Sống mãi như những cây trắc bách hương - Khẩu súng Môde

Ở nhà ga, vào một buổi sáng tinh mơ, có một người Cuba duy nhất, vóc dáng lực lưỡng, nổi bật trong đám người đang tụ tập tại đây; người đó khoác chiếc áo choàng quân sự, đội mũ lưỡi trai, gác khẩu Môde (Máuser) cũ kỹ lên tường và ngừng lại suy nghĩ miên man.

Lãnh tụ Fidel Castro và phiên dịch Nguyễn Đình Bin. Ảnh: tuoitre.vn

Quân đội tiến công bất cứ lúc nào và không một ai dám làm gì để lẩn tránh hoặc tiến lên với những dự kiến thích hợp. Fidel định thuyết phục viên chỉ huy của lực lượng láo xược ấy đừng phòng thủ mà vô ích. Tôi khuyên ông khi ra phố nên đi hai hàng dọc để tránh thảm họa hoặc tử vong. Tuy nhiên, viên chỉ huy không dễ tin vào điều ấy và không quan tâm đến những lời khuyên của Fidel.

Anh thanh niên trở về nơi ở của mình, suy ngẫm về những sự kiện trong ngày, không tin rằng cuộc tiến công có thể xảy ra, tỏ vẻ bực mình về những kẻ xung quanh và nghe thấy tiếng súng ở các trạm gác bắn vào những chiếc xe tăng từ xa chạy đến.

Fidel nghĩ đến Cuba, đến gia đình ở Birán, khác hẳn với những gì đã xảy ra quanh mình. Bố mẹ sẽ nói gì đây? Đã nhận được thư của mình chưa? Trên thực tế, khi nghĩ đến bố mẹ, anh tự hỏi mình ở lại đấy có đúng không. Fidel phân vân một lúc và cảm thấy đơn độc. Trong tư tưởng, Fidel gắn kết với Colombia và các sinh viên của trường đại học mà đa số là đảng viên Đảng Tự do do Jorge Eliécer Gaytán lãnh đạo. Tất cả thanh niên sinh viên tham gia vào việc chuẩn bị cho Đại hội sinh viên, thay mặt các dân tộc, đưa ra đề nghị cấp tiến về nhiều mặt, sẽ được tổ chức như một sự thách thức trước thềm Hội nghị Liên Mỹ lần thứ chín do Mỹ bảo trợ của Tổ chức các nước châu Mỹ (OEA) mà tại đó, đại diện các chính phủ khu vực họp mặt để làm vừa lòng George Marshall, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ và được Tổng thống Colombia Mariano Ospina Pérez hoan nghênh.

Cuộc họp mặt sinh viên đã không thực hiện được. Cuộc họp đó như một ngọn cờ đấu tranh cho nền độc lập của Puéctô Ricô, là sự xoá bỏ các thuộc địa ở Mỹ Latinh, sự trả lại các đảo Malvinas, đòi chủ quyền của Kênh đào Panama và chống lại chế độ độc tài Trujillo ở nước Cộng hoà Dôminican. Nhưng ước mơ hầu như hiển nhiên đó đã tan biến cùng với sự kiện đột ngột Bogotá, như tiếng kêu đau thương, thất vọng và phẫn nộ.

Vào lúc một giờ sáng, chỉ còn lại một mình Fidel trên đồi có công sự, với 14 viên đạn và một trận đánh không thành. Nhưng Fidel vẫn quyết định ở lại đó, vì nhân dân vẫn là nhân dân ở bất cứ nơi nào.

Trước khi đến Bogotá mấy hôm, các sinh viên Colombia bày tỏ rằng có khả năng Gaytán sẽ khai mạc đại hội ở Quảng trường Cundinamarca. Chắc chắn đó là tiếng nói vang dội, mãnh liệt và trung thực. Con người ấy đã viện dẫn câu nói của một bộ trưởng Pháp: "Nếu việc gì khó mà làm được, thì việc không thể làm được cũng sẽ làm được". Gaytán đương đầu với tập đoàn lũng đoạn tự do, bảo thủ và bảo vệ quần chúng tự do bị theo dõi, những người thiếu thốn, trần trụi và những người nghèo từ mọi nguồn gốc và lập trường chính trị. Tháng Năm 1946, Gaytán mở lại cuộc đấu tranh giành quyền lực chính trị, và mọi người cho rằng ông sẽ trở thành Tổng thống. Một ngày mùa Xuân 1946, Fidel công bố một quy ước của quần chúng, nhấn mạnh cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ một dân tộc bị áp bức, bị gạt ra bên lề xã hội, bảo vệ đám đông quần chúng bị bỏ rơi, coi khinh và miệt thị về mọi quyền lợi, cho dù họ được tán dương, nhưng không được thực thi (...).

Vì lẽ đó, ngày 7 tháng Tư 1948, những người Cuba đến thăm lãnh tụ chính trị tại văn phòng, Fidel bày tỏ cảm tình với họ và tặng họ những cuốn sách ghi lại các bài diễn văn, trong đó có "Lời cầu nguyện hoà bình", một áng văn hùng biện, phi thường và rung động lòng người, mà Gaytán đã tuyên bố trước mọi người, từ khắp nơi đến, để tập hợp biểu tình, giơ tay hô vang quyết tâm làm cuộc cách mạng: "Ngài Tổng thống, chúng tôi không phải là người hèn nhát. Chúng tôi thuộc dòng dõi của những người dũng cảm đã tiêu diệt bọn độc tài trên mảnh đất thiêng liêng này. Chúng tôi có thể hy sinh cuộc đời để cứu vãn hoà bình và tự do của Côlômbia".

Theo Fidel, Gaytán đại diện cho lực lượng tiến bộ có nhiều khả năng giành thắng lợi. Những điều luật và cải cách nêu trong chương trình hành động của Gaytán có ảnh hưởng sâu sắc trong nhân dân. Fidel nhớ đến ngày đã định cho cuộc hẹn tiếp theo vào ngày 9 tháng Tư, lúc 2 giờ hoặc 2 giờ 15 phút. Trong ngày ấy, khoảng một giờ trước đó, Fidel đi vào thành phố, chờ đến giờ gặp gỡ đã hẹn thì đột nhiên một đám đông lộn xộn chạy đến gần Fidel thét vang: "Chúng nó đã giết chết Gaytán rồi!". "Có ba phát đạn nổ ngoài phố”. Đám đông người tràn vào gây bạo động trước tiên ở nhà hàng bán thuốc Hoàng gia (Droguería Real), nơi Juan Roa Sierra ẩn trốn, mà người ta cho biết hắn là tên giết người và dẫn đến giai đoạn mở đầu cho sự bạo loạn và nổi dậy. Nhân dân diễu hành trên đường phố Bogotá, người đứng chật ních trên các ban công, làm rung chuyển các bức tường. Đèn điện và tủ kính bị đập phá. Các cửa hàng buôn bán, cơ quan, rạp chiếu bóng và các nhà cho thuê đều bị đốt cháy. Khách sạn Regina sang trọng chỉ còn là đống gạch vụn, người ta cướp đi những chiếc đàn dương cầm và tủ lớn, phá hủy các bảng áp phích, đốt phá, giết chóc và gào thét ầm ĩ từ các gác chuông nhà thờ và các bồn hoa. Một tàu điện lờ đờ chạy giữa làn khói lửa trước Trụ sở Quốc hội và Nhà toàn quyền ở Cundinamarca. Người thanh niên đang chờ gặp gỡ Gaytán trong buổi chiều hôm ấy đã không thực hiện được ý định của mình.

Cho đến lúc đó, ý nghĩ về những cuộc khởi nghĩa nhân dân của người Cuba chỉ là sự tưởng tượng khi đọc về cuộc chiếm đóng thành Bastille hoặc những chướng ngại vật của cuộc Cách mạng Pháp. Một đám rước đông người đi qua gần chỗ Fidel, hoà thêm vào cuộc bùng nổ, vào những tiếng gầm thét kinh khủng của bọn côn đồ và những phần tử tự do cá nhân.

Chủ tịch Fidel với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại sân bay Gia Lâm năm 1973. Ảnh: cand.com.vn

Sau 26 tiếng đồng hồ biến động và ảo tưởng, tất cả đều kết thúc. Ngày 11, đài phát thanh công bố cuộc ngừng bắn sau vụ tàn sát dân thường trước Dinh Tổng thống. Người Cuba đi đến khách sạn nơi anh ta ở trước vụ bạo động ở Bogotá. Những đồng bào ở rải rác tập họp lại và may sao đến được trụ sở Đại sứ quán Cuba, bất chấp thiết quân luật và nhờ có một chiếc xe được miễn trừ ngoại giao của một đại biểu Áchentina, báo động cho biết vì có tin truyền đi khắp thành phố, đổ lỗi sự việc nói trên cho những người Cuba cộng sản.

Thế là Fidel Castro, Rafael del Pino Siero, Enrique Ovares và Alfredo Guevara rời Côlômbia trên một máy bay chở hàng. Cuộc hành trình đến La Habana kéo dài năm tiếng đồng hồ.

Sau các sự kiện ở Colombia, Fidel lại nghĩ đến việc tiếp tục học tập ở trường đại học, và ngày 4 tháng Năm, Fidel đăng ký vào trường tư thục, vượt qua năm thứ nhất và năm thứ hai với các môn kinh tế chính trị, luật hiến pháp so sánh, luật thuế, luật La Mã, chính sách đối với tội phạm, lịch sử luật, luật hình sự, và luật dân sự, trong đó bao gồm quyền sở hữu và các luật hoàng gia, luật về nghĩa vụ và gia đình.

Có lẽ lúc bấy giờ, người con đã lánh xa những vấn đề chính trị những cuộc biểu tình phản đối ngoài phố, những cuộc mít tinh và thoát khỏi những âm mưu ám sát của bọn côn đồ như bọn Masferrer.

Ông Angel đặt hy vọng vào cuộc kết hôn sắp tới và vào kế hoạch học tập căng thẳng của Fidel để kết thúc ba ngành học, xin cấp học bổng Bustasmente và bằng cách đó, có tiền theo học kinh tế chính trị ở Mỹ hoặc Pháp.

Ngày 24 tháng Năm 1948, vài hôm trước khi tiến hành cuộc bầu cử tháng Sáu trong đó Carlos Prío Socarrás giành thắng lợi, lập nên một chính phủ tồi tệ theo cái gọi là "chủ nghĩa xác thực", Ángel nghe được tiếng nói của con mình qua đài phát thanh. Fidel đã đọc diễn văn tại cuộc mít tinh của Đảng Chính thống ở Santiago de Cuba, trong đó, Fidel hầu như kêu gọi chính Eddy Chibás phải trung thành với nhân dân, nếu giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử. Fidel khẳng định rằng nếu họ tước bỏ thắng lợi của nhân dân thì các lực lượng cách mạng sẽ cầm súng để giành chính quyền. Ángel cho rằng những lời lẽ của Fidel mang tính kích động và quá đáng, nhưng không còn sự lựa chọn nào khác, Ángel thừa nhận lòng dũng cảm của con trai.

Tuy vậy, Angel vẫn muốn con mình lánh xa những cuộc lộn xộn. Trong lúc Fidel đi học, Ángel sẵn sàng lo mọi chi phí và những thứ cần thiết như tạo điều kiện vận động hoặc can thiệp vào một số việc nào đó.

Mong sao cơn gió bão này trôi qua đi - Lina thốt lên như vậy, vào buổi sáng chuẩn bị chuyến đi và bà trang điểm cẩn thận. Angel không đi dự được buổi lễ, vì trong người thấy khó ở và công việc của trang trại không cho phép.

Tại bàn thờ của nhà thờ bề trên Caridad ở Banes, Lina đành phải nhất trí với con trai mình.

Ángel chăm chú nhìn Lina và vẫn thừa nhận Lina là một người đàn bà đẹp. Thân hình bà mập hơn trước, nhưng không hề mất đi nét đẹp cân đối của thời son trẻ và càng không giảm đi tính tình vui vẻ, khéo léo và kiên quyết.

Sự trang điểm lộng lẫy càng làm nổi bật vóc dáng đẹp tự nhiên của Lina. Tóc lượn sóng và để vài sợi lơ lửng, Lina theo mốt tô đậm lông mày và đôi môi, đồng thời thoa phấn mờ nhạt một cách kín đáo lên mặt. Lina chỉ có thói quen sửa soạn như vậy trong một số trường hợp thôi. Khi đã trang điểm, trông bà vẫn có vẻ sung sức ở tuổi 45, lộ rõ trên nét mặt, duy chỉ có hai bàn tay chai sần chứng tỏ bà đã trải qua cuộc sống lâu ngày tại trang trại ở Birán. Không có một người đàn bà nào khác hồ hởi hơn ở quanh vùng này.

Khi cần, bà đi Marcané để giao hàng và kết toán những hàng hoá đưa vào kho, cạnh đường sắt. Trong cơn mưa, những tia chớp trên trời, những dòng sông dâng cao vì nước lũ, những cơn gió to không làm cho Lina sợ hãi.

Lạy chúa, hãy để cho em sống cùng anh! Ángel nói như vậy khi tạm biệt Lina. Ông thấy cô đơn, kèm theo tuổi già mỗi khi mất ngủ, nhớ đến ngôi nhà trìu mến, những chiếc tủ, giường và những cái hòm khác thường với mùi thơm của cây trắc bách hương, gợi lên cho ông biết bao kỷ niệm. Ông Ángel đã trồng những cây trắc bách hương với niềm mong muốn thầm kín và thân thương, để nó sống mãi bền lâu, với vỏ cây mềm mại và hương thơm ngào ngạt cho tình yêu và để cho một dòng tộc cao thượng và xứng đáng phát triển mãi trong ngôi nhà.

Myrta Francisca de la Caridad Diaz Balart y Gutierrez theo học môn triết và văn học ở Trường đại học La Habana. Cả gia đình cô đều ở Santiago de Cuba, nhưng ông bà nội thì ở Banes, khi xóm làng được khởi sắc và thừa hưởng sự phồn vinh trước tiên là của xí nghiệp Dumois và sau đó là của Công ty Mỹ. Myrta sinh ra ở đại lộ Cárdenas, số nhà 36, vào lúc 10 giờ 30 phút, sáng ngày 30 tháng Chín 1928, khi thời tiết ngột ngạt của mùa Hè đã dịu bớt. Lúc đó, bố của Myrta là Tiến sĩ Rafae Jose Diaz Balart, có văn phòng luật sư và làm công chứng viên của thành phố. Mẹ của Myrta là bà America, giáo viên sư phạm, và điều hơi khác thường là bà trở thành người nội trợ, vốn là nhiệm vụ xưa nay của những cô gái đã lấy chồng.

Khi Myrta đang học đại học thì mẹ qua đời, bố đi bước nữa, lấy bà Angelica Franco. Tại nhà riêng của hai người ở Banes, ngày 11 tháng Mười 1948, một ngày trước khi làm lễ cưới bên đạo, đã tổ chức lễ cưới bên đời cho Myrta với Fidel Alejandro, 22 tuổi.

Đi giữa hàng ghế trên cao và được những người tham dự nhìn thấy, người cha đỡ đầu Rafael José và người mẹ đỡ đầu Lina Ruz Gonezalz tiến lên.

Fidel không có thành kiến, chấp nhận đám cưới bên đời và đám cưới bên đạo như điều mà xã hội đã làm, để làm vừa lòng cả hai họ.

Một số ít khách mời hiểu được suy nghĩ thầm kín của Fidel, nhưng chàng thanh niên cưới vợ vào buổi sáng hôm ấy cảm thấy chán ngán với nghi thức rỗng tuếch, đơn điệu và những công việc mà Đức cha Madariago, Giám đốc Hội thảo chuyên về kim loại đồng đã làm.

Fidel Castro (giữa) cùng các binh sĩ cách mạng của mình xuất hiện bên đường vào tháng 1/1959 khi họ tiến về thủ đô La Habana của Cuba. Ảnh: VOV.VN
Sau lễ cưới, Fidel dành nhiều thì giờ vào việc học tập, nhưng không từ bỏ các cuộc đấu tranh ngay trong trường đại học chống lại sự suy đồi chính trị và hành chính, những bất công và bọn găngxtơ được chính phủ khuyến khích.

Đọc bản "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" có nghĩa là tự chuyển thành người mácxít. Fidel say sưa tìm đọc văn học cổ điển và thắt chặt quan hệ với những thanh niên cộng sản, chống đế quốc và tiến bộ như Walterio Carbonell, Lionel Soto, Raúl Vaedés Vivó,...

Nhìn qua cửa số duy nhất của căn phòng nhỏ hẹp, nghe thấy rộn lên tiếng ồn ào của những người bộ hành và xe cộ đi qua đường 82 của thành phố New York, gần Công viên trung tâm. Nhà khách nằm ở mặt tiền số 155. Đó là một chung cư lợp ngói toàn đất đỏ và có ống khói. Những căn nhà rẻ tiền, có lò sưởi cũ kỹ đặt ở dưới hầm nhà hoặc ở các cửa lộ thiên, dành cho các sinh viên và các gia đình trung lưu hoặc phụ nữ độc thân, bất chấp môi trường ẩm ướt và lạnh lẽo để tiết kiệm tiền thuê nhà. Bà chủ người Đức thu tiền nhà hằng tháng rất đúng hạn và đòi hỏi những người thuê nhà phải giữ yên lặng, giảm bớt những thói quen riêng và lau sạch nhà cửa.

Fidel và Myrta đến Hoa Kỳ một vài tuần trước. Chuyến đi được thực hiện nhờ khoản tiền mà ông Ángel trao cho con sau khi kết hôn, khoảng gần 3.000 đôla để đi đến Miami, rồi đi tiếp bằng tàu hoả đến New York và ở lại đây một thời gian.

Những ngày đầu đến thành phố miền Nam nước Mỹ, vì không phải thời kỳ cao điểm của du lịch nên giá cả không đắt đỏ. Sau khi đi xem các viện bảo tàng, tượng đài, nhà hát và các nhà hàng ăn ở New York, Fidel nhìn thấy những toà nhà cao chọc trời, tạo nên ấn tượng về cuộc sống đơn độc, cho dù có rất đông người ở tàu điện ngầm, ở lối vào các nhà máy công nghiệp, ở các hiệu thuốc, công viên, quảng trường và các câu lạc bộ của một thành phố hiện đại đầy ánh sáng. Điều làm cho Fidel kinh ngạc là không thể mua được những sách nói về Các Mác trong cửa hàng sách ở thành phố, nơi đầy rẫy tinh thần chống cộng sản và bệnh hoạn quá mức của cuộc chiến tranh lạnh. Fidel mua một tập "Tư bản" của Mác bằng tiếng Anh.

Fidel thực hành tiếng Anh còn yếu kém của mình ở các chợ, sau đó, về nhà xào xáo lại thực đơn theo sở thích của mình. Khi không còn nhiều tiền để dành, Fidel tính toán lại rồi quyết định mua một xe ôtô cũ, để đi đến trường Đại học Harvard, với ý định học hết hơn 50 môn của ngành luật và khoa học xã hội mà anh đã học tới năm thứ tư và thứ năm ở La Habana, và sau đó, học kinh tế - chính trị, có lẽ ở trường Harvard, hoặc trường nào có danh tiếng ở Mỹ hoặc châu Âu.

Ngày 2 tháng Mười một 1948, Fidel nghe qua đài tiếng Anh, đưa tin về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống. Harry Truman đã đánh bại Thomas Deway trước sự ngạc nhiên của mọi người. Ngày hôm sau, tờ Chicago Daily Tribune đăng ở tám cột liền "Deway đánh bại Truman" một tiêu đề đã để lại cho lịch sử như một ví dụ rằng các phương tiện thông tin có thể nhầm lẫn tên khi công bố kết quả bầu cử. Cuộc điều tra trước đó cho biết rằng Truman, Tổng thống không được lòng dân, trong đó có những nhà trí thức và phóng viên, sẽ bị Dewey thông minh và tinh vi, đánh bại. Dewey là một nhà chính trị đã quen nghề mua chuộc, có nhiều tham vọng giành thắng lợi chức Tổng thống, khiến ông ta mờ mắt và gây cản trở các nhà báo hoạt động, như vậy sẽ tránh được thảm họa công bố ở trang đầu, đưa tin không chính xác và thiên vị.

Đôi vợ chồng trẻ trở về Miami bằng đường bộ. Nhờ có bản đồ hướng dẫn, hai người đi suốt bờ biển Đại Tây Dương, đi theo những con đường xa lạ và những con sông sâu không có cầu phải vượt qua, nên buộc phải đi đường vòng hoặc tìm giải pháp không lường trước được. Đi một chặng đường, gặp một con tàu đưa hai người sang bên kia bờ sông, để khỏi phải quay trở lại đường cao tốc ở Miami, có nhiều chỗ rẽ đôi làm lạc hướng vào ban đêm.

Khi rời khỏi con tàu để trở về La Habana, Myrta và Fidel hầu như không còn tiền. Thời kỳ thịnh vượng đã kết thúc và phải tiết kiệm từng đồng xu một. Hai người đem bán chiếc xe con, thuê một căn phòng ở khu nhà chung cư đang xây dang dở ở phía tây thành phố và bắt đầu cuộc sống bình thường nhưng đầy hứng khởi. Fidel tập trung vào việc học tập hăng say.

Vừa dành thời gian học tập, vừa tham gia các hoạt động chính trị chống đối chính phủ của Carlos Prío, Fidel vào Đoàn thanh niên Chính thống, nhưng không giữ chức vụ nào. Fidel đặt nhiều hy vọng vào cuộc bầu cử sau và tin vào sự liêm khiết, biết thương dân của Eduardo Chibás. Fidel cho rằng nếu Chibás trúng cử sẽ là người cấp tiến đóng vai trò lịch sử cho đất nước.

Lúc đó, Fidel phê phán Đảng Chính thống đã không đề ra chương trình xã hội; ngoài ra, các nhà lãnh đạo của đảng này có lập trường và tuyên bố chống cộng sản. Fidel tiên đoán rằng Đảng Xã hội nhân dân ít có khả năng thắng cử, vì hoạt động trong những điều kiện khó khăn, tuy có ảnh hưởng quan trọng trong công nhân nhưng không nắm được đông đảo quần chúng bị nhồi sọ bởi chủ nghĩa McCarthy của thời kỳ sau chiến tranh.

Khi gần đến ngày thi cử, Fidel dậy từ 6 giờ sáng, học đến 12 giờ trưa, ăn trưa vẫn đọc bài rồi tiếp tục học cho đến 3 giờ; ăn chiều xong lại tiếp tục học thêm 8 hoặc 12 tiếng nữa, tùy theo sự phức tạp của các môn học và đòi hỏi của các giáo sư.

Fidel kiên trì và mải mê tập trung vào việc đọc sách và những bài tóm tắt. Việc học tập căng thẳng không làm cho Fidel kiệt sức, mà còn khiến cho anh cảm thấy khoan khoái và tò mò, thức suốt đêm thâu.

Sau khi kết hôn, cuộc sống của Fidel đã ổn định. Anh gắn bó với mái ấm gia đình, học tập càng hăng say hơn và khi có thời gian, anh rất thích nấu ăn. Vợ của Fidel lo toan công việc bếp núc theo thói quen và truyền thống gia đình, điều đó đã tạo điều kiện cho Fidel tập trung vào việc học tập và tham gia các hoạt động chính trị. Khi biết đứa con sắp ra đời, Fidel rất nhạy cảm với những công việc nhỏ nhặt, có lẽ vì nhận thức được rằng mình sẽ có ít thời gian yên tĩnh, và từ đó, anh phỏng đoán cuộc cách mạng sẽ nổ ra.

Những sự việc đồng thời như: bọn lính thuỷ Mỹ sỉ nhục tượng đài José Martí ngày 11 tháng Ba 1949, việc giết hại anh Justo Fuentes Clavel, nhà lãnh đạo trẻ của Liên đoàn sinh viên đại học (FEU) và Jesús Menendez, nhà lãnh đạo cộng sản của công nhân nhà máy đường, cùng với việc tăng giá vé xe đã chấm dứt thái độ hờ hững của mọi người. Ai có lương tâm đều phải vùng lên chiến đấu và chống lại sự đàn áp, như đối với tên đại tá Caramés, chỉ huy cảnh sát toàn quốc. Đầu năm 1949, lực lượng cảnh sát bắn vào khu trường đại học. Cuộc tiến công như vậy đã diễn ra từ năm trước. Theo tạp chí Carteles và nhật báo El Paris thì vào tháng Hai 1949 đã xảy ra vụ bạo loạn của sinh viên mà báo chí gọi là cuộc biểu tình cách mạng, nhằm tố cáo âm mưu của José Manuel Caramés, hòng thâm nhập vào đám sinh viên; họ mang cờ Cuba và một biểu ngữ to của FEU ghi rõ: Những người Cuba hãy phản đối Caramés, tên mật thám của chính phủ Ramón Grau San Martín (1940-1950) đã vi phạm quyền tự trị của trường đại học.

Chủ tịch Fidel Castro bên những món quà nghĩa tình của nhân dân Quảng Trị dành cho ông. Ảnh: chinhphu.vn

Fidel vẫn tiếp tục là một sinh viên quật khởi, lúc bấy giờ anh ở ngõ 2, đường 3, Vedado, đối diện với khách sạn Riviera và trụ sở Đoàn kỹ sư, nơi tạm trú của Pedro Sarría Tartabull, một sĩ quan trẻ thỉnh thoảng đến La Habana để tham dự những kỳ thi đại học. Fidel quen biết Pedro ở La Colina trong một cuộc nói chuyện chớp nhoáng và bất thình lình. Không ai có thể nghĩ rằng nhờ có sự gặp gỡ may mắn với viên sĩ quan của Viện Hàn lâm mà Fidel đã tránh được vụ ám sát vào mấy năm sau đó.

Fidel đăng ký học ở lớp kinh viện 1948-1949 để được cấp bằng luật ở trường Đại học La Habana vào ngày 9 tháng Tư 1949. Không đầy một tháng sau, Fidel bất chấp bọn chuyên dùng súng, bọn côn đồ găngxtơ của các nhóm thân chính phủ, đồng mưu của những vụ đàn áp hèn hạ để cho đăng một bài báo: "Trả lời Masferrer" trong đó bác bỏ những ý đồ của chúng nói rằng Fidel có dính líu đến những cuộc tranh cãi và trả thù của bọn mafia. Trong bài báo chân thực đó, Fidel đánh giá Masferrer xứng đáng là thành viên của Quốc hội, nơi chứa chấp tất nhiên của nhiều tên tội phạm, có nhiều vấn đề đối với xã hội và nước cộng hoà. Fidel nêu rõ: "Ngay cả Masferrer, và cả "Đảng Colorado", và những tên sát nhân dưới mọi chiêu bài, gồm tất cả những nhóm chuyên dùng súng đều không thể chiếm ưu thế hơn những lý tưởng trong sáng và vô tư".

Ngày 3 tháng Tám 1949, trong dịp nghỉ hè về Birán, Fidel đến gặp bác sĩ Ceferino Ramírez Rodríguez ở Holguin để khám bệnh. Bác sĩ nhãn khoa ghi vào bệnh lịch của bệnh nhân số 5258, ghi rõ số kính đeo và những triệu chứng sau đây: (...) "Cách đây bảy năm, bác sĩ (...) kê đơn kính đeo, vì cho rằng Fidel nhìn không rõ và bị cận thị ở mắt phải mà không chịu đeo kính, nên bây giờ, khi nhìn lên màn ảnh chiếu bóng, Fidel phải ngồi gần".

Ngày 1 tháng Chín 1949, Fidel đi cùng vợ đang đau đẻ, không lường trước được rằng các nhóm găngxtơ đang đợi ở trường đại học để kết liễu đời Fidel bằng súng. Con trai Fidel Ángel ra đời thực sự là một phúc lành, và sự trùng hợp đầy may mắn, không chỉ là sự ra đời đã được mong chờ từ lâu, mà còn là dịp cứu sống bố. Kể từ đó, mỗi thời điểm có tính chất quyết định trong cuộc đời, Fidel đều nghĩ đến con mình, và khi thiếu vắng con, Fidel cảm thấy nhớ thương và muốn ôm con vào lòng, với niềm tin hoàn toàn rằng mình vinh dự có đứa con như vậy.

(Còn nữa)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.