Đời sống kinh tế khá hơn cộng với việc tiếp thu các xu hướng làm đẹp từ nước ngoài thúc đẩy nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ ngày càng tăng. Hiệu quả của việc làm đẹp cơ bản đều thấy khá rõ nét, tuy nhiên cũng không ít chị em do chọn các cơ sở thẩm mĩ, spa thiếu uy tín dẫn đến các biến chứng sau thẩm mĩ, hoặc bị lỗi trong quá trình làm, ảnh hưởng đến sắc đẹp, sức khỏe, tốn kém tiền bạc, thời gian để đi chỉnh sửa mà nhiều khi không thể khắc phục được. Làm đẹp là nhu cầu của phụ nữ, nhưng làm đẹp như thế nào để an toàn là vấn đề chị em phải quan tâm.
Ngày càng nhiều phụ nữ sử dụng các dịch vụ làm đẹp
Những năm trở lại đây xu hướng làm thẩm mĩ để trở nên đẹp hơn trong chị em phụ nữ ngày càng phát triển. Trước đây thường chỉ những phụ nữ có điều kiện kinh tế, không làm công việc lao động chân tay mới đi làm thẩm mĩ, thì bây giờ nhiều người lao động bình thường cũng đi làm thẩm mĩ. Chị P.T.M. bán tôm cá ở một chợ trên địa bàn thành phố Phủ Lý cho biết, năm ngoái chị đi xăm lông mày và môi. Cùng bán hàng trong chợ, trừ những người già hẳn, còn lại các cô, bác tầm 60 tuổi trở xuống hầu hết đều đi xăm lông mày, môi từ mấy năm nay, một số người sau một thời gian làm mờ dần đã đi làm lại. Chị P.T.M. chia sẻ, vì công việc, điều kiện gia đình lúc nào cũng tất tả bận rộn các chị ít có cơ hội trang điểm. Việc làm thẩm mĩ ở mắt, môi, hai bộ phận quan trọng trên mặt làm cho khuôn mặt các chị đẹp hơn, tươi tắn hơn mà không cần trang điểm hằng ngày. Nhiều chị em trong chợ đều rất hài lòng khi đi làm thẩm mĩ. Những người chưa thẩm mĩ thấy người khác làm đẹp hơn nhiều so với trước đây nên cũng đi làm.
Không chỉ ở thành phố, hiện nay ở các miền quê nhiều phụ nữ từ trung niên trở xuống cũng làm thẩm mĩ. Không chỉ công chức, viên chức, người không lao động chân tay mà cả những nữ công nhân, nông dân, phụ hồ, buôn bán ở chợ cũng làm thẩm mĩ. Hầu hết phụ nữ làm thẩm mĩ hai bộ phận chính trên gương mặt là mày và môi. Những người có điều kiện hơn thì đi nâng mũi, nâng ngực, cắt mí, lấy mỡ bọng mắt, treo cung mày, xâm kim, lăn kim để trẻ hóa da, tẩy da trắng,... Nhiều chị em bị nám cũng theo đuổi các gói trị nám, gương mặt được cải thiện đáng kể. Những người có điều kiện hơn còn mua những gói chăm sóc da, chăm sóc toàn thân ở các spa, hằng tuần đều đến đó làm đẹp.
Đáp ứng nhu cầu, các cơ sở thẩm mĩ, spa mọc ra ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, mức giá cũng khác nhau. Chị em tùy vào thu nhập, thói quen để tìm các cơ sở thẩm mĩ, spa đáp ứng nhu cầu làm đẹp của mình. Hầu hết khi xăm môi, xăm mày, trị nám, chăm sóc da các chị em chọn làm ở các cơ sở tại địa phương. Nhiều chị cũng làm cắt mí, lấy mỡ bọng mắt, treo cung mày tại một số cơ sở thẩm mĩ ở tỉnh, nhưng nhiều chị không yên tâm vẫn lên các cơ sở ở Hà Nội. Những phẫu thuật thẩm mĩ lớn hơn và phức tạp như nâng mũi, nâng ngực do ở tỉnh không có các chị em phải lên các cơ sở ở Hà Nội.
Không ít trường hợp “tiền mất tật mang”
Khi làm thẩm mĩ và chăm sóc sắc đẹp cơ bản đều tạo nên hiệu quả tốt hơn cho đa số chị em, khuôn mặt, vóc dáng trở nên đẹp hơn. Tuy nhiên cũng có những người “tiền mất tật mang”, bị gặp lỗi, biến chứng sau khi làm thẩm mĩ, chăm sóc sắc đẹp, phải mất nhiều tiền, công sức đi sửa chữa mà có khi vẫn không ổn.
Bác sỹ Đỗ Duy Trọng, Trưởng Khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Hà Nam cho biết tại phòng khám tư của anh tháng nào cũng có những ca đi làm đẹp da bị hỏng phải đến chỗ anh nhờ xử lý, trong đó nhiều nhất là những ca đi trị nám, trị mụn. Các biến chứng hay bị nhất là viêm da tiếp xúc, tăng sắc tố, đi trị mụn nhưng trị xong da lại lồi lõm, nhiều mụn hơn. Đi trị nám nhưng sau đó da lại sạm đen hơn cả trước lúc đi làm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người làm không đúng kỹ thuật, phản khoa học. Ví dụ trị nám lại dùng a-xít để tẩy lột da lấy đi những lớp bảo vệ trên da, để lại một nền da non yếu. Nền da non yếu này không chống chọi được với ánh nắng mặt trời, tế bào hắc tố phải tăng sinh melanin để bảo vệ da, sản xuất ra nhiều melanin hơn dẫn đến da bị đen sạm. Hoặc tẩy lột quá nhiều da bị kích ứng, phù nề, bị viêm, có trường hợp bị chảy dịch, có người sưng húp cả mặt mũi.
Ngoài da, vùng mắt chị em cũng thường làm thẩm mĩ nhiều. Bác sỹ Nguyễn Huy Cường, Bệnh viện Mắt Hà Nam, người đã được cấp chứng chỉ về phẫu thuật tạo hình thẩm mĩ cũng cho biết có khá nhiều chị em đi thẩm mĩ bị hỏng đến phòng khám tư của anh để điều trị, sửa chữa. Những lỗi thường gặp nhất là bị trợn mắt, nhắm không kín, trễ mi dưới, các sẹo co kéo gây rúm, mắt to mắt bé do cắt da không đều nhau. Theo bác sỹ Cường, thẩm mĩ nói chung, thẩm mĩ vùng mắt nói riêng đều phải được đào tạo, ngoài kỹ thuật cắt phải nắm được kiến thức, nguyên tắc. Cắt mí, treo cung mày phải xác định tùy vào gương mặt và tùy tình hình cụ thể của bệnh nhân để có phương pháp phẫu thuật phù hợp. Ví dụ đều là bị sụp mí, có người áp dụng treo cung mày, có người áp dụng cắt mí. Trong cắt mí có người chỉ cắt mí, có người cả cắt mí và cả lấy mỡ mí. Phải được đào tạo, hiểu rõ giải phẫu và thực tế mới có quyết định chính xác. Những người ở spa không được đào tạo có thể biết cắt mí nhưng không thể đánh giá được ca này chỉ nên cắt mí hay vừa cắt mí vừa lấy mỡ mí. Có những trường hợp thiếu mỡ thì chỉ cắt mí, làm ở spa nhân viên không biết vẫn lấy thêm mỡ làm cho mi khuyết, sau này nhìn rất xấu. Hoặc cắt quá nhiều da, với mi trên sẽ bị hở mi, mi dưới sẽ bị trễ, lật mi dẫn đến nhắm mắt không kín. Những trường hợp này đều phải sửa lại. Có trường hợp nặng quá buộc phải gửi lên tuyến trên chuyên về thẩm mĩ để xử lý. Ví dụ có trường hợp mắt nhắm không kín do khi làm cắt mí đã cắt quá nhiều da gây viêm, có thể ảnh hưởng đến cấu trúc mắt bên trong. Hoặc có trường hợp tiêm filler (chất làm đầy) bị bầm tím, tắc mạch phải lên tuyến trên xử lý. Có ca tiêm filler nâng mũi bị viêm nhiễm, có mủ...
Chị em nên chọn những cơ sở thẩm mĩ, spa đủ điều kiện, uy tín để làm đẹp
Theo quy định của pháp luật, những cơ sở thẩm mĩ có sử dụng chất, thuốc, thiết bị để can thiệp vào cơ thể con người; làm thay đổi về mặt vật lý như mắt, mũi, môi, da, khuôn mặt,…; xăm, phun có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm đều bắt buộc phải có giấy phép mới được hoạt động. Những cơ sở phun, thêu, xăm không sử dụng thuốc tê dạng tiêm không cần giấy phép hoạt động nhưng phải đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mĩ theo quy định, làm hồ sơ gửi lên Sở Y tế thông báo, sau 10 ngày mới đi vào hoạt động. Như vậy, các loại thẩm mĩ như cắt mí, lấy mỡ mí, treo cung mày,… đều phải có giấy phép chuyên môn mới được hoạt động.
Chi tiền đi làm đẹp để mong mình đẹp lên. Vì thế chị em khi đi làm đẹp nên chọn chỗ yên tâm, uy tín, đủ điều kiện để tránh tình trạng thẩm mĩ xong lại không ưng ý, có khi còn nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Bác sỹ Đỗ Duy Trọng, bác sỹ Nguyễn Huy Cường đều cho rằng có thể nhiều người ở spa học truyền tay nhau thực hiện được các kỹ thuật như cắt mí, treo cung mày, tiêm chất làm đầy,… những kỹ thuật vốn phải được đào tạo bài bản và cấp bằng mới được làm. Tuy nhiên, họ chỉ học để làm, mà không được học để xử lý các tai biến xảy ra trong quá trình làm thẩm mĩ, cũng không có kiến thức về lý luận mà chỉ học theo kiểu “cầm tay chỉ việc” nên không hiểu về nguyên lý. Vì thế dễ để xảy ra lỗi khi làm, ví dụ như mí thiếu mỡ nhưng không phán đoán được vẫn cắt mỡ mí, hoặc cắt nhiều da trong thẩm mĩ mắt…
Hoặc trong chữa nám, muốn chữa phải biết là hình thái nám gì, nguyên nhân từ đâu. Khi xác định được thể nám mới đưa ra được phương pháp. Cái này đòi hỏi phải có chuyên môn. Làm thẩm mĩ đòi hỏi phải đúng kỹ thuật, đúng quy trình, phải vô trùng tốt, xử lý các biến chứng sau khi phẫu thuật, dự phòng biến chứng. Nếu không được đào tạo chuyên môn bài bản sẽ không có các biện pháp dự phòng biến chứng, nếu có biến chứng xảy ra không biết xử lý, tính mạng bệnh nhân dễ gặp nguy hiểm. Việc tư vấn cho bệnh nhân tự chăm sóc sau thẩm mĩ cũng rất quan trọng, quyết định đến sự thành công của cuộc thẩm mĩ. Và một điều nữa bác sỹ Đỗ Duy Trọng cũng nhấn mạnh, không có một loại kem hay phương pháp thần thánh nào có thể “cải lão hoàn đồng”, các phương pháp chỉ có thể cải thiện. Vì thế chị em không nên yêu cầu quá cao, quá kỳ vọng, muốn “đốt cháy giai đoạn” sẽ dễ khiến các spa vì để đáp ứng nhu cầu của khách, giữ khách mà sử dụng các phương pháp không khoa học, sản phẩm không được phép dễ gây biến chứng, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
Yên Chính