Sống mãi như những cây trắc bách hương - Tạm biệt

Những cây hương thảo vàng và trắng đã soi sáng phong cảnh của điền trang và cây đào lộn hột to lớn ngày càng tỏa thêm bóng mát dọc hai bên bờ đường Camino Real đến đường Cuba, có nhà kho chứa thực phẩm do Lina quản lý rất tháo vát. Tại đây, Ángel cũng đặt được trạm bưu điện, vì trước kia chỉ có một trạm thử điện.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao tặng Lãnh tụ Fidel Castro Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” nhân chuyến thăm Việt Nam tháng 9/1973. Ảnh tư liệu

Nếu đường dây điện báo từ Mayarí đến Santiago de Cuba bị hỏng, thì khó tìm ra chỗ hỏng hóc. Birán nằm ngay giữa phía bắc miền Đông, nên ở La Sabanilla, người ta đặt trạm để thao tác những lúc bị tắc nghẽn điện. Nếu công việc thông tin liên lạc được thực hiện đến quận hoặc thủ phủ của tỉnh, thì người ta biết được đoạn đường nào bị hỏng.

Năm 1925, nhờ sự vận động của Ángel, cơ quan bưu điện được khai trương và anh Varelo, điện báo viên, bắt đầu công việc phân loại thư tín, gửi đi và tiếp nhận thư từ.

Theo hợp đồng làm mía đường giữa Castro và Công ty đường Warner, năm 1924, đã đặt máy điện thoại vô tuyến để liên lạc với Nhà máy đường Miranda và giám đốc. Những đứa trẻ trố mắt nhìn chiếc máy như một trò ảo thuật là mỗi khi nhấc máy lên, nói chuyện được ngay với người ở rất xa.

Thời gian đó, cây đào lộn hột đã nảy thêm nhiều cành, khiến nhiều em gái rất thích thú nhảy múa, xâu những cánh hoa Carolina đẹp thành vương miện công chúa, hoặc dây chuyền của những phụ nữ Hawaii.

Fidel bước chậm rãi xung quanh điền trang. Ngôi nhà trông như một cây sum suê, vững chắc có bóng mát, tạo nên không khí thân thương cho cuộc sống.

Fidel nhớ đến những lời lẽ khó chịu của García và những lúc đi thăm ông nội Pancho Ruz ở Sao Corona, phải lội qua những con suối nhỏ và bất chấp bọn cướp đường. Ông nội đã mất lúc 83 tuổi, vào ngày 3 tháng Hai năm 1951, một ngày mưa to gió lớn mà Tania không bao giờ quên được dòng người đội mũ trùm đầu dưới những cơn mưa trút nước từ trên trời.

Bà nội Dominga không mượn được của Fidel chiếc đồng hồ cũ rích, mặt kính đã mờ đi, nhưng không ngăn được bà nhìn nhận lại cuộc đời, như các thói quen cầu nguyện, những đoá hoa và những huy chương được coi là những kỷ vật gắn lên chiếc áo choàng của bà lấp lánh những kim gài. Ngôi nhà bà sống liền với trường học và hiện giờ đã chuyển sang một nhà nhỏ, hầu như ở trước mặt ngôi nhà lớn ở Birán, nơi trước đây là nhà của Antonio Castro, người bán hàng cho kho thực phẩm. Do muốn sống trong mái nhà của chính mình, nên không ai thích đến ở nhà của con cái.

Trong lúc đi tản bộ trên những con đường hẻm, Fidel nghĩ đến chuyện nhiều ngôi nhà và hiệu buôn đã được xây dựng trong nhiều năm qua. Người ta đến ở gần đấy, như sống trên ốc đảo của sa mạc. Xưởng máy của Ramón đặt trên đường có những trại nuôi ngựa, nơi vắt sữa bò, chuồng bồ câu và một nhà trọ mới xây; đây thực sự là một nơi tập hợp những người lao động cần cù, tu sửa những máy kéo, cày bừa, xe cộ cần thiết cho vụ mía. Dọc theo con đường bên kia là trường học, nhà ở của giáo viên, và đi chếch về hướng xa xa trên đường đi Pinares de Mayarí là rạp chiếu bóng của Juanita và những túp lều cũ nát của những người Haiti.

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà Đại tướng ở thủ đô Hà Nội ngày 22/2/2003, nhân chuyến thăm Việt Nam lần thứ 3. Ảnh: thanhnien.vn

Lâu dần có thêm nhà máy điện, lò bánh mì, quầy rượu Paloma và một dãy lều ngăn cách bằng những tấm phên, nơi có vài cặp vợ chồng và gia đình người Haiti đến ở một góc của điền trang.

Tất cả vẫn như thế. Trên đường Camino Real, một bên là bưu điện, nhà nuôi lợn và chuồng gà, bên kia là cửa hàng buôn bán và vài nhà của bác sĩ nha khoa Luis Álvarez, nhà chăn nuôi gia súc chính, nơi có anh thợ máy Antonio Gómez, đã bị bắt bỏ tù vì tội làm cộng sản dưới thời bọn độc tài Machado và đã từng được người vợ và Fidel lúc còn bé, đến thăm tại nhà tù. Ngoài ra, còn có nhà của Previsto Pena, thợ mổ thịt, đến làm việc ở điền trang, khi Charles, người Giamaica không làm nữa và nhà của Juan Marchego, bố của Esmérida, một cô gái nông thôn đã cùng với những người con của Ángel chịu đựng nhiều khốn khó ở nhà của chị em Feliú, ở Santiago de Cuba.

Bên kia dải đất song song với con đường Hoàng gia đến Cuba, có một khách sạn hai tầng, một nhà trọ và phía xa, gần con suối Manacas, là nhà của Ramón, lò sát sinh và vườn cam.

Nhưng điều quan trọng hơn cả ở đây không phải là sự thịnh vượng bề ngoài của tài sản, mà là tâm hồn của những con người, cách nhìn nhận của họ và cuộc sống của họ. Tháng Tư năm 1953 đã trôi qua. Fidel chú ý quan sát không gian thân thương của thời thơ ấu, và không biết liệu có dịp nào mình được quay trở lại. Đó là cuộc chia tay thân thiết, thầm lặng.

Mọi chuyện đã thay đổi sau cuộc đảo chính ngày 10 tháng Ba. Có người im lặng trước những nỗi lo sợ và bất bình, nhưng cũng có những người ngang bướng. Fidel thấy rõ không có con đường nào khác ngoài cuộc nổi dậy. Đúng như lời tiên tri của Fidel nói sau cái chết của Chibás rằng: "Đã có lệnh chiến đấu và nhất định chúng ta sẽ hoàn thành".

Những người thực hiện các hoạt động bí mật này trong những ngày đầu, dưới dạng khởi nghĩa vũ trang, lẩn trốn vào các tượng thần và các vòng hoa ở nghĩa trang, sau đó, di chuyển từ nơi này đến nơi khác, vào nhà của các gia đình, bạn bè và chiến hữu.

Fidel không biết tên trung úy Salas Canizares sẽ trả thù mình như thế nào. Với tư cách luật sư, Fidel đã theo dõi vụ án đầy tội ác giết hại anh thanh niên Carlos Rodríguez và đề nghị xử 30 năm tù giam tên trung úy vì lý do ấy. Quan toà đã ra lệnh bắt Salas Canizares, nhưng rất nhanh chóng, bị cáo đã được Batista phong làm chỉ huy cảnh sát. Người ta chờ đợi mọi điều có thể xảy ra từ hắn ta, tuy nhiên, không thấy hắn làm gì. Đây là trường hợp hiếm có, vì hắn không bao giờ định mưu sát Fidel, tuy hắn có mối thù khủng khiếp đối với nhà luật sư trẻ. Sau 48 giờ chiến đấu vũ trang, Salas Canizares tuyên bố không trả thù Fidel Castro. Thế là cả hai, mỗi người một trận tuyến, chỉ thách thức nhau bằng những cách nhìn nhau lặng lẽ trong nỗi đau. Canizares đối xử với Fidel một cách kính trọng, có lẽ vì hắn bị lương tâm cắn rứt, ăn năn hối lỗi và biết rằng cảnh sát "muốn để lọt một con người hùng". Với Fidel, đây có lẽ là cách giải thích duy nhất cho thái độ của con người thuộc quá khứ mờ mịt và rất căm thù Fidel. Điều đó khẳng định niềm tin của Fidel rằng sẽ thoát hiểm bằng cách lựa chọn khác, không làm như kiểu những người dạy thú trong các rạp xiếc, dùng roi da, từ xa la hét ầm ĩ để bắt các con sư tử hung dữ sợ sệt nằm im.

Ngay trong ngày mồng 10 hôm đó, Fidel rời khỏi căn nhà đã từng chung sống với Myrta, với đứa con nhỏ và cậu em Raúl ở đường 23 số nhà 1511, trung tâm quận Vedado để đến nhà người chị Lidia ở cách đó vài ngã tư. Từ đó, Fidel đi vào thành phố, lòng nặng trĩu, giữa tiếng còi báo động và không khí căng thẳng.

Khi màn đêm buông xuống, Fidel đến khách sạn Andino, đến nhà khách San Lázaro số 1218, ngõ M và ngủ lại đó, đêm đầu tiên của những ngày khởi động cho những giờ phút náo động, đáng sợ, đẫm máu và huỷ diệt. Do liên tục tố cáo chính phủ và làm dao động những kẻ mất tinh thần rõ rệt, những người thuộc Đảng Chân chính đổ lỗi cho Fidel đã gây ra cuộc đảo chính ngày 10 tháng Ba.

Bất cứ ai có con mắt tinh đời đều cảm nhận rằng cuộc đảo chính của Batista có thể ngăn ngừa thắng lợi của những người thuộc Đảng Chính thống và điều đó là mục tiêu cuối cùng. Các nhà báo, luật sư và những nhà chính trị đều dèm pha điều đó trong các cuộc tụ tập, các quán cà phê và ở các buổi họp không chính thức. Họ nói rằng: Cuộc đảo chính không nhằm vào quá khứ, mà là nhằm vào tương lai, không phải vì Đảng Chân chính đã làm những điều rủi ro trong những năm gần đây, mà chính là vì tương lai Đảng Chính thống sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng Sáu năm nay.

Ngoài ra, có điều gì đó đã làm cho Fidel nghĩ rằng họ không điều tra đầy đủ về sự hoài nghi của mình. Người ta đã báo cho Ban lãnh đạo Đảng Chính thống biết những dấu hiệu về âm mưu của Batista, cùng với một nhóm nhỏ sĩ quan. Báo Alerta không đăng tin này và José Pardo Clado lo sợ cũng không cho phát tin vào giờ dành riêng cho Đảng, mang tính chất toàn quốc. Fidel thấy rõ tầm quan trọng của việc tố cáo và định lên tiếng, cho dù không có kết quả. Sau một thời gian dài, Fidel nhận thấy rằng: "Tất cả rồi sẽ phải thay đổi. Batista hèn nhát không dám làm gì cả, thì cách mạng buộc phải làm gì đó để chống lại quân đội". Trong giờ phút quyết định đó, gần hai hoặc ba tuần lễ trước khi xảy ra cuộc đảo chính, dựa vào những thông báo của các giáo sư của các Viện Hàn lâm quân sự, Fidel tin rằng không có lý do gì để nghi ngờ, hoặc đặt giả thiết này nọ như vậy, nên họ khẳng định: "Không có gì cả, hoàn toàn không có gì để nêu ra", và nói thêm rằng: "Chúng tôi đã có những cuộc tiếp xúc với quân đội và không có gì cả".

Điều đã xảy ra sau cuộc đảo chính ngày 10 tháng Ba là đáng thất vọng. Đảng của nhân dân Cuba (Đảng Chính thống) do Roberto Agramonte đứng đầu nảy sinh ý tưởng rụt rè về một cuộc kháng chiến dân sự, qua lời kêu gọi quần chúng một cách kỳ cục.

Khi René Rodríguez cho Fidel biết về phản ứng nhu nhược của Ban lãnh đạo Đảng Chính thống, thì Fidel rất căm uất, và nghĩ rằng cần phải quay lại con đường hợp hiến; điều này chỉ có thể thực hiện từ sự đoàn kết các lực lượng đối lập. Nhiều tháng trôi qua đã làm cho Fidel nhận thức được rằng: không còn con đường nào khác ngoài việc lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa và lên rừng núi để chiến đấu. Lúc bấy giờ, Fidel giống như chàng hiệp sĩ Kihôtê, còn René như người hầu cận.

Ngày 11 tháng Ba, từ khách sạn Andino, Fidel bí mật đi đến nhà của Eva Jiménez, một nữ đảng viên Chính thống quyết định ẩn trốn trong nhà của mình, trong một gian phòng ở đường 42, số 1507, giữa ngõ 15 và 17, nơi đây, chàng luật sư cách mạng trẻ viết nhanh những lời lẽ kiên quyết, để xác định tính chất bi thảm và thực tế của cuộc đảo chính, rằng đó "không phải là cuộc cách mạng, đồ bẩn thỉu". Mấy ngày sau, nhờ sự tự nguyện của người em là Raúl Castro, những tờ giấy viết bằng chữ chìm đã được lưu hành. Anh chàng gầy gò Nico López cũng hăng hái tham gia cuộc đấu tranh và chính bà Eva Jiménez cũng bất chấp sợ hãi.

Những tờ truyền đơn được chuyền từ tay người này sang người khác đang tụ tập ở nghĩa trang, trước mộ của Eduardo Chibás vào ngày 16 tháng Ba. Trước khi bọn lính tuần tra định xông vào thì một số đông cựu đảng viên Chính thống đã đứng vây xung quanh để bảo vệ Fidel. Buổi sáng hôm ấy, với quyết tâm nhấn mạnh những ý tưởng của mình trong các cuộc mít tinh hoặc qua đài phát thanh, Fidel đã dự đoán rằng: "Nếu Batista dùng bạo lực để nắm chính quyền, thì ta phải đánh đổ hắn bằng bạo lực". Sau gần một tuần lễ, ngày 24 tháng Ba, Fidel trình bày trước Toà án khẩn cấp La Habana bản tố cáo cuộc đảo chính, coi đó là sự phản kháng thực sự đối với chính quyền độc tài Batista, được xây dựng lên bằng súng đạn.

Fidel với các học sinh trường cấp 3 Clayton ở Washington. Ảnh tư liệu

Fidel tố cáo rằng:

"Nếu đối với một loạt tội lỗi trắng trợn, và bị tố cáo là phản bội và manh động, mà không bị xét xử và trừng phạt, thì làm sao toà án ấy có thể xét xử cho bất cứ công dân nào phạm tội bạo động hoặc nổi dậy chống lại chế độ bất hợp pháp, sản phẩm của sự phản bội, mà không bị trừng phạt? (...). Nếu như vậy thì các ngài hãy sớm bỏ cái áo dài luật sư và xin từ chức đi. Hãy đưa ra trước pháp luật sự công bằng, vì chính các ngài là những người soạn thảo và thực thi sự công bằng đó, chắc các ngài sẽ lấy làm tiếc khi thấy mình là một viên chỉ huy cầm lưỡi lê, trong căn phòng tôn nghiêm của các quan toà (...).

Tôi không phạm khuyết điểm gì khi nói lên điều đó một cách rất chân thành và tôn trọng. Im lặng không nói ra, điều đó là không tốt để chống lại một thực tế bi thảm, vô lý, không lôgích, không theo tiêu chí nào, không có ý nghĩa gì, không có vinh quang, danh dự và không công bằng".

Niềm tin đó được cổ vũ khi Fidel họp với José Suárez Blanco, người lãnh đạo của Đoàn Thanh niên chính thống ở Pinar del Río, tại trụ sở đường Prado 109. Đó là cuộc nói chuyện căng thẳng và rất có kết quả, từ đó, Pepe Suárez bắt đầu tổ chức một mạng lưới thanh niên cách mạng trong toàn tỉnh ở phía Tây. Những người đầu tiên tham gia mạng lưới này là Ramiro Valdés và bạn của anh ta là Pepe Ponce. Đến tháng Sáu năm 1952, Raúl đưa ra những dự đoán, tin rằng mình sẽ gắn bó với cuộc chiến đấu và cho rằng số phận bản thân sẽ bấp bênh và nguy hiểm, nên đã trao quyền sở hữu tài sản ở Birán cho bố mẹ mà vì hoàn cảnh nào đó, ông bà đã để đứng tên Raúl.

Trong những tuần lễ sau cuộc đảo chính, Fidel vẫn tin rằng Đảng Chính thống đóng một vai trò cơ bản trong cuộc đấu tranh, song những ảo tưởng đó đã bị tan vỡ, như một thân cây bị rụng hết lá khi mùa Đông chợt đến. Vì vậy, ngày 16 tháng Tám năm 1952, Fidel đưa đăng ở một trong những tờ báo bí mật điều sau đây- "(...) lúc này, phải làm người cách mạng, chứ không làm nhà chính trị. Chính trị là sự hiến dâng (ý nói chính trị truyền thống) của chủ nghĩa cơ hội, của những người có nhiều phương tiện và nguồn sống. Cách mạng mở đường cho thành tích thực sự, cho những ai có lòng dũng cảm và lý tưởng chân thành, cho những người biết hiên ngang cầm lá cờ trong tay mình. Đối với một đảng cách mạng, phải có một ban lãnh đạo cách mạng, trẻ, có nguồn gốc từ nhân dân mới phù hợp với việc cứu vãn đất nước Cuba".

Fidel hiểu rất rõ Jesús Montané và Abel Santamaría. Trước tiên, gặp Montané, khi anh làm việc ở Công ty General Motors và là người đã giới thiệu Abel là nhân viên kế toán của Hãng ô tô Pontiac và là bạn của Boris Luis Santa Coloma. Fidel bắt đầu tổ chức nhân sự, tập hợp những thanh niên dũng cảm như Raúl de Aguiar, bạn sống cùng khu phố, khi ứng cử làm đại biểu của Đảng Chính thống ở Cù lao Hueso, như Nĩco López của Đoàn Thanh niên xã hội chủ nghĩa và một số bạn trước đây ở trường Belén.

Trong lúc phong trào hoạt động cách mạng đang được đẩy mạnh thành cao trào, thì ngày 4 tháng Mười một năm 1952, Fidel đăng ký học các môn để thi lấy bằng tiến sĩ khoa học xã hội, triết học và văn học; làm như vậy để đánh lạc hướng chính phủ, trong lúc Fidel đang tập trung hết tinh thần vào cuộc đấu tranh cách mạng. Vì lẽ đó, Fidel không quan tâm đến việc học tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp và nghiên cứu văn học, mà chỉ đi sâu vào những kiến thức về những triết lý, những học thuyết và những cuộc cách mạng. Fidel luôn mang theo những cuốn sách của José Martí, Các Mác, Ăngghen, Lênin và ghi đầy những nhận xét, những câu hỏi và những điều có liên quan.

Vợ chồng Fidel và con sống trong một phòng nhỏ hẹp, không được thoáng mát, trong khách sạn Andino, trước mặt trường đại học, kể từ khi họ không cho thuê phòng ở đường 23, bị cắt điện, điện thoại và những người chủ cho thuê nhà mang tất cả bàn ghế đi. Vì vậy, Fidel không thể chịu đựng được hoàn cảnh như thế. Đó là giai đoạn khó khăn về đời sống kinh tế bấp bênh của luật sư trẻ rơi xuống tận đáy. Gần trường Prado số 109, nơi đóng trụ sở của Đảng Chính thống, mọi người thường hội họp để bàn kế hoạch hoạt động, tiếp xúc, nhằm tổ chức thành phong trào, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn.

Chiếc xe Chevrolet màu cà phê sữa với biển số 50315 đã biến mất khỏi đường phố Consulado, nơi Fidel thường đỗ xe vào buổi sáng, vì phải trả nợ, nên đã chuyển nhượng xe cho người khác.

Lúc bấy giờ, Fidel đến số nhà 109, đường Prado. Quán cà phê bên cạnh từ chối bán cà phê và thuốc lá cho Fidel. Ngay chiều hôm đó, Fidel đi đến công viên trung tâm, khi đi qua Dinh Tổng thống, trước sự uy nghiêm của nơi này, Fidel có một ấn tượng khó quên, đó là khái niệm chính xác về tầm quan trọng của nhiệm vụ từ nay về sau. Tuy nhiên, những khó khăn đã thử thách ý chí của Fidel, buộc anh phải vượt qua.

Đi theo đường Neptuno để lên đồi Colina, giữa đám đông người đi lại và tiếng nổ ầm ĩ của xe ôtô, Fidel luôn luôn nghĩ đến cuộc cách mạng. Khi Fidel kể lại những điều đã xảy ra cho Abel và Montané, những người bạn chiến đấu không thể xa rời nhau, họ lo liệu việc mua một chiếc xe ôtô, thuê một căn phòng nhỏ cho Fidel và đưa cho Fidel một ít tiền, tuy đồng lương của họ không nhiều. Lần đầu tiên, Fidel đến thăm phòng ở đường 25 và 0, nơi Abel sống cùng người chị là Haydée ở khu Vedado. Haydée hỏi anh chàng ấy là ai mà lúc nào cũng đi từ chỗ này đến chỗ nọ, vứt tàn thuốc dưới đất, và luôn mơ tưởng đến những hành động, hướng dẫn và thường nhắc đến những tư tưởng của José Martí.

Fidel, Abel, Montané, Haydée, Melba và một nhóm đông thanh niên dũng cảm làm việc với tinh thần hăng hái và niềm tin điển hình. Dần dần, họ khẳng định không những đánh đổ Batista mà còn làm cuộc cách mạng thực sự, tất yếu và không thể tránh khỏi. Fidel thường xuyên đi lại, tập hợp những thanh niên cách mạng, tìm cách xây dựng đài phát thanh, học tập và quyên góp tiền, viết bài cho tờ báo La Calle, và chuẩn bị cho tờ El Acusador ra mắt bạn đọc chỉ trong ba số, tổ chức tập luyện và lên kế hoạch hoạt động một cách chính xác và tuyệt đối bí mật.

Mười bốn tháng sau, thành lập được một đội quân hơn 1.200 người, bí mật tập sử dụng thành thạo súng Springfield và M-l tại Phòng liệt sĩ của Trường đại học La Habana. Pedrito Miret hướng dẫn rất thận trọng và kín đáo những cuộc tập dượt này. Khí thế hăng say của các chiến sĩ trẻ được thể hiện trong cuộc hành quân rước đuốc trên sông, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của José Martí.

Từ tháng Ba năm 1953, năm diễn ra cuộc đảo chính, Ban lãnh đạo Đảng Chính thống và các nhà lãnh đạo chính trị khác đều bị mất lòng tin. Fidel tập hợp các đồng chí được coi là người tiên phong của các thanh niên dũng cảm, đề nghị họ lên kế hoạch và nhận trách nhiệm làm cách mạng. Ý tưởng của Fidel là tấn công vào trại lính Moncada, thành phố Santiago de Cuba đứng lên khởi nghĩa, kháng chiến thắng lợi, tuyên bố tổng đình công toàn quốc và đưa ra chương trình cách mạng, luôn chọn cách cướp vũ khí địch và sẽ tiến lên chiến khu Sierra Maestra, nếu không lật đổ được Batista ngay trong một lần. Về kế hoạch chi tiết, chỉ có một số ít đồng chí nắm được, số còn lại, sẵn sàng dành cho những người kiên quyết hành động.

Tại Santiago, Fidel hoàn thành mọi sự chuẩn bị, nghiên cứu địa bàn và bắt đầu có những cuộc tiếp xúc. Không thể hành quân lên chiến khu mà không đi qua Birán, không chia tay ông bà già, các anh chị em, cháu và những bạn bè khó quên. Birán là một nơi có nhiều kinh nghiệm sinh động, nhạy cảm và sâu sắc, Fidel nêu rõ điểm này để dẫn câu của nhà văn lãng mạn Victor Hugo nói: "Trước mắt, còn một núi việc phải làm".

Ngôi trường cũ gợi lên bao kỷ niệm. Trên đường đi theo đường Trung tâm đến La Habana, Fidel nói chuyện với bạn thân Abel, có đôi mắt trong sáng và đeo kính, mà Fidel công nhận là nghiêm túc và đầy niềm tin. Fidel khẳng định rằng nói với Abel về lý luận mácxít - lêninnít chẳng khác nào làm bùng cháy một thùng thuốc nổ. Sau đó, Fidel viết những kỷ niệm về Birán, để giảm bớt nỗi buồn với khát vọng làm điều gì đó, để mãi mãi xóa tan những buồn phiền. Fidel nói:

"Từ hơn 20 năm qua, mọi việc vẫn cứ thế. Ngôi trường của tôi hơi cũ đi một ít, những bước chân của tôi nặng nề hơn, nét mặt của các em bé có vẻ sợ hãi hơn và không có gì hơn!

Có lẽ từ khi nước Cộng hoà Cuba ra đời, vẫn cứ diễn ra như vậy, và tiếp tục không có gì thay đổi, mà không có ai nghiêm chỉnh mó tay vào tình trạng đó. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ về khái niệm công bằng. Tất cả những điều họ đã làm liên quan đến kỹ thuật và tổ chức giáo dục không có giá trị gì cả, nếu không chuyển biến một cách sâu sắc "nguyên trạng" kinh tế của đất nước, tức là của quần chúng nhân dân, là cội nguồn duy nhất của tấn thảm kịch. Thực tế sống động trong những năm qua, không có một lý thuyết nào thuyết phục được tôi. Chỉ khi nào có một thiên tài giảng dạy trong mỗi trường học, với những vật chất dư thừa và những nơi thích hợp, các em bé được nhận bữa ăn và quần áo trong nhà trường, thì sớm hay muộn, ở giai đoạn phát triển trí óc của thời kỳ này hoặc thời kỳ khác, con cái của những nông dân nghèo khổ mới thoát cảnh thất vọng, chìm đắm trong những khó khăn, hạn chế về mặt kinh tế của gia đình. Thế nhưng, tôi thừa nhận rằng: với sự hỗ trợ của nhà nước, thanh niên sẽ có được trình độ kỹ thuật thực sự, nếu không họ sẽ bị sa lầy với danh hiệu này nọ, chẳng khác nào con thuyền nhỏ bằng giấy chìm sâu trong nghèo nàn, cùng cực của "nguyên trạng" kinh tế và xã hội hiện giờ của chúng ta".

Fidel bắt tay Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon tại Đồi Capitol ngày 19/4/1959. Ảnh tư liệu

Fidel nhớ đến Paco, Carlos, Flores Falcón... và bao nhiêu bạn bè khác thời thơ ấu. Fidel cũng nhớ rõ các chú Enrique và Alejandro, nhớ đến các em bé gái ở địa phương Ubaldo, lớn lên chỉ để làm vợ và làm thợ giặt. Lập luận của những em bé này đã làm sáng tỏ điều mà công lý đã rộng lượng mang đến cho họ.

Birán có mặt ở khắp mọi nơi, thậm chí trong chương trình kinh tế - xã hội dự tính sẽ đưa ra và đạt thắng lợi, đó là:

(...) Sáu luật cơ bản với nội dung cách mạng sâu sắc (...) giao cho các tập đoàn nhỏ, các tá điền và những người chuyên đi vay mượn có đời sống bấp bênh, được sở hữu hoàn toàn ruộng đất, được nhà nước đền bù những thiệt hại, và các công nhân được chia một phần những lợi nhuận cuối cùng của xí nghiệp, và các tập đoàn được hưởng 55% năng suất mía(...).

Tất cả những điều đó, Fidel đã học được sau khi nói chuyện với những người lao động ở điền trang và trao đổi ý kiến với Ángel về những vấn đề kinh tế của trang trại và của đất nước. Ông già có tài sản, đầu tư và thu nhập quan trọng trong những năm trước, nhưng không thể nói là ông đã tích lũy được nhiều tiền.

Fidel biết rằng quần chúng lao động ngày càng đông rút về sinh sống ở Birán và họ được bảo vệ. Bố cũng như mẹ của Fidel rất chú trọng đến tài sản của mình, nhưng đồng thời cũng quản lý nói chung và buôn bán một cách nhân đạo. Có lẽ, vào thời kỳ đầu đã làm ăn phát đạt, nhưng đến lúc tình hình xã hội tương đối hưng thịnh thì chỉ cân bằng được các khoản thu nhập và chi tiêu.

Lần đầu tiên, Fidel dừng lại để đi vào những chi tiết của quãng thời gian trôi qua, nhìn vào nét mặt và cách nhìn, vào dấu ấn của bố mẹ. Bây giờ, cho dù bố mẹ không nhận thấy được, nhưng Fidel nhìn bố mẹ bằng con mắt khác. Lina không còn là một cô gái đẹp cân đối nữa, bà nặng thêm mấy kilô rồi và phải đeo kính.

Còn Ángel thì vẫn giữ được cái vẻ đáng kính của những tộc trưởng. Tania, một trong những người cháu, vẫn theo đúng sự hướng dẫn của bác sĩ, uống thuốc đúng giờ từ lúc sáng tinh mơ.

Ángel Castro vẫn còn giữ được tính tháo vát và có sức khoẻ đi ngựa quanh trang trại, điều hành công việc vẫn tinh tường như thời trai trẻ, nhưng cũng ngày càng phải dựa vào chiếc gậy của mình. Ông vẫn tiếp tục để tóc ngắn như khi chưa lấy vợ, và mặc quần bó ống, vào những buổi trưa hè nóng nực, ông dùng tàu lá cói làm quạt mát. Ông vẫn kiên trì thói quen thức đêm cho đến sáng hôm sau dậy sớm, xuống bếp ăn bữa sáng do anh Simón, người Giamaica phục vụ.

Không có gì làm lay chuyển những thói quen của ông như: chơi đôminô vào các buổi tối, thích nghe tiếng trống của những người Haiti đánh vang lừng từ xa, những buổi hoà nhạc ghita, dự những buổi lễ cầu nguyện do một thầy tu lang thang tổ chức vào các lễ Phục sinh và lễ Thánh San Juan. Ông còn có thói quen mua cả xấp vé xổ số để cầu may và trước đây, ông đã hai lần trúng số độc đắc.

Vào những ngày thứ bảy của Thánh Gloria, những người Haiti đi trên đường, mặc quần áo ma quỷ, tay cầm những cái lúc lắc. Những đứa con của Angelita nhìn thấy đoàn người này từ xa, mang theo những con bướm có màu sắc tương phản với nền trời xanh dương và màu xanh lục của phong cảnh. Trong lúc ngẫm nghĩ, Fidel mỉm cười hồi tưởng những chặng đường đã qua của thời thơ ấu. Lina chạy đằng sau đoàn người, còn Fidel thì dừng lại tỉnh bơ, để thoát khỏi những cú đấm mà mẹ đã hứa nhưng không bao giờ làm. Nhiều lần, hai mẹ con cất giấu những dây thắt lưng và roi vọt để ở hành lang, hoặc đơn giản là nấp sau chiếc ghế mà Ángel đang nằm nghỉ. Ở đấy, thấy bóng ông già xuất hiện thì không ai dám đến gần.

Fidel thấy cha mình có một trực cảm, nhưng Ángel không nói gì cả, vì có người cho rằng sự im lặng là vô giá và sống còn. Không bao giờ Fidel định thuyết phục bố mẹ về những ý tưởng chính trị. Cuộc đấu tranh của Fidel sẽ gây cho bố mẹ nhiều đau khổ nhưng anh vẫn tin vào tính nhạy cảm của Lina và khả năng của Ángel đánh giá những công việc chính trị và những sự kiện lịch sử trong cuộc sống của đất nước. Với niềm tin đó, Fidel dứt khoát chia tay bố mẹ mình mà không biết rằng đây là buổi gặp gỡ ông già lần cuối cùng.

Ramón nhận được điện thoại ở Marcané: "Em sẽ đến chỗ anh". Ramón đứng đợi trên đường trước khi đến Cueto, nơi đây, có cái cống để thoát nước mỗi khi có trận ngập lụt làm nước sông dâng cao.

Fidel vẫn mặc bộ quần áo màu xanh như ngày nào. Abel lái chiếc Chevrolet có vẻ cũ kỹ, mặc chiếc áo Guayabera, gây ấn tượng bởi cái nhìn trong sáng và sự đối xử thân thiện của mình.

Đầu tiên, hai người dừng lại ở trạm xăng để đổ cho đầy xe và ăn cái gì đó trong quán cà phê, nhưng ở bàn gần đấy, có mặt Ernesto và Carlos, mấy người con của bác sĩ Manuel Silva... và con của một trong những tay cận vệ của Batista, nên sau khi chào nhau, hai người chuyển sang ngồi chỗ khác.

Trên đường đi từ Cueto đến Holguin, Fidel tìm cách thuyết phục Ramón thương lượng về giấy chuyển nhượng một ruộng lúa ở Pinar del Río, tương đương với hơn 2.500 pêsô. Fidel không nói với Ramón làm việc đó để làm gì, và cũng không để lộ bí mật là "muốn anh mình trở thành người cách mạng trong một tiếng đồng hồ". Sau đó, Ramón than phiền và giải thích rằng không làm được điều đó, vì khoản tín dụng của anh ở ngân hàng rất ít, và ngay cả bố góp phần vào đó cũng không thể được.

Ramón tham gia Đảng Chân chính, khi ông Ángel yêu cầu việc đó, để có lợi cho chiến dịch bầu cử và gây ảnh hưởng cho bạn của Ángel là Fidel Pino Santos. Sau đó, theo gợi ý của Fidel, Ramón chuyển sang Đảng Chính thống. Khi Batista làm đảo chính, Ramón là cố vấn của Tòa thị chính. Không bao lâu, Ramón nhận được bức điện: "Mongo, con người giá trị hơn là chức vụ, anh đừng tuyên thệ làm theo hiến pháp. Fidel". Tuyên thệ theo hiến pháp mới đó là dấu hiệu tuân theo chế độ độc tài, mà Ramón là người luôn luôn chống lại Batista. Khi nhận được bức điện, Ramón đã quyết định không tuyên thệ theo hiến pháp, điều mà anh đã thỏa thuận với những đảng viên khác trong một cuộc hội nghị ở Mayarí. Sau đó không lâu, Ramón được cử làm đại biểu Đảng trong tỉnh, và trên thực tế, lúc đó, Ramón đã chuẩn bị hơn 10 người của nhà máy đường, đi thu mua vũ khí, theo hướng dẫn của chính Fidel.

Ở Holguín, Abel và Fidel đặt một phòng ở khách sạn Victoria của thành phố và từ đó, cùng với Ramón và Miguel Ángel Rosales, công nhân ở Marcané, thuê chiếc xe và được Ramón giao trách nhiệm bám sát toàn bộ chuyến đi. Trước khi chia tay, Ramón trao cho Fidel 140 pêsô, rồi trở về với ý định thành lập một tổ chức cơ sở của phong trào cách mạng ở Marcané. Trong lúc chờ đợi thông báo của Fidel, Ramón thường xuyên thu mua vũ khí, mua được ở Birán một ít khẩu súng săn, một khẩu súng trường 30-30 của Áo và vài khẩu súng lục.

Đầu năm 1953, Raúl Castro Ruz đi Áo, là đại biểu dự Hội nghị quốc tế về quyền lợi của thanh niên, điều này Ángel không đồng tình. Lúc bấy giờ, Áo bị bốn cường quốc liên kết trong Chiến tranh thế giới thứ hai chiếm đóng. Chàng thanh niên Cuba ngả về phía Liên Xô và được mời đi thăm một số nước châu Âu. Xuất phát từ đề xướng đó, Raúl ở lại Rumani một tháng, tham gia vào việc thành lập ủy ban quốc tế trù bị cho Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ IV. Từ đó, Raúl sang Budapest và Praha rồi sang Paris. Từ Pháp, anh phải trở về Cuba, vì đã xảy ra cuộc đình công hàng hải, buộc Raúl phải bán lại vé và thay đổi kế hoạch, đi sang Genova, Italia để rồi từ đó lên tàu xuyên Đại Tây Dương Andrea Gritti, đến nơi cuối cùng là Mêhicô. Trên tàu, Raúl kết bạn với hai người Goatêmala và một thanh niên Liên Xô tên là Nikolai Leonov. Con tàu dừng lại ở Curazao ngày 2 tháng Sáu, Raúl chụp ảnh để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 22 của mình. Raúl đến cảng La Habana ngày 6 tháng Sáu năm 1953. Chính trong ngày hôm đó, khi đi qua phố, vượt qua được sự kiểm soát của các nhà đương cục, và khi vào trạm hải quan, Raúl tỏ thái độ đoàn kết với mấy người Goatêmala bị bắt giữ vì mang theo các tạp chí, huy chương và sách báo trong thời gian ở Rumani. Raúl cũng bị họ đánh, cùng với hai người Goatêmala, đều cùng trở về từ cuộc gặp gỡ thanh niên tiến bộ. Ngày 9 tháng Sáu, ba ngày sau, Raúl và Fidel cùng ký tên vào bản kiến nghị, gửi đến Toà án, đề nghị tạm tha cho Raúl và những người Goatêmala, mặc dù những người này đã được trả tự do, nhờ có sự vận động của Đại sứ quán Goatêmala ở La Habana. Raúl được ra khỏi trại giam La Habana và trở thành một trong những chiến sĩ tham gia các hoạt động, chỉ trong vài tuần tới.

Juan Socarrás hiểu biết nhiều hơn các nhân viên và những người lao động của điền trang. Raúl đi thăm Birán khi Lina đang ở thủ đô. Raúl lấy từ kho ra những quân dụng, mấy hòm đạn cỡ 38 và vài khẩu súng. Socarrás hứa sẽ giữ im lặng về việc vận chuyển nguy hiểm này. Nếu có ai đó muốn điều tra, thì Socarrás sẽ không nói gì cả, coi như sự việc ấy đã chìm xuống biển rồi. Trong chuyến thăm này, Raúl nói chuyện với Pedro Lago, người canh gác ở Birán, vốn là bạn cũ của bố là người Tây Ban Nha và đứng gác với khẩu Winchester trong tay. Sau khi xem cách lau chùi và tháo lắp súng như thế nào, Raúl về nhà lấy hai khẩu định mang theo để tham gia hoạt động vũ trang, còn một khẩu, anh chuyển về La Habana. Trước khi lên đường, anh khoá cò súng lại, bọc vào một gói nhỏ và đặt nó ở phía trên những hàng ghế đầu của xe buýt, chạy tuyến đường Santiago - Habana. Raúl ngồi phía sau cùng vài hành lý để từ đó quan sát nếu phát hiện có vũ khí thì sẽ tránh được bọn lính. Còn khẩu Winchester khác, Raúl gửi đến nhà người yêu lúc bấy giờ, theo đường chuyển phát nhanh các bưu kiện.

Ở La Habana, đồng hồ tính cây số của chiếc Chevrolet màu cà phê sữa chỉ 40.000 cây số đã chạy, xe hao mòn và máy cũng bị nóng chảy, không cách nào sửa chữa được, vì chỉ còn một ngày trước khi diễn ra cuộc tiến công vào trại lính Moncada.

Ngày 25 tháng Bảy năm 1953, Ramón tìm cách chuyển cho Fidel một khẩu súng máy mà một chàng trai sống ở Herrera, một làng nhỏ ở giữa Cueto và Antilla đã hứa sẽ cung cấp.

Không ai có thể tưởng tượng rằng vào một buổi bình minh của ngày Lễ Thánh Ana, đã xảy ra cuộc biến động ở Birán.

(Còn nữa)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy