Tình trạng ly hôn gia tăng và những hệ lụy

Theo Tòa án Nhân dân tỉnh, trong 10 năm (từ 2008 - 2018), trên địa bàn Hà Nam có khoảng 5.200 vụ ly hôn. Điều đáng nói là số vụ ly hôn năm sau luôn cao hơn năm trước: năm 2008, số vụ ly hôn là 180 vụ, năm 2011 có 220 vụ, năm 2014 có 593 vụ và năm 2017 tăng lên 872 vụ. Năm 2018, từ đầu năm đến nay đã có khoảng trên 430 vụ ly hôn. Tình trạng ly hôn gia gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội.

Ít có cuộc hôn nhân nào ngay lập tức đi đến ly hôn và những năm đầu sau khi kết hôn với nhiều người luôn là những năm đẹp nhất đời người. Chỉ khi trong quá trình chung sống, nhiều vấn đề phát sinh cả khách quan và chủ quan nếu người trong cuộc không biết giải quyết thấu đáo sẽ dẫn đến gia đình căng thẳng, rạn nứt và ly hôn.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn, trong đó có nguyên nhân ngoại tình. Rất nhiều vụ đánh ghen gây ầm ĩ, quay clip đưa lên mạng thời gian vừa qua, mặc dù có gây phản cảm, nhiều khi "thành án" nhưng đằng sau đó là sự thật: tình trạng ngoại tình đang là một trong những nguyên nhân gây đổ vỡ đối với một số gia đình. Ngoại tình xảy ra với cả đàn ông và đàn bà nhưng đa số nghiêng về phía người đàn ông.

Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là tình trạng trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng nề trong xã hội. Quan niệm "Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng" và tính gia trưởng làm cho nhiều người đàn ông "vượt rào" mà không cảm thấy có lỗi. Ngay cả việc người vợ "kết bè" đánh ghen cũng chỉ nhằm vào nhân tình, đổ hết tội lỗi cho người tình của chồng, trong khi đó ông chồng vô sự, ít khi bị phán xét cũng là việc tiếp thêm cho vấn đề ngoại tình gia tăng.

Ngoại tình không những vi phạm nguyên tắc về đạo đức mà theo Bộ luật Hình sự, hành vi ngoại tình còn vi phạm chế độ một vợ, một chồng, hình phạt cao nhất cho hành vi này là bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Có luật pháp quy định nhưng nhiều người không biết, không tuân thủ cũng là một trong những nguyên nhân đẩy tình trạng ngoại tình gia tăng và kết cục thường dẫn đến ly hôn.

Tranh minh họa.

Thiếu sự tỉnh táo, thiếu sự thấu hiểu, không có trách nhiệm, sự ích kỷ, sống bản năng… là những tác nhân xấu dẫn đến tình trạng ly hôn. Anh L.T.P. ở Duy Tiên là một ví dụ. Anh tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin, ngày máy tính chưa phổ biến như bây giờ, anh được bố mẹ hỗ trợ mở cửa hàng buôn bán và sửa chữa máy vi tính.

Anh gặp gỡ và quen với chị N.T.M.T. vừa tốt nghiệp lớp 12. Vẻ ngoài xinh xắn, dễ thương khiến mối tình của họ sớm đi đến hôn nhân. Họ quấn quýt, yêu thương và chăm sóc nhau hết lòng, đứa con đầu tiên chào đời càng làm cho hạnh phúc gia đình thêm mặn nồng. Đến thời kỳ máy tính phổ biến, không có vốn lớn, cửa hàng của anh đành đóng cửa. Xoay đủ mọi nghề để kiếm sống nhưng vẫn không trụ được, dồn hết số tiền có được sau bao năm tích cóp anh mua một chiếc xe ô tô làm nghề lái taxi kiếm sống.

Vợ anh được cô em chồng xin vào làm tại một cửa hàng bán điện thoại. Có thu nhập ổn định cộng với môi trường làm việc có nhiều mối quan hệ khiến dần dần chị nhìn chồng mình với con mắt khác. Về anh chồng, công việc vất vả cộng với hơn vợ nhiều tuổi nên trông anh già, thiếu sức sống trong khi vợ trẻ trung, khéo ăn nói nên có nhiều người quan tâm. Và chẳng biết từ bao giờ vợ chồng họ ít trò chuyện cùng nhau. Làm công việc có nhiều cạnh tranh khiến anh gặp khó khăn về kinh tế, nhất là khi có thêm đứa con thứ hai ra đời, tiền anh đưa cho chị chi tiêu ngày càng ít đi, có thời điểm vắng khách, số tiền anh kiếm được cũng chỉ đủ đổ xăng.

Cuộc sống áp lực khiến chị luôn "buộc tội" anh không trách nhiệm, không nuôi được vợ con và cuối cùng chị tuyên bố từ đây tiền ai kiếm được thì người ấy tiêu. Những thứ chi tiêu nuôi con hai người cùng phải có trách nhiệm. Dần dần, với lý do công việc chị thường xuyên vắng nhà. Những vụ cãi nhau, tố nhau xảy ra ngày càng nhiều và sau một số trận "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" họ chính thức ra tòa ly hôn. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn, do nghèo đói, thất nghiệp, kết hôn sớm, sa đà vào các tệ nạn xã hội và quan trọng nhất là việc thiếu hiểu biết, thiếu các kỹ năng ứng xử, cách giải quyết những mâu thuẫn gia đình không phù hợp đã dẫn đến hành vi chấm dứt hôn nhân ngày càng gia tăng. Không ai khuyến khích việc ly hôn nhưng khi cuộc hôn nhân đẩy một hay hai người vào những hoàn cảnh khốn cùng, giới hạn của sự chịu đựng thì ly hôn chính là một sự giải thoát. Sau mỗi cuộc ly hôn đa phần để lại những dư chấn tâm lý nặng nề.

Căn bệnh trầm cảm đang có dấu hiệu gia tăng cũng có lý do từ tình trạng gia đình không còn trọn vẹn. Ly hôn với đa số người trong cuộc là một dấu mốc bi kịch của cuộc đời họ. Sau ly hôn gánh nặng kinh tế, sự lo lắng cho con cái, sự trăn trở khi bắt đầu lại cuộc sống mới, sự  hoang mang, đau buồn và nỗi cô đơn… là những điều họ phải đối mặt, chịu đựng lâu dần dẫn đến trầm cảm.

Và một hệ lụy khó tránh khỏi đấy là sự ảnh hưởng đến tâm lý những đứa con. Những đứa trẻ không hiểu được, không phân biệt được ai đúng ai sai khi thiếu đi cha, mẹ hoặc xa cách người anh, chị hay em mình khiến con trẻ thường bị mất cân bằng trong cuộc sống. Đấy là chưa kể, nhiều cặp vợ chồng khi đã ly hôn còn lấy đứa con làm "vũ khí" để trả thù nhau, thường xuyên nói xấu, bôi nhọ đối phương. Sự thu mình, tránh giao tiếp hay sự bùng nổ, phá phách của những trẻ em thiếu cha hay mẹ là một thực trạng đáng lo ngại. Không ít trẻ em trong các gia đình có bố mẹ ly hôn bỏ nhà đi "bụi đời", trong số đó nhiều em sa vào các tệ nạn xã hội.

Một cuộc hôn nhân tốt đẹp cần phải được nuôi dưỡng và phát triển dựa trên sự hiểu biết, lòng chung thủy, sự chân thành chứ không phải từ sự đam mê, chiều chuộng đơn thuần. Hôn nhân còn là sự tôn trọng, bổ sung hay thích nghi với những khác biệt của nhau. Những câu lạc bộ tiền hôn nhân, những tổ hòa giải từ cộng đồng, hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu biết pháp luật là rất cần thiết nhằm giảm thiểu tình trạng ly hôn.

Chu Bình

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.