Nghề đặt trúm lươn

Khi hoàng hôn dần buông xuống những cánh đồng, ánh đèn từ những ngôi nhà trong làng sáng lên, thì cũng là lúc những người đặt trúm lươn bắt đầu công việc của mình.

Để “mục sở thị” cách đặt trúm lươn, chúng tôi có mặt tại nhà anh Nguyễn Văn Khoản, thôn Đức Bản Ngoại, xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân), người đã có thâm niên gần 10 năm trong nghề.

Trước mắt chúng tôi là những chiếc ống nhựa PVC loại phi 40, dài khoảng 55-60cm, rỗng ruột, một đầu được hơ dẻo, buộc kín, đầu còn lại được cài, gắn rời bởi chiếc hom tre tự chế. Hom được đan hình phễu sao cho lươn chui vào mà không thể thoát ra được. Cạnh đó là những con giun đất được quấn tròn theo hình lò xo buộc chặt hai đầu (dài khoảng 15cm), dùng làm mồi bẫy lươn trước khi đưa vào ống.

Anh Khoản cho biết: Trước kia, để có được những con giun đất để làm mồi, tôi thường phải tranh thủ 1-2 tiếng buổi trưa đi đào tại một số vườn trong làng. Tuy nhiên, những năm gần đây khi thị trường xuất hiện loại dầu rửa bát công việc này trở nên nhàn hơn. Bởi lẽ, chỉ cần hòa một lượng nước rửa bát nhất định cùng nước lã tưới đều ra đất, khoảng 10 phút sau những chú giun sẽ ngoi lên, tôi chỉ việc nhặt từng con cho vào chiếc thùng sơn. Do đó, khoảng thời gian dành cho việc lấy mồi cũng nhàn hơn. Và giun cũng là loại thức ăn mà lươn đồng ưa thích nhất.

Anh Nguyễn Văn Khoản, thôn Đức Bản Ngoại, xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân) đi đặt trúm lươn.

Cũng theo kinh nghiệm của anh Khoản, lươn thường kiếm ăn vào thời gian xẩm tối (từ 19-21 giờ), nên thời gian đặt bẫy vào chiều tối là phù hợp nhất. Thời gian vớt ống khoảng 4-5 giờ sáng ngày hôm sau. Ống lươn thường được đặt ở những mương, máng hay chân ruộng có độ bùn dày. Khi đặt ống lươn phải để nghiêng 45 độ, ống nhô lên khỏi mặt nước khoảng 10 cm, nếu để ngập ống, lươn sẽ bị chết ngạt. Ngoài chọn vị trí tốt để đặt ống lươn, thì người bẫy lươn phải luôn nhớ vị trí đặt ống hoặc có những ký hiệu riêng, tránh thất lạc, mất mát.

"Đánh từ 150-200 ống, thì mỗi sáng thu từ 5-6kg lươn to nhỏ các loại. Với giá bán trung bình hiện nay từ 55-60 nghìn đồng/kg, cho thu nhập từ 250-300 nghìn đồng/ngày." Anh Khoản cho biết

Qua tìm hiểu được biết, nghề đặt trúm lươn không chỉ có ở thôn Đức Bản Ngoại mà còn có ở một số thôn, xóm khác trên địa bàn xã Nhân Nghĩa. Hiện nay, toàn xã có trên 20 người đang làm nghề này. Hiện tại, những người làm nghề này không chỉ đánh bắt ở vùng quanh xã mà còn tổ chức đi một số nơi như huyện Bình Lục, Thanh Liêm, thậm chí sang cả huyện Mỹ Lộc, Ý Yên (Nam Định).

Anh Nguyễn Văn Khoản đang vào mồi trước khi đem đi đánh...

Nghề đặt trúm lươn chi phí đầu tư ít, chủ yếu là mua ống nhựa về tự chế. Tuy nhiên, phải thức đêm, dậy sớm, nhiều hôm phải thức trắng đêm hay ngủ ngoài đồng. Khổ nhất là vào mùa đông, chân tay lúc nào cũng ướt lạnh. Khi tập trung đi đặt ở vùng xa, những người làm nghề thường tụ tập thành nhóm từ 3-5 người, sau đó đánh tại một khu và thay nhau trông coi. Cứ như vậy, đến khi gà gáy họ lại cùng nhau đi thu gom và mang lươn đi bán. Dù vất vả nhưng bù lại, nghề đặt trúm lươn mang lại nguồn thu khá cho một số hộ gia đình.

Quang Huy

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy