Giới trẻ với nghệ thuật làm tranh Kirigami

Kirigami là nghệ thuật cắt giấy có nguồn gốc từ Nhật Bản. Cũng giống như Origami (nghệ thuật gấp giấy), Kirigami du nhập vào Việt Nam và ngày càng được giới trẻ đón nhận, làm những bức tranh trang trí hay làm quà tặng.

Tại Hà Nam, tuy mới chỉ được biết đến không lâu, nhưng tranh Kirigami hiện được nhiều bạn trẻ yêu thích và đã góp mặt trong một số hoạt động vì cộng đồng ý nghĩa.

Phan Văn Định (xã Tân Sơn, Kim Bảng) là một trong những người trẻ đầu tiên đưa Kirigami về Hà Nam. Phan Văn Định chia sẻ: Kirigami được chia làm nhiều thể loại. Ngoài Kirigami truyền thống với những nét cắt đối xứng làm chủ đạo, Kirigami hiện đại ngày nay có nhiều sáng tạo đột phá. Kirigami hiện đại liên quan tới tính ba chiều của không gian, kiến trúc, được đưa vào thể hiện trên giấy để tạo ra những tác phẩm kiến trúc và hơn thế nữa là những tác phẩm nghệ thuật có tính trừu tượng cao.

Dựa theo hình thức thể hiện, Kirigami được chia thành nhiều loại: 0o, 90o, 180o, 360o. Kirigami 0o là những bức tranh đầy tính nghệ thuật được tạo trên một mặt phẳng bằng việc cắt giấy, lồng các mảnh giấy vào nhau. Kirigami 90o, 180o, 360o là dựa vào độ mở của tờ giấy để có được những sản phẩm nghệ thuật nổi lên trên mặt phẳng giấy.

Bản thân Phan Văn Định yêu thích thể loại Kirigami 180o hơn cả. Bạn thường dành nhiều giờ để làm ra các tác phẩm mô phỏng những công trình kiến trúc nổi tiếng như: cầu Cổng Vàng (Anh), tháp Eiffel (Pháp), chùa Một Cột (Hà Nội), nhà thờ Đức Bà (TP. Hồ Chí Minh)...

Bạn Đinh Thị Quỳnh (xã Thi Sơn, Kim Bảng) thường dành thời gian rảnh rỗi cho đam mê sáng tạo tranh Kirigami.

Hai vật dụng cơ bản, không thể thiếu trong nghệ thuật cắt giấy Kirigami là giấy và dao, ngoài ra còn có kéo, keo (keo hồ, keo sữa, keo 502), kẹp nhíp, thước, thớt lót (bàn cắt).

Theo chia sẻ của bạn Đinh Thị Quỳnh (xã Thi Sơn, Kim Bảng), giấy và dao trong Kirigami cũng khá đặc thù: Đa phần giấy sử dụng trong Kirigami là giấy có định lượng 180 gsm, có độ dầy hơn các loại giấy bình thường. Với những mẫu Kirigami 0o thì không cần giấy cứng, dày nhưng các mẫu Kirigami còn lại nên dùng giấy dầy và cứng hơn, tuỳ mẫu mà dùng giấy 180 - 200 - 220 gsm để bảo đảm độ chắc chắn cũng như giữ được hình dạng của mẫu.

Dao dùng trong cắt giấy Kirigami gồm các loại dao mổ, dao chuyên dụng, dao rọc giấy. Dao chuyên dụng cán tròn, thiết kế giống dạng cây bút viết, có đệm cao su ở tay, dễ cầm. Lưỡi dao có thể thay thế bằng lưỡi dao mổ số 11 để bảo đảm sắc, lưỡi mảnh và nhỏ. Tại Hà Nam, việc mua những loại giấy mầu có kích cỡ và định lượng đáp ứng nhu cầu của người "mê" Kirigami rất khó. Bản thân Quỳnh phải dành thời gian cuối tuần, tìm đến khu vực Trường Đại học Kiến trúc, Đại học Xây dựng (Hà Nội) để tìm mua được loại giấy ưng ý.

Thời gian đầu, Quỳnh dùng dao rọc giấy để cắt tranh nhưng độ sắc và thiết kế dao không thuận lợi cho việc cắt giấy tỉ mỉ, lâu dài nên bạn phải nhờ người tìm mua loại dao chuyên dụng từ Nhật Bản. Có thể thấy, làm quen, tiếp xúc, trải nghiệm Kirigami là điều rất đơn giản, nhưng để đam mê, tìm tòi và gắn bó với nghệ thuật cắt tranh này lại đòi hỏi sự đầu tư rất công phu, nghiêm túc.

Tác phẩm Lục ngư niên giả của Đinh Thị Quỳnh thuộc dòng tranh Kirigami phong thủy.

Đòi hỏi tính tỉ mỉ, độ kiên nhẫn cao cùng sự khéo léo, chi tiết nên Kirigami khá "kén" người theo đuổi. Bản thân những bạn trẻ theo đuổi nghệ thuật cắt giấy Kirigami cũng không tính đến lợi ích vật chất đem lại từ niềm đam mê này. Với các bạn, làm tranh đem đến nhiều đức tính quý báu trong cuộc sống từ những việc như: dành nhiều giờ đồng hồ để tỉ mỉ cắt tranh, chú ý tới từng nét cắt (hoặc thanh mảnh hoặc mau đậm), chú trọng tỉ lệ từng chi tiết sao cho khớp nối chuẩn xác... Và từ đó, các bạn có cơ hội được rèn luyện tính kiên nhẫn, cẩn thận và tư duy tốt về hình khối, độ đậm nhạt của ánh sáng, khả năng logic trong tạo hình...

Ngoài ra, mê tranh Kirigami, giao lưu với những người có cùng sở thích đã tạo nên không gian sinh hoạt, giải trí lành mạnh. Nhiều bạn có khả năng khéo léo thường thiết kế tranh Kirigami thành những mẫu thiệp độc đáo, làm quà tặng vô cùng ý nghĩa cho người thân, bạn bè. Phan Văn Định, Đinh Thị Quỳnh còn có sáng kiến đưa tranh Kirigami trở thành sản phẩm bán đấu giá nhằm gây quỹ ủng hộ cho các chương trình thiện nguyện trong và ngoài tỉnh.

Thời gian qua, nhờ những bức tranh Kirigami thuộc thể loại tranh phong thủy của hai bạn như: Tứ quý, Song ngư, Lục ngư niên giả... quỹ từ thiện "Đông ấm vùng cao" của các câu lạc bộ Nhân Ái Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội đã thu về số tiền 2 - 2,5 triệu đồng/bức, đóng góp một phần không nhỏ vào hành trình thiện nguyện.

Tranh Kirigami không chỉ dừng lại ở mức độ một trào lưu nước ngoài du nhập vào Việt Nam, nó thực sự trở thành môn nghệ thuật đòi hỏi sự tìm tòi, đầu tư thời gian công sức xứng đáng. Với những người trẻ ở Việt Nam nói chung, Hà Nam nói riêng, họ có thể là kỹ sư cơ khí "xù xì góc cạnh", là y tá bận mải với bệnh nhân, với công việc thường nhật, song đứng trước niềm đam mê Kirigami, họ trở thành những "kẻ" đeo đuổi nghệ thuật nhỏ bé nhưng đầy mơ mộng và nghiêm túc.

Nguyễn Khánh

Khánh Chi

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy