Tỷ lệ người dân Bình Lục sử dụng nước sạch cao nhưng chưa bền vững

Từ một huyện có nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm asen cao, đến nay Bình Lục đã có hệ thống nước sạch tập trung phủ kín với tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt hơn 91%. Tuy nhiên, về lâu dài nguồn nước máy ở Bình Lục đang có nguy cơ không đạt tiêu chuẩn do nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm.

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra chất lượng nước tại trạm cấp nước sạch xã Hưng Công (Bình Lục).

Ông Nguyễn Xuân Sỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Lục cho biết: Trước đây chưa có công trình cấp nước sạch tập trung, nhân dân trong huyện phải dùng nước giếng khoan, nước ao, nước sông bơm lên, lọc qua để sinh hoạt. Nguy hiểm nhất là nước giếng khoan ở Bình Lục bị nhiễm asen nặng và bị nước thải của các hộ chăn nuôi xâm nhập không bảo đảm vệ sinh, người dùng có thể bị nhiễm các bệnh ngoài da và một số bệnh khác. Sau khi có hệ thống nước sạch tập trung, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, phần lớn bà con đã xóa bỏ được tập quán dùng nước giếng, nước ao, thay vào đó sử dụng nguồn nước máy để sinh hoạt.

Đánh giá bước đầu cho thấy, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch tập trung ở Bình Lục hiện cao hơn so với các địa phương khác trong tỉnh. Tuy nhiên, hiện chất lượng nước ở một số công trình cung cấp nước sạch tập trung ở Bình Lục chưa bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế, có thời gian một số trạm phải ngừng hoạt động do ô nhiễm nguồn nước đầu vào.

Ông Trịnh Sơn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nam cho biết: 2 năm trở lại đây, nước sông Châu bị ô nhiễm trầm trọng, nhất là vào mùa khô. Hiện tượng này tập trung ở khu vực các xã Hưng Công, Ngọc Lũ, An Ninh (Bình Lục); Nhân Bình, Xuân Khê, Hòa Hậu (Lý Nhân) do chất thải của các hộ chăn nuôi ven sông thải ra. Trong khi đó, nước sông Châu lại được khai thác để làm đầu vào cho nhiều nhà máy trên địa bàn huyện Bình Lục. Thời gian cao điểm, trạm nước sạch xã Hưng Công (Bình Lục) đã phải ngừng cấp nước 15 ngày do nguồn nước sông ô nhiễm nặng, mất nước kéo dài khiến cho đời sống của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng.

>>> Xem thêm: Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra các nhà máy cung cấp nước sạch nông thôn

Được biết, trạm cấp nước xã Hưng Công xây dựng từ năm 2008, đến năm 2010 đưa vào khai thác có công suất thiết kế 3.500 m3/ngày đêm (tính mỗi nhân khẩu dùng 60 lít nước/ngày), bảo đảm đủ nguồn nước cho các hộ dân trong vùng sử dụng sinh hoạt, không phải dùng nước giếng khoan hay nước mưa.

 Đây là dự án nước sạch được Nhà nước đầu tư xây dựng nhằm cải thiện đời sống dân sinh ở những xã có nguồn nước ngầm bị nhiễm asen nặng. Tuy nhiên, thực tế các hộ dân trong khu vực lại không có ý thức bảo vệ môi trường, chăn nuôi tự phát để chất thải tràn ra sông gây ô nhiễm nguồn nước sông Châu. Nước thải, chất thải ở các trang trại thuộc các xã: Hưng Công, Đồng Du, Bồ Đề, Ngọc Lũ, An Ninh (Bình Lục) và Nhân Chính, Nhân Bình (Lý Nhân) chưa được xử lý triệt để đã ngấm xuống lòng đất, chảy ra mương máng, rồi tràn ra sông gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ngoài trạm cấp nước xã Hưng Công, hiện trạm cấp nước xã Bồ Đề, Đồng Du, An Ninh cũng lấy nước sông Châu làm đầu vào cho các nhà máy. Sông Sắt, sông Biên Hòa cấp nước đầu vào cho trạm cấp nước sạch xã An Đổ, An Lão, nguồn nước cũng không được cải thiện đáng kể. Nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời những hộ chăn nuôi xả nước thải ra môi trường, tương lai không xa việc khai thác nguồn nước mặt ở sông Châu, sông Sắt, sông Biên Hòa làm nguồn nước đầu vào cho các trạm cấp nước sạch sẽ không bảo đảm và các hộ dân ở Bình Lục lại gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt.

Trần Hữu

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.