Sau 10 ngày xuất quân tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ (CNCH) sau thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đoàn công tác quốc tế của Bộ Công an Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sẽ trở về nước trong ngày 19/2.
Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã trao đổi với báo chí về những kết quả nổi bật, quan trọng của Đoàn công tác và chia sẻ nhiều bài học quý báu của Bộ Công an từ công tác cứu nạn, cứu hộ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trung tướng Tô Ân Xô nhấnh mạnh, 24 cán bộ, chiến sĩ Công an và 76 chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam sang tham gia CNCH tại Thổ Nhĩ Kỳ - đây là các đại sứ của Việt Nam, 100 "đại sứ nhân dân" để giúp cho nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng, bạn bè quốc tế nói chung hiểu về đất nước Việt Nam, hiểu tình cảm và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng, đối với nhân loại.
"Tất cả những hành động, thông tin trong 10 ngày qua đã thể hiện rõ ràng bản lĩnh, trình độ, chuyên nghiệp, chiến đấu, kỷ luật của các chiến sĩ Công an, tôi nghĩ rằng qua phản ứng của người dân sau khi biết được các hoạt động của Đoàn tại Thổ Nhĩ Kỳ thì nhân dân đánh giá rất cao hành động, quyết định của Đảng và Chính phủ Việt Nam, hành động dũng cảm của các cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân và Quân đội nhân dân tại nơi xảy ra thảm họa", Trung tướng Tô Ân Xô cho biết.
Cũng theo Trung tướng Tô Ân Xô, có thể khẳng định, đến thời điểm này hoạt động của Đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam tham gia CNCH tại Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công tốt đẹp. Đoàn đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, áp dụng các chiến thuật linh hoạt, sử dụng các phương tiện CNCH, hoàn thành nhiệm vụ tại 3 địa điểm theo phân công của phía bạn. Phối hợp cứu được 1 người còn sống, đưa được 14 thi thể nạn nhân ra ngoài bàn giao cho cơ quan y tế. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đoàn được ghi nhận, đánh giá cao về tính chuyên nghiệp, sự tâm huyết với công việc; chính vì lý do này nên Đoàn được phân công tìm kiếm cứu nạn ở những địa điểm khó khăn và có khả năng còn dấu hiệu của sự sống.
Bên cạnh đó, trong quá trình công tác, Đoàn đã trao tặng gần 2 tấn thiết bị y tế do Bộ Công an Việt Nam hỗ trợ Cơ quan điều phối quốc gia AFAD và cho Sở y tế thành phố Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ; thăm hỏi, tặng quà, động viên tinh thần người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi động đất, trong đó có một số gia đình người Việt; đồng thời hỗ trợ phía bạn trong chế tạo các vật dụng để sử dụng sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn như chế tạo bếp lửa dã chiến để sưởi ấm… Những kết quả trên đã thể hiện bản lĩnh, tính nhân văn, chuyên nghiệp cao, khẳng định năng lực tham gia và khả năng hoàn thành các nhiệm vụ quốc tế của lực lượng Công an Việt Nam.
Chia sẻ thêm về trang thiết bị nghiệp vụ tìm kiếm CHCN của lực lượng Công an Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, Đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam là một trong những đoàn mang đầy đủ các trang thiết bị phục vụ công tác CNCH. Tất cả các phương tiện chuyên dụng được mang từ Việt Nam sang đều phát huy tốt tác dụng, đặc biệt là thiết bị Camera quan sát hình ảnh và thu âm phát hiện sự sống, thiết bị dò tìm nạn nhân bằng sóng radar; các thiết bị cắt thuỷ lực, cưa cắt sắt, khoan, cắt bê tông; bộ đàm chuyên dụng; các bộ mặt nạ dưỡng khí cho làm việc trong môi trường độc hại; máy phát điện phục vụ chiếu sáng và vận hành các phương tiện chuyên dụng của Đoàn... Những bộ quần áo chuyên dụng của Công an Việt Nam đã phát huy rất tốt trong điều kiện làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong quá trình làm nhiệm vụ, Đoàn cũng trao đổi và tìm hiểu một số thiết bị chuyên dụng của Đội CNCH Mỹ, thiết bị dò tìm của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan.
Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh, thông qua công tác CNCH tại Thổ Nhĩ Kỳ, bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ quốc tế đó là: Chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước trong xử lý các vấn đề quốc tế có liên quan chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an. Luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đối ngoại, nhạy bén, nhanh chóng trong tham mưu, đề xuất; Công tác chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện phải quyết đoán, khẩn trương, sâu sát,có sự phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương, các lực lượng liên quan. Lãnh đạo Bộ Công an thường xuyên cập nhật thông tin và có chỉ đạo kịp thời trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này tại Thổ Nhĩ Kỳ; Công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện lực lượng dự bị tham gia ứng phó, xử lý các tình huống khẩn cấp mang tầm quốc tế là đặc biệt quan trọng, phải luôn được quan tâm chuẩn bị từ sớm, từ xa.
Ngoài kiến thức nghiệp vụ, nhân lực, phương tiện, cần hết sức quan tâm việc liên hệ, phối hợp tranh thủ sự hỗ trợ của tình nguyện viên là người Việt sống ở nước sở tại, để có thể hiểu rõ văn hóa, đồng thời thuận lợi hơn trong trao đổi và thống nhất phương án thực hiện, nhất là ở các địa bàn ít sử dụng tiếng Anh. Vừa qua, Bộ Công an đã rất chú trọng, thực hiện tốt các yêu cầu này.
Trong tổ chức thực hiện CNCH phải thống nhất phương án, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, từng thành viên trong đoàn. Quán triệt nghiêm túc các nguyên tắc, mệnh lệnh chỉ huy tại hiện trường, “quân lệnh như sơn”; nhất là các nguyên tắc an toàn trong tìm kiếm CNCH, giao tiếp, sinh hoạt, ứng xử tại nước ngoài, chế độ báo cáo, liên lạc giữa đoàn và bộ phận chỉ huy trong nước.
Chủ động học tập kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác CNCH của một số nước; thường xuyên cập nhật công nghệ, đầu tư phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng hiện đại để thực hiện các nhiệm vụ quốc tế và trực tiếp phục vụ công tác CNCH trên lãnh thổ Việt Nam.
Liên quan đến vai trò trách nhiệm của Đoàn công tác và Bộ Công an trong giải quyết các vấn đề quốc tế, Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định: Việc nhanh chóng cử Đoàn công tác Bộ Công an tham gia công tác CNCH thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện tính chuyên nghiệp, tính kỷ luật, tinh thần hiệp đồng chiến đấu cao, tinh thần trách nhiệm và năng lực của Công an nhân dân Việt Nam trong giải quyết các vấn đề quốc tế; thể hiện tính chủ động trong việc bố trí lực lượng, phương tiện phục vụ công tác CNCH với mọi điều kiện, khu vực khác nhau. Đồng thời, thể hiện truyền thống “tương thân tương ái” cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đóng góp, chia sẻ một phần sức lực của Việt Nam đối với nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong thời gian làm nhiệm vụ, Đoàn đã nhận được sự quan tâm, phối hợp nhịp nhàng của Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và một số cơ quan liên quan; sự phối hợp tích cực của chính quyền địa phương, các cơ quan Thổ Nhĩ Kỳ và các đoàn quốc tế khác. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam Haldun Tekneci bày tỏ sự trân trọng, đánh giá cao các cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm xung phong lên đường hỗ trợ công tác CNCH.
Phó Giám đốc Lực lượng cứu hộ, cứu nạn Thổ Nhĩ Kỳ đóng tại thành phố Adiyaman đã cảm ơn những nghĩa cử cao đẹp của Bộ Công an Việt Nam; Cục trưởng Cục Chính sách Giáo dục đã đến thăm và cảm ơn Đoàn. Đã có nhiều gia đình, nhiều người dân, một số tổ chức đến nơi Đoàn đóng quân để cảm ơn, các tình nguyện viên khi có yêu cầu di chuyển đến thành phố khác đều rất quyến luyến với Đoàn... Qua hoạt động của Đoàn đã góp phần tăng cường mối quan hệ giữa hai quốc gia ngày càng bền chặt, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước ngày càng phát triển.
Việc tham gia tìm kiếm CNCH thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng góp, chia sẻ một phần sức lực của Việt Nam đối với nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, là biểu hiện sinh động cho chính sách đối ngoại ưu việt, thái độ cộng đồng trách nhiệm và tinh thần đoàn kết quốc tế của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam; khẳng định uy tín, năng lực của lực lượng Công an Việt Nam trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Việt Nam nói chung, Bộ Công an nói riêng luôn luôn sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, thách thức và duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì sự hợp tác, phát phiển ở khu vực và trên thế giới. Công an Việt Nam đã cử cán bộ tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình; lần này lại cử Đoàn công tác CNCH đến giúp đỡ nhân dân vùng thảm họa, cho thấy vị thế của Việt Nam đã nâng lên ngang tầm khu vực và quốc tế.
Theo baotintuc.vn