kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Nhiều khó khăn, bất cập trong bảo đảm an toàn thực phẩm

Nhiều khó khăn, bất cập trong bảo đảm an toàn thực phẩm

Những năm qua, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) ngày càng được quan tâm, nhờ đó, công tác bảo đảm ATTP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, việc bảo đảm ATTP vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra. Kết quả thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy, bình quân mỗi đợt vẫn có khoảng 25-30% số cơ sở được kiểm tra có các vi phạm. ATTP liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân, cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội. Việc bảo đảm ATTP cần tiếp tục có những thay đổi để tạo hiệu quả mạnh mẽ, thiết thực hơn.

Từ nhiều năm qua, ở các cấp đều thành lập ban chỉ đạo (BCĐ) liên ngành ATTP do chủ tịch UBND làm trưởng ban, phó chủ tịch UBND làm phó trưởng ban thường trực, thành viên là một số ban, ngành liên quan. Hằng năm, BCĐ các cấp đều xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm tra liên ngành 3 đợt/năm: Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, Tháng Hành động ATTP và Tết Trung thu. Ngoài ra, giữa các đợt kiểm tra liên ngành, các ngành chức năng cũng thực hiện các cuộc kiểm tra chuyên ngành. Cùng với hoạt động thanh, kiểm tra, BCĐ các cấp, các ngành chức năng cũng triển khai nhiều hoạt động truyền thông, tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức cho người dân, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm về ATTP, các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. Cải cách thủ tục hành chính để các đơn vị, hộ gia đình dễ dàng tiếp cận, hoàn thiện các thủ tục theo quy định khi sản xuất, kinh doanh thực phẩm…

Nhiều khó khăn bất cập trong bảo đảm an toàn thực phẩm
Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tỉnh kiểm tra một nhà hàng ở phường Đồng Văn (Duy Tiên) trong Tháng Hành động vì ATTP năm 2023. Ảnh: Yên Chính

Ông Nguyễn Thanh Dương, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP đã có chuyển biến tích cực hơn rất nhiều so với trước đây. Đa số người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã nắm được các quy định của pháp luật về lĩnh vực này. Về phía người dân cũng có kiến thức, kinh nghiệm hơn khi tiêu dùng thực phẩm, tẩy chay, lên án, báo với cơ quan chức năng khi phát hiện những cơ sở vi phạm, có dấu hiệu vi phạm.

Tuy có chuyển biến tích cực, nhưng thực tế công tác bảo đảm ATTP nói chung vẫn còn nhiều lo ngại, người dân vẫn chưa yên tâm khi mua thực phẩm trên thị trường. Bằng chứng rõ nhất là dù tần suất thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khá nhiều, nhưng năm nào số cơ sở vi phạm cũng chiếm khoảng 25-30% tổng số cơ sở được kiểm tra. Có những cơ sở, cá nhân vi phạm khá nghiêm trọng, ví dụ sử dụng hàn the trong làm giò chả. Năm 2022, toàn tỉnh đã kiểm tra 3.230 cơ sở trong tổng số 4.928 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó số cơ sở đạt chiếm 74,0%, số cơ sở vi phạm là 840 cơ sở, chiếm 26%. Đã có 296 cơ sở bị phạt tiền với tổng số trên 828 triệu đồng; tiêu hủy khoảng 20 mặt hàng là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và hết hạn sử dụng, sản phẩm từ động vật mắc bệnh với tổng giá trị khoảng 45 triệu đồng; khởi tố 2 vụ án, 2 bị can về tội “Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” và “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.

Các vi phạm về điều kiện cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ khá nhiều, như: thu gom, xử lý nước thải chưa triệt để; tường, trần, nền nhà khu vực sản xuất, kinh doanh, kho bảo quản bị thấm nước, rạn nứt, ẩm mốc; quy trình sản xuất không theo nguyên tắc một chiều; các khu vực được bố trí riêng biệt, nhưng sắp xếp không gọn gàng; thiếu giá, kệ kê cao thực phẩm; sử dụng dụng cụ chứa đựng cũ, xước, khó vệ sinh; nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; vi phạm quy định về ATTP trong bảo quản, vận chuyển thực phẩm… Một số cơ sở kinh doanh không đúng địa điểm đăng ký; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về kiểm thực 3 bước, lưu mẫu; không thực hiện niêm yết giá; hàng hóa nhập khẩu không có nhãn phụ... Về hồ sơ, một số chủ cơ sở và người lao động không có xác nhận tập huấn kiến thức ATTP theo quy định; chưa thực hiện lưu giữ đầy đủ hồ sơ liên quan đến nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh (hợp đồng, hóa đơn, sổ ghi chép hằng ngày...).

Cũng trong năm 2022, trong các đợt kiểm tra ở các tuyến đã test nhanh 735 mẫu dụng cụ, 56 mẫu còn bám dính tinh bột và dầu mỡ (chiếm 7,6%); 12 mẫu giò, chả thịt lợn dương tính với hàn the. Các đoàn cũng đã lấy 181 mẫu gửi labo kiểm nghiệm, trong đó có 1 mẫu chứa chất bảo quản Natribenzoat và Acid Sorbic vượt quá giới hạn cho phép.

Đợt Tết Nguyên đán 2023, toàn tỉnh đã có 121 đoàn kiểm tra ATTP các cấp tiến hành kiểm tra 1.328 cơ sở, qua đó có 1.238 cơ sở đạt, 66 cơ sở không đạt, 16 cơ sở bị xử lý vi phạm. Kiểm tra phục vụ lễ hội Xuân, đoàn kiểm tra cũng phát hiện 1 mẫu chả thịt lợn có hàn the. Trong đợt Tết Nguyên đán 2023 cũng có trên 10 người bị ngộ độc thực phẩm.

Đợt kiểm tra nhân Tháng Hành động vì ATTP năm 2023, dù số cơ sở kiểm tra chưa được nhiều, nhưng quá trình kiểm tra đã phát hiện 1 đối tượng ở xã Vũ Bản, huyện Bình Lục vận chuyển lợn chết đi bán để thu lời.

Đó là kết quả qua thanh tra, kiểm tra. Thực tế còn nhiều cơ sở chưa được kiểm tra, nhiều hàng quán nhỏ lẻ ở chợ truyền thống, chợ tự phát ven đường rất khó kiểm soát về ATTP.

Ông Nguyễn Thanh Dương, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Công tác bảo đảm ATTP  dù đã được quan tâm, có nhiều cải thiện, nhưng vẫn còn khá nhiều khó khăn, bất cập. Cơ quan thường trực BCĐ liên ngành về ATTP tại một số cấp huyện, cấp xã còn thiếu về số lượng, hạn chế về nghiệp vụ; hoạt động chủ yếu giao cho ngành y tế. Phòng nông nghiệp và phòng công thương tuyến huyện thiếu nhân lực phụ trách về ATTP, hạn chế về nghiệp vụ. Công tác phối hợp liên ngành chủ yếu tập trung trong các dịp trọng điểm; việc thống kê, cập nhật thông tin của cơ sở thực phẩm trên địa bàn chưa được thường xuyên. Lãnh đạo UBND một số xã, phường, thị trấn chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo đảm ATTP. Sự phối hợp triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP còn hạn chế, chủ yếu tập trung trong dịp trọng điểm. Ở các xã, phường, thị trấn có công chức phụ trách ATTP nhưng là do cán bộ văn hóa kiêm nhiệm, nhiều việc, ít kiến thức về lĩnh vực ATTP nên việc tham mưu với BCĐ về công tác bảo đảm ATTP địa phương còn nhiều hạn chế. Một số đoàn kiểm tra tuyến huyện và xã chưa thực hiện xử phạt vi phạm về ATTP; không lấy mẫu gửi labo kiểm nghiệm phục vụ kiểm tra, hậu kiểm.

Ngoài ra, cơ sở thực phẩm hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, mang tính thời vụ nên việc kiểm soát và cải thiện các điều kiện bảo đảm ATTP gặp nhiều khó khăn. Nhận thức của cộng đồng, ý thức chấp hành các quy định về ATTP của một số chủ cơ sở và người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm chưa cao. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về ATTP còn phân tán, chưa tập trung đầu mối dẫn đến bất cập trong triển khai thực hiện chuyên môn. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất thực phẩm chưa đầy đủ, đặc biệt là các loại thực phẩm không phổ biến, thực phẩm đặc thù địa phương, khó khăn cho tổ chức, cá nhân trong việc tự công bố sản phẩm cũng như trong công tác quản lý.

Những khó khăn, bất cập này BCĐ cấp tỉnh, các cơ quan chức năng đều nhận thấy rõ và đang có những đề xuất, kiến nghị, tăng cường chỉ đạo. Qua đó bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; củng cố, hoàn thiện mạng lưới quản lý về ATTP từ Trung ương đến cấp cơ sở. Thống nhất mô hình quản lý theo hướng một cơ quan chuyên môn quản lý tất cả các lĩnh vực về ATTP, không phân chia theo ngành quản lý để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất... Các sở, ngành liên quan tích cực tham mưu, triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm quy chế phối hợp trong quản lý ATTP; thực hiện nghiêm kế hoạch thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; tổng hợp, thống kê cơ sở thực phẩm được phân công quản lý. Cùng với đó, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm ATTP thuộc ngành, lĩnh vực quản lý...

Nâng cao vai trò trách nhiệm của BCĐ liên ngành về ATTP từ huyện đến xã, phường, thị trấn. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát ATTP các tuyến; tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm các vi phạm. Bố trí đủ nguồn kinh phí triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP tại địa phương, hỗ trợ công chức làm nhiệm vụ quản lý ATTP tuyến xã, phường, thị trấn…

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy