Sáng 12/7, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) dưới hình thức “Phiên tòa giả định”. Dự chương trình có đồng chí Nguyễn Đức Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh, LĐLĐ, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cùng đông đảo CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh.
“Phiên tòa giả định” với nội dung công khai xét xử vụ án về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan” được diễn ra với hình thức giống như thực tế với đầy đủ Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, bị cáo, bị hại và những người liên quan. Qua đó, giúp CNVCLĐ hiểu rõ hơn về trình tự, thủ tục phiên tòa, tranh tụng tại tòa, hỏi và trả lời tại tòa, nghị án và tuyên án. Mọi hoạt động đều diễn ra hoàn toàn chính xác, mô tả lại một phiên tòa xảy ra trong thực tế.
Sau khi phiên tòa giả định kết thúc, báo cáo viên thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã tuyên truyền, phổ biến và giải đáp các câu hỏi của CNVCLĐ tại chương trình, giúp mỗi người hiểu rõ hơn về tội “Làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Được biết, trong thời gian vừa qua, tình hình tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Chỉ tính từ năm 2020 đến tháng 6/2024, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Hà Nam đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố mới đối với 67 vụ, 121 bị can. Tội phạm về làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu giả không chỉ gia tăng về số lượng, mà tính chất, quy mô tội phạm cũng ngày một nghiêm trọng hơn; phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng đã lợi dụng triệt để mạng xã hội để rao bán một cách ngang nhiên, trắng trợn; dùng sim rác mời chào khách hàng qua tin nhắn từ điện thoại hoặc zalo và thường xuyên thay đổi địa điểm sản xuất con dấu, tài liệu giả… gây khó khăn khi xác định đối tượng phạm tội, thậm chí nhiều vụ án còn không thể xác định được nguồn gốc các loại giấy tờ giả nên mới xử lý được “phần ngọn” là người mua, sử dụng, mà chưa truy được tận gốc người làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Thông qua “Phiên tòa giả định” và nội dung tuyên truyền giúp đoàn viên, CNVCLĐ hiểu rõ hơn về thực trạng cũng như những hệ lụy của việc mua bán, sử dụng giấy tờ giả. Đồng thời, khuyến cáo đoàn viên, CNVCLĐ cần phát huy tính tự giác, nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nói không với việc mua bán, sử dụng bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả, vì đây là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự.
Với việc đổi mới hình thức tuyên truyền, “Phiên tòa giả định” mang tính trực quan, sinh động, được xem là cách làm thiết thực mang lại hiệu quả tuyên truyền, giáo dục cao. Qua đó, giúp cho đoàn viên, CNVCLĐ hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ trong việc tuân thủ, chấp hành pháp luật, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2024), 64 năm Ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 – 26/7/2024).
Nhân dịp này, Liên đoàn Lao động tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trao tặng 100 suất quà cho đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá 50 triệu đồng.
Hoàng Hải