Chuyện về những người làm nghề giao hàng

Những năm gần đây, khi dịch vụ mua bán online ngày càng phát triển, "shipper" - người giao hàng dần trở thành cụm từ phổ biến nhiều người biết. Nghề này khá đơn giản, không đòi hỏi bằng cấp, kỹ năng nhiều, chỉ cần chăm chỉ và thông thạo đường phố là có thể theo nghề. Tuy nhiên, bước chân vào làm mới biết, nghề này có biết bao rủi ro, vui buồn theo mỗi chuyến vận chuyển.

Ảnh minh họa.

Bạn Bùi Đức Duy (sinh năm 1990, đường Lê Lợi, phường Lương Khánh Thiện, TP.Phủ Lý) có gần 3 năm làm shipper cho Công ty cổ phần giao hàng tiết kiệm chi nhánh Hà Nam chia sẻ: Ngay từ thời sinh viên tôi đã tích lũy được kinh nghiệm với nghề shipper. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, không tìm được công việc đúng chuyên môn, tôi làm thuê đủ nghề mà thu nhập lại không ổn định, nên cơ duyên đưa đẩy vẫn quay về với nghề này.

Duy kể, vì thời gian đầu công ty chưa có chi nhánh ở các huyện, số lượng shipper cũng chỉ khoảng 5-7 người nên đôi lúc Duy phải về những xã khá xa, bản đồ trên di động không thể chỉ rõ địa điểm cụ thể nên Duy vừa đi vừa hỏi, rất mất thời gian. Vất vả là vậy nhưng nghề này vẫn có cái vui, giao được hàng đến địa chỉ khó tìm, được chủ nhà mời cốc nước, cho thêm chút ít phụ phí cũng đủ "mát" lòng giữa ngày nắng oi bức.

Giá mỗi lần giao hàng dao động từ 10.000 - 40.000 đồng, tùy vị trí xa hay gần. Chịu khó chạy xe, số lượng đơn hàng nhiều, chỉ riêng làm cho công ty giao hàng tiết kiệm, thu nhập của Duy đã khá ổn định, luôn ở mức 6-8 triệu đồng/tháng. Không chỉ vậy, Duy còn quen thân được với một số cửa hàng và shop online, luôn gọi thuê Duy khi có khách hàng đặt ship COD (hình thức giao hàng, nhận tiền trực tiếp), tăng thêm được nguồn thu mỗi tháng.

"Người khác luôn nghĩ cả ngày dạo ngoài đường, vừa không an toàn, vừa mệt mỏi, nhưng tôi thích đi đây đó nên nghề này cũng mang lại nhiều niềm vui, thú vị, được biết thêm nhiều nơi, đường ngang ngõ tắt, lại có thêm thu nhập. Chỉ cần biến công việc thành sở thích sẽ thấy không còn vất vả nữa", Duy nói.

Không chỉ nam giới, một số bạn nữ cũng gia nhập đội quân shipper. Bạn Nguyễn Thị Tú Liên (đường Hoàng Văn Thụ, phường Lê Hồng Phong, TP.Phủ Lý), làm việc cùng công ty với Đức Duy cho biết, thời gian đầu Liên làm ở bộ phận chăm sóc khách hàng, tuy nhiên, công ty thiếu người nên thỉnh thoảng Liên cũng nhận thêm nhiệm vụ giao hàng. Cũng biết nghề shipper không phù hợp với nữ giới nên Liên thường tranh thủ thời gian giao hàng sớm, tránh đi tối, về muộn, địa chỉ nào quá xa đành nhờ đồng nghiệp nam khác giao hộ. "Cũng may tôi chưa từng gặp phải "thượng đế" bất lịch sự, thiếu tính hợp tác", Liên tâm sự.

Nghề nào cũng cần sự chuyên nghiệp, khéo léo, nếu biết cách sắp xếp đơn hàng, có mối giao hàng của nhiều shop online, mỗi tháng, một người giao hàng có thể bỏ túi vài triệu đồng. Tuy nhiên, nghề nghiệp có vẻ đơn giản này lại chẳng hề "dễ ăn" như nhiều người nghĩ. Thuận lợi giao hàng và nhận tiền thì không sao, nhưng nếu chẳng may gặp "thượng đế" khó tính, thời tiết không ủng hộ, shipper chắc chắn chịu thiệt, có khi phải ôm hàng về.

Trong quá trình giao hàng, không ít lần các shipper gặp phải tình huống rắc rối. Trường hợp của bạn Đức Duy và Tú Liên, làm việc tại công ty, gặp phải khách hàng khó tính, không chịu nhận hàng thì vẫn còn có thể lấy được phí đi lại và trả sản phẩm cho chủ cửa hàng. Nhưng với một shipper tự do như bạn Hoàng Anh Tuấn (sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Thương mại - Cơ sở Hà Nam), những lần đen đủi kia để lại cho Tuấn bài học nhớ đời.

Tuấn kể, do chưa có nhiều kinh nghiệm, trong một lần nhận giao hàng cho một bạn nữ bán mỹ phẩm online, em đã trả trước 500 nghìn đồng tiền hàng. Trước khi đi đã gọi điện hỏi rõ ràng, cụ thể, nhưng đến được địa chỉ lại bị "thượng đế" bỏ "bom", gọi điện thoại không ai trả lời, gọi về cho chủ shop cũng bị chặn số. Lúc này em mới ngộ ra mình bị lừa, đây đúng là bài học đắt giá. Rút kinh nghiệm, em chỉ nhận ship hàng cho những cửa hàng có địa chỉ cụ thể, nhưng vẫn không tránh được khách hàng "lầy", cò kè mặc cả từng đồng tiền ship, nhiều khi về tính còn không đủ xăng xe, tiền điện thoại.

Làm nhân viên tại cửa hàng thức ăn nhanh Lotteria (đường Lê Công Thanh, TP.Phủ Lý), anh Trần Tiến Nam than thở, nhiều khách hàng lạ lắm, gọi điện đặt đồ, nhân viên giao đến tận cửa còn "vùng vằng" không nhận vì không đúng ý, nhất quyết không trả tiền, không nhận hàng. Nhiều khi không còn cách nào khác, tôi đành phải mang đồ về báo cáo với chủ cửa hàng.

Vậy mới thấy, làm nghề nào cũng có cái khó của nghề đó. Trong khi các cơ quan chức năng chưa có chế tài cụ thể để quản lý loại hình kinh doanh này, shipper cần chủ động có những biện pháp tự bảo vệ tài sản cá nhân. Nên tìm hiểu thông tin khách hàng, tìm hiểu kỹ gói đồ mình nhận giao và đừng bao giờ nhận hàng từ một chủ shop xa lạ khi không có địa chỉ cụ thể. Khi phát hiện hành vi gian dối, cần đến cơ quan công an gần nhất trình báo để được hỗ trợ xử lý kịp thời. Còn với các "thượng đế", hãy là người mua hàng thông minh và có văn hóa ứng xử.

Thanh Vân

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy