Hồ sơ vụ máy bay do thám U-2 bị bắn rơi trên lãnh thổ Liên Xô (Kỳ 1)

Đại sứ L.Thompson tin chắc rằng mình đã chứng kiến giây phút nhà lãnh đạo Xô viết được thông báo rằng chiếc máy bay gián điệp U-2 của Mỹ do phi công Francis Gary Powers điều khiển đã bị bắn hạ trên lãnh thổ Liên Xô, gần khu vực Sverdlovsk...

Kỳ 1: Sự ra đời của Quái thú không gian

Biến động trên Quảng trường Đỏ

Hôm đó là ngày 1-5-1960, Quốc tế lao động, một ngày lễ trọng ở Liên bang Xô viết. Như thường lệ, vào ngày lễ trọng như vậy, người ta tổ chức diễu binh trên Quảng trường Đỏ, trước lăng Lênin.

Ở khu vực lễ đài trên lăng Lênin, phía sau một hàng các cháu thiếu nhi đóng vai trò danh dự, có nhà lãnh đạo Xô viết Nikita S.Khrushchev, Bộ trưởng Quốc phòng Rodion Y.Malinovsky, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Kliment Y.Vorosilov, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Đông Đức Otto Grotewohl cùng một loạt các quan khách khác.

Phi công Powers trong bộ đồ bay đặc biệt để lái chiếc U-2 ở độ cao gần rìa khí quyển

Trong số các nhà ngoại giao nước ngoài có mặt trên Quảng trường Đỏ chứng kiến buổi diễu binh hôm ấy có Llewellyn E.Thompson, Đại sứ Mỹ tại Liên Xô. Đúng 10 giờ, cuộc diễu binh bắt đầu.

Được một lát, từ chỗ ngồi của mình, Đại sứ L.Thompson nhận thấy có sự chuyển động trên khán đài. Một quân nhân mang sắc phục của không quân Liên Xô từ bên rìa khán đài len lỏi qua các quan khách, tiến lại gần N.Khrushchev.

Đó là Nguyên soái Konstantin A.Vershinin, Tham mưu trưởng lực lượng không quân Liên Xô. Nguyên soái K.Vershinin lại gần và ghé vào tai N.Khrushchev, nói thầm điều gì đó.

Trong giây lát, Đại sứ L.Thompson nhận thấy khuôn mặt nhà lãnh đạo Xô viết bừng lên một niềm hứng khởi không kiềm chế nổi, trong khi phía trước khán đài, các đơn vị quân đội vẫn tiếp tục diễu qua trong tiếng nhạc hùng tráng. Đại sứ L.Thompson tò mò tự hỏi không hiểu điều gì đã làm cho N.Khrushchev vui mừng đến vậy…

Sau này nhớ lại, Đại sứ L.Thompson tin chắc rằng mình đã chứng kiến giây phút nhà lãnh đạo Xô viết được thông báo rằng chiếc máy bay gián điệp U-2 của Mỹ do phi công Francis Gary Powers điều khiển đã bị bắn hạ trên lãnh thổ Liên Xô, gần khu vực Sverdlovsk.

Bà Rồng xuất hiện

Tháng 8-1953, một vụ nổ gây chấn động như trận động đất đã diễn ra tại một địa điểm trên lãnh thổ nước Cộng hòa Kazakhstan, cách bãi thử vũ khí Semipalatinsk của Liên Xô chừng trăm dặm về phía tây. Vụ nổ này báo hiệu Liên Xô đã bước vào một kỷ nguyên mới sau khi thử nghiệm thành công bom nguyên tử 4 năm trước đó: Kỷ nguyên của vũ khí nhiệt hạch với siêu bom H.

Nhà thiết kế máy bay U-2 Kelly Johnson và phi công Gary Powers đứng trước một máy bay U-2. Ảnh: Tạp chí Quốc phòng JD.

Cho đến lúc đó, những bức không ảnh mà tình báo Mỹ chụp trên lãnh thổ Liên Xô thu thập được từ các khinh khí cầu do thám hầu như có rất ít tác dụng, bởi lẽ chúng chỉ chụp được những vị trí ngẫu nhiên, ở nơi mà làn gió vô tình đưa những chiếc khinh khí cầu tới. Gợi ý nghiêm túc duy nhất đưa ra khi ấy là phải chế tạo ra một loại máy bay do thám mới.

Allen Dulles, Giám đốc CIA quyết định đặt niềm tin vào Edwin "Din" Land, nhà tỷ phú từng đầu tư vào việc chế tạo những chiếc máy ảnh Polaroid chụp ảnh lấy ngay. Allen Dulles thảo luận với Edwin "Din" Land rồi trao cho ông này vị trí đứng đầu bộ phận tối mật nằm trong một ủy ban do Tổng thống D.Eisenhower đích thân ký lệnh thành lập.

Xương sống trong kế hoạch của E.Land là chế tạo một cỗ máy biết bay dựa trên ý tưởng của người bạn mình, Kelly Johnson, khi ấy đang làm công việc thiết kế cho công ty Lockheed. Đó sẽ là một dạng "tàu lượn" mang động cơ của một chiếc máy bay phản lực!

Cỗ máy không tiền khoáng hậu này, hay cũng có thể gọi nó là chiếc máy bay độc nhất vô nhị trên thế giới ở thời điểm đó, theo thiết kế có thể bay ở độ cao 70.000 bộ trên lãnh thổ Liên bang Xô viết, trong điều kiện tối ưu, thời tiết tốt, quang mây, có khả năng chụp ảnh chi tiết từng phút, trên một hành lang rộng tới 200 dặm, dài 2.500 dặm.

Theo E.Land, chiếc "tàu lượn" đặc biệt này sẽ bay ở độ cao vượt mọi tầm với của hệ thống phòng không Xô viết hiện hành khi đó, do vậy sẽ tránh được khả năng bị ngăn chặn.

Theo đánh giá của Mỹ thì cũng không có bất cứ loại máy bay tiêm kích đánh chặn nào mà Liên Xô sở hữu đến thời điểm đó vươn tới trần bay đủ cao để có khả năng gây sát thương cho chiếc máy bay-tàu lượn này.

Sau 8 tháng miệt mài làm việc, tháng 7-1955, đội ngũ các chuyên gia, kỹ sư của Lockheed dưới quyền chỉ huy của Kelly Johnson đã trình làng chiếc máy bay U-2 đầu tiên cho CIA và giới chức quân sự Mỹ xem xét. Khi ấy, các chuyên gia quân sự Mỹ đặt biệt danh cho con quái thú không gian này là Bà Rồng!

Phi vụ xâm nhập không phận Liên Xô đầu tiên của máy bay U-2 diễn ra vào ngày 4-7-1956, đúng một năm sau khi những chiếc máy bay này bắt đầu được thử nghiệm.

Vào nửa đêm 3-7-1956, lệnh tiến hành phi vụ do Richard Bissell chuyển từ Washington tới căn cứ không quân Wiesbaden ở Tây Đức, nơi chiếc máy bay xuất phát. R.Bissell là người được Giám đốc CIA Allen Dulles giao nhiệm vụ chỉ huy các phi vụ do thám trên không kể từ khi Tổng thống D.Eisenhower chấp thuận chương trình phát triển máy bay U-2 vào năm 1954.

Người thực hiện chuyến bay U-2 đầu tiên trên lãnh thổ Liên Xô này là phi công Harvey Stockman, trên danh nghĩa là người của Phi đội thám sát thời tiết trực thuộc NACA.

Những tổn thất đầu tiên

Tuy không bị hệ thống phòng không không quân của Liên Xô làm khó dễ trong thời gian đầu, nhưng quá trình thử nghiệm cũng như vận hành máy bay U-2 cả ở Mỹ cũng như nước ngoài đã gặp phải không ít những tổn thất.

Ngày 16-2-1956, một chiếc U-2 gặp nạn ở bang Arizona khi buồng lái bất ngờ bốc cháy. Phi công Robert J.Everett, làm việc cho hãng Lockheed nhưng dưới vỏ bọc là cho NACA với số hiệu 357, nhảy dù ra an toàn từ độ cao 30.000 bộ.

Ngày 17-9-1956, một máy bay U-2 đâm xuống đất gần thành phố Kaiserslautern, Tây Đức, khiến phi công Howard Carey, cũng làm việc cho Lockheed thiệt mạng.

Ngày 4-4-1957, một phi công khác của Lockheed là Robert L.Sieker, đã chết trong một vụ đâm máy bay U-2 ở Tây Bắc bang Nevada.

Ngày 10-7-1958, Bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ buộc phải tạm thời ngừng chương trình máy bay U-2 trong một thời gian ngắn để điều tra về hai vụ tai nạn máy bay U-2 diễn ra trong vòng 24 giờ đồng hồ. Trong thời gian hai năm 1957 và 1958, đã có ít nhất 5 phi công Mỹ thiệt mạng trong các vụ tai nạn máy bay U-2.

Trong khi ấy, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng có các quan điểm khác nhau về chương trình tốn kém nhiều rủi ro này.

Ngày 19-7-1956, Tổng thống D.Eisenhower triệu Allen Dulles tới phòng làm việc, nhắc nhở Giám đốc CIA rằng phải bảo đảm chương trình máy bay U-2 không thể bị thất bại, hay nói cách khác là không được phép để bất cứ một chiếc U-2 nào rơi trên lãnh thổ Liên Xô.

Hai năm sau khi U-2 thực hiện những chuyến bay đầu tiên, đột nhiên Tổng thống D.Eisenhower không còn cảm thấy mặn mà với chương trình do thám bằng máy bay U-2 nữa.

D.Eisenhower lệnh cho Allen Dulles rằng kể từ lúc đó, đích thân Tổng thống sẽ phê duyệt từng chuyến bay do thám của U-2. Điều đó có nghĩa là sẽ không có một lệnh phê duyệt cả gói cho các chuyến bay do thám nữa.

Máy bay do thám siêu hiện đại U-2 của Mỹ

Căn nguyên của một quyết định sai lầm

Khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh Sputnik vào quỹ đạo, R.Bissell, người phụ trách do thám bằng máy bay U-2 của CIA, đề xuất với Tổng thống Mỹ D.Eisenhower cho phép nối lại các chuyến bay U-2 trên bầu trời Liên Xô. Tổng thống Mỹ không đồng ý.

Đến tháng 1-1958, cả Bộ trưởng Ngoại giao John Foster Dulles lẫn Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Nathan Twining lại một lần nữa đưa ra đề nghị tương tự, câu trả lời của Tổng thống Mỹ vẫn là "không".

D.Eisenhower không muốn tiếp tục các hoạt động do thám vi phạm không phận Liên Xô thêm nữa bởi hiểu rõ những hậu quả nghiêm trọng thế nào nếu một chiếc U-2 bị rơi trên lãnh thổ Liên Xô.

Trong suốt cả hai năm 1958 và 1959, chỉ có vỏn vẹn ba chuyến bay do thám của U-2 trên lãnh thổ Liên Xô. Một trong số đó là do phi công Mỹ lái bay qua khu vực miền Trung Liên Xô, còn hai chuyến bay kia thì một do phi công Anh lái, một là chuyến bay chụp ảnh vùng Viễn Đông của Liên Xô, xuất phát và hạ cánh đều ở Nhật Bản.

Muốn cứu vãn chương trình thì cần phải nối lại các chuyến bay do thám trên lãnh thổ Liên Xô càng sớm càng tốt. R.Bisell bèn năn nỉ với Chánh văn phòng Nhà Trắng, Chuẩn tướng Andrew J.Goodpaster, một trong những trợ lý thân cận nhất của D.Eisenhower, tìm cách thuyết phục Tổng thống cho phép nối lại các chuyến bay do thám.

Để đạt mục tiêu này, CIA trình bày với Tổng thống D.Eisenhower một quy trình mà CIA cho rằng rất thông minh để giảm tối đa khả năng người Xô viết có thể bắn hạ các máy bay U-2 bay trên lãnh thổ của họ. CIA đặt tên cho quy trình này là Xâm nhập chớp nhoáng.

Báo cáo dự đoán tình báo quốc gia Hoa Kỳ năm 1958 ước tính rằng, vào năm 1960, Liên Xô sẽ có khoảng 100 tên lửa đạn đạo và con số này sẽ tăng lên 500 vào năm 1962.

Tháng 11-1960, Giám đốc CIA Allen Dulles, người có lẽ biết rõ tình hình thực tế về lực lượng tên lửa của Liên Xô hơn ai hết, nói với Tổng thống D.Eisenhower rằng ngay cả trong trường hợp các máy bay U-2 không thu thập được bất cứ bằng chứng vào về việc Liên Xô sản xuất tên lửa đạn đạo với số lượng lớn thì phía Xô viết, bằng một cách nào đó, vẫn có khả năng nâng số tên lửa đạn đạo trong kho lên 200 quả trong vòng 18 tháng.

Tổng thống D.Eisenhower liên tục phải chịu sức ép từ phía các trợ lý, các quan chức cấp cao của mình, thúc giục phải thu thập các bằng chứng về việc "chênh lệch lực lượng tên lửa" giữa hai bên.

Bởi thế nên D.Eisenhower đã đi tới một quyết định sai lầm và thảm họa là cho phép thực hiện thêm hai vụ do thám bằng máy bay U-2 nữa trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh tứ cường nhóm họp ở Paris vào trung tuần tháng 5-1960.

Rạng sáng 1-5-1960, một mệnh lệnh trực tiếp từ Nhà Trắng cho phép tiến hành chuyến bay do thám bằng máy bay U-2 được gửi tới Tổng hành dinh CIA. Hôm ấy, người chỉ huy chương trình U-2 của CIA là R.Bissell đi nghỉ cuối tuần; người thay thế là phó của ông ta, Bill Burke.

Nhận được sự chuẩn y của đích thân Tổng thống D.Eisenhower, B.Burke tham khảo ý kiến Allen Dulles và được Giám đốc CIA tán thành cho tiến hành phi vụ. B.Burke mã hóa lệnh cho phép thực hiện chiến dịch rồi gửi qua Tây Đức, nơi nó được tiếp tục chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ đây, nó lại một lần nữa được chuyển tới sân bay ở Peshawar, Pakistan, nơi xuất phát của chiếc U-2.

Người thực hiện chuyến bay định mệnh này là phi công Francis Gary Powers.

(Còn nữa)

Theo Quân đội nhân dân Cuối tuần

Khánh Ngọc

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy