Tại sao lối đi ở khu hàng miễn thuế thường lượn về bên trái?

Ngay cả những hành khách thường xuyên lui tới các cửa hàng miễn thuế trong sân bay cũng ít nhận ra lối đi có xu hướng cong về bên trái.

Hãy tưởng tượng, bây giờ là 6 giờ sáng. Ngay cạnh bạn là một đám thánh niên đi giày lười, không buồn đi tất, họ đang ngồi uống bia.

Trong lúc đó, bạn bỗng ngửi thấy hương nước hoa và rượu miễn phí mời khách vãng lai, phía bên kia căn phòng là hàng dài những người trông có vẻ lo lắng. Chắc hẳn bạn đang có mặt ở sân bay, bằng cách nào đó bạn đã bỏ ra 20 bảng Anh mua chocolate (gần 600.000 đồng).

Có thể khởi nguồn của chuyện này là từ những đường cong - sân bay được thiết kế để khiến khách tiêu tiền trong "vô thức". Phần lớn lối đi của các sân bay đều có xu hướng uốn cong về bên trái, vì hầu hết chúng ta thuận tay và hay nhìn về bên phải, theo công ty cố vấn Intervistas.

Khu hàng miễn thuế trong sân bay London Stansted, Anh. Ảnh: Pinterest.

Một báo cáo của trang Mental Floss chỉ ra rằng: "Những cửa hàng miễn thuế sẽ đắt khách hơn nếu lối đi lượn về bên trái, điều này đồng nghĩa với việc bên phải lối đi sẽ có nhiều không gian hơn cho các cửa hàng. Theo phản xạ của người thuận tay phải, họ sẽ có xu hướng nhìn về bên trái trong khi vô thức đi bộ phía bên phải".

Những cửa hàng được sắp đặt một cách có chiến lược khi chúng luôn nằm trên đường dẫn tới khu phòng chờ. Giữa mỗi quầy trưng bày đều có lối đi ngoằn ngoèo để khách tiếp cận với nhiều sản phẩm nhất có thể.

Tuy nhiên, lối đi không phải thứ duy nhất khiến bạn sa đà vào các quầy hàng miễn thuế trước giờ bay. Các nhà quản lý sân bay sẽ tận dụng tối đa "thời gian tĩnh" của khách khi họ di chuyển từ cổng check-in tới phòng chờ lên máy bay.

Hãy chú ý đến bảng hiển thị thông tin chuyến bay. Chúng khiến bạn cảm thấy thong thả khi biết còn bao lâu nữa mới tới giờ khởi hành, và tình cờ bạn có đủ thời gian tạt vào hàng nước hoa hay ngắm vài chiếc túi xách đang giảm giá.

Khu hàng miễn thuế trong sân bay Budapest, Hungary. Ảnh: Pinterest.

Những nhà quản lý cũng đưa ra khái niệm về "giờ vàng" trong hành vi mua sắm của khách. "Trung bình mỗi giờ, một hành khách sẽ tiêu khoảng 6 bảng Anh (gần 180.000 đồng)", theo Julian Lukaszewicz, giảng viên quản lý hàng không tại Đại học Buckinghamshire New.

Đó cũng là một trong những lý do ngày càng nhiều sân bay đưa các hệ thống tự động vào phục vụ khách. Julian lý giải: "Bạn tự in thẻ hành lý, đặt vali lên băng chuyền rồi đi qua cửa an ninh tự động và quầy hải quan, không có ai ở đó. Tới cửa lên máy bay bạn chỉ cần quét mã vạch là cửa mở dẫn vào máy bay, không cần tiếp xúc với bất cứ nhân viên nào".

Theo một báo cáo của Intervistas, cứ mỗi 10 phút đứng đợi trước cửa an ninh, hành khách tiết kiệm 30% khoản tiền dành cho mua sắm.

Tuy nhiên, dù sân bay có chiến lược kinh doanh ra sao, những nhân viên tại đây luôn cố gắng phục vụ hành khách tận tâm nhất có thể, để bạn sẵn sàng cho chuyến bay càng sớm càng tốt.

Theo VnExpress

Quyết Thành

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy