của kho hàng nhập khẩu.

Trong thời gian nghỉ 15 ngày ấy, Fidel thường ở gần nhà. Với mùa đông, cậu không thể đi sâu vào trong rừng thông, ở đó nhiệt độ xuống thấp làm khô cả hơi thở. Vỏ chiếc rađiô làm bằng gỗ, chỉ có ông Ángel và Fidel được sử dụng: một điều dự kiến thật đúng, để có thể giữ gìn nó như một cách duy nhất cho phép theo dõi được tin tức hàng ngày, và một sự quý trọng ông thể hiện với cậu, người mà ông thường tin cẩn trao đổi những việc làm và suy nghĩ của mình. Vào thời kỳ đó, Fidel đang học ban tú tài, một sự việc khác thường ở trong gia đình.

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro (phải) trong một hội nghị ở Harare, Zimbabwe ngày 4/9/1986. Ảnh: TTXVN

Từ năm 12 tuổi, Fidel đã tự quyết định đi chơi xa, đến tận những lán trại làm rừng hoặc đến nhà ông nội Pancho, cách nhà khoảng 4 km và ở nhà, từ Ángel đến người cuối cùng trong số những người làm cho trang trại đều tôn trọng tính độc lập của Fidel. Có khi cậu đi, kéo theo lũ chó được mang những cái tên rất kêu như: Bão táp, Napoleón, Guarina mà Ramón và cậu có trong điền trang.

Cậu được bắn súng, với những khẩu súng mà sau đó đã rơi vào tay cậu như của riêng được sự đồng ý ngầm của Ángel. Chẳng ai hỏi cậu làm gì, đi đâu, về đâu, bao giờ về, ở đâu. Cậu được đi lại tự do, một mình, được che chở bởi uy tín của cậu càng ngày càng lớn, trước năm mới 1941, một năm có những tiếng vang không thể phủ nhận trong khuôn khổ gia đình.

Fidel được đăng ký lại lần thứ hai, ngày 10 tháng Năm trong sổ Đăng ký hộ tịch ở Cueto, ở trang 129, quyển 14, tại đấy đã khẳng định: "tiến hành khai sinh cho một đứa con trai, sinh ra vào lúc 12 giờ sáng ngày 13 tháng Tám 1926 (...) với cái tên Fidel Alejandro Castro Ruz. Chắc chắn đây nói vào lúc 2 giờ sáng mà người thư ký tòa án đã ghi nhầm. Điều rõ ràng nhất là trí nhớ của gia đình và những ghi chép đầu tiên trong cuốn sổ Hộ tịch đăng ký một ca sinh vào lúc rạng sáng của Fidel.

Ngày 12 tháng Tám 1941, Ángel đến văn phòng Tiến sĩ Rafael Legra Heredia, luật sư và công chứng viên của Học viện Nghiên cứu ở Oriente, có chỗ ở cố định trong thành phố Holguin để chứng nhận rằng:

(...) tìm đến quyền lực đặc biệt, rộng rãi, đầy đủ của những luật sư (...) để cùng dàn xếp theo như Luật pháp hiện hành về vấn đề ly hôn nhằm thiết lập và tuân theo tất cả những thủ tục của việc xét xử tương ứng để tòa án đưa ra quyết định chấm dứt mối quan hệ hôn phối còn hiệu lực cùng bà Maria Luisa Angota Reyes (...)

Đơn yêu cầu tòa án xét xử này đã đăng ký trong Tài liệu số 152 và trong nội dung khẳng định rằng Ángel vẫn còn là công dân Tây Ban Nha và đưa trình thẻ người ngoại quốc còn hiệu lực số 213797.

Một vài tuần sau, tại Mayarí, thuộc Oriente, vào ngày 29 tháng Chín 1941, Tiến sĩ Félix Barraquizơ Díaz đến trước phiên tòa và theo đúng quyền hạn nói đã xác định đơn của Ángel xin ly dị bà vợ lúc đó sống ở Santiago de Cuba. Ông luật sư đặt cơ sở như lý do chủ yếu rằng:

Thân chủ của tôi và bà vợ là người đề nghị trong đơn, đã sống ly thân hơn 20 năm, khoảng thời gian ấy đã vượt quá thời hạn sáu tháng, được nói đến trong điều số 13 của sắc lệnh Luật chi phối vấn đề. Sự chia rẽ ấy đã phá vỡ cuộc sống vợ chồng và là nguyên nhân thúc đẩy quyết định của thân chủ tôi từ chối không sống chung với nhau nữa.

Sau đó, ông giải thích rõ một số nguyên nhân quan trọng khác và kết thúc bằng một lời cầu xin tòa án để: "có thể vì lẽ đó mà chấp thuận đơn xin ly hôn bằng cách cắt đứt mối quan hệ vợ chồng với bà Maria Luisa Argota Reyes(…). Cùng với việc ấy, ông luật sư làm luôn một số thủ tục toà án khá dài dòng mà trước kia bà Maria Luisa đã cố tình trì hoãn để cản trở việc ly hôn.

Cái bàn trong phòng ăn của ngôi nhà lớn ở Birán kéo dài hầu như đến tận nhà bếp. Manuela Dupont, một cô gái Haiti "mặt dài", thân hình thon thả, có giáo dục, kín đáo và kính cẩn, làm nhiệm vụ lau rửa nhà cửa, trong lúc bà mẹ cô là Alicia làm công việc giặt là.

Manolita Dupont hôm đó giúp Lina và người bếp đặt khăn bàn, chén lọ, dao, thìa, dĩa, đĩa và mở nút những chai rượu vang. Cũng như mọi năm, trong những dịp có việc lớn, cả gia đình quây quần tụ họp vào giờ ăn trưa với kỷ luật và điều độ giống nhau là ăn món thịt cừu ninh và đậu mỏ. Ở đầu một góc bàn là người cha, ở đầu bên kia là Fidel, ở khoảng giữa, hai bên bàn là Lina ngồi giữa rồi Ramón, Raúl, những cô con gái của gia đình, cô chị Clara và bà thím Maria Julia Ruz.

Ángel ngắt câu chuyện một lúc, đứng lên, bước mấy bước vào văn phòng - buồng ăn của mình, lục tìm trong tủ sổ sách và quay lại phòng ăn với một bản sao đơn xin nhập quốc tịch Cuba, ký ngày 2 tháng Giêng 1941, cùng với hồ sơ do Bộ Ngoại giao gửi tới ngày 19 tháng Chín cùng năm đó.

- Đây các người xem. Bây giờ tôi đã là công dân Cuba.

Xin gia nhập quốc tịch Cuba là một sự kiện tuyệt vời. Fidel và mấy anh chị em biết qua bản hồ sơ ấy câu chuyện về những chuyến đi và những nơi lưu lại của Ángel từ khi ông rời khỏi Tây Ban Nha lần thứ hai tới Cuba. Đọc nó thật cứ như là nghe giọng nói của ông kể lại chính lịch sử của đời mình.

Fidel bị cận thị bên mắt phải, và điều đó đã buộc cậu phải nhìn chăm chăm và đưa mắt vào gần để nhìn phụ đề bản dịch của những phim ảnh hoặc nhìn xem phong cảnh. Tuy nhiên, cậu vẫn chưa phải dùng kính. Năm 1943, lần đầu tiên đi khám mắt, bác sĩ cấp cho Fidel đôi kính để đọc báo, viết lên những ý nghĩ của mình hoặc xem lại tài liệu, ảnh, sách. Mặc dù có lời khuyên bảo của bác sĩ, gần bảy năm sau, Fidel mới chịu đeo kính, khi mà không thể thiếu được.

Bố của Fidel chú ý đến con trai mình khi cậu đã 15 tuổi. Để tỏ sự tôn trọng và tình thân thiện, ông mời Fidel uống rượu vang và sau đó, tách cà phê đang bốc khói, rồi những điếu xì gà từ hộp nhỏ thơm mùi vỏ trắc bách hương, coi đó là một cử chỉ mở đầu buổi liên hoan quen thuộc của những người hút thuốc.

(Còn nữa)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy