Chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên du lịch

Hướng dẫn viên du lịch là những người thổi hồn cho các sản phẩm du lịch, góp phần đáng kể trong phát triển du lịch hiện nay. Để du lịch Hà Nam phát triển xứng với tiềm năng, việc nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch cần được quan tâm.

Theo bà Trịnh Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nhiều năm qua, Hà Nam đã chú trọng phát triển lực lượng hướng dẫn viên, thuyết minh viên trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch, tại các phòng VH-TT huyện, thành phố và các khu, điểm du lịch đáp ứng được yêu cầu hướng dẫn các chương trình du lịch.

Trung bình mỗi năm, lực lượng này được tham gia tập huấn 2 đến 3 đợt do Trung tâm Xúc tiến Du lịch phối hợp với các trường đào tạo nghiệp vụ du lịch tổ chức. Sau mỗi đợt, hầu hết các học viên đều tiếp thu tốt kỹ năng dẫn, thuyết minh, ngôn ngữ, phong cách.

Chị Nguyễn Thị Thúy Đạt, nhân viên Trung tâm văn hóa tỉnh, một trong số 4 hướng dẫn viên du lịch của tỉnh được cấp thẻ hành nghề đến thời điểm này cho biết, những lớp tập huấn nghiệp vụ cho hướng dẫn viên du lịch được tổ chức trong thời gian 3 ngày chỉ nhằm mục đích nâng cao kỹ năng cho những người đã từng hoạt động và có nghiệp vụ về hướng dẫn viên.

Nhu cầu của đội ngũ hướng dẫn viên thực sự cần có những lớp đào tạo bài bản hơn, quy mô hơn mới đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Bởi, ở những lớp tập huấn, hầu hết các học viên chỉ được hướng dẫn thuyết minh những điểm, khu du lịch trong tỉnh. Vì vậy, phạm vi kiến thức cho hướng dẫn viên chưa mở rộng, chưa tạo điều kiện để họ tự tin hoạt động thuyết minh ở ngoài tỉnh.

Hướng dẫn viên giới thiệu với quý khách về một triển lãm tại Bảo tàng tỉnh.

Hiện nay, đội ngũ làm thuyết minh viên du lịch ở Hà Nam tập trung ở nhiều nguồn khác nhau, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trưng cầu khi cần thực hiện nhiệm vụ. Song, lực lượng này khá mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách và các hoạt động du lịch có quy mô.

Chất lượng của đội ngũ này cũng không đồng đều, được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, rất ít người được đào tạo đúng chuyên ngành. Họ được trưng tập từ các đơn vị thuộc sở, có năng khiếu về ngôn ngữ, giao tiếp, được tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày nhằm phục vụ các hoạt động thăm quan của các đoàn du lịch đến tỉnh, thuyết minh các triển lãm, hoạt động trưng bày ở Bảo tàng tỉnh trong những dịp lễ, Tết...

Mục tiêu phát triển du lịch của Hà Nam trong tương lai, đặc biệt khi Khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc - Ba Sao đi vào hoạt động, nguồn nhân lực phục vụ du lịch được phát triển xứng tầm, trong đó, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch phải là những người nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, thực sự là linh hồn của các sản phẩm du lịch.

Vì thế, xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên là nhiệm vụ quan trọng của ngành văn hóa, thể thao và du lịch thời gian qua. Bà Trịnh Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch cho biết: Những năm qua, trung tâm đã tập trung nhiều đến phát triển đội ngũ hướng dẫn viên.

Đặc biệt, 3 năm trở lại đây chất lượng được nâng cao rõ rệt. Độ tuổi trung bình của hướng dẫn viên, thuyết minh viên của Hà Nam hiện từ 25 đến 30 tuổi. Công việc đòi hỏi hướng dẫn viên phải có kiến thức cơ bản về điểm đến, có phông kiến thức về văn hóa xã hội, hiểu biết các giá trị lịch sử văn hóa của điểm du lịch, tạo sự hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thăm quan và tìm hiểu về di tích của du khách.

Song, do các chương trình đào tạo hiện hành về nghiệp vụ du lịch còn hạn chế, thiếu trải nghiệm thực tiễn nên kỹ năng giải quyết tình huống, giao tiếp, ứng xử của các hướng dẫn viên, các thuyết minh viên còn hạn chế. Vì vậy tới đây, ngoài việc tổ chức các đợt tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên trung tâm sẽ tổ chức các hội thi hướng dẫn viên, thuyết minh viên giỏi; tạo sân chơi bổ ích để các hướng dẫn viên tự học hỏi, tự va chạm, cọ xát thực tế trau dồi bản thân mình.

Du lịch Hà Nam thời gian qua vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng. Một số điểm du lịch của tỉnh được khai thác chủ yếu là các điểm du lịch tâm linh, danh thắng và văn hóa, nhưng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Du lịch làng nghề chưa thực sự trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, cho dù toàn tỉnh có trên 100 làng nghề truyền thống.

Theo ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nam, để xây dựng một đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch có đủ trình độ nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển du lịch, làm nổi bật các sản phẩm du lịch, hấp dẫn du khách đòi hỏi ngành văn hóa, du lịch và các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch có sự hợp tác tốt trong đào tạo, tổ chức hoạt động cho đội ngũ này.

Ở khía cạnh khác, hướng dẫn viên du lịch cần được chuyên nghiệp hóa, được đào tạo bài bản hơn, quy mô hơn. Khi Khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc - Ba Sao chính thức đi vào hoạt động, yêu cầu đối với hướng dẫn viên du lịch cần dày hơn, chuẩn hơn về chất lượng mới đáp ứng được yêu cầu.

Chu Uyên

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.