Hồ sơ vụ máy bay do thám U-2 bị bắn rơi trên lãnh thổ Liên Xô (Kỳ 3)

Trong chiến dịch Vòng cung Kursk, M.Voronov chỉ huy khẩu độ pháo phòng không của mình đánh bật những chiếc máy bay ném bom của Đức Quốc xã nhằm vào lực lượng tiến công của Hồng quân Liên Xô. Nhiều năm sau đó, M.Voronov vẫn tại ngũ, là một sĩ quan chỉ huy tên lửa trong lực lượng phòng không Xô viết.

Kỳ 3: Đón lõng

Kỳ 3: Đón lõng

Công việc của một cựu binh

Thiếu tá Mikhail Voronov là một cựu binh thời Đệ nhị thế chiến. Sinh năm 1918 tại một làng nhỏ hẻo lánh miền Tây nước Nga, khi những chiếc xe tăng của quân Đức Quốc xã bắt đầu tiến vào thành phố Minsk thì M.Voronov đang là thượng sĩ tại Trường cao đẳng quân sự ở Caucasus.

Kỳ 3: Đón lõng - Ảnh 1.

Tờ New York Time của Mỹ đưa tin về vụ Liên Xô bắn rơi chiếc U -2.

Sau hai tháng được đào tạo nâng cao cấp tốc để trở thành một sĩ quan, ông được điều ra mặt trận, bị thương gãy một chân ở Tula. Vừa lành vết thương, ông lại quay lại mặt trận, học cách bắn vào những chiếc máy bay ném bom phát xít ở ngay mặt trận Stalingrad.

Trong chiến dịch Vòng cung Kursk, M.Voronov chỉ huy khẩu độ pháo phòng không của mình đánh bật những chiếc máy bay ném bom của Đức Quốc xã nhằm vào lực lượng tiến công của Hồng quân Liên Xô. Nhiều năm sau đó, M.Voronov vẫn tại ngũ, là một sĩ quan chỉ huy tên lửa trong lực lượng phòng không Xô viết.

Nhưng khi dẫn khẩu đội tên lửa của mình tới triển khai tại vị trí bên ngoài thị trấn Kosulino ở gần thành phố Sverdlovck, Thiếu tá M.Voronov biết rằng kinh nghiệm bắn máy bay Quốc xã từ thời chiến tranh sẽ không giúp ích gì cho ông trong nhiệm vụ mới lần này. Đó sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn khác.

Hai năm trước đó, tướng Yuri Votintsev là một trong số những chỉ huy đơn vị tên lửa S-75 Dvina diễu binh trên Quảng trường Đỏ ở Moscow nhân Ngày Quốc tế lao động. Được triển khai từ năm 1957, S-75 Dvina, mà phương Tây quen gọi dưới tên SAM-2, là loại tên lửa phòng không điều khiển bằng hệ thống ra-đa 3 tác dụng.

Các nhà hoạch định chính sách do thám bằng máy bay U-2 ở Washington cho rằng, một khi các máy bay này lọt vào không phận Liên bang Xô viết mà không bị ra-đa phát hiện trong thời gian đầu thì sẽ giảm một cách đáng kể nguy cơ bị bắn hạ. Tướng Y. Votintsev cùng các chỉ huy quân sự cao cấp của mình ở Moscow cũng biết rõ điều này.

Thế nên tướng Y.Votintsev đã cho tiến hành lắp đặt các trạm ra-đa dọc biên giới phía Nam của Liên Xô, gần khu vực biên giới với Afghanistan. Các kỹ thuật viên, trắc thủ ra-đa giỏi nhất được lựa chọn vào biên chế cho các trạm ra-đa này.

Các trạm ra-đa đặt dọc tuyến đường từ Osk đi Khorog được đặc biệt chú ý bởi đây là tuyến mà nhiều lần các máy bay của Mỹ đã bay qua trên đường đột nhập không phận Liên Xô.

Ở gần thị trấn Kosulino, thiếu tá M.Voronov được lệnh cùng các chiến sĩ trong phân đội tên lửa S-75 Dvina ráo riết tập luyện thực hành trong điều kiện thực tế. Toàn bộ hệ thống phòng không Xô viết được lệnh chuyển sang tình trạng thường xuyên trực chiến.

Kỳ 3: Đón lõng - Ảnh 2.

Hệ thống tên lửa S-75 Dvina của Liên Xô đã bắn rơi chiếc U-2

 Trong tầm ngắm

Việc CIA chọn ngày chủ nhật, 1-5, để thực hiện phi vụ do thám của F.Powers, ngoài lý do điều kiện thời tiết thuận lợi, còn có một tính toán khác. 

Đây là ngày lễ lớn ở Liên bang Xô viết nên hầu hết các nhân viên quân sự cũng như dân sự được nghỉ để tham gia các lễ hội.

Điều này cũng đúng khi ở Kosulino, thiếu tá M.Voronov cho phép 3 sĩ quan dưới quyền về nhà nghỉ lễ. Nhưng khẩu đội tên lửa của ông vẫn sẵn sàng. Người trực hôm ấy là trung úy Nikolai Batukhtin, tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật vô tuyến Gorkovsky ở Samara, là sĩ quan chịu trách nhiệm điều khiển đường bay của tên lửa một khi chúng được phóng lên.

Trên chiếc "Thiên sứ" U-2, F.Powers cảm thấy mọi việc đều diễn ra một cách hoàn hảo. Các máy móc xung quanh anh ta đều vận hành trơn tru. Có vẻ như người Xô viết đã không phát hiện ra anh ta. Bay ở độ cao gần 70.000 bộ, chiếc U-2 trông có vẻ giống như một vật thể bay không được xác định UFO hơn là một chiếc máy bay do thám.

F.Powers không biết rằng chỉ sau khoảng 10 phút xâm nhập vào không phận Liên Xô, chiếc U-2 đã bị trạm ra-đa trên cao nguyên Pamir của Liên Xô phát hiện và theo sát.

Đến 7 giờ sáng theo giờ Moscow, khẩu đội tên lửa của Thiếu tá M.Voronov nhận được lệnh báo động. Đây không phải là một cuộc diễn tập. Một kẻ xâm nhập đang ở độ cao 20.000 bộ trên biển Aral và hướng về phía họ. Tất cả phải trong tư thế sẵn sàng ấn nút phóng tên lửa.

Trong xe chỉ huy tên lửa lúc ấy, ngoài Thiếu tá M.Voronov, Trung úy Batukhtin, còn có 5 trắc thủ điều khiển tên lửa, mỗi người điều khiển một bệ phóng. Tất cả đã sẵn sàng trong xe chỉ huy.

Khi F.Powers bay trên vùng trời Chelyabinsk, cách thành phố Sverdlovck khoảng một trăm dặm về phía Nam, Thiếu tá M.Voronov bật bộ phận định vị lên và lần đầu tiên nhìn thấy chiếc máy bay U-2 như một chấm xanh trên màn hình ra-đa.

Trong vài phút, chấm xanh di chuyển theo hướng Bắc rồi bất chợt ngoặt sang phải. Đấy là lộ trình mà F.Powers được chỉ thị phải bay theo. F.Powers nhìn vào bản đồ bay, chỉnh lại đường bay khoảng 90 độ, lệch về phía trái, hướng về phía thành phố Sverdlovck. Xa hơn nữa là bán đảo Scandinavia, nơi anh ta sẽ hạ cánh an toàn.

Chính việc chỉnh lại đường bay của F.Powers đã khiến cho chiếc máy bay của anh ta rơi vào tầm ngắm của khẩu đội tên lửa do Thiếu tá M.Voronov chỉ huy. Các trắc thủ nhanh chóng nhận thấy đốm xanh trên màn hình quay trở lại tầm phóng hiệu quả. Khẩu đội tên lửa Kosulino ở vào vị trí tốt nhất có thể tiêu diệt mục tiêu.

Khi hệ thống theo dõi mục tiêu của ra-đa đã "khóa" được chiếc U-2, Thiếu tá M.Voronov ra lệnh: Phóng!

Kỳ 3: Đón lõng - Ảnh 3.

Chiếc U-2 của Powers bị bắn rơi trên cánh đồng gần Sverdlovck

"Thiên sứ" lao xuống địa ngục!

Không đúng như trong báo cáo sau này gửi lên cấp trên của Thiếu tá M.Vorovov, nói rằng "một quả tên lửa đã bắn lên và mục tiêu bị tiêu diệt", có tới ba trong số sáu quả tên lửa của khẩu đội Thiếu tá M.Voronov ở Kosulino đã được đồng thời bắn lên vào lúc đó.

Cả ba quả vẽ thành những vệt ngoằn ngoèo trên nền trời, nhanh chóng vượt qua tốc độ âm thanh lao về hướng chiếc U-2. Nếu như cả ba quả tên lửa đó chụm nổ thì rất có thể là các cố vấn cho Tổng thống Mỹ D.Eisenhower đã đúng khi nói rằng nếu bị bắn trúng ở trần bay của chiếc U-2 thì khó có phi công nào có thể sống sót.

Nhưng may cho F.Powers là chỉ có một quả tên lửa bay tới gần chiếc máy bay và phát nổ. Trên màn hình trong xe chỉ huy ở Kosulino, Thiếu tá M.Voronov quan sát thấy hai chấm sáng tiến lại gần nhau rồi chập lại làm một. Tên lửa đã bắn trúng mục tiêu! Lúc đó là 8 giờ 53 phút sáng 1-5-1960 theo giờ Moscow.

Ở độ cao khoảng 68.000 bộ, F.Powers nghe thấy một tiếng nổ khan. Không hẳn là một tiếng nổ bình thường như anh ta vẫn hình dung mà chỉ là một tiếng "vum", tiếp đó là một quầng sáng màu da cam lóe ra. Chiếc U-2 được F.Powers gài theo chế độ bay tự động đang ở độ cao khoảng 68.000 bộ và tất cả máy móc lắp đặt đều trong trạng thái hoạt động bình thường.

Bên trong buồng lái, F.Powers bị chấn động mạnh bởi vụ nổ. "Chúa ôi, vậy là nó xảy ra rồi!" - anh ta chỉ kịp nghĩ như thế khi bị giội ngược vào ghế lái. Cánh bên phải của chiếc U-2 sã xuống. Rất có thể máy bay sẽ bị xé ra làm đôi nhưng trong mấy giây, nó vẫn duy trì được trạng thái cân bằng.

Bất chợt, F.Powers thấy mình bị chúi xuống và trong giây lát, chiếc máy bay chậm rãi vẽ một hình vòng cung, đang từ trạng thái di chuyển theo chiều ngang chuyển sang chiều thẳng đứng. Toàn bộ hệ thống lái và điều khiển tốc độ bị tê liệt. Vẫn được chiếc đai an toàn buộc chặt vào ghế ngồi,

F.Powers bỗng thấy mình có thể nhìn thẳng xuống mặt đất ở phía dưới. Anh ta biết như vậy có thể là đuôi chiếc U-2 đã hư hại nặng.

Mà không chỉ có phần đuôi bị cắt rời khỏi thân chiếc máy bay. Cả hai cánh của nó đã bị xé nát khiến cho chiếc U-2 bắt đầu lao xuống mặt đất theo một đường gấp khúc kỳ dị, khi thì chúc xuống, khi thì ngóc đầu lên như trong một trò chơi bập bênh chết chóc.

Bên trong cái buồng lái chật hẹp có bề ngang chỉ chưa đến một mét rưỡi với đầy các máy móc và bảng điện xung quanh, F.Powers rất khó xoay xở. Cơ thể của anh ta vẫn bị ép chặt vào ghế nhờ đai an toàn, trong khi mũ bay đập mạnh vào nóc buồng lái.

Ý nghĩ đầu tiên của F.Powers là bấm nút nhảy dù để thoát ra, nhưng thiết kế buồng lái máy bay kiểu cân bằng các lực tác động lên phi công khiến cho anh ta rất khó với tay tới được nút bấm trong tình trạng đang chúi đầu cắm xuống, ép cả người vào bảng điện.

Bộ quần áo bay được thiết kế đặc biệt của F.Powers bắt đầu căng phồng lên do áp lực cũng khiến cho anh ta cử động càng khó khăn.

Kỳ 3: Đón lõng - Ảnh 4.

Nhà lãnh đạo Xô viết Khrushchev xem những mảnh vỡ của chiếc U-2 bị bắn rơi

Phía trước mặt F.Powers là công tắc có chữ "Kích nổ", nối với thiết bị nổ kiểu 175-10A gắn bên rìa buồng lái. Nếu bấm công tắc này, khoảng 8 cân thuốc nổ sẽ đủ sức phá tung cả chiếc máy bay và tất cả các thiết bị lắp đặt bên trong nó.

Cố gắng đứng lên trên hai chân đang bị bẻ quặt lại phía đằng sau trong một tư thế có thể nói là rất kỳ quặc khi vẫn còn bị buộc chặt vào ghế, F.Powers biết rằng nếu lúc ấy, anh ta có thể bấm nút nhảy dù thì khối thuốc nổ dưới ghế có thể nổ để hất anh ta ra ngoài buồng lái.

Nhưng bất chợt, một ý nghĩ vụt đến trong trí óc khi anh ta nhớ đến lời của một ai đó mà anh ta không thể xác định được, có lần đã nói với anh ta về những trục trặc có thể xảy đến với bộ phận nhảy dù.

Trong khi ấy, chiếc U-2 đã rơi từ độ cao 68.000 bộ xuống tới độ cao 34.000 bộ. Vẫn còn cao gấp rưỡi đỉnh Everest. "Thiên sứ" bị chặt gãy đôi cánh đang lao xuống địa ngục với tốc độ nhanh chóng.

Đến lúc ấy, F.Powers quyết định không sử dụng đến nút bấm nhảy dù. Anh ta vẫn còn nhớ những chỉ dẫn về việc bấm nút "Kích nổ" để hủy máy bay, nhưng khi ấy, đã quá muộn để có thể chạm tới được cái nút bấm chết chóc ấy.

Kết cấu buồng lái cùng với lực ép từ nhiều hướng khiến F.Powers không thể cử động được theo ý muốn. Ý nghĩ duy nhất trong đầu F.Powers khi ấy là phải tự cứu mình trước đã.

Anh ta kéo mở nắp buồng lái, tháo tất cả đai đang buộc anh ta vào ghế lái rồi leo lên, nhảy ra bên ngoài. Gần như ngay lập tức, F.Powers rơi vào trạng thái rơi tự do, thẳng hướng xuống khu vực ngoại vi thành phố Sverdlovck.

Thoạt đầu, chiếc máy bay tả tơi rơi song song cùng với F.Powers, nhưng rồi xuống tới độ cao 15.000 bộ, dù của F.Powers tự động bung ra, kéo ngược anh ta lên trong một cú giật mạnh rồi mới từ từ làm giảm tốc độ rơi của viên phi công gián điệp.

(Còn nữa)

Theo Quân đội Nhân dân cuối tuần

Khánh Ngọc

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy