Những người không thể thoát nghèo

Không dám vay vốn, không có sức khỏe, không có điều kiện để sửa chữa và xây mới nhà ở… vì lý do sức khỏe, tàn tật, tuổi cao, hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhiều người nghèo đã và đang ở trong tình trạng không thể thoát nghèo.

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai thực hiện từ 2011 đến nay đã làm thay đổi diện mạo, đời sống nông thôn Hà Nam. Một trong những tiêu chí của NTM được các địa phương chú trọng thực hiện nhanh nhất là giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Bằng các chính sách và giải pháp giúp người nghèo có vốn làm ăn, có điều kiện được tiếp cận các dịch vụ xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống, hàng chục nghìn hộ nghèo đã thoát nghèo trong gần chục năm qua, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 3,24% (theo chuẩn đa chiều), hộ cận nghèo còn 4,63%. Cả tỉnh đã có 78 xã và 2 huyện đạt chuẩn NTM. Nỗ lực giảm nghèo đã tác động lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

"Tuy nhiên, còn một bộ phận người dân không thể thoát nghèo dẫu có những chính sách hỗ trợ về việc làm, đào tạo nghề, nhà ở, bảo hiểm y tế cùng nhiều dịch vụ xã hội khác. Họ thực sự là những người yếu thế trong xã hội, không có sức khỏe, không có tư liệu sản xuất, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tàn tật sống nhờ vào chính sách bảo trợ xã hội (BTXH) của Nhà nước. Họ là những người khó có thể thoát nghèo…" - ông Trần Hồng Sơn, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ.

Dù được hưởng các chính sách trợ cấp nhưng nhiều người nghèo vẫn chưa thể thoát nghèo.

Hiện nay, cả tỉnh còn trên 5.700 hộ nghèo thuộc diện hưởng chính sách BTXH, chiếm 64,21% hộ nghèo. Ông Trần Hồng Sơn cho biết: Hộ nghèo thuộc diện hưởng chính sách BTXH là hộ có ít nhất một thành viên, là đối tượng đang hưởng chính sách BTXH theo quy định của pháp luật và các thành viên khác trong hộ không có khả năng lao động. Những hộ này rất khó có khả năng thoát nghèo nếu không có sự hỗ trợ thu nhập cho các thành viên trong hộ từ mức chuẩn hộ nghèo trở lên.

Hầu hết ở các khu dân cư, hộ nghèo là những người cao tuổi, không có sức lao động, ở một mình không cùng với con cái hoặc không có con cái. Phó Bí thư Đảng ủy xã Tràng An (Bình Lục) Nguyễn Viết Phượng cho biết: "Khi xã xây dựng NTM, đối tượng hộ nghèo luôn nhận được sự quan tâm từ nhiều phía. Trong khi nhiều hộ nghèo nỗ lực vượt khó, thoát nghèo thì vẫn còn những hộ không bao giờ thoát được nghèo. Họ bị tàn tật, bị các bệnh thần kinh, già cả cô đơn… Tỷ lệ này chiếm khoảng gần 2% dân số và giờ cũng đóng đinh là tỷ lệ hộ nghèo vĩnh viễn ở xã. Họ cần được hỗ trợ bằng các chính sách đặc thù, đặc biệt hơn". Nói như vậy, có nghĩa là việc giảm tỷ lệ hộ nghèo về mức 0% ở các xã sau này không bao giờ thực hiện được.

Câu chuyện "nghèo bền vững" bản chất là như thế. Bên cạnh những ngôi nhà cao tầng mọc lên giữa chòm xóm xanh tươi cây cối, ẩn hiện đằng sau những bức tường cao vút bao bọc nhà dân là những ngôi nhà cấp bốn xập xệ, nghèo nàn.  Tất nhiên, đời sống của những hộ "nghèo bền vững" này không cô đơn khi hàng xóm láng giềng và họ hàng đang khá giả, họ vẫn nhận được sự quan tâm, gần gũi của cộng đồng. Nhưng họ không thể thực hiện khát vọng làm giàu của mình khi không còn đủ sức.

Bà Chu Thị Đoàn, thôn Ngọc Lâm, xã Bối Cầu, huyện Bình Lục là thí dụ. Nhiều năm qua, bà sống một mình trong căn nhà cũ ông cha để lại. Không có chồng, con, một mình bà tần tảo sớm hôm để nuôi thân. Nhưng khi sức khỏe không còn, bà trở thành hộ nghèo, nhận trợ cấp hằng tháng. Rất nhiều lần chính quyền xã đưa bà vào diện rà soát được hỗ trợ xây nhà, nhưng với mức tiền hỗ trợ không thể giúp bà làm nhà mới. Thế là lần nữa chờ đợi.

Đến năm 2015, bà được Hội Khuyến học giúp đỡ, cùng với sự quan tâm đóng góp của con cháu trong họ, ngôi nhà mơ ước cuối đời của bà được hoàn thành. Nhưng bà vẫn là hộ nghèo, nghèo đến lúc qua đời, bà nói như vậy, bởi vì hiện nay, ngoài tiền trợ cấp tuổi già, trợ cấp người nghèo, bà không có bất kỳ khoản thu nhập nào. Cuộc sống tằn tiện cũng không thể trang trải những chi phí thuốc thang tuổi già.

Cũng ở thôn Ngọc Lâm này, một vài hộ nghèo nữa cũng trong tình cảnh giống bà Đoàn, đơn thân, thậm chí còn tàn tật, không có khả năng lao động. Ông Trần Hồng Sơn, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội nói, những hộ nghèo này có cho họ vay tiền để sản xuất kinh doanh cũng rất khó khăn. Bản thân họ không dám nhận tiền vì không biết làm gì với số tiền ấy. Hơn thế, đây là những đối tượng không có sức khỏe, phải cần đến hỗ trợ và chi phí y tế liên tục nên đã nghèo sẽ càng nghèo hơn, dù bản thân đã được hỗ trợ bảo hiểm y tế…

Thực trạng tái nghèo có thể sẽ diễn ra trong những năm tới khi mức quy định chuẩn nghèo còn thấp, đối tượng thoát nghèo nhưng chưa bền vững do không có nền tảng nghề nghiệp vững chãi, thu nhập không cao, bệnh tật và tai nạn rủi ro xảy ra  trong cuộc sống… Vẫn còn hàng nghìn hộ nghèo sống trong điều kiện khó khăn về nhà ở, cần đến sự chung tay góp sức của cộng đồng và xã hội. Và với những người không thể thoát nghèo là những người cần hơn cả sự cưu mang, chia sẻ của cộng đồng, sự quan tâm chăm lo của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy