Phản biện xã hội Dự thảo Tờ trình về Quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn 2050

Sáng 18/6, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) tỉnh đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Tờ trình của UBND tỉnh và dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự hội nghị có các đồng chí: Hà Thị Minh Tâm, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Đức Toàn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; đại diện HĐND, UBND tỉnh; Sở văn hoá, Thể thao và Du lịch; Hội  đồng tư vấn pháp luật; Hội Luật gia tỉnh; lãnh đạo các tổ chức thành viên của MTTQ; MTTQ các huyện, thành phố; một số giáo sư, tiến sỹ về lĩnh vực du lịch đến từ các trường đại học;…

Giáo sư, tiến sỹ Văn Huy Sáu, Trưởng Khoa Văn hóa du lịch, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội nêu ý kiến tại hội nghị phản biện.

Trong dự thảo Tờ trình của UBND tỉnh và dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh đều thể hiện rõ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đưa Hà Nam trở thành trung tâm nghỉ dưỡng của vùng thủ đô Hà Nội và đồng bằng sông Hồng, gắn kết với du lịch sinh thái-tâm linh, du lịch y tế, giải trí, sáng tạo, văn hóa và du lịch MICE; trung tâm liên kết các điểm du lịch ở phía nam và tây nam Hà Nội.

Trong tương lai đưa Hà Nam trở thành một trung tâm du lịch của Việt Nam và khu vực, là điểm du lịch của tương lai với sự kết hợp hài hòa của các loại hình du lịch sinh thái-sáng tạo-nhân văn. Phấn đấu đến năm 2020 tổng số khách du lịch đạt 2,5 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng 7%/năm. Năm 2030 tổng số khách du lịch đạt 7,6 triệu lượt, tăng trưởng khách 17%/năm. Tổng thu từ khách du lịch, đến năm 2020 là 2.000 tỷ đồng, 2030 gần 10.300 tỷ đồng. Đóng góp của du lịch năm 2030 chiếm 10% tổng GRDP,…

Tại hội nghị các đại biểu đã đưa ra một số ý kiến phản biện, tập trung vào các nội dung chính của 2 dự thảo: như căn cứ pháp lý ban hành nghị quyết; Quan điểm, tầm nhìn, thời gian quy hoạch; Định hướng, mục tiêu quy hoạch; Các nhóm giải pháp thực hiện quy hoạch; Căn cứ để xây dựng quy hoạch. Có ý kiến cho rằng để tầm nhìn đến năm 2050 là xa quá; đặt mục tiêu đưa Hà Nam trở thành một trung tâm du lịch của Việt Nam là khó khả thi. Một số ý kiến cho rằng cần đặc biệt chú ý về vấn đề môi trường, rác thải, nước thải, đào tạo hướng dẫn viên du lịch, có sản phẩm đặc trưng,…

Là cơ quan tham mưu trong xây dựng dự thảo, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cung cấp thông tin và giải trình làm rõ thêm những vấn đề các đại biểu quan tâm. Ví dụ việc để tầm nhìn đến năm 2050 là để có sự quy hoạch dài hơi trong bảo vệ môi trường phục vụ cho phát triển du lịch. Hà Nam tuy không có nhiều thuận lợi như một số địa phương khác nhưng đã và đang có những hướng mở trong phát triển những sản phẩm du lịch mới như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao chất lượng cao, vui chơi giải trí,…Lãnh đạo ngành cũng cho biết sẽ điều chỉnh mục tiêu, đưa Hà Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng và cả nước. Sẽ đưa giải pháp tổng thể thay cho giải pháp chi tiết. Tiếp thu ý kiến và điều chỉnh phần căn cứ pháp lý, một số câu chữ,…

Đ.H

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy