Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 - 1967), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương là một trong những vị tướng được Bác Hồ yêu mến đặt tên và từng ghi dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng, bảo vệ đất nước. Cuộc đời Đại tướng gắn với những chiến công lừng lẫy trên cả lĩnh vực chính trị và quân sự với những biệt danh: “Nhà chiến lược bẩm sinh”, “Bậc thầy trong tháo gỡ khó khăn”, “Tướng phong trào”…
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tên khai sinh là Nguyễn Vịnh) sinh ngày 1/1/1914 tại Niệm Phò, Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế. Với lòng yêu nước, ý chí tự hào dân tộc, ngay từ thời niên thiếu, người thanh niên Nguyễn Vịnh đã cùng bạn bè cùng trang lứa trong làng đứng lên đấu tranh chống bọn cường hào và tham gia Phong trào Bình dân. Cuối năm 1936, đầu năm 1937, được gặp các nhà hoạt động cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu trong phong trào Mặt trận Bình dân, thanh niên yêu nước Nguyễn Vịnh được giác ngộ về lý tưởng cộng sản và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Hoạt động tích cực và có nhiều đóng góp trong xây dựng, phát triển phong trào cách mạng nên chỉ sau 8 năm được kết nạp, đảng viên Nguyễn Vịnh đã trở thành Bí thư Chi bộ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Ba lần bị chính quyền thực dân bắt giam tại các nhà lao Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, không cam chịu cảnh ngục tù, đảng viên Nguyễn Vịnh đã tìm cách vượt ngục để tiếp tục hoạt động, góp phần xây dựng cơ sở Đảng, đẩy mạnh phong trào Cách mạng ở Thừa Thiên- Huế suốt thời kỳ hoạt động bí mật. Tại Hội nghị Đảng Toàn quốc ở Tân Trào (8/1945), Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Nguyễn Vịnh được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Bác Hồ đổi tên thành Nguyễn Chí Thanh và chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến (12/1946), đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã trực tiếp quán triệt, triển khai điện khẩn của Thường vụ Trung ương về nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Khi chiến sự nổ ra ở Huế, do có sự chênh lệch rất lớn về lực lượng, vũ khí so với quân địch nên quân ta được lệnh tạm rút lui khỏi Huế. Năm 1947, để khôi phục phong trào ở mặt trận Huế, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã triệu tập hội nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế mở rộng (tại Nam Dương, Phong Điền) ngay sát nách địch. Tại đây, để củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên, quần chúng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã đọc bức thư “Gửi các đồng chí Trung Bộ” của Bác Hồ; đồng thời khẳng định: “Mất đất chưa phải là mất nước, chúng ta phải tranh thủ từng người, từng thôn. Chúng ta không thể để mất dân, chết cũng không rời cơ sở. Chúng ta nhất định thắng lợi”. Tinh thần, khí thế từ Hội nghị Nam Dương đã tạo ra chuyển biến tích cực trong cuộc kháng chiến của quân dân Thừa Thiên-Huế. Tinh thần hội nghị Nam Dương dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã khích lệ cán bộ, đảng viên, quần chúng và tạo nguồn xung lực mới để phong trào kháng chiến sau lưng địch ở mặt trận Bình Trị Thiên từng bước vượt qua khó khăn.
Năm 1948, với vai trò Bí thư Phân khu Bình Trị Thiên, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng cán bộ, nhân dân lập nên nhiều chiến công quan trọng, được Bác Hồ tặng danh hiệu “Vị tướng du kích”. Năm 1950, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cử giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Năm 1951, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được cử vào Bộ Chính trị. Năm 1959, đồng chí được phong hàm Đại tướng, trở thành vị Đại tướng thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau Đại hội Đảng lần thứ III năm 1960, xác định mặt trận nông nghiệp giữ vai trò, vị trí chiến lược rất quan trọng không chỉ đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc mà còn tác động đối với cách mạng cả nước, Đảng, Bác Hồ đã điều Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm Trưởng ban Công tác Nông thôn Trung ương. Nhận nhiệm vụ mới, Đại tướng lập tức bố trí thời gian tranh thủ đi thực tế ở nhiều địa phương, tìm hiểu những hợp tác xã làm ăn tốt, có sáng kiến hay ở: Quảng Bình, Vĩnh Linh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hải Phòng, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Hà Tây, Nam Hà, Hưng Yên… Nhiều nơi, Đại tướng có mặt cả tháng liền với các hợp tác xã, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe ý kiến của bà con nông dân. Tại Hợp tác xã Đại Phong (Phong Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình), Đại tướng trực tiếp chỉ đạo phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, xác định đây là nơi cần nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm cho phong trào cả nước. Ăn ở, suy nghĩ, làm việc cùng bà con, Đại tướng nêu ý kiến “phải phá xiềng 3 sào”, khai phá đất rừng, trồng thêm hoa màu, chăn nuôi gia súc, “phải có của ăn, của để, phòng khi thất bát”. Chỉ trong hai năm, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã làm cho Đại Phong có những thay đổi lớn, gia đình nào cũng “có của ăn của để”. Năm 1961, thu nhập bình quân mỗi xã viên 904 kg thóc, đất canh tác bình quân 9 sào/người. Từ những điểm sáng ban đầu, phong trào thi đua mới trên mặt trận nông nghiệp nổi lên như sóng cồn với hàng loạt điển hình tiêu biểu: “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba Nhất”..., trở thành niềm tự hào của nhân dân miền Bắc. Những thành tích trên đều do Đại tướng sử dụng phong cách mới lạ, thể hiện rõ tính quần chúng rộng rãi trong các nghị quyết. Sau quá trình xâm nhập cơ sở, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đúc rút thành phương châm nổi tiếng “Cán bộ thế nào thì phong trào thế ấy”, cán bộ phải lăn lộn, gắn bó với phong trào, không có quần chúng thì không có thắng lợi… Tháng 5/1962, Hợp tác xã Đại Phong được tôn vinh Đơn vị Anh hùng. Nhân dân gọi đồng chí Nguyễn Chí Thanh là “Đại tướng của nông dân”, Bác Hồ trìu mến gọi đồng chí là “Đại tướng nông dân”.
Ở khía cạnh quân sự, giai đoạn 1950-1960, trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Tổng Tư lệnh, Phó Bí thư Tổng Chính ủy, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã mang hết tâm lực cùng tập thể Trung ương Đảng và Tổng Chính ủy lãnh đạo các lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, chiến đấu giành thắng lợi to lớn đánh thắng thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1965, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được điều động trở lại quân đội, vào Nam lãnh đạo kháng chiến, trên cương vị Ủy viên Hội đồng Quốc phòng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng Tổng Chính ủy trực tiếp lãnh đạo quân đội, quan tâm đặc biệt công tác đảng, công tác chính trị với ý nghĩa là “linh hồn”, là “mạch sống”, rường cột của quân đội. Nắm vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện quân đội, là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vừa chú trọng chăm lo xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, nâng cao sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân, vừa chú ý xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng trong quân đội ngày càng trưởng thành, làm nòng cốt cho cuộc kháng chiến; xây dựng chi bộ gắn với chú trọng duy trì kỷ luật đảng.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đóng góp công lao to lớn trong các trận thắng lớn quan trọng: Bình Giã, Ba Gia, Núi Thành, Vạn Tường…, qua đó góp phần khẳng định quân dân ta hoàn toàn có khả năng thắng đế quốc Mỹ và cuộc chiến tranh cục bộ. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào thời kỳ quyết liệt, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng Trung ương Cục chỉ đạo phát triển chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ tranh nhân dân, đặc biệt là xây dựng bộ đội chủ lực, góp phần xác định đúng bước chuyển biến từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ”, chủ động đánh Mỹ kéo vào miền Nam. Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng và dân tộc ta mãi mãi khắc ghi tư tưởng chỉ đạo tác chiến mang đậm dấu ấn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như: “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, “cứ đánh Mỹ khắc tìm ra cách đánh hay”…từ đó hình thành các “vành đai diệt Mỹ”. Những phân tích, nhận định sắc bén về tình hình chiến trường miền Nam của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã giúp Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đánh giá đúng thất bại của Mỹ, sự phát triển của cách mạng miền Nam. Cùng với tài năng quân sự, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn là một nhân cách sáng ngời, luôn giữ tinh thần “trọng dân, quý dân, học dân”. Năm 1967 sự ra đi đột ngột của Đại tướng để lại mất mát và nỗi tiếc thương vô hạn đối với cán bộ, quân và dân cả nước.
Với những chiến tích vẻ vang và công lao to lớn đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Thế Vĩnh (Tổng hợp)