Ngày 23 tháng Chạp, các gia đình đều tranh thủ thời gian làm cơm cúng ông Công ông Táo. Dưới đây là gợi ý mâm cúng ông Công ông Táo 2023 đầy đủ, chi tiết.
Theo quan niệm dân gian Việt Nam, 23 tháng Chạp là ngày Tết ông Công ông Táo. Cứ đến ngày này, các gia đình lại chuẩn bị mâm cúng chu đáo, dâng lên một cách thành tâm.
Cụ thể, ông Công là thần Thổ công, vị thần trông coi nhà cửa, đất cát trong gia đình. Do đó, bát hương ông Công được đặt chung tại ban thờ tổ tiên.
Mỗi năm, đến ngày ông Công ông Táo, người dân cũng tiến hành làm lễ, đặt mâm cúng ông Công tại ban thờ tổ tiên. Mâm cúng ông Táo thường được đặt ở khu vực bếp của gia chủ.
Quan điểm trên cũng được GS.TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hoá Du lịch đồng tình. GS. TS Vũ Gia Hiền cho rằng, ông Công, ông Táo là 2 vị thần khác nhau.
Khi làm lễ cúng ông Công ông Táo, gia chủ phải đặt mâm cúng ở 2 nơi. Cụ thể, người dân cần đặt mâm cúng ông Công tại ban thờ tổ tiên, mâm cúng ông Táo tại khu bếp.
Ở miền Bắc, mọi người thường cúng ông Công ông Táo từ khoảng 20 tháng Chạp và muộn nhất là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Người miền Bắc quan niệm, sau 12h trưa ngày 23 tháng Chạp là ông Táo đã về chầu trời.
Lễ vật cúng ông Táo ở miền Bắc thông thường gồm: vàng mã, cá chép, bộ mũ, áo của các Táo, xôi, chè… hoặc làm cả mâm cơm cúng đủ món: gà luộc, canh măng, thịt đông, hành muối…
Sự khác biệt trong đồ lễ cúng của miền Bắc so với 2 miền còn lại đó là người miền Bắc thường cúng cá chép sống, hoặc cá chép giấy với số lượng khác nhau.
Nếu là cá chép sống, sau khi cúng xong người dân sẽ mang ra sông, suối phóng sinh, còn nếu là cá chép giấy thì cúng xong sẽ đốt.
Người miền Nam thường cúng ông Táo vào buổi đêm khoảng thời gian từ 20h đến 23h ngày 23 tháng Chạp. Mâm cúng ông Táo của miền Nam gồm có các món chủ đạo như: nem, giò, bánh chưng, hành muối, gà luộc, một đĩa đậu phộng, kẹo vừng đen và một bộ “cò bay, ngựa chạy”. Ở miền Nam, người dân không cúng cá chép, cũng không cúng mũ áo thờ.
Người miền Trung cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp rất trọng thể. Mâm cúng ông Táo của người miền Trung không có áo mũ vàng mã. Thế nhưng, người miền Trung thường dâng lên một con ngựa bằng giấy, có yên cương đầy đủ, dâng cúng nhiều lễ vật khác.
Theo truyền thống, nhiều gia đình ở Huế còn dựng cây nêu trước sân nhà trong sáng 23 tháng Chạp. Chiều 30 Tết, người dân làm lễ rước ông Công ông Táo về nhà và sáng ngày mùng 1 Tết sẽ an vị ông Táo mới.
Theo GS. Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo không cần thiết phải quá sang trọng, mâm cao cỗ đầy hay cúng bái những món vàng mã đắt tiền.
Hiện có gia đình đốt nhiều vàng mã, có cả điện thoại iPhone giấy, xe ôtô giấy, sắm cá chép quý, đắt tiền với hy vọng lễ vật càng nhiều thì càng thiêng.
Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền cho rằng việc làm này không chỉ tốn kém tiền của mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống.
Theo ông, khi cúng ông Công ông Táo, quan trọng nhất là sự thành tâm kính cẩn khi hành lễ. Trước khi làm cỗ cúng, các gia đình nên dọn dẹp nhà cửa, ban thờ cho gọn gàng, sạch sẽ.
Theo vietnamnet.vn