Thời gian qua, hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng dọc các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Kéo theo đó, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi tập kết vật liệu xây dựng tại một số cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng diễn ra khá phổ biến, gây nguy hiểm cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.
Đã gần 3 tháng trôi qua, nhưng người dân Thôn 6 Cát Lại (Bình Nghĩa, Bình Lục) vẫn chưa quên vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên tuyến đường tỉnh lộ (ĐT) 49, đoạn qua địa bàn thôn khiến anh Nguyễn Văn Nhiên (ở Xã Trần Hưng Đạo, Lý Nhân) bị thương nặng, phải đi điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Dường như vẫn chưa hết hốt hoảng sau vụ tai nạn, anh Nhiên nhớ lại: Hôm đó, trên đường từ nhà vào TP Phủ Lý thăm người thân, khi lưu thông qua đoạn đường này, do lưu lượng người tham gia giao thông đông và phải tránh ô tô tải đi ngược chiều nên anh đã lao vào đống đá của một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng gần đó rồi văng ra đường bất tỉnh và được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Hậu quả, anh bị gãy xương vai phải và 5 xương sườn, phải phẫu thuật.
Trước đó, một vụ tai nạn khác có nguyên nhân từ điểm tập kết vật liệu xây dựng bên lề đường trên tuyến quốc lộ (QL) 37B, đoạn qua địa bàn Thôn 4, xã Nhân Chính (Lý Nhân). Tai nạn xảy ra khi chị Nguyễn Thị Chính (thường trú tại Ngọc Lũ, Bình Lục là công nhân Công ty TNHH Wide Ball International (Lý Nhân) trên đường đi làm về tránh xe tải đi ngược chiều đã lao vào đống gạch từ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng để ngổn ngang bên lề đường rồi ngã. Vụ tai nạn khiến chị Chính bị gãy chân phải cùng nhiều vết xây xước trên người, xe máy bị hỏng nặng.
Những vụ tai nạn, va quệt giao thông như trường hợp anh Nhiên, chị Chính nêu trên do sự bất cẩn, tùy tiện tập kết vật liệu xây dựng từ các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trong thời gian qua không phải là ít. Tình trạng này không chỉ xảy ra trên 2 tuyến đường nêu trên mà còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều tuyến đường từ thành thị đến nông thôn.
Thực tế cho thấy, thường ngày đi trên một số tuyến đường từ quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, hay các tuyến đường liên xã, liên thôn, không khó bắt gặp những điểm tập kết vật liệu xây dựng, từ gạch, đá, cát, sỏi, sắt thép, xi măng đến nhiều vật dụng liên quan đến công trình xây dựng được các hộ, đơn vị kinh doanh tập kết ngổn ngang bên lề đường. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến xảy ra những vụ TNGT không đáng có, khiến người tham gia giao thông cũng như người dân khu vực xung quanh vô cùng bất an, lo lắng. Ông Nguyễn Văn Hưng (trú tại xã Bình Nghĩa, Bình Lục) bức xúc cho biết: Tôi thấy việc các đơn vị, hộ kinh doanh tập kết vật liệu xây dựng gần lề đường không những gây cản trở giao thông mà còn gây mất an toàn đối với người tham gia giao thông. Thực tế trên tuyến đường này thời gian qua đã xảy ra một số vụ tai nạn, va chạm giao thông đáng tiếc, mong các cấp chính quyền có biện pháp để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.
Theo ông Nguyễn Quang Tuyển, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, thời gian qua, Ban ATGT tỉnh đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác bảo vệ hành lang ATGT đường bộ, đặc biệt là trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Cùng với đó, chỉ đạo các địa phương tiến hành tổ chức ký cam kết đối với những đơn vị, chủ hộ kinh doanh vật liệu xây dựng về việc chấp hành nghiêm quy định bảo đảm hành lang ATGT; thành lập đoàn tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm. Ngành chức năng cũng đã tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành giải tỏa, cưỡng chế, lập lại trật tự ATGT trên một số tuyến đường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc tập kết vật liệu xây dựng bên lề đường của các đơn vị, chủ hộ kinh doanh vật liệu xây dựng vẫn tiếp tục có chiều hướng tái diễn, gây không ít khó khăn, nguy hiểm cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến một số đơn vị, chủ hộ kinh doanh vật liệu xây dựng chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang ATGT, trong đó có nguyên nhân chính là do công tác giải tỏa lấn chiếm lòng lề đường, hành lang ATGT ở một số địa phương chưa được cấp ủy, chính quyền thực sự quan tâm, coi trọng. Bên cạnh đó, việc thực hiện các giải pháp về lập lại hành lang ATGT còn thiếu tính bền vững. Trên nhiều tuyến đường ở một số địa phương xuất hiện hàng loạt điểm tập kết vật liệu xây dựng, nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp, kế hoạch cụ thể, quyết liệt để giải tỏa vi phạm. Việc quản lý lòng lề đường, hành lang ATGT sau giải tỏa chưa thực sự hiệu quả nên để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm. Công tác giải tỏa, cưỡng chế vi phạm lòng lề đường, hành lang ATGT chưa thực sự quyết liệt, triệt để; chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm làm ảnh hưởng đến hành lang ATGT.
Để chấn chỉnh tình trạng này, thời gian tới các cơ quan chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm quy định việc tập kết vật liệu xây dựng. Cùng với đó, tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết không vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để kinh doanh vật liệu xây dựng, vi phạm hành lang ATGT. Đồng thời, thường xuyên, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Ngoài nỗ lực của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, mỗi đơn vị, chủ kinh doanh vật liệu xây dựng cần nâng cao ý thức đối với việc bảo đảm hành lang an ATGT, tạo mỹ quan, môi trường, từ đó tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông, tránh những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Trần Ích