Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, trong đó, đổi mới hình thức, chú trọng nội dung tuyên truyền ngay từ cơ sở được coi là giải pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo đánh giá của ngành chức năng, thực trạng bạo lực gia đình hiện nay chủ yếu là bạo lực tinh thần, thân thể; đối tượng chủ yếu của bạo lực gia đình gồm trẻ em, người già, phụ nữ. Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng bạo lực gia đình: do ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, bất bình đẳng giới, trọng nam, khinh nữ, tính gia trưởng ở một bộ phận nam giới; do thiếu kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình; ảnh hưởng từ tệ nạn xã hội (rượu chè, cờ bạc, nghiện hút, mại dâm, ngoại tình…). Nạn nhân bạo lực gia đình thiếu hiểu biết về pháp luật, cam chịu, không dám công khai, tố cáo hành vi bạo lực gia đình cũng là một nguyên nhân khiến hành vi bạo lực gia đình gia tăng.
Những năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Sự ra đời của Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Luật Trẻ em năm 2016… là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền, lợi ích của các thành viên trong gia đình, nhất là người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, bước đầu đã tạo ra chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội và phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình chưa được triển khai hiệu quả vào cuộc sống, sự quan tâm và hiểu biết về lĩnh vực này chưa thực sự có chiều sâu bền vững, tình trạng bạo lực diễn biến phức tạp.
Trước thực trạng trên, thời gian qua các cấp, ngành, đơn vị chức năng đã có nhiều hoạt động tham mưu, phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình. Ngành lao động, thương binh và xã hội; ngành văn hóa, thể thao và du lịch, hội liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên, liên đoàn lao động từ tỉnh đến cơ sở đã thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, tọa đàm, hội thi… nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11,… với những chủ đề thiết thực được đông đảo nhân dân quan tâm, hưởng ứng như “Yêu thương và chia sẻ”, “Gia đình - tế bào của xã hội”, “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”. Cùng với đó, duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) như: “Phụ nữ với pháp luật”, “Nông dân với pháp luật”, “Bình đẳng giới”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Tự tin – tự trọng – trung hậu – đảm đang”. Đồng thời, phát huy vai trò của các đoàn thể trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Từ đầu năm đến nay, Công an huyện Bình Lục đã phối hợp tổ chức 35 buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật tại cơ sở, trong đó, có 5 buổi tuyên truyền những quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Xác định việc tuyên truyền pháp luật phải đạt hiệu quả thực chất, tránh hình thức, dàn trải, Công an huyện Bình Lục đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong sinh hoạt các CLB ngay tại địa bàn thôn, tổ phố. Thượng úy Bùi Phương Thảo, Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an huyện Bình Lục cho biết: Ngoài thông tin những nội dung cơ bản về thực trạng bạo lực giữa các thành viên trong gia đình; nhận diện hành vi bạo lực; nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình; xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình… Công an huyện đã xây dựng bộ tình huống (gồm 30 tình huống thường gặp) liên quan đến bạo lực gia đình. Trong quá trình tuyên truyền, để củng cố thêm kiến thức cho hội viên, Công an huyện lựa chọn đưa ra một số tình huống cụ thể, phù hợp để hội viên cùng tập trung phân tích, bàn luận phương án giải quyết. Từ đó, mỗi hội viên sẽ tự lĩnh hội, hình thành nên những kiến thức, kinh nghiệm thực tế về phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng hòa giải ở cơ sở.
Lựa chọn địa bàn cơ sở để tổ chức tuyên truyền pháp luật là một trong những cách làm đổi mới của Công an huyện Bình Lục nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Với số lượng người tham dự đông, nội dung tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những tình huống thực tế sẽ dễ dàng đưa thông tin pháp luật đến gần với người dân, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phòng chống bạo lực gia đình tại cơ sở.
Bà Trần Thị Khang, Chủ nhiệm CLB “Tự tin – tự trọng – trung hậu – đảm đang” thôn Vũ Xá (Tiêu Động, Bình Lục) chia sẻ: Khi tham dự buổi tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, tôi thấy có rất nhiều biểu hiện của hành vi này trong đời sống xã hội mà chúng tôi chưa nhận ra. Ví như tình huống mà báo cáo viên pháp luật đưa ra về ông V. là người gia trưởng, luôn quản lý chặt chẽ nguồn tài chính, mọi chi tiêu của vợ, con đều do ông quyết định và hạn chế tối đa. Nhà có xe đạp nhưng con đi học cách nhà 5km ông không cho sử dụng xe đạp. Ông quản lý chặt chẽ tiền bạc, buộc vợ, con phải phụ thuộc vào mình về tiền bạc, tài sản để khẳng định vai trò của mình. Khi được phân tích làm rõ, chúng tôi mới biết ông V. đã có hành vi bạo lực về kinh tế đối với thành viên gia đình và hoàn toàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngay sau hội nghị tuyên truyền, mỗi thành viên CLB chúng tôi đã được củng cố, bổ sung thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mới, sẵn sàng tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở, ngăn ngừa hiệu quả biểu hiện bạo lực gia đình.
Thời gian tới, để công tác phòng, chống bạo lực gia đình ngày càng đạt hiệu quả, rất cần sự vào cuộc đồng bộ hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Trong đó, chú trọng tăng cường, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới… ngay từ cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, tiến tới chuyển đổi hành vi của người dân về bạo lực gia đình.
Nguyễn Khánh