Những nghề "muôn năm cũ"

Những thập niên trước, nghề vẽ tranh, chụp ảnh dạo, gò hàn, xe ôm… từng một thời thịnh vượng. Nhưng trước sự phát triển của xã hội, thời gian đã dần quên đi những con người đang cần mẫn bám lấy nghề xưa cũ này. Trong số nhiều nghề "muôn năm cũ", có những nghề có lẽ không lâu nữa sẽ đi vào dĩ vãng.

Gần 20 năm qua, bác Trần Mạnh Hùng (đường Lê Hoàn - TP.Phủ Lý) vẫn gắn bó với tiệm gò hàn đã giúp nuôi sống cả gia đình qua thời kì đói kém. Làm nghề từ lâu, quen mối quen khách, cái tên "Hùng gò" không biết đã gắn với với bác từ bao giờ. Bác chia sẻ, công nghệ phát triển, nghề gò hàn dần mai một bởi giờ người ta chuộng mẫu mã đẹp, còn vật dụng được gò hàn ra hình thức không đẹp, không bắt mắt, mấy ai còn mua. Tiệm gò hàn nhà tôi cũng dần phải thay đổi phương thức kinh doanh, ai thuê gò hàn vẫn làm, nhưng hiện tôi chủ yếu bán đồ dùng làm từ nhôm, sắt. Nghề nào cũng có thời, nhưng nó đã nuôi sống mình bao năm nên không nỡ bỏ.

Nhiều trăn trở giữa nghệ thuật và cơm áo, khi vẽ truyền thần qua thời vàng son, nhiều họa sĩ chuyển sang kí họa dạo.

Cũng như nghề gò hàn, nghề xe ôm hiện vẫn còn nhiều người gắn bó. Dọc theo bất kể cung đường đông đúc nào cũng có thể bắt gặp họ đứng bên chiếc xe máy đợi khách. Những người làm nghề chia sẻ, thời gian đọc báo, uống nước "chém gió" chắc còn nhiều hơn cả thời gian bận rộn chở khách. Bác Nguyễn Đức Cường (67 tuổi, thường chờ khách tại khu vực ga TP.Phủ Lý) chia sẻ: Giờ người người, nhà nhà đều có phương tiện đi lại, khách thuê xe ôm ít hẳn, hoặc chỉ đi đoạn đường ngắn, thu nhập không đáng kể. Đấy là còn may Hà Nam chưa có dịch vụ Grab như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, nếu không nghề xe ôm điêu đứng hết. Hiện những người còn bám nghề như tôi kiêm thêm cả chân giao hàng. Nhiều chuyến phải chở hàng nặng, rất nguy hiểm, nhưng biết làm sao, vì mưu sinh không thể không làm. Có những ngày chúng tôi không được khách nào, chỉ chở hàng thuê cho người ta, coi như cũng tạm đủ bữa…

Cách đây chục năm, hình ảnh những người đạp xe đạp hoặc đi xe máy, mang theo đồ nghề mài dao mài kéo đã trở nên quen thuộc. Tất cả công cụ được chằng, buộc trên xe, từ máy mài chạy bằng điện đến những dụng cụ truyền thống như đá mài, dầu, nước… Tùy mài bằng máy hay bằng tay, giá đều dao động từ 5 - 10 nghìn đồng/dao, kéo. Tôi còn nhớ thuở ấy, vì giá thành rẻ, hơn nữa tự mài dao kéo không đúng cách dễ làm mòn lưỡi, nên thỉnh thoảng các gia đình sẽ thuê người làm. Đám nhỏ trong xóm hiếu kì, bao giờ cũng tụ tập quanh thợ mài ngó tới, ngó lui. Đến nay, nghề mài dao kéo dạo không còn phổ biến nữa, rất hiếm thấy thợ mài đi khắp các ngõ phố mời chào.  Cuộc sống hiện đại dường như đã không còn chỗ cho công việc bình thường này. Nhưng đôi lúc vẫn thấy họ xuất hiện tại khu vực chợ, mài dao kéo cho các cô, bác hàng cá, hàng thịt, tiếp tục mưu sinh giữa bộn bề lo toan…

Hơn 10 năm về trước, khi tivi, đầu đĩa, loa đài còn là "hàng hiếm", nhiều người dân ở huyện phải tới các cửa hàng ở Phủ Lý để mua hay sửa những thiết bị này. Nghề sửa chữa điện tử khi ấy cũng là nghề mới, ít người làm, không nhiều sự cạnh tranh nên kiếm sống rất tốt. Nhưng ngày nay khoa học công nghệ phát triển, đồ điện tử thay đổi từng giờ từng phút, những cửa hàng này nhanh chóng bị thời cuộc đào thải.

Chú Bùi Trung Kiên (đường Lê Hoàn - TP.Phủ Lý) tâm sự: Hiện nay giá đầu đĩa dao động từ 800 nghìn - 1,5 triệu đồng nên hiếm ai chịu bỏ 400 nghìn - 500 nghìn đồng để sửa, đa phần đều chọn mua mới. Sửa chữa ti vi lại càng khó vì trình độ tích lũy kinh nghiệm như chúng tôi chỉ biết ti vi đèn hình CRT, sao sửa được ti vi đèn nền LED, LCD... Thêm vào đó, kinh tế phát triển, khách hàng không chỉ chọn sản phẩm bền mà còn chọn mẫu mã đẹp, chẳng còn ai thích dùng lại hàng cũ, hàng tân trang. Lượng khách vắng dần, thu không đủ chi, dù không nỡ, tôi vẫn quyết định chuyển đổi hình thức kinh doanh sau 10 năm "chinh chiến", chuyển sang buôn bán điện thoại di động. Nhiều khi nhớ nghề cũ, tôi lại bỏ dụng cụ ra mày mò cho đỡ quên, đồng thời cũng là để tìm hiểu công nghệ mới. Thiết bị điện tử ngày nay phát triển nhanh quá, không học không được.

Nhịp sống phố thị thời hiện đại ngày càng năng động, không biết bao người đến và đi, bao người chuyển nghề vì mưu sinh. Những nghề "muôn năm cũ" dần phai mờ vì không trụ lại được trước sự phát triển của xã hội. Nhưng đối với những người trót yêu nghề, họ luôn tâm niệm một điều rằng, thời thế thay đổi là tất yếu, có sinh ra phải có mất đi, nhưng ngày nào họ còn sống, họ vẫn sẽ tiếp tục phục vụ số ít người có nhu cầu.

Thanh Vân

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy