Rèn luyện sức khỏe tâm thần

Các bác sỹ Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Thời gian gần đây, số người mắc các bệnh liên quan tới sức khỏe tâm thần ngày càng gia tăng, đặc biệt là bệnh trầm cảm.

Theo định nghĩa sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một người khỏe mạnh là hoàn toàn thoải mái về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải chỉ là không bị bệnh tật hay tàn phế. Tuy vậy, hiện nhiều người dân vẫn hiểu về sức khỏe chưa đầy đủ, mới chỉ chú ý rèn luyện sức khỏe về thể chất, ít, thậm chí không quan tâm, rèn luyện sức khỏe về tâm thần. Trong khi đó, sức khỏe tâm thần đóng vai trò vô cùng quan trọng, là nền tảng để có một sức khỏe toàn diện, đầy đủ. Vậy làm thế nào để rèn luyện sức khỏe tâm thần? Hiệu quả của rèn luyện sức khỏe tâm thần đối với mỗi người ra sao?

Các bác sỹ Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Thời gian gần đây, số người mắc các bệnh liên quan tới sức khỏe tâm thần ngày càng gia tăng, đặc biệt là bệnh trầm cảm. Cùng chung nhận định này, bác sỹ chuyên khoa II Phạm Văn Khiết, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: Hầu hết người bệnh ngoài mắc các bệnh thực thể, không ít người còn mắc những bệnh liên quan tới tâm thần, biểu hiện cụ thể là mất ngủ, rối loại tinh thần, ngại tiếp xúc, trò chuyện với mọi người, lo lắng, sợ sệt…

Để điều trị các bệnh liên quan tới tâm thần rất khó và đây chính là nguyên nhân gây khó khăn cho việc điều trị hiệu quả các bệnh về thực thể. Thực tế cho thấy khi xã hội càng phát triển, trước sự bùng nổ thông tin và áp lực công việc ngày càng cao nếu mỗi người không có ý thức rèn luyện sức khỏe tâm thần sẽ dễ dẫn tới hậu quả khôn lường, không những làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn tạo ra những hệ lụy lâu dài.

Chị Nguyễn Thu Trang (thị trấn Đồng Văn, Duy Tiên) tâm sự: Bản thân tôi thấy luôn mệt mỏi, căng thẳng, tinh thần bất an bởi áp lực công việc, học hành thi cử của con và áp lực từ chính các mối quan hệ trong gia đình.  Tinh thần không thoải mái, vui vẻ nên tôi không muốn trò chuyện, tiếp xúc, giao lưu với mọi người. Với bác Lại Thị Loan (xã Liêm Chung, TP. Phủ Lý) qua thường xuyên xem thông tin trên mạng xã hội về những vụ cướp giật, án mạng, trộm cắp, cháy nổ…khiến tâm trí bác rất lo lắng. Con cháu đi đâu bác cũng cảm thấy không yên tâm, nhiều đêm bác mất ngủ vì sợ con đi làm ăn xa gặp nguy hiểm…

Bác Trần Xuân Lộc, thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân) chăm sóc cây cảnh để tâm thần thanh thản.

Những "suy giảm miễn dịch" tinh thần như trên là do không ít người chưa có ý thức rèn luyện sức khỏe tâm thần, cụ thể là rèn luyện về suy nghĩ, cảm xúc, rèn luyện những thói quen để có một tinh thần mạnh khỏe.

Theo các bác sỹ chuyên khoa và chuyên gia tâm lý, để có một tâm thần khỏe mạnh, trước hết mỗi người cần nuôi dưỡng tâm hồn bằng cách không dung nạp những "độc tố" từ môi trường tiêu cực ở bên ngoài vào suy nghĩ. Muốn thế, mỗi người phải luôn có sự lựa chọn thông thái, không phải bất cứ điều gì người khác và xã hội “trao” cũng đều “nhận”.

Cùng với đó, không tạo ra "độc tố" ngay trong tâm thần bằng việc nghiền ngẫm những điều tiêu cực, không may mắn, những sự việc đã xảy ra trong quá khứ và những điều chưa diễn ra trong tương lai. Cần rèn luyện để có khả năng điều khiển bản thân, tập trung nhìn vào những điều tốt đẹp, nghe, xem những gì có giá trị, nói và làm những gì đem lại lợi ích.

Bác Trần Xuân Lộc, thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân), Chủ tịch Câu lạc bộ cây cảnh nghệ thuật sông Châu Hà Nam chia sẻ: Để rèn luyện sức khỏe tâm thần trước hết cần rèn cho mình tâm thế luôn suy nghĩ tích cực. Trước mọi sự việc xảy ra luôn có suy nghĩ theo chiều hướng tốt đẹp, lạc quan. Với mỗi người xung quanh, hãy luôn nhìn ở họ những điều tốt. Và để nhìn thấy những điều tốt đẹp từ người khác thì đầu tiên bản thân phải nhìn thấy được những điểm tốt đẹp của chính mình.

Cũng theo bác Lộc, để rèn luyện sức khỏe tâm thần cần giữ cho tâm hồn thanh thản bằng việc chấp nhận những điều không tốt, không may mắn, coi đó là sự hiển nhiên phải có trong cuộc sống và luyện tập để có một tinh thần mạnh khỏe thông qua tập thể dục, thể thao, ngồi thiền, hoặc học cách thư giãn về mặt tinh thần qua nghe nhạc, chăm sóc cây cảnh, vật nuôi… Bản thân bác luôn tập thể thao kết hợp chăm sóc cây cảnh, nuôi chim, làm từ thiện… qua đó tạo cho mình một tâm trạng tự tin, vui vẻ.

Cũng như bác Lộc, chị Phan Thu Thủy (phường Liêm Chính, TP. Phủ Lý) đã ngoài 40 tuổi nhưng rất trẻ trung, vui vẻ. Chị cho biết, ngoài rèn luyện sức khỏe về thể chất (chạy bộ, đạp xe, tập yoga), chị luôn đặc biệt chú ý rèn luyện cho mình sức khỏe tâm thần. Theo chị, giữa thời đại công nghệ số, người ta rất dễ dàng tiếp cận thông tin, trong khi không phải thông tin nào cũng đúng và có lợi cho sức khỏe. Vậy nên chị luôn lựa chọn thông tin khi đọc, khi xem, những thông tin tiêu cực (giết người, cướp của, hãm hiếp…) nên hạn chế quan tâm. Bản thân chị ít tham gia mạng xã hội và khi tham gia chị luôn chú ý lựa chọn, cân nhắc để giúp cho mình có một tâm thần lành mạnh, tích cực.

Như vậy, để rèn luyện sức khỏe tâm thần điều quan trọng nhất là mỗi người phải rèn cho mình một lối suy nghĩ tích cực, hướng suy nghĩ, hành động của mình vào những việc làm ý nghĩa, nhân văn. Đây chính là điều kiện nền tảng để hướng tới duy trì một sức khỏe toàn diện, đầy đủ.

Nguyễn Uyên

Nguyễn Hằng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy