Thăm Cột cờ Lũng Cú

Di tích Cột cờ quốc gia sừng sững, uy nghiêm trên đỉnh Lũng Cú (hay còn gọi là đỉnh núi Rồng) có độ cao gần 1.500m so với mặt nước biển. Ngay dưới chân cột cờ là tấm bia đá ghi dòng chữ: "Nước CHXHCN Việt Nam/ hình quốc huy/ Cột cờ quốc gia Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang".

Sau bao háo hức, cuối cùng chúng tôi cũng có chuyến đi đến Hà Giang - nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc đúng vào mùa hoa Tam giác mạch đang rực rỡ, trải dài trên những thung lũng, sườn núi. Những mệt mỏi của chặng đường gần 8 giờ đồng hồ ngồi xe ô tô nhanh chóng biến mất khi chúng tôi đặt chân đến thành phố nơi rẻo cao này.

Dù thời gian ở Hà Giang không nhiều, nhưng với sự "chỉ dẫn" và trợ giúp nhiệt tình của các đồng nghiệp Báo Hà Giang, chúng tôi đã đến một số địa danh nổi tiếng, mang đậm sắc thái vùng cao nơi đây. Song, có lẽ được đặt chân lên đỉnh Cột cờ quốc gia Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn) là một trải nghiệm đáng nhớ, nhiều xúc cảm nhất với chúng tôi…

Du khách chụp ảnh lưu niệm dưới Cột cờ Lũng Cú. Ảnh: Mạnh Hùng

Dù đã được báo trước là đường lên Lũng Cú (Đồng Văn) hết sức hiểm trở với nhiều đoạn cua tay áo gấp khúc, uốn lượn…, thế nhưng khi đi trên con đường từ thành phố Hà Giang lên cao nguyên đá Đồng Văn, chúng tôi không khỏi nhiều lần thót tim bởi những cung đường hẹp, cua gấp, dốc đứng, một bên là núi đá hiểm trở, một bên là vực thẳm, mờ ảo trong làn sương và mây phủ…

Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mênh mang còn đem lại cho chúng tôi cảm giác thú vị lẫn niềm vui háo hức của những người đi khám phá vùng đất mới. Thỉnh thoảng, trên xe lại rộn lên những tiếng reo đầy thích thú khi bắt gặp bên đường một vạt hoa Tam giác mạch rực rỡ sắc màu, thung lũng ruộng bậc thang đẹp như bức tranh thủy mặc, hay những cung đường uốn lượn như dải lụa trên cao nguyên đá, những nếp nhà sàn của bà con dân tộc thấp thoáng trong làn khói lam…

Thú vị hơn khi chúng tôi được anh lái xe cho biết mình đang đi trên con đường mang tên Hạnh Phúc - con đường từ thành phố Hà Giang tới Đồng Văn - thành quả của 16 dân tộc anh em và 1.000 thanh niên xung phong từ khắp các tỉnh, thành. Mang tên Hạnh Phúc, bởi lẽ để có con đường này, máu và nước mắt của bao người đã hy sinh, con đường còn thể hiện sự đoàn kết gắn bó của đồng bào các dân tộc… Dù không nói ra, nhưng trong thâm tâm mỗi thành viên trong đoàn đều thấy xúc động, tự hào khi được đi trên con đường Hạnh Phúc hôm nay…

Sau hành trình chinh phục các cung đèo ngoạn mục vùng cao nguyên đá (chừng 150km), chúng tôi đã đến địa danh Cột cờ quốc gia Lũng Cú, thuộc xã Lũng Cú, một xã biên giới phía Bắc của huyện Đồng Văn. Ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm và không khỏi xúc động, tự hào khi lần đầu tiên được nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trước gió trên đỉnh cao Lũng Cú.

"Vầng trán kiêu hãnh của Tổ quốc" nơi địa đầu cực Bắc là đây!… Nhờ các đồng nghiệp báo bạn, xe dừng lại ở sân Trạm Biên phòng Lũng Cú, ngay dưới chân núi (Trạm biên phòng có nhiệm vụ hết sức đặc biệt: canh gác, chăm sóc, bảo vệ lá cờ). Lúc này đã quá trưa, nắng đã rực rỡ hơn trên đỉnh Lũng Cú. Ai cũng háo hức, nhanh chóng xuống xe, chỉnh sửa lại trang phục và chuẩn bị máy ảnh, điện thoại…

Chúng tôi mất vài phút đi xe điện từ Trạm Biên phòng lên tới bãi đỗ xe ở lưng chừng núi, rồi tiếp tục leo hơn 200 bậc đá để lên đỉnh Lũng Cú, nơi có cột cờ quốc gia. Một không gian bao la, khoáng đạt, hùng vĩ hiện ra khi đặt chân lên đỉnh núi. Bao mệt nhọc tan biến, thay vào đó là cảm giác vui mừng, hạnh phúc của những người đã chinh phục đỉnh cao. Bản làng, ruộng nương… thu gọn trong tầm mắt, đẹp như bức tranh sơn thủy hữu tình.

Di tích Cột cờ quốc gia sừng sững, uy nghiêm trên đỉnh Lũng Cú (hay còn gọi là đỉnh núi Rồng) có độ cao gần 1.500m so với mặt nước biển. Ngay dưới chân cột cờ là tấm bia đá ghi dòng chữ: "Nước CHXHCN Việt Nam/ hình quốc huy/ Cột cờ quốc gia Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang".

Nền cột cờ hình lục giác bằng đá xanh tương ứng với 6 cạnh dưới chân cột cờ. Trên bề mặt các cạnh có khắc họa nhiều hoa văn, họa tiết tinh xảo, biểu tượng mặt trống đồng. Cột cờ có chiều cao gần 35m; có cửa đi vào thân cột cờ và bậc thang bằng sắt dẫn lên tới đỉnh cột cờ… Không thể giấu nổi cảm xúc của mỗi thành viên trong đoàn khi đặt chân lên tới đỉnh cột cờ, đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2 biểu tượng cho 54  dân tộc Việt Nam đang phần phật tung bay nơi địa đầu Tổ quốc, ai nấy đều tự hào, kiêu hãnh, xúc động, vui sướng…, những cảm xúc thiêng liêng khó tả.

Chạm tay vào lá cờ trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy mới cảm nhận trọn vẹn sự hùng dũng và niềm tự hào mang tên Việt Nam. Cũng khoảnh khắc ấy, trong mênh mông bao la của cao nguyên đá hùng vĩ, vang vọng đâu đây tiếng trống từ ngàn đời xưa, đất nước hiện lên qua những trang sử vàng thiêng liêng, sáng chói…

Theo sử sách ghi lại, vào thời Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt trên núi một chiếc trống đồng lớn, dùng tiếng trống ấy truyền tin về sự an nguy của vùng biên ải (vị trí đặt trống của nhà vua chính là Trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ). Tiếng trống của cha ông xưa, lá cờ đỏ sao vàng hôm nay mãi mãi là biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền đất nước... Chúng tôi cũng hiểu vì sao Cột cờ Lũng Cú lại trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua của bất kỳ du khách nào khi đến với Hà Giang. 

Tạm biệt Lũng Cú khi trời chiều đang ngả bóng. Dưới bãi đỗ xe vào khu di tích vẫn tấp nập du khách đến tham quan. Ngày cao điểm nhất, đúng vào dịp diễn ra lễ hội có tới 6 nghìn lượt du khách từ mọi miền đất nước và khách du lịch nước ngoài đến đây thăm quan. Hiện khu di tích đang được tôn tạo, nâng cấp và trong tương lai sẽ được đầu tư xây dựng thành điểm du lịch tâm linh của tỉnh Hà Giang…

Thu Thảo

Thu Thảo, Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.