Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Các Mác (5-5-1818 / 5-5-2018): Thời trẻ của một thiên tài

Trong hàng ngũ những vĩ nhân của lịch sử nhân loại, Các Mác (Karl Marx) chiếm một vị trí nổi bật. Năm 1999, Trường Đại học Cambridge (Anh) tổ chức bình chọn nhà tư tưởng vĩ đại trong thiên niên kỷ thứ hai, Các Mác đã được bình chọn cho vị trí số một, xếp thứ hai là Anh-xtanh (A.Einstein).

Cùng với Ph.Ăng-ghen (Friedrich Engels), Mác đã xây dựng phép biện chứng duy vật và chủ nghĩa xã hội khoa học, đem lại cho nhân loại một công cụ vĩ đại để nhận thức và cải tạo thế giới. Đặc biệt, từ khi còn rất trẻ, Các Mác đã hé lộ những phẩm chất thiên tài của một nhà bác học và một nhà cách mạng chuyên nghiệp. Nhân dịp kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của Các Mác, chúng tôi xin lược trích vài câu chuyện kể trên.

Bài luận văn chọn nghề nổi tiếng

Các Mác sinh ra ở Trier, thành phố cổ kính thuộc phía Tây nước Phổ (nước Đức ngày nay) trong gia đình luật sư Hen-rích Mác (Heinrich Marx). Bố của Các Mác là một người có nhân cách liêm chính được cả vùng kính trọng, ông cũng hiểu biết rõ về tác phẩm của những nhà tư tưởng Pháp thế kỷ 18. Giữ chức luật sư tại tòa án tối cao của nước Phổ nhưng Hen-rích Mác ủng hộ chủ nghĩa tự do và tỏ ra thiên về chế độ đại nghị nên ông cũng bị nhà chức trách và cảnh sát đương thời “để ý”.

Gien-ny và Các Mác. Ảnh tư liệu

Từ nhỏ, Các Mác đã bộc lộ phẩm chất thông minh với các sáng kiến trong những trò chơi của lũ trẻ. Cậu có khả năng kể lại một cách hình ảnh và sáng tác ra đủ mọi câu chuyện tưởng tượng và các câu chuyện cổ tích. Điều này đã khiến cậu trở thành linh hồn trong các trò chơi của lũ trẻ trong khu phố.

Năm 1830, 12 tuổi, Mác vào học tại Trường trung học Trier. Cậu học giỏi nhưng không dẫn đầu về điểm số. Nhưng những môn học đòi hỏi học sinh tính độc lập sáng tạo thì Mác lại luôn là người đứng đầu. Bằng tốt nghiệp trung học của Mác, các thầy giáo đã công phu nhận xét rằng, cậu nổi bật ở khả năng tưởng tượng phong phú và nhận thức sâu sắc về thực chất các môn học. Khi học các cổ ngữ như tiếng La-tinh và tiếng Hy Lạp, Mác đã thể hiện tài năng giải thích một cách dễ dàng và sâu sắc những bài văn cổ mà “khó khăn không phải ở những đặc điểm của ngữ ngôn mà là ở thực chất và mối liên hệ chung của tư tưởng”. Mác cũng tỏ ra xuất sắc với môn Toán. Đặc biệt là với khả năng ngôn ngữ sắc lẹm, Mác khiến một số bạn bè cùng lớp vừa yêu quý vừa sợ sệt bởi lối nói châm biếm và những câu thơ trào phúng khi cậu chế giễu thói hư tật xấu của một vài người bạn.

Sinh ra trong một gia đình thuộc giới trí thức, học trong trường trung học hoàng gia nhưng Mác sớm thâm nhập cuộc sống sôi nổi ngoài nhà trường. Điều đặc biệt là Mác sớm có những suy nghĩ vượt thời đại, vượt qua ranh giới đẳng cấp mà mình thuộc về. Trong bài luận văn tốt nghiệp trung học, với chủ đề “Những suy nghĩ của một thanh niên khi chọn nghề”, Mác đã khiến thầy cô, bạn bè khâm phục và kinh ngạc khi nói về sự cần thiết phải chọn nghề nào để mở một lĩnh vực rộng lớn nhất cho hoạt động vì con người. Bài luận văn vang lên tiếng nói tha thiết: Không bó mình trong khuôn khổ hẹp hòi, ích kỷ, tìm con đường và phương tiện để phục vụ con người. “Nếu một người chỉ lao động vì mình thôi thì người đó có thể trở nên một nhà bác học nổi tiếng, một nhà thông thái lớn, một nhà thơ tuyệt vời nhưng người đó không bao giờ có thể trở thành một con người thật sự hoàn thiện và vĩ đại”-Mác viết. Cậu khẳng định: Nếu một người chọn nghề mà người đó có thể làm được nhiều nhất cho nhân loại thì người đó sẽ không cảm thấy gánh nặng của nghề ấy, không phải một sự vui sướng ích kỷ, hạn chế và đáng thương mà hạnh phúc của người đó sẽ thuộc về hàng triệu người.

Chàng sinh viên “lãnh đạo” các giáo sư

Tháng 10-1835, 17 tuổi, Các Mác vào học Trường Đại học Tổng hợp Bonn và vài tháng sau thì cậu “nhảy lớp” sang Trường Đại học Tổng hợp Berlin. Toàn bộ nhiệt tình tuổi trẻ, cậu dồn vào học tập. Bố cậu thậm chí phải thường xuyên viết thư khuyên con đừng cố gắng quá mức mà làm cho cơ thể kiệt sức, nhưng ông cũng sớm nhận ra những phẩm chất thiên tài của con trai và dự đoán con mình sẽ trở thành một nhà bác học. Thư cho con, ông viết: “Con sẽ còn phải… sống một cuộc sống dài cho hạnh phúc của con và hạnh phúc của gia đình, và nếu linh tính của cha không đánh lừa cha, thì con còn sống cho hạnh phúc của toàn thể nhân loại nữa”.

Ở Berlin, bên cạnh việc học luật, lịch sử, nghiên cứu lý luận nghệ thuật và học ngoại ngữ, Các Mác còn đi sâu nghiên cứu triết học. Ông tham gia nhóm Hê-ghen (Hegel) trẻ, lúc đó được gọi là “Câu lạc bộ tiến sĩ”. Điều đặc biệt là chàng sinh viên trẻ măng ấy sớm nổi trội và trở thành lãnh đạo tinh thần của nhóm toàn những giáo sư, nhà khoa học tên tuổi của trường. Những kiến thức rộng lớn, sức mạnh logic, tính chất sâu sắc và triệt để của ông đã làm những người lớn tuổi, có uy tín trong câu lạc bộ cũng phải khâm phục. Năm 1841, một thành viên nổi tiếng của nhóm Hê-ghen trẻ là M.Hét-xơ đã viết thư cho một nhà khoa học khác về Mác: “Anh hãy chuẩn bị làm quen với một nhà triết học chân chính hết sức vĩ đại, có thể là nhà triết học chân chính duy nhất trong số hiện nay đang sống… Tiến sĩ Mác-đó là tên thần tượng của tôi-là một người hãy còn rất trẻ, anh ta chưa chắc đã đến 24 tuổi; anh ta sẽ đánh một đòn cuối cùng vào tôn giáo và chính trị thời trung cổ, trong con người anh ta một sự nghiêm túc triết học hết sức sâu sắc kết hợp với một sự hóm hỉnh hết sức tinh vi; anh hãy hình dung là Rút-xô, Vôn-tê, Hôn-bắc, Lét-xinh, Hai-nơ và Hê-ghen đã kết hợp vào trong một con người, tôi nói kết hợp chứ không phải hỗn hợp một cách cơ giới và anh sẽ có một quan niệm về Tiến sĩ Mác”.

Từ đầu năm 1839, Mác hoàn toàn đầu tư cho nghiên cứu lịch sử triết học. Ông bắt tay vào nghiên cứu rộng lớn tư tưởng triết học của thế giới cổ đại, đặc biệt là trường phái Ê-pi-cơ-rớt

(Epicurus), chủ nghĩa khắc kỷ và chủ nghĩa hoài nghi. Kết quả đầu tiên của công việc đó là bảy cuốn vở thu hoạch về sau được biết tới dưới nhan đề “Những cuốn vở về lịch sử triết học Ê-pi-cơ-rớt, khắc kỷ và hoài nghi”. Trong đó, Mác vạch trần sự bất tương dung giữa triết học và tôn giáo. Đầu năm 1841, ông chọn đề tài cho bản luận án tiến sĩ triết học là “Về sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Đơ-mô-cri-tớt (Democritos) và triết học tự nhiên của Ê-pi-cơ-rớt”. Đề tài này bao hàm một sự luận chiến với chính Hê-ghen, nhà triết học duy tâm đã phát hiện ra phép biện chứng. Bản luận án của Mác đã phát triển những quan điểm vô thần và để tránh đối đầu với các giáo sư triết học duy tâm ở Trường Đại học Tổng hợp Berlin, Mác đã gửi luận án của mình đến Trường Đại học Tổng hợp Lena. Tháng 4-1841, ông nhận được bằng tiến sĩ triết học của trường này.

Một minh chứng về độ bền vô biên của tình yêu

Tình yêu nhuốm màu huyền thoại với Gien-ny Phôn Vét-pha-len (Jenny von Westphalen) khẳng định một “tài lẻ” đặc biệt của chàng trai trẻ Các Mác. Gien-ny là tiểu thư dòng dõi trâm anh thế phiệt, con gái của vị tam đẳng đại thần nước Phổ Lút-vích Phôn Vét-pha-len (Ludwig von Westphalen).

Thông minh, có học thức, nổi tiếng với danh hiệu hoa khôi thành Trier, Gien-ny luôn nổi bật trong các vũ hội dành cho giới quý tộc của thành phố. Rất nhiều chàng trai cùng đẳng cấp theo đuổi nàng, nhưng bằng một cách đặc biệt nào đó, Gien-ny đã trao trọn trái tim cho Các Mác, anh bạn cùng học trong trường trung học hoàng gia, dù Mác kém nàng tới 4 tuổi (Gien-ny sinh năm 1814).

Tình cảm giữa Mác và Gien-ny nảy nở từ hồi thơ ấu, dần dần trở thành tình yêu nồng nàn say đắm do được sự chăm sóc đặc biệt bởi tài năng của Mác. Điều gắn bó chàng thanh niên sôi nổi luôn nghĩ cho người khác và cô tiểu thư xinh đẹp hay thương người, vốn nổi tiếng tinh tế và sức quyến rũ hiếm thấy, không chỉ có tình yêu tha thiết đối với nhau mà còn có cả những yêu cầu với nhau về mặt tinh thần nữa. Gien-ny sớm đánh giá cao tài năng xuất chúng và bản chất nhân đạo trong Mác. Bản thân cô luôn cố gắng xứng đáng với Mác và Mác thì luôn tôn sùng người mình yêu. Mác viết rất nhiều thơ tình để nói về tình yêu của mình.

Yêu Mác, Gien-ny đã phải giấu kín tình cảm với dòng họ quý tộc của mình. Cô đã phải đấu tranh rất lâu dài, gay go với dòng tộc để được quyền kết hôn với Mác. Đính hôn năm 1836 khi Mác còn là chàng sinh viên, phải đến bảy năm sau họ mới vượt qua sự phản đối của dòng tộc để kết hôn.

Từ một tiểu thư sống sung sướng trong gia đình đại quý tộc, lấy Mác, Gien-ny đã cùng chồng trải qua đủ mọi cơ cực mà nhà cầm quyền các nước châu Âu dành cho lãnh tụ của phong trào công nhân quốc tế. Bị trục xuất khỏi hết nước này đến nước khác, nhiều lúc Mác và vợ con không chốn dung thân và thậm chí đến bánh mỳ cũng không có để ăn. Trong bức thư gửi bạn ngày 20-5-1850 khi đang sống lay lắt ở nước Anh, Gien-ny đã kể về tình trạng bi thảm của gia đình mình: “Vì chúng tôi không có tiền nên hai nhân viên tòa án đến nhà (nhà thuê trọ) và tịch thu hết tất cả tài sản ít ỏi của chúng tôi- giường, quần áo lót, quần áo dài, tất cả-thậm chí cả chiếc nôi của đứa con nhỏ tội nghiệp của tôi và những đồ chơi của mấy cháu gái đang đứng ngay đó nước mắt ròng ròng… Khi đó, với ngực đau thắt, tôi ở lại trên nhà sàn trống và mấy đứa con tôi run cầm cập vì lạnh”.

Nỗi thống khổ của Mác do bị các chủ nợ thúc bách khiến ông không có đủ tiền để thỏa mãn những nhu cầu sơ đẳng cho cuộc sống. Bốn trong số bảy đứa con không có tiền chữa bệnh bị chết khi còn rất nhỏ. Bản thân Mác có những lần không thể đi ra phố vì quần áo bị các chủ nợ tịch thu hết sạch. Nhưng Gien-ny trong suốt cuộc đời chưa một lần trách Mác, tình cảm và sự thấu hiểu của bà dành cho Mác mãi mãi là minh chứng về độ bền vô biên của tình yêu. Gia đình họ, dù đã trải qua tột cùng của sự túng quẫn nhưng là một gia đình hạnh phúc. Mác thấy rõ tâm hồn cao thượng của vợ và vẫn say mê Gien-ny “yêu quý, mến thương, duy nhất” như thuở ban đầu. Trong thư gửi cho vợ ngày 21-6-1856, khi Gien-ny về Đức thăm mẹ ốm, Mác đã viết: “Dĩ nhiên, ở trên đời có rất nhiều đàn bà và một số người trong bọn họ thật là tuyệt vời. Nhưng ở đâu anh lại tìm được một khuôn mặt mà mỗi nét, thậm chí mỗi nếp nhăn, đã gây cho anh ký ức mạnh mẽ nhất và tuyệt vời nhất trong đời sống của mình như thế? Thậm chí anh còn đọc thấy trên khuôn mặt yêu quý của em cả những nỗi đau khổ vô cùng tận của anh, sự mất mát không gì bù đắp được của anh, và anh khắc phục được sự đau đớn đó khi đặt những chiếc hôn lên khuôn mặt thân yêu của em”.

Tình yêu của Mác - Gien-ny trở thành huyền thoại, hay nói đúng hơn, một sự thật mà như huyền thoại là như thế!

HỒNG HẢI (lược thuật)

Theo Quân đội Nhân dân cuối tuần

Khánh Ngọc

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy