Từ ngày 15/10 đến 15/12/2022, các lực lượng Công an tỉnh Hà Nam tiến hành đợt tổng rà soát, kiểm tra các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) theo quy định trên phạm vi toàn tỉnh. Thông qua rà soát, kiểm tra, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện và hướng dẫn, kiến nghị các cơ sở nhanh chóng khắc phục tồn tại, thiếu sót, hạn chế nguy cơ mất an toàn về PCCC. Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, đội viên PCCC cơ sở, hộ kinh doanh và người dân trong công tác PCCC và CNCH.
Qua rà soát, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 5.134 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC (2.070 cơ sở do cơ quan Công an quản lý; 3.064 cơ sở do UBND cấp xã quản lý) và 686 khu dân cư. Trong đó có 365 cơ sở trong các khu công nghiệp (KCN), 118 cơ sở trong các cụm công nghiệp, 4.441 cơ sở trong các khu dân cư.
Từ ngày 15/10 đến 15/12/2022, toàn tỉnh đã tiến hành rà soát, kiểm tra 5.134/5.134 cơ sở (đạt 100%) và 686/686 khu dân cư (đạt 100%). Trong đó, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an tỉnh kiểm tra 852 cơ sở; Công an cấp huyện kiểm tra 1.218 cơ sở, UBND cấp xã kiểm tra 3.064 cơ sở, 686 khu dân cư theo phân cấp quản lý.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đã phát hiện, lập biên bản, đề xuất, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 131 cơ sở với tổng số tiền là 1.700.750.000 đồng. Đình chỉ hoạt động đối với 6 cơ sở; tạm đình chỉ hoạt động 20 cơ sở (theo điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định 136/2020/NĐ-CP). Đã ban hành 149 văn bản kiến nghị cơ sở khắc phục các tồn tại về PCCC. Có 164 cơ sở ngừng hoạt động để khắc phục tồn tại, vi phạm theo kiến nghị của các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC.
Riêng đối với cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar đã thực hiện kiểm tra 176/176 cơ sở trong đợt tổng rà soát, kiểm tra. Qua kiểm tra, đã tuyên truyền, vận động 138 cơ sở kinh doanh karaoke, 1 quán bar tự tạm dừng hoạt động do chưa đảm bảo yêu cầu về PCCC, thực hiện thu hồi 16 cơ sở (có 10 cơ sở karaoke) xin tự nộp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Thông qua rà soát, kiểm tra, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện và hướng dẫn, kiến nghị các cơ sở nhanh chóng khắc phục tồn tại, thiếu sót, hạn chế nguy cơ mất an toàn về PCCC. Những tồn tại, hạn chế, vi phạm chủ yếu tại cơ sở như: Đưa công trình vào hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC; Thi công công trình chưa được thẩm duyệt thiết kế về PCCC; Cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng công trình khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; Niêm yết nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ, biển chỉ dẫn về PCCC, CNCH ở nơi bị che khuất tầm nhìn hoặc để bị mất tác dụng; Không niêm yết nội quy về PCCC, CNCH; Không cập nhật, bổ sung hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC, CNCH; Không tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH; Không gửi báo cáo kết quả kiểm tra định kỳ, báo cáo thực tập phương án chữa cháy; Không xây dựng phương án chữa cháy, phương án CHCN; Bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hoá và các vật dụng khác cản trở lối thoát nạn,...
Song hành với việc kiểm tra, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền và phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân và người đứng đầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh về công tác bảo đảm an toàn PCCC. Đặc biệt, đã chỉ đạo Công an cấp huyện triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC” trên địa bàn toàn tỉnh với mục tiêu mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng ít nhất 1 mô hình trong đợt tổng kiểm tra an toàn PCCC và CNCH và tiếp tục nhân rộng trong thời gian tiếp theo. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 106 mô hình Tổ liên gia an toàn về PCCC trên 109 xã, phường, thị trấn; thành phố Phủ Lý xây dựng 9 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”. Bước đầu triển khai thực hiện các mô hình đã ghi nhận được nhiều kết quả tích cực, nhận được sự đồng thuận và tham gia tích cực của cấp ủy, chính quyền và quần chúng nhân dân.
Cùng đó, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm PCCC và CNCH trong các khu, cụm công nghiệp, Công an tỉnh đã phối hợp Ban Quản lý các KCN tỉnh, tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN, để giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định pháp luật về an ninh trật tự (ANTT), PCCC, môi trường, đầu tư xây dựng. Đồng thời kết hợp tuyên truyền đến các doanh nghiệp mục đích, ý nghĩa của đợt tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC theo chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh, Công an tỉnh. Qua hội nghị, các doanh nghiệp đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác đảm bảo ANTT nói chung và PCCC nói riêng.
Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến gần, điều kiện thời tiết hanh khô cũng như thói quen tích trữ, mua sắm hàng hóa của nhân dân tăng cao dẫn đến nhiều nguy cơ cháy, nổ, đòi hỏi công tác bảo đảm an toàn PCCC cần được tiếp tục siết chặt hơn nữa. Lực lượng chức năng và các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ, tăng cường kiểm tra đột xuất, phúc tra các cơ sở còn tồn tại về PCCC, đặc biệt các cơ sở kinh doanh Karaoke, quán bar trên địa bàn tỉnh, bảo đảm các điều kiện về PCCC trước khi hoạt động trở lại. Đồng thời đổi mới biện pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC sâu rộng đến từng đối tượng người lao động, người dân và chú trọng đến các cơ quan quản lý, người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp, chủ hộ gia đình…
Nguyễn Khánh