Chợ đêm Phủ Lý họp từ lúc hơn 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng mỗi ngày để cung ứng thực phẩm, rau, củ, quả cho các chợ dân sinh, các tiểu thương bán lẻ tại thành phố Phủ Lý và các huyện, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh. Đây cũng là nơi mưu sinh của nhiều người, trong đó phần đông là chị em phụ nữ ở các độ tuổi khác nhau.
Hơn 12 giờ đêm, bà Vũ Thị Tâm, xóm 4, xã Phù Vân (thành phố Phủ Lý) đã có mặt tại chợ đêm Phủ Lý để bán buôn, bán lẻ các loại rau, củ, quả. Với lượng rau, củ là 2-3 tạ mỗi ngày, bà Tâm phải chở xe máy 2 chuyến từ nhà ra chợ. Cũng vì vậy mà hằng đêm, bà phải thức giấc từ hơn 23 giờ để chuẩn bị rau, củ, chằng đồ lên xe để vận chuyển ra chợ đêm. Làm nghề bán rau, củ ở chợ đêm này đã gần 20 năm nay nên bà Tâm có nhiều khách hàng quen là tiểu thương tại các chợ truyền thống, chợ cóc, các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố Phủ Lý và các huyện lân cận như: Thanh Liêm, Kim Bảng, Bình Lục…
Để có đủ lượng rau, củ bán buôn buổi đêm, ngoài vườn rau do gia đình tự sản xuất với diện tích hơn 5 sào, ban ngày, bà Tâm còn phải đi đến các vườn trồng rau trong vùng để tìm mua rau, củ các loại. Bận rộn với công việc nên thời gian dành để nghỉ ngơi trong ngày đối với bà Tâm là vô cùng ít ỏi. Bà Tâm chia sẻ: Vẫn biết là làm việc suốt cả buổi đêm trong nhiều năm liên tục sẽ rất có hại cho sức khỏe, thế nhưng, nếu không đi bán hàng vào buổi đêm thì không có thời gian để làm các việc khác. Thông thường, vào ban ngày tôi còn phải lo chăm sóc ruộng vườn để có nguồn rau xanh đem bán chợ. Nếu chỉ đi thu mua rau từ các vườn đem bán thì thu nhập không cao. Những người ngồi chợ đêm như tôi chỉ mong sao cho “chân cứng đá mềm”, luôn có sức khỏe để chống chọi lại màn đêm, nhất là vào những ngày mưa gió, giá rét. Buổi đêm, sương xuống nhiều, tôi lại có tuổi rồi nên hay bị đau nhức xương khớp, đi lại rất khó khăn.
Bên cạnh các sạp rau củ, quả, các khu vực bán đồ thủy, hải sản, thịt lợn, thịt bò tại khu vực chợ đêm Phủ Lý cũng nhộn nhịp khách vào ra từ 1 giờ sáng. Chủ các sạp hàng này cũng đa phần là chị em phụ nữ. Họ đến từ các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận như: Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình... Nếu như những năm trước đây, người ta biết đến chợ đêm Phủ Lý chủ yếu là về việc cung ứng rau, củ, quả cho các tiểu thương mua về bán lẻ thì hiện nay, chợ đêm Phủ Lý đã sầm uất, tấp nập hơn rất nhiều. Các mặt hàng cung ứng tại chợ ngày càng đa dạng hơn, từ bún, bánh phở, thịt gia súc, gia cầm cho đến hoa tươi, bánh trái các loại… Không chỉ bán cho các tiểu thương mang về bán lẻ tại các chợ dân sinh, các sạp thịt lợn, thịt bò buổi đêm còn thu hút nhiều khách hàng là người dân Phủ Lý tranh thủ đi chợ đêm 1-2 lần/tuần để mua thịt về cất tủ lạnh ăn dần với giá cả thấp hơn đáng kể so với mua lẻ tại chợ vào ban ngày.
Chị Trần Thị Phương, tổ 3, Phường Quang Trung (thành phố Phủ Lý) - người có thâm niên 30 năm trong nghề bán thịt lợn tại khu vực chợ Bầu (thành phố Phủ Lý) cho biết: Trước đây, tôi chỉ bán thịt lợn trong chợ Bầu vào ban ngày với số lượng thịt tiêu thụ khoảng 5-7 yến mỗi ngày. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, nhận thấy nhu cầu cao của thị trường đối với mặt hàng này, tôi đã bán cả vào buổi đêm. Với số lượng khách mua buôn, mua lẻ lớn, mỗi phiên chợ đêm tôi bán được 2-3 tạ thịt lợn. So với buổi chợ ban ngày, giá bán buôn buổi đêm tuy có thấp hơn nhưng lại tiêu thụ nhanh và số lượng bán ra lớn nên cho thu nhập ổn định hơn. Mỗi ngày, tôi phải làm việc 11-12 giờ liên tục, từ 1 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Nhiều hôm, nếu không bán hết hàng trong buổi sáng, 4 giờ chiều tôi lại mang thịt ra chợ bán. Thức đêm miết rồi cũng quen, hôm nào ốm đau không ra chợ đêm được là cũng thấy nhớ cái không khí mua bán tấp nập này lắm. Với những người kinh doanh ở chợ đêm, nơi đây đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống.
Bên cạnh những tiểu thương đến chợ đêm mua hàng về bán lẻ hay những tiểu thương bán buôn rau, củ, thực phẩm với số lượng lớn, hoạt động kinh doanh tại chợ đêm còn có sự góp mặt của không ít các bà, các cô đi chợ chỉ cốt bán vài mớ rau xanh, đôi ba buồng chuối chín hay mẻ cá, tôm vừa quăng lưới kiếm được buổi chiều. Dưới ánh đèn điện leo lắt, giữa những thanh âm ồn ào, pha tạp bởi tiếng xe ô tô, xe máy nổ, tiếng gọi chào hàng, tiếng trả giá, họ lẳng lặng dắt chiếc xe đạp cũ chở vài mớ rau chào bán ngược xuôi dọc tuyến đường. Cả buổi chợ đêm có khi chỉ kiếm được vài chục nghìn đến một trăm nghìn đồng nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, họ vẫn tần tảo sớm khuya nơi góc chợ. Sở dĩ họ phải ngồi bán chợ đêm vì ban ngày còn phải tranh thủ đi làm thuê, làm mướn các công việc khác để mưu sinh.
Bà Trịnh Thị Hằng, Phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý bộc bạch: Tôi chỉ có một mảnh vườn nhỏ, trồng được ít mướp, rau mồng tơi, rau ngót để ăn và đem chợ đêm bán kiếm đồng ra, đồng vào. Dù nhiều hôm bán hàng ế ẩm, ngồi cả buổi chợ đêm chỉ kiếm được dăm ba chục nghìn nhưng tôi vẫn phải cố gắng đi chợ mỗi đêm vì ban ngày tôi còn phải đi rửa bát thuê cho một quán ăn gần nhà. Công việc này cho tôi nguồn thu nhập ổn định hơn. Chồng tôi ốm đau, bệnh tật, phải nằm liệt giường nhiều năm nay. Các con thì đi làm xa và điều kiện kinh tế cũng còn khó khăn. Vì vậy, dù đã gần 70 tuổi nhưng tôi hiện vẫn là trụ cột kinh tế chính trong gia đình.
Khi được hỏi, điều khiến các bà, các chị lo lắng, bất an nhất là gặp hôm trời mưa to, gió lớn hay bị đau ốm không tham gia bán hàng chợ đêm được. Tuy vất vả, cực nhọc là vậy nhưng các bà, các chị không hề muốn nghỉ ngơi, không muốn mất đi bất kỳ một buổi họp chợ đêm nào trong năm. Bởi nếu nghỉ, họ kiếm đâu ra được vài chục nghìn đồng, hay một trăm, hai trăm nghìn đồng để lo cho gia đình, trang trải các khoản chi phí sinh hoạt và học tập cho con cái. Khi trời dần về sáng, theo khắp các ngả đường, có bà thì hối hả chở rau, củ về để kịp dọn hàng bán chợ ngày mới; có chị lại tất bật trở về nhà lo bữa ăn sáng cho đàn con thơ; có cô thì dọn hàng vào quầy phía bên trong chợ Bầu để tiếp tục phiên chợ ban ngày; có bác thì bận lo về tìm mối nhập hàng phục vụ bán buôn cho buổi chợ đêm sau… Với mỗi phụ nữ mưu sinh ở chợ đêm, họ đều mang trên vai gánh nặng với áp lực về nguồn thu nhập để chăm lo cho cuộc sống cho gia đình.
Nguyễn Oanh