Giữ nét làng trong xây dựng nông thôn mới ở Kim Bảng

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư khang trang, kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao, song các làng, xã trong huyện Kim Bảng vẫn giữ nét đẹp của làng quê Việt.

Mặc dù đã thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM nhưng làng Phương Lâm, xã Đồng Hóa vẫn mang một dáng vẻ êm đềm, bình dị với những nét mộc mạc, cổ kính.

Ông Nguyễn Văn Lâu, 79 tuổi cho biết: Những năm gần đây, thôn quê thay đổi nhanh. Kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên. Ngoài đầu tư làm đường giao thông, nhân dân Phương Lâm rất quan tâm tu sửa, nâng cấp một số di tích cổ của làng như đình, chùa, miếu và xây dựng nhà văn hóa. Có không gian phục vụ sinh hoạt cộng đồng, mọi người trong thôn đoàn kết, gắn bó với nhau hơn, tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt.

Đình làng Phương Lâm được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1998. Phía trước đình là dải nước bao trọn bãi đất rộng - nơi diễn ra hội võ vật hằng năm; bên trái đình có một giếng nước cổ kè đá xanh, có cá vàng bơi trong làn nước trong vắt quanh năm. Tất cả tạo nên không gian rất cổ kính, yên bình. Điểm đáng chú ý là lễ hội làng Phương Lâm diễn ra từ mùng 9-14 tháng Giêng cũng được tổ chức tại đây nhằm tưởng nhớ Thành hoàng làng là ba vị tướng tài giỏi dưới thời Lý đã có công dẹp giặc Chiêm Thành đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Ngoài những nghi lễ trang trọng, một điểm nhấn của lễ hội truyền thống làng Phương Lâm chính là môn vật võ đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, bơi chải… vẫn được tái hiện thường xuyên trong hội làng tạo nên không khí sôi nổi, hấp dẫn, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài xã đến tham gia.

Ao làng được người dân thôn Yên Phú, xã Nhật Tựu (Kim Bảng) gìn giữ, bảo tồn như lá phổi xanh của làng.

Là làng có nghề, đời sống kinh tế người dân tương đối khá giả, song người dân thôn Yên Phú, xã Nhật Tựu vẫn luôn nêu cao ý thức giữ gìn, bảo tồn nét đặc trưng của làng quê truyền thống. Ao làng nước trong vắt với hàng cây xanh tốt bao quanh được xem là "lá phổi" xanh của làng. Mỗi khi trưa xuống hay chiều về, đông đảo già trẻ, trai gái, các cô, các mẹ lại cùng quây quần chuyện trò rôm rả trên những chiếc ghế đá được đặt ở quanh bờ. Những tiếng nói cười, những làn gió mát như xua tan cái nắng đầu hè chói chang.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Bí thư Chi bộ thôn Yên Phú cho biết: Để kinh tế phát triển thì yếu tố văn hoá luôn đóng vai trò hết sức quan trọng tạo tính bền vững, ổn định. Từ thực tế, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" có tác động rất lớn đến việc xây dựng NTM ở xã. Các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tham gia tập luyện thể dục thể thao… ngày càng đi vào chiều sâu. Mỗi người dân luôn biết tự ý thức xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội. Các hoạt động văn hoá, thể thao được xem là chất "xúc tác" giúp cho mọi người đoàn kết với nhau hơn và luôn có tinh thần xây dựng để xã phát triển. Chương trình xây dựng NTM không chỉ mang lại hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, mà còn góp phần rất lớn vào việc tạo dựng, phát triển nền văn hóa hiện đại. Xen giữa các ngôi nhà cao tầng vẫn còn có những ngôi nhà cổ được các gia đình gìn giữ, bảo tồn, dù trải qua nhiều đợt trùng tu nhưng vẫn giữ được nếp cũ.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trần Trọng Đại nhận định: Trong xây dựng NTM, các xã luôn biết gìn giữ, phát huy tôn thêm nét đẹp văn hóa làng. Đặc biệt những năm gần đây, hội làng được các xã tổ chức theo tinh thần bảo lưu, kế thừa những giá trị quý báu của văn hoá dân tộc và sắc thái văn hoá riêng của quê hương. Nhờ đó, công tác giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý "uống nước nhớ nguồn" và những nét bản sắc văn hoá độc đáo của từng làng được khơi dậy, phát huy. Làng quê giờ đây dần đẹp hơn, quy củ hơn nhưng vẫn giữ những nét riêng, sinh động, hài hòa. Điều quan trọng nhất là phong trào xây dựng văn hóa ở cơ sở phát triển rất mạnh mẽ, tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt, đời sống kinh tế ngày càng được nâng cao, hộ nghèo giảm dần qua các năm.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa làng không chỉ giữ lại những gì mà ông, cha ta đã dày công vun đắp, mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ những nét văn hóa truyền thống của quê hương, từ đó  viết tiếp những câu chuyện của làng thời NTM. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, mỗi người dân cũng cần phải có ý thức và trách nhiệm cao đối với việc giữ gìn nét đẹp văn hóa làng quê để mỗi người dù đi đâu vẫn nhớ, vẫn tự hào về quê hương…

Hoàng Hải

Hải Yến

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy