Ba Sao đổi thay từ các dự án du lịch

Sự đổi thay mạnh mẽ trên vùng đất Ba Sao (Kim Bảng) bắt đầu từ năm 2009, khi những dự án phát triển du lịch của tỉnh được triển khai tại vùng bán sơn địa này.

Ông Nguyễn Trần Kiên, một trong số hàng nghìn người dân phải di dời nhà cửa, nhường đất cho các dự án ở Tam Chúc - Ba Sao nói rằng: "Đó là cuộc cách mạng đối với người dân nơi đây, vốn dĩ chỉ biết đến nghề chài lưới, một năm một vụ cấy vất vả, nhọc nhằn. Nhường đất cho dự án cũng đồng nghĩa với việc ủng hộ chủ trương lớn của tỉnh về phát triển kinh tế du lịch, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho Ba Sao nói riêng, Hà Nam nói chung. Như gia đình tôi, gần 10 năm qua, đi khỏi làng Tam Chúc, đến nơi tái định cư, cuộc sống tốt đẹp hơn gấp nhiều lần…".

Một góc Khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc - Ba Sao.

Giữa cái nắng hè oi ả, ông Nguyễn Trần Kiên dẫn chúng tôi trở lại thăm làng Tam Chúc xưa, giờ là một khoảng không mênh mông với cây cối và đất đá đang trong quá trình san lấp xây dựng Dự án Khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc-Ba Sao.

Làng cũ còn duy nhất ngôi đền nhỏ thờ Trần Triều và cây xoài cổ tỏa tán sum suê. Ông Kiên nhớ lại, năm 2007, gia đình ông cùng 50 hộ đầu tiên ở làng di dời khỏi nơi đây. Ông giao lại cho Nhà nước 1.700 m2 đất, đổi lại lấy 247 m2 ở khu tái định cư, nhận 300 triệu đồng tiền đền bù của dự án. Tiền ấy, ông dùng xây nhà hết một nửa, số còn lại cho con và gửi ngân hàng để dưỡng già.

Cuộc sống mới ở khu tái định cư khá thuận lợi cho việc sinh hoạt, chợ búa. "Sướng nhất là ở đó có nước sạch, cuộc sống của nhân dân mở mày mở mặt hơn!" - ông Kiên nói. Người làng ông từ chỗ chỉ biết dựa vào sông, hồ, đầm, ao ở Tam Chúc để sống, giờ lên đây hoạt bát, năng động hơn, biết buôn bán, làm ăn. Đời sống khá hơn, con cái được học hành, giao lưu cũng trở nên mạnh dạn. Ai cũng mong Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao chính thức đi vào hoạt động, người dân được tham gia vào các hoạt động phục vụ du lịch, phát triển Ba Sao sầm uất và đáng sống.

So với nhiều nơi, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ Dự án Khu  du lịch Tam Chúc - Ba Sao không quá khó khăn. Thị trấn Ba Sao nằm trong vùng lõi của dự án, tổng diện tích đất bị thu hồi trên 836 ha với trên 400 hộ dân. Sau 7 đợt GPMB, hầu hết các hộ bị thu hồi đất đều đồng thuận với chính quyền, nhanh chóng giao trả mặt bằng, nhận tiền đền bù và bắt đầu cuộc sống ở nơi ở mới.

Ông Nguyễn Trung Văn, Chủ tịch UBND thị trấn Ba Sao cho biết: Ngay từ những ngày đầu triển khai dự án, cả làng Tam Chúc phải di dời, người dân  không có nhiều thắc mắc, phản ứng tiêu cực. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền, vận động bà con, giúp bà con hiểu, đây là dự án trọng điểm về phát triển du lịch của tỉnh, sau này là dự án trọng điểm quốc gia, nếu được bà con ủng hộ, hợp tác, dự án sớm đi vào hoạt động, tạo nhiều cơ hội về việc làm và thu nhập cho nhân dân.

Quả thực, khi nhận tiền đền bù, nhiều hộ đã sử dụng một phần tiền xây dựng nhà cửa khang trang, một phần đầu tư sản xuất, chăn nuôi, các cụ già thì chia cho con cái lập nghiệp, hoặc gửi vào ngân hàng để tiết kiệm dưỡng già… Nhà được đền bù nhiều nhất cũng gần 2 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Trung Văn, Chủ tịch UBND thị trấn Ba Sao chia sẻ: Mặc dù sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành nghề còn chậm, nhưng Ba Sao đang thích ứng dần với những thay đổi từ các dự án phát triển du lịch. Người dân đã chủ động học nghề mới như nấu ăn, chèo thuyền… chuẩn bị khi khu du lịch đi vào hoạt động, họ có việc làm ngay.

Hiện tại, thị trấn có trên 100 lao động đang thường xuyên làm việc cho Dự án sân Golf Kim Bảng với các công việc như trồng cỏ, chăm sóc cây… thu nhập mỗi ngày 200.000 đồng/người. Điều đáng nói nhất ở Ba Sao lúc này là số người cao tuổi có lương hưu hoặc các khoản thu ngoài lao động thường xuyên tương đối đông. Số hộ nghèo chủ yếu thuộc các đối tượng tàn tật, người già cô đơn không nơi nương tựa, phụ nữ đơn thân, ốm đau bệnh tật thường xuyên.

Trong phong trào thi đua yêu nước, rất nhiều nông dân Ba Sao có mặt, có tên trong danh sách những cá nhân tiêu biểu đại diện cho các tổ chức hội, đoàn thể của thị trấn được tuyên dương như nông dân giỏi, thanh niên tiên tiến… Đó là những con người có bản lĩnh, cần cù, chịu khó, không quản ngại khó khăn, có quyết tâm và ý chí cao trong cuộc sống, vượt khó làm giàu. Ở mỗi vị trí khác nhau trong cuộc sống, người dân Ba Sao vẫn cố gắng gìn giữ cốt cách và phong tục tập quán của quê hương.

Ông Nguyễn Trần Kiên tự hào: "Vùng đất tổ tiên, ông cha tôi ở có những sự tích, những truyền thuyết làm đẹp lịch sử, đẹp lòng người. Tạo hóa đã ban cho vùng đất này, nhân dân nơi này một cảnh quan kỳ thú, tuyệt vời để nó là điểm dừng chân của triệu triệu du khách yêu thiên nhiên, yêu văn hóa lịch sử dân tộc tìm đến. Chúng tôi, con cháu chúng tôi sẽ là những nhịp cầu nối họ với vùng đất này".

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy