Những trải nghiệm của sinh viên năm thứ nhất

Đối với sinh viên, năm thứ nhất đại học là một khởi đầu “màu hồng” nhưng cũng lắm chông gai, thử thách và những điều lạ lẫm đến từ môi trường mới, bạn bè mới, phương pháp học tập mới…

Thách thức từ giảng đường đại học

Đỗ đại học mở ra một tương lai “màu hồng” cho các cô cậu học sinh phổ thông với cái tên “tân sinh viên” đầy kiêu hãnh song giảng đường đại học là một chân trời mới, thách thức mới, cuộc sống sinh viên cũng khác hoàn toàn so với thời học sinh, bắt buộc bạn phải tập làm quen với nó. Lúc này, không còn ai thúc ép bạn học để mang về thành tích cho bản thân, trường lớp nữa mà bạn phải tự học, giảng viên chỉ là người hướng dẫn và giới thiệu tài liệu hỗ trợ nội dung học phần mà thôi. Lớp học cũng chẳng còn gắn kết nhiều vì mỗi người lại chọn cho mình những môn học, giờ học khác biệt. Và đến khi bạn nhận ra chương trình học của năm thứ nhất không hề “đại học bằng học đại” như người ta thường nói, bạn đã phải sống chung với bài ca “đời sinh viên quả nhiên phải nợ môn vài lần”.

Học cách quản lý bản thân là bài học đầu tiên tân sinh viên trải qua khi bước vào cánh cổng đại học.

Bạn Lê Anh Đức, sinh viên năm thứ nhất ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Thương mại (cơ sở Hà Nam) trải lòng: Mới vào đầu năm học đã được các anh chị khóa trên liệt kê một danh sách dài những môn học dễ có nguy cơ nợ hoặc cần cải thiện nếu điểm thấp, khiến em chỉ nghĩ thôi cũng đủ thấy toát mồ hôi. Trong khi đó, thời gian lên lớp không nhiều như ngày học trung học phổ thông, giảng viên cũng chỉ hướng dẫn và cho tên tài liệu, còn lại chúng em phải tự in sách, chia nhóm làm bài thuyết trình để giờ sau giảng viên kiểm tra. Môi trường học tập mới, nhóm bạn mới với nhiều tính cách trái chiều nhiều khi khiến chúng em “bùng nổ”. Vậy mới nói, đại học đâu phải là học đại.

Còn bạn Trần Anh Trung, sinh viên năm 2 ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (cơ sở Hà Nam) hiện đang phải đi đi về về giữa Hà Nội và Hà Nam để “cày” trả nợ 2 môn học chia sẻ: Không ai muốn nợ môn đâu, vừa tốn thời gian vừa mất tiền. Nhưng do bản thân mình thôi, rời xa gia đình, không ai quản lý, cộng thêm chưa quen cách học mới và tâm lý “xả hơi” sau kỳ thi đại học căng thẳng nên mới “rớt môn”.

Cũng theo Trung, trong lớp nhiều bạn cũng như em, năm nhất có những môn cơ sở không biết phải học thế nào, học để làm gì vì không liên quan đến chuyên ngành, để đến giờ nắm tay nhau học lại hết. Rút kinh nghiệm từ bản thân khi từng ngổn ngang với suy nghĩ “học môn này để làm gì? Có nên học thêm ngoại ngữ hay không? Có nên đi làm thêm?”, Trung đưa ra lời khuyên: Các bạn tân sinh viên nên biết cách hài hòa giữa học và chơi, cũng đừng chán nản trượt dài khi đã lỡ nợ môn. Thế giới có mấy người bỏ học mà vẫn thành tỉ phú như Bill Gates, Mark Zuckerberg hay Steve Jobs chứ. Và quan trọng nhất, phải lập cho mình kế hoạch học tập cụ thể. 

Góp nhặt trải nghiệm sống

Trở thành sinh viên bạn sẽ có thêm những trải nghiệm hoàn toàn mới. Có thể bạn sẽ sống cùng tập thể, biết thế nào là ký túc xá, làm quen với bạn bè từ nhiều vùng miền, được tự tay sắp xếp, đăng ký tín chỉ, chọn giảng viên phù hợp với mình trong mỗi học kỳ. Nhờ vậy, bạn sẽ có thời gian dành cho bản thân để phát triển những kỹ năng còn hạn chế, tham gia câu lạc bộ, đọc sách, tập thể thao, làm công việc bán thời gian hoặc trở thành tình nguyện viên trong các hoạt động đoàn, hội.

Khi được hỏi bạn đã trải qua năm nhất như thế nào, bạn Đặng Thanh Tú (sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh, Tiếng Trung thương mại, Trường Đại học Thương mại – cơ sở Hà Nam) chia sẻ: Trước đây, em thấy nhiều anh, chị than vãn rằng, 4 năm đại học không giúp ích được gì, sau này vẫn làm trái ngành trái nghề, không sử dụng kiến thức đã học. Nhưng em có suy nghĩ khác, học gì cũng là học, bản thân phải tự thấy mình cần học gì, cần bổ sung kỹ năng gì. Vì vậy, ngay sau 1 tháng làm quen với ngôi trường mới, ngoài học tiếng Trung, em tiếp tục đăng ký học thêm tiếng Anh và tin học, tham gia câu lạc bộ tìm hiểu văn hóa Trung Quốc. Trong cuộc sống thường ngày, em và bạn cùng phòng lập bảng chi tiêu trong 1 tháng, bởi với số tiền cố định bố mẹ gửi cho mỗi tháng, nếu chi tiêu quá tay, chắc phải dùng giải pháp “mì gói”, chưa kể bao giờ cũng nên để riêng một khoản tiền nhỏ phòng những tình huống bất ngờ.

Nhiều bạn sinh viên lựa chọn làm thêm bán thời gian vừa để có thêm thu nhập, vừa để tích cóp thêm trải nghiệm của cuộc sống tự lập. Những công việc như gia sư, bán hàng, phục vụ nhà hàng, nhân viên hỗ trợ online… đã trở nên quen thuộc với rất nhiều bạn sinh viên thế hệ mới. Qua đó, giúp các bạn có cơ hội va chạm, tiếp xúc thực tế với xã hội, cải thiện kỹ năng giao tiếp, tích lũy kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải biết cân bằng giữa việc làm thêm và học tập, vì nhiệm vụ quan trọng nhất của sinh viên vẫn là làm tốt việc học, để 12 năm đèn sách không phí hoài.

Cuộc sống sinh viên không hoàn toàn tự do và “rũ bỏ” gánh nặng sách vở như nhiều bạn vẫn nghĩ. Chủ động chuẩn bị tâm lý cho những khó khăn phía trước là hành trang quan trọng khi bạn bước vào môi trường sống mới. Những điều góp nhặt từ năm học thứ nhất sẽ là bài học đáng quý cho bạn trong các năm tiếp theo.

Thanh Vân

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.