kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới

Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới

Ngày 3/1/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ, thời gian gần đây, cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, nhất là tại khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, quán karaoke..., một số vụ làm chết nhiều người, tổn thương lớn về tinh thần, thiệt hại nặng nề về vật chất của người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn, an sinh xã hội, gây hoang mang dư luận. Thực trạng trên đã đặt ra cho công tác PCCC những nhiệm vụ mới, yêu cầu phải tập trung triển khai thực hiện có trọng tâm và hiệu quả hơn nữa.

Ngay sau khi Chỉ thị số 01 được ban hành, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, đề ra nhiệm vụ trọng tâm cũng như phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành, địa phương… Công tác PCCC trong tình hình mới phải bảo đảm mục tiêu đề cao ý thức phòng ngừa, nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn của người dân trong PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH); ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan. Cùng với đó, đổi mới tư duy, nhận thức, giải pháp, cách làm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, địa phương, nòng cốt là các lực lượng chuyên trách trong công tác PCCC và CNCH, với quan điểm: Người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, công tác PCCC cần được các cấp, ngành, đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp, lấy phòng ngừa là chính, phòng là “xây”, chữa là “chống”, lấy phòng là “cơ bản - chiến lược lâu dài”, làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy với phương châm: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn. Huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm: Lực lượng ở trong dân - Phương tiện ở trong dân - Hậu cần ở trong dân - Chỉ huy ở trong dân, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các cấp, ngành, đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ, tích cực chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để ứng phó và xử lý hiệu quả các tình huống, sự cố cháy nổ, tai nạn xảy ra, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới.

Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy trong tình hình mới
Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh tập huấn kiến thức kỹ năng PCCC cho cán bộ giảng viên và sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cơ sở Hà Nam.

Là cơ quan tham mưu và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH, thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Hà Nam tổ chức quán triệt nội dung Chỉ thị số 01, các kế hoạch triển khai của Bộ Công an, Công an tỉnh Hà Nam đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ. Nhằm cụ thể hóa mục tiêu của Chỉ thị số 01, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó tham mưu, đề xuất Giám đốc Công an tỉnh tham mưu với UBND tỉnh thực hiện Quy hoạch hạ tầng về PCCC đồng bộ với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chỉ đạo thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng, cấp phép kinh doanh đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt, thiết kế về PCCC, đặc biệt là các cơ sở chuyển đổi công năng có nguy cơ cháy, nổ cao, cơ sở tập trung đông người như: quán bar, karaoke, nhà cao tầng… Khẩn trương nghiên cứu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động PCCC và CNCH. Huy động mọi nguồn lực hợp pháp để mua sắm trang thiết bị PCCC và CNCH.

Đại tá Phạm Kiên Cường, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh cho biết: Bên cạnh thực hiện kịp thời công tác tham mưu, quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị 01, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PCCC và CNCH. Rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật, bảo đảm các điều kiện phục vụ công tác PCCC và CNCH phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH; các kỹ năng, biện pháp PCCC và CNCH phù hợp với loại hình khu dân cư, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh; kỹ năng thoát nạn… Xây dựng, nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn về cháy, nổ, CNCH tại các khu dân cư, địa bàn cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC, hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở, PCCC chuyên ngành.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới. Theo đó, các cơ quan, đơn vị truyền thông trên toàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, góp phần thực hiện tốt, có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền. Điển hình như Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao thành phố Phủ Lý đã phối hợp với Công an thành phố tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền pháp luật, kiến thức và kỹ năng về PCCC và CNCH. Hướng dẫn kẻ vẽ, căng treo panô, áp phích, khẩu hiệu, băng zôn tuyên truyền về PCCC tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư, nơi công cộng, trên các tuyến đường giao thông, địa bàn trọng điểm dễ xảy ra cháy, nổ, nhất là trong mùa nắng nóng, hanh khô. Tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân PCCC. Đồng thời, đơn vị đã tăng cường thời lượng phát thanh, ưu tiên bố trí khung giờ tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC, thoát hiểm, thoát nạn, cảnh báo nguy cơ cháy, nổ; mở chuyên mục tuyên truyền thường xuyên về PCCC và CNCH vào các khung giờ khán giả dễ theo dõi; công bố danh sách những cơ sở, công trình vi phạm nghiêm trọng quy định về bảo đảm an toàn PCCC… Từ đó, những kiến thức PCCC, kỹ năng phòng tránh, kỹ năng xử lý khi có tình huống cháy, nổ xảy ra được tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCCC ngay từ cơ sở.

Thực tế hiện nay cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội đất nước phát triển nhanh nhưng hạ tầng PCCC chưa được đầu tư phát triển đúng tầm, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương chưa coi trọng đến công tác PCCC và CNCH; công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH không ít nơi bị buông lỏng, thiếu chặt chẽ, phó mặc cho các lực lượng chuyên trách. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhiều nơi vẫn chưa nghiêm; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe… Thực trạng trên đã đặt ra yêu cầu cấp bách phải có tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan ban, ngành, nòng cốt là các lực lượng chuyên trách trong công tác PCCC và CNCH. Đặc biệt, đòi hỏi ý thức rất cao của người dân đối với công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới.

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy