Tai nạn thương tích trẻ em - Mối lo chưa bao giờ cũ

Tai nạn thương tích (TNTT) đối với trẻ em có thể xảy ra bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng phần lớn là do trẻ không có kỹ năng phòng tránh, sự bất cẩn của người lớn. Để phòng tránh có hiệu quả TNTT cho trẻ em, nhất là trong dịp hè, cần nâng cao ý thức của các bậc phụ huynh, sự chung tay của toàn xã hội.

Đã gần 1 năm trôi qua nhưng người dân thôn Do Đạo, xã Nhân Thịnh (Lý Nhân) vẫn chưa hết bàng hoàng bởi vụ đuối nước thương tâm khiến 3 học sinh tử vong.

Sự việc xảy ra vào chiều 10/3/2017, khi 12 em học sinh (đều ở thôn Do Đạo) rủ nhau đi đền Trần Thương, xã Nhân Đạo chơi nhân dịp lễ hội. Khi đi, nhóm học sinh này đã tách làm 2 tốp (nhóm 9 người, nhóm 3 người) đi đường khác nhau. Do sự hiếu động, tò mò, nhóm 9 cháu đã rủ nhau ra bãi bồi để xem tàu chạy trên sông Hồng. Khi chơi tại bãi bồi, một số cháu đã rủ nhau xuống tắm, nô đùa tại một thùng đấu do xã lấy đất để đắp cơ đê. Không may một số cháu đã thụt xuống hố sâu. Do không biết bơi, địa điểm xảy ra tai nạn vắng người qua lại nên 3 cháu tử vong ngay tại chỗ, 2 cháu sau khi được cấp cứu kịp thời may mắn thoát chết.

Mới đây nhất, ở xóm 6, xã Ngọc Lũ (Bình Lục) trong lúc chơi trò trốn tìm với bạn, cháu Nguyễn Văn Thức đã trèo lên cây nhãn ven đường không may bị ngã xuống đường bê tông, hậu quả bị chấn thương sọ não, gãy chân trái, cùng nhiều vết xây xát trên người. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình đã đưa cháu lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để điều trị. Hiện tình hình sức khỏe của cháu đã ổn định, nhưng chưa thể xuất viện, vẫn phải theo dõi và điều trị.

Ngày hè, nhiều trẻ em tắm ở ao, hồ, sông..., nếu thiếu sự giám sát của người lớn dễ xảy ra tình trạng đuối nước (ảnh chụp tại sông Châu, đoạn qua thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân).

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có 252 trẻ em bị TNTT. Trong đó, có 147 em bị ngã, 51 em bị tai nạn giao thông, 18 em bị bỏng, 36 em bị đuối nước. TNTT đã khiến 37 trẻ em tử vong.

Cũng theo thống kê, ngay tại gia đình, trường học cũng không hề an toàn cho trẻ. Trong tổng số 252 trẻ bị TNTT thì có đến 96 trẻ bị tai nạn tại gia đình, 127 trẻ bị tai nạn ở cộng đồng, 29 trẻ bị tai nạn ở trường học.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNTT đối với trẻ em nhưng một phần là do nhận thức, kiến thức phòng ngừa TNTT cho trẻ em ở một số gia đình và bản thân trẻ còn yếu. Mặt khác, do thiếu sự quản lý giữa gia đình, nhà trường và xã hội (nhất là trong dịp hè), ý thức của các chủ phương tiện khi tham gia giao thông chưa cao.

Còn một nguyên nhân khách quan như hệ thống sông, ao, hồ nhiều; hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, lưu lượng người tham gia giao thông tăng. Đặc biệt, điểm vui chơi dành cho trẻ em còn thiếu và không hợp lý… đã khiến TNTT ở trẻ em vẫn thường xảy ra.

TNTT ở trẻ em nhiều khi gây ra hậu quả rất lớn, có thể khiến trẻ thiệt mạng, thiệt hại kinh tế, thương tật vĩnh viễn, thậm chí mất khả năng lao động, làm chủ của bản thân. Đây là những hệ lụy nặng nề mà xã hội, gia đình cũng như bản thân trẻ phải gánh chịu.

Do đó, trách nhiệm phòng chống TNTT đối với trẻ em không chỉ là nhiệm vụ của một ngành nào mà là trách nhiệm của cả gia đình, cộng đồng và xã hội. 

Trần Ích

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.