Tết Nguyên đán, người lao động được nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình, đi chúc Tết họ hàng, người thân, du lịch,... Tuy nhiên, vì nhiệm vụ, vì công việc, không ít công chức, viên chức, người lao động (NLĐ) không nghỉ Tết. Tùy vào chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, việc một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ làm việc trong dịp Tết đã giúp mọi người được đón Tết vui tươi, an toàn, an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, các hoạt động thiết yếu được duy trì...
Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam là một trong những đơn vị có 100% quân số trực Tết, trong đó có hàng trăm lao động làm việc trong những ngày Tết với cường độ cao hơn gấp nhiều lần ngày thường. Trao đổi với ông Ngô Mạnh Cường, Phó Giám đốc công ty được biết, công ty có 450 cán bộ, NLĐ; trong đó khoảng hơn 40 người làm gián tiếp, hơn 400 công nhân lao động trực tiếp. Hiện công ty đảm nhận các công việc: Vệ sinh môi trường, duy trì chăm sóc cây xanh, duy trì hệ thống chiếu sáng, tiêu thoát nước đô thị, xử lý rác thải trên địa bàn thành phố Phủ Lý. Ngoài ra còn thực hiện bốc xúc, vận chuyển rác thải ở 2 huyện Kim Bảng và Lý Nhân. Ngày Tết, tất cả cán bộ, NLĐ của đơn vị đều trực Tết, trong đó có khoảng 250 công nhân ở các bộ phận: vệ sinh môi trường, vận chuyển rác làm việc xuyên Tết với cường độ cao gấp 3, 4 lần ngày thường. Các bộ phận chiếu sáng, cây xanh cũng phải duy trì làm việc để bảo đảm hoạt động của hệ thống chiếu sáng trong những ngày Tết, chăm sóc hoa, cây cảnh trang trí trên khắp các trục đường, khu vực công cộng ở thành phố Phủ Lý.
Chị Phạm Thị Nhung, sinh năm 1975, công nhân Công ty Môi trường số 2 thuộc Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam đã có thâm niên 24 năm và gần như năm nào cũng làm việc xuyên giao thừa. Chị Nhung cho biết, từ khoảng ngày 18, 20 tháng Chạp hằng năm, lượng rác bắt đầu nhiều lên từng ngày do các gia đình dọn dẹp nhà cửa, các hoạt động giao thương buôn bán sôi động đã thải ra môi trường lượng rác lớn... Từ 23 Chạp ông Công trở đi các chị bắt đầu bước vào thời gian cao điểm làm Tết, lượng rác lúc này nhiều gấp 3, 4 lần ngày thường.
Để bảo đảm khối lượng công việc tăng đột biến, các chị phải tăng ca, tăng kíp. Ngày thường làm việc 8 tiếng/ngày, nhưng từ 23 tháng Chạp cho đến qua Tết các chị phải làm việc từ 12-16 tiếng/ngày. Ca trực ngày 30 khối lượng rác khủng khiếp nhất, làm việc kiệt sức nhất. Riêng ca trực giao thừa (bắt đầu từ 23h đêm 30 Tết đến 4h ngày mùng 1 Tết) dù lượng rác không nhiều như ngày 30, nhưng các chị phải làm việc trong một tâm trạng đặc biệt. Đó là khi người người ở nhà bên gia đình chuẩn bị đón giao thừa, xem các chương trình Tết trên tivi, hoặc xúng xính trong quần áo đẹp đi chơi đón giao thừa, thì các chị vẫn trong bộ đồ bảo hộ kín mít miệt mài với công việc làm sạch đường phố. Sau giao thừa, khi mọi người bắt đầu về nhà, bỏ lại một lượng rác lớn trên đường, ở các khu công cộng, lúc ấy các chị bắt đầu làm việc cật lực, để cho những con đường sạch bong trong sáng ngày mùng 1 Tết.
Chị Nhung chia sẻ: Cũng có lúc thấy ngậm ngùi, tủi thân khi không được đón giao thừa bên chồng con, gia đình, trong khi mọi người quần áo đẹp đi chơi còn mình phải lam lũ đi làm, nhưng khi nghĩ đến công việc mình đã chọn, trách nhiệm được giao, nghĩ đến những con đường sạch bong mùng 1 Tết, chị và các chị em lại nỗ lực làm việc.
Ngoài các bộ phận làm đẹp đường phố, còn nhiều cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ ở một số cơ quan, đơn vị làm việc xuyên Tết, như lực lượng công an, quân đội, điện lực, công ty nước sạch, y, bác sỹ, phóng viên báo chí, công nhân ở một số công ty,...
Anh Nguyễn Hoàng Giang, phóng viên quay phim công tác tại Phòng Thời sự, Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nam cho biết, nhiều năm anh được phân công đi làm chương trình đêm giao thừa. Hòa trong dòng người đi chơi đêm giao thừa, mọi người hào hứng chuyện trò, ngắm pháo hoa, hò reo, còn anh và các đồng nghiệp mải miết làm việc để ghi lại những hình ảnh vui tươi hạnh phúc đó. Giao thừa qua, khi mọi người lần lượt về nhà anh mới về cơ quan xử lý công đoạn hậu kỳ, về đến nhà là hơn 1h đêm ngày mùng 1. Phóng viên viết, dựng phải làm việc ngày mùng 1 Tết để chương trình được phát kịp thời trên sóng.
Với Báo Hà Nam, dù trong những ngày Tết nghỉ ra báo in, nhưng Báo Hà Nam điện tử vẫn hoạt động bình thường. Các phóng viên được phân công nhiệm vụ cũng phải đi làm đêm giao thừa, sau đó về xử lý công đoạn hậu kỳ để nhanh chóng cập nhật những hình ảnh, thước phim mới nhất trên Báo Hà Nam điện tử. Trong những ngày Tết diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, thăm, tặng quà, chúc Tết,… và các nhà báo cũng đều phải có mặt để tác nghiệp, kịp thời đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động đón Tết vui Xuân.
Để bảo đảm hoạt động, không ít doanh nghiệp duy trì sản xuất trong những ngày Tết. Ông Phạm Bá Tùng, Phó Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, năm nay do những ảnh hưởng từ thị trường, đơn hàng giảm nên số lượng doanh nghiệp phải làm Tết ít hơn, nhưng những năm trước thường có khoảng 10% doanh nghiệp duy trì sản xuất trong những ngày Tết với số công nhân đi làm khoảng từ 5.000-7.000 người. Các công nhân đi làm Tết đều được hưởng các chế độ theo quy định và tùy từng đơn vị, nhưng hầu hết có thêm chế độ đãi ngộ, như có những bữa ăn “tươi tắn” hơn, được tặng quà, lì xì,…
Sắp xếp công việc gia đình, được người thân thấu hiểu và chia sẻ, tạm gác lại những niềm vui cá nhân, niềm vui đón Tết bên gia đình, các cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ thực hiện nhiệm vụ trong những ngày Tết để lo cho mọi người một cái Tết vui tươi, lành mạnh, để bảo đảm các hoạt động thiết yếu được duy trì trong suốt những ngày nghỉ Tết. Cảm ơn những người đã làm việc xuyên Tết để mọi người yên tâm vui Tết, chơi Tết.
Đỗ Hồng