Bóng đá Xô viết: Những năm tháng huy hoàng

Hành trình thi đấu ấn tượng của đội tuyển bóng đá nước chủ nhà Nga ở World Cup 2018 khiến người ta không thể không nhớ về một thời huy hoàng của bóng đá Xô viết trước đây...

Mùa hè năm 1958, các đội bóng vượt qua vòng loại đã hân hoan đổ về các sân bóng ở Thụy Điển để tham dự cuộc hẹn hò lớn của bóng đá thế giới. Đội Liên Xô lọt qua được vòng loại sau khi vượt qua các đối thủ Phần Lan và Ba Lan, trong đó đặc biệt khó khăn là trận đấu thêm với Ba Lan ngày 24-11-1957 với kết quả thắng 2-0, giành quyền tham dự vòng chung kết.

Đánh giá về đội Liên Xô qua vòng loại này, tờ tạp chí thể thao nổi tiếng Bóng đá nước Pháp viết: “Trong đội bóng Xô viết, cần đặc biệt chú ý đến các cầu thủ như thủ môn Yashin, đội trưởng Igor Netto và tiền đạo Ivanov. Những cái tên đó còn chưa được công chúng rộng rãi biết đến, nhưng các trận đấu sắp tới ở Thụy Điển sẽ cho thấy đó là những bậc thầy”.

Thực tế đã cho thấy nhận định của Bóng đá nước Pháp đúng đến mức nào!

Thủ môn Lev Yashin của đội tuyển Liên Xô và chiếc Cup vô địch châu Âu năm 1960. Ảnh tư liệu

Ngày 8-2-1958, cả thế giới lên cơn sốt với việc tại rạp xiếc lớn ở thủ đô Stockholm diễn ra lễ bốc thăm các bảng đấu ở giải thế giới 4 tháng sau đó. Liên Xô bị ở chung bảng với Anh, Brazil, Áo. Ngoại trừ đội Áo khá yếu, hai đối thủ còn lại của Liên Xô đều cực mạnh. Về đội Brazil thì khỏi phải nói nhưng ngay cả đội tuyển Anh, vốn bị tổn thất nặng nề sau thảm họa máy bay ở Munich của đội Manchester United làm nhiều ngôi sao thiệt mạng, vẫn được coi là ứng cử viên cho chức vô địch. 

Trong trận mở màn, Liên Xô đã thủ hòa với Anh 2-2, rồi sau đó thắng Áo 2-0. Trong trận thắng Áo 2-0, thủ thành Liên Xô Yashin đã lần đầu tiên cho thế giới thấy tài nghệ mà một phần đã làm cho tên tuổi ông trở thành huyền thoại, đó là tài nghệ bắt phạt đền. Khi Liên Xô đang dẫn 1-0 thì bất ngờ bị một quả phạt 11m. Người thực hiện quả sút này là Hans Buchek, người trong mùa bóng năm 1957 chơi cho câu lạc bộ ở Viên đã thực hiện thành công tất cả các quả phạt đền được giao, không hỏng quả nào. Vậy nhưng trong cuộc đối mặt trên chấm phạt đền ấy, chiến thắng đã thuộc về thủ môn của Liên Xô!

Brazil cũng thắng Áo 3-0 và hòa Anh 0-0. Đến trận gặp Brazil có Pele, Liên Xô chịu thua 0-2, dù Pele không ghi được bàn nào. Cả Liên Xô và Anh đều được 3 điểm (khi ấy chưa có luật tính hiệu số thắng thua hay kết quả đối đầu trực tiếp) nên Liên Xô và Anh buộc phải đấu thêm một trận ở Goteborg vào ngày 17-6-1958 để chọn thêm một đội nhì bảng sau Brazil vào tứ kết.

Trong trận này, thủ môn Yashin của đội tuyển Liên Xô đã giới thiệu lối chơi mà sau này sẽ còn được lịch sử bóng đá ghi nhận như là một dấu ấn không thể phai mờ để hình thành phong cách thi đấu của các thủ môn hiện đại: Đó là thủ môn hành động như là một người khởi phát các đợt tiến công của đội mình!

Có thể sau này, đó là chuyện bình thường, nhưng vào những năm tháng ấy, khi bóng đá vẫn còn được thi đấu ở trạng thái gần với “tự nhiên” thì việc một thủ môn tham gia tiến công không được đặt ra. Hầu hết các thủ môn sau khi bắt được bóng đều dùng chân đá thật mạnh lên phía trên và chấm dứt trách nhiệm ở đó. Nhưng Yashin không làm như vậy. Anh thường dùng tay phát bóng lên, sau khi đã quan sát rất nhanh thế trận và luôn đưa bóng vào cuộc ở hướng tấn công thuận lợi nhất cho đội tuyển để mở đầu đợt tiến công.

Chính từ một quả phát bóng bằng tay rất mạnh và chính xác như vậy của Yashin cho cầu thủ Anatoly Ilyin của đội Liên Xô tại khu vực vòng trung tâm, Ilyin dẫn bóng nhanh chóng đột nhập vào vòng cấm địa của đội Anh và sau hai đường chuyền phối hợp với đồng đội, đã sút tung lưới của đội Anh, ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu.

Sau trận đấu, khi vào phòng thay quần áo, huấn luyện viên đội Anh Winterbottom cáu kỉnh mắng các cầu thủ của mình: “Các cậu đã bị một mình gã Yashin đánh bại!”. 

Thua chủ nhà Thụy Điển 0-2 tại Stockholm, đội Liên Xô buộc phải dừng bước ở giải thế giới năm 1958. Thế nhưng đó chỉ là bước chuẩn bị cho đội tuyển Liên Xô bước lên đỉnh cao của bóng đá châu Âu hai năm sau đó.

Sự ra đời của một giải đấu

Sau khi ông Jules Rimet, đưa ra đề nghị tổ chức Giải vô địch bóng đá thế giới vào hồi giữa thập niên 1920, ngày 5-2-1927, một đồng hương người Pháp của ông Jules Rimet tên là Henry Delauney cũng đề xuất việc thành lập một giải vô địch bóng đá dành cho các đội tuyển quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, đề nghị này nhanh chóng bị xếp xó bởi vì một lý do rất đơn giản là châu Âu khi ấy chưa có tổ chức bóng đá của riêng mình. Toàn bộ các hoạt động bóng đá tầm cỡ đều hoặc nằm trong tay FIFA, hoặc Ủy ban Thế vận hội.

Phải đến năm 1954, khi Liên đoàn Bóng đá châu Âu UEFA ra đời thì ý tưởng của Henry Delauney mới được đưa ra xem xét lại. Đến ngày 28-6-1957, tại Copenhagen, Đan Mạch, UEFA đã tổ chức cuộc bỏ phiếu lịch sử, quyết định tổ chức giải vô địch bóng đá châu Âu, tên ban đầu là Cúp các quốc gia châu Âu, lần đầu tiên vào năm 1960.

Để tưởng nhớ công lao của Henry Delauney, cúp này được mang tên ông và nước Pháp, quê hương của  Henry Delauney cũng được ưu tiên chọn làm nước chủ nhà của vòng chung kết (chỉ tính từ bán kết trở đi, còn các trận vòng loại thi đấu theo thể thức sân nhà sân khách, loại trực tiếp).

Có 17 quốc gia đăng ký tham gia giải đấu lớn đầu tiên của lục địa già. Như vậy là  “thừa” ra đúng 1 đội để đủ 16 đội tham dự giải. Vậy là Liên Xô và Hungary phải gặp nhau trước để loại bớt đi một!

Trong trận đấu này, mới ở phút thứ 4, cầu thủ Anatoly Ilyin đã ghi bàn thắng vào lưới Hungary, trở thành cầu thủ đầu tiên ghi bàn thắng ở Giải vô địch châu Âu. Liên Xô vượt qua Hungary để có mặt trong cuộc đua tới đỉnh cao châu Âu.

Trong vòng đấu loại trực tiếp, ở tứ kết, Liên Xô bốc thăm gặp Tây Ban Nha. Tây Ban Nha khi ấy đang nằm dưới quyền cai trị của nhà độc tài Franco và ông này đã không cho phép đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha thi đấu với “bọn cộng sản”. Tây Ban Nha bỏ cuộc và Liên Xô nghiễm nhiên lọt vào bán kết, cũng là vòng chung kết diễn ra ở Pháp.

Lên đỉnh châu Âu

4 đội bóng lọt vào vòng chung kết diễn ra ở Pháp là các đội: Liên Xô, Nam Tư, Tiệp Khắc và chủ nhà Pháp.

Ở trận bán kết thứ nhất, Nam Tư đã gây nên một sự kinh ngạc lớn khi bị chủ nhà Pháp dẫn 4-2 lúc trận đấu chỉ còn 15 phút, vậy mà trong vòng có 3 phút, các cầu thủ Nam Tư đã liên tiếp ghi 3 bàn thắng vào lưới của thủ môn Pháp Georges Lamia để chiến thắng chung cuộc 5-4, giành quyền vào chung kết. Có lẽ đây cũng là một chuyện vô tiền khoáng hậu, khó có thể lặp lại ở bất cứ một giải đấu lớn nào trên thế giới sau này.

Trận bán kết thứ hai giữa Liên Xô với Tiệp Khắc diễn ra ở Marseilles. Trong đội Tiệp Khắc có danh thủ Josef Masopust, được coi như một trong những cầu thủ kiệt xuất nhất của bóng đá Tiệp Khắc. Hàng công của Liên Xô quá mạnh đã giội tới 3 bàn vào lưới Tiệp Khắc. Khán đài sân Marseilles ngày hôm ấy liên tiếp rung chuyển trước những tràng pháo tay của khán giả Pháp dành cho đội tuyển Liên Xô. Đội Tiệp Khắc được hưởng một quả phạt đền trước khi trận đấu kết thúc khoảng 15 phút, thế nhưng cầu thủ Tiệp Khắc thực hiện quả phạt đó đã sút ra ngoài!

Trận chung kết ngày 10-7-1960 diễn ra trước 18.000 khán giả trên sân Công viên các hoàng tử ở thủ đô Paris, Liên Xô gặp Nam Tư. Nam Tư đang là đương kim vô địch bóng đá Thế vận hội và được đánh giá cao hơn đội Liên Xô sau kỳ tích lội ngược dòng trước đội chủ nhà Pháp vài ngày trước đó tại bán kết.

Trước khi trận đấu diễn ra, trời đổ mưa khiến cho sân rất ướt và trơn. Cả quả bóng cũng như được thoa một lớp mỡ. Trong hoàn cảnh đó, các cầu thủ Nam Tư được lệnh tăng cường các cú sút từ xa để nếu thủ môn Liên Xô tuột bóng ra thì sẽ ập vào ghi bàn…

Đó là một trận quyết đấu không nhân nhượng để giành chiếc vương miện đầu tiên của bóng đá châu Âu. Trong hiệp 1 của trận đấu, sự lưỡng lự của hậu vệ cánh trái đội tuyển Liên Xô đã để cho một tiền đạo của Nam Tư bình thản dẫn bóng sâu vào vòng cấm địa, chuyền một đường bóng bổng cho trung phong Milan Galic của Nam Tư hoàn toàn không bị ai kèm, bay người đánh đầu ghi bàn mở tỷ số cho Nam Tư.

Nhưng đó là cơ hội duy nhất mà các cầu thủ Nam Tư biến được thành bàn thắng trong trận đấu này. Vào đầu hiệp 2 chưa được mấy phút, thủ môn Nam Tư bắt bóng không dính do bóng trơn và Matreveli của Liên Xô đã chớp nhoáng cân bằng tỷ số.

Tỷ số 1-1 không thay đổi cho đến khi hai hiệp chính kết thúc và hai đội buộc phải thi đấu thêm hai hiệp phụ. Khi trận đấu chỉ còn 7 phút nữa là kết thúc, cầu thủ Viktor Ponedelnik của Liên Xô đã ghi bàn thắng quyết định, mang lại chiến thắng 2-1 cho đội Liên Xô, giành chức vô địch châu Âu đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử bóng đá Xô viết.

Huy chương Bạc châu Âu

Năm 1964, một lần nữa đội tuyển Liên Xô lại tham gia Giải vô địch châu Âu lần thứ hai. Lần này vòng chung kết diễn ra ở ngay Tây Ban Nha, nơi chính quyền của nhà độc tài Franco vẫn còn đang cai trị. Lần này thì Franco không còn dám tẩy chay đội tuyển Liên Xô nữa.

Kết quả là ban tổ chức phải chạy đôn chạy đáo nhờ sản xuất hàng loạt cờ cũng như tìm lời của bản quốc ca Liên Xô để dùng trong giải bởi vì kể từ năm 1939, khi Franco lên nắm quyền, tất cả những gì dính dáng đến nhà nước Xô viết ở Tây Ban Nha đều đã bị hủy hết!

Giải vẫn được tổ chức theo thể thức đấu loại trực tiếp sân nhà sân khách, cuối cùng chọn ra 4 đội đứng đầu tới Tây Ban Nha để thi đấu vòng chung kết. Hai cặp đấu bán kết là Tây Ban Nha gặp Hungary, còn Liên Xô gặp Đan Mạch.

Trận đấu giữa Liên Xô với Đan Mạch diễn ra vào lúc… 10 giờ 30 phút sáng, ở vào thời điểm mà nhiều cầu thủ vẫn còn ngủ sáng chưa dậy! Thủ thành Yashin thể hiện một phong độ xuất sắc, bảo vệ nguyên vẹn mành lưới của đội tuyển Liên Xô, trong lúc các đồng đội là Voronin, Ponedelnik và Ivanov lần lượt sút tung lưới Đan Mạch, giành một suất ở trận chung kết trên sân Bernabeu.

Trận bán kết thứ hai, Tây Ban Nha hòa Hungary 1-1 trong hai hiệp chính. Đội bóng Tây Ban Nha có một hảo thủ thượng thặng là Quả bóng vàng 1960 Luis Suarez, đã tận dụng tối đa ưu thế ủng hộ của khán giả nhà trên sân Bernabeu trong hai hiệp phụ. Họ đã vượt qua đội tuyển Hungary có ngôi sao Florian Albert và các cầu thủ tài năng như Lajos Tichy, Sandor Matrai… bằng bàn thắng quyết định của Anmacio ở phút 115, đẩy Hungary xuống đá trận tranh huy chương đồng với Đan Mạch (Hungary thắng Đan Mạch 3-1).

Ngày 21-6-1964, Liên Xô gặp Tây Ban Nha ở trận chung kết trên sân Bernabeu trước 105.000 khán giả, trong đó có cả nhà độc tài Franco. Ngay ở phút thứ 6, Pereda của Tây Ban Nha đã mở tỷ số. Nhưng cũng chỉ cần 120 giây sau đó, Khuseynov đã cân bằng 1-1 cho đội Liên Xô.

Trận đấu diễn ra trong thế trận giằng co với việc hàng thủ Liên Xô kiên cường chống trả lại những đợt tấn công như bão táp của các cầu thủ chủ nhà. Nhưng rồi đến phút 83 của trận đấu, nhạc trưởng tài ba Suarez của Tây Ban Nha mở một đường chuyền cực kỳ chính xác sang cánh phải cho Pereda để cầu thủ này lật bổng vào giữa, cầu thủ Marcelino bật lên đánh đầu, đưa bóng bay sát cột dọc vào khung thành đội tuyển Liên Xô.

Đội tuyển Liên Xô trở thành đội cựu vô địch, thêm vào bảng thành tích của mình một chiếc Huy chương Bạc giải châu Âu nữa.

Ở giải thế giới diễn ra hai năm sau đó trên xứ sở Sương mù, đội tuyển Liên Xô kết thúc với vị trí thứ tư, vị trí cao nhất mà bóng đá Xô viết có được khi tham gia một giải thế giới.

Theo Quân đội nhân dân cuối tuần

Khánh Ngọc

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.