Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa

Là vùng đất chứa đựng bề dày trầm tích văn hóa lịch sử, Hà Nam đã và đang sở hữu trên 1.800 di tích lớn nhỏ và hơn 100 lễ hội. Đây là những sản phẩm văn hóa có giá trị, đưa kinh tế du lịch phát triển. Hà Nam xác định, du lịch là ngành kinh tế quan trọng, việc phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa.

Di sản văn hóa là nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển kinh tế du lịch. Tính đến tháng 5/2018, Hà Nam có trên 1.800 di tích đình, chùa, đền, phủ, miếu, từ đường, trong đó có hơn 100 di tích được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Cùng với sự tồn tại của di tích, những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của con người được duy trì, tác động tích cực tới đời sống tinh thần của con người, trở thành những sản phẩm văn hóa mang nhiều nét đặc trưng của Hà Nam.

Hà Nam có bia Sùng Thiện Diên Linh được công nhận là Bảo vật quốc gia, 4 lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt. Gần chục năm qua, gắn với vùng đất cổ Đọi Sơn linh thiêng, nơi tồn tại ngôi chùa cổ nghìn năm tuổi, làng trống lẫy lừng Nam-Bắc, lễ hội Tịch điền được phục dựng nhắc nhớ cháu con ân đức tiền nhân, coi trọng nghề nông, chân quý hạt gạo, coi nó là bạc là vàng của đời sống, thôi thúc con người hăng say lao động.

Lễ hội không chỉ có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, nhắc nhớ con người đừng quên quá khứ, trân trọng gốc gác nông dân của mình, phát huy sức mạnh sáng tạo tư duy của những con người được sinh ra từ cái nôi của nền văn minh lúa nước. Cũng từ lễ hội này, du khách thập phương về với Hà Nam, đắm mình trong không gian của lễ xuống đồng đầu năm nô nức, tràn trề hy vọng; được thăm quan quần thể di tích chùa Long Đọi Sơn (Di tích quốc gia đặc biệt), được thăm làng trống Đọi Tam, được thưởng thức vài món ngon dân dã quê mùa như bánh giầy, đậu nghệ…

Nghi thức rước nước trên sông ở Lễ hội đền Lảnh Giang mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc, hấp dẫn du khách.

Cũng trong tháng Giêng, chỉ sau Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn gần chục ngày, du khách có thể tìm về Trần Thương (xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân) tham dự Lễ hội Phát lương đầu xuân.

Mùa Xuân Mậu Tuất 2018, Ban quản lý di tích và lễ hội đền Trần Thương đã đón tiếp trên 180 nghìn lượt khách đến xin lương Đức Thánh Trần. Lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đền Trần Thương được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Cả di tích và lễ hội được xác định là sản phẩm du lịch quan trọng trong phát triển văn hóa du lịch Hà Nam.

Ông Trần Văn Tiến, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Di sản văn hóa Hà Nam đã và đang trở thành yếu tố thúc đẩy phát triển du lịch. 

Mặc dù nguồn tài nguyên du lịch của Hà Nam phong phú, đa dạng, tiềm năng, nhưng quy mô của ngành du lịch còn nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật hạn chế, manh mún, chất lượng thấp, nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch chưa cao.

Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Hà Nam chú trọng "Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên…".

Di sản văn hóa Hà Nam được xác định là tài nguyên quý giá, được khai thác phục vụ phát triển du lịch, để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh nhiều năm qua. Nhờ đó, đời sống nhân dân trong vùng di sản có những thay đổi rõ nét về việc làm, thu nhập và quan hệ.

Thực tế, các di sản càng thu hút du khách bao nhiêu thì cơ sở vật chất và dịch vụ phục vụ nhu cầu du lịch càng chậm đổi mới đã tạo nên áp lực rất lớn cho di sản. Du khách đến với di tích, lễ hội không có chỗ nghỉ nên chỉ thoáng qua, chưa kịp tìm hiểu kỹ về văn hóa và lịch sử, không được thỏa mãn những nhu cầu du lịch cần thiết.

Trước thực trạng đó, nhiều di sản văn hóa của tỉnh đã được đưa vào quy hoạch phát triển du lịch, được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhằm xây dựng và bảo tồn như đền Lảnh Giang, đền Trần Thương, chùa Long Đọi Sơn, đền Lăng…

Tuy nhiên, các chuyên gia về văn hóa đã lo ngại khi đến đền Lảnh Giang hay một số di tích khác chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong xây dựng, sửa chữa, tôn tạo di tích. Nhiều người cho rằng, tôn tạo, bảo tồn di tích, di sản văn hóa ở đây cần hết sức thận trọng, tôn trọng yếu tố gốc, tránh làm méo mó, biến dạng các giá trị ban đầu.

Dù vậy, họ cũng khẳng định, hầu hết các di sản văn hóa của Hà Nam đã và đang hấp dẫn du khách nhờ biết phát huy sức mạnh cộng đồng, người làm du lịch đã khai thác các giá trị của di sản, thống nhất lợi ích của bảo tồn di sản với phát triển du lịch bền vững, công tác quản lý, tổ chức lễ hội được thực hiện nghiêm túc, trang trọng, đúng với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Đồng đền Lảnh Giang Phạm Hải Hậu nói, nếu coi di sản văn hóa là tài nguyên của du lịch thì phải nhìn di sản và đối xử với di sản theo đúng yêu cầu phát triển của con người, xã hội. Khi con người muốn tôn vinh di sản, làm sống dậy các giá trị của di sản cũng là lúc người ta muốn khai thác nó phục vụ mục đích kinh tế thông qua các dự án phát triển du lịch. Nhưng, đừng để di sản phải chịu một sức ép lớn từ nhu cầu phát triển kinh tế khi sức chứa của nó chỉ có giới hạn, được giới hạn trong những quy định của Luật Di sản. Và, chúng ta phải hiểu rõ một điều, không phải tất cả các di sản đều có khả năng thúc đẩy phát triển du lịch.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy