Cẩn trọng khi sử dụng mỹ phẩm

Theo phản ánh của không ít người, son và kem làm trắng da là những loại mỹ phẩm được dùng phổ biến nhất và cũng là mặt hàng khiến chị em lo lắng nhiều mỗi khi lựa chọn để làm đẹp.

Qua khảo sát tại khu vực chợ Bầu và một số cửa hàng bán mỹ phẩm trên đường Lê Công Thanh, Trường Chinh, Quy Lưu… (thành phố Phủ Lý), dễ dàng nhận thấy, các mặt hàng mỹ phẩm được bày bán khá phong phú, từ son, kem chống nắng, kem dưỡng trắng da, phấn má cho đến sữa rửa mặt, nước hoa, kem bôi giảm mỡ bụng… với nhiều nhãn hàng trong nước và thế giới từ cao cấp đến bình dân.

Tại một cửa hàng bán mỹ phẩm trên đường Quy Lưu (phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý), chị Trương Thị Thúy (phường Lê Hồng Phong) - một khách hàng đã dùng mỹ phẩm nhiều năm nay nhưng vẫn tỏ ra e ngại, đắn đo khi chọn mua kem dưỡng ẩm, trắng da bởi thông tin về việc làm giả, làm nhái mỹ phẩm ngày càng dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong khi đó, chị lại không có căn cứ nào để có thể phân biệt hàng giả, hàng thật.

"Lần nào đi mua mỹ phẩm tôi cũng lo mua phải hàng giả rồi tiền mất tật mang. Cách đây ít lâu tôi đã phải đến bệnh viện điều trị viêm da do sử dụng một loại kem trộn làm trắng da. Một người thân của tôi thì bị lở loét môi do sử dụng son kém chất lượng…", chị Thúy cho biết.

Để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, người tiêu dùng nên lựa chọn những địa điểm bán hàng uy tín, như: hệ thống cửa hàng, nhà phân phối chính thức của nhãn hàng.

Trên thực tế, đã có nhiều người bị dị ứng, viêm da, loét vùng môi… do dùng phấn má, kem dưỡng da và son môi kém chất lượng. Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Hữu Chí, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm (Sở Y tế) cho biết:  Mỹ phẩm là 1 trong 3 mặt hàng "nóng" dễ làm giả nhất (gồm mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng).

Nhu cầu sử dụng mỹ phẩm ngày càng tăng nhưng những sản phẩm do cơ sở trong nước nghiên cứu để sản xuất ra chưa nhiều. Vì thế, người dân, nhất là ở khu vực thành phố thường có tâm lý sính ngoại khi dùng mỹ phẩm. Tuy nhiên, hầu hết người tiêu dùng khi tìm mua cũng mới chỉ để ý tới thương hiệu, dựa vào sự tư vấn của người bán hàng chứ chưa quan tâm đến tem mác, nguồn gốc xuất xứ… của sản phẩm.

Hằng năm, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm đều xây dựng kế hoạch và triển khai lấy mẫu mỹ phẩm để phân tích, kiểm nghiệm chất lượng. Tuy nhiên, do kinh phí, trang thiết bị, máy móc phục vụ cho công tác này còn rất hạn chế nên trung tâm chỉ triển khai kiểm nghiệm một số mẫu mỹ phẩm được bán tại một số hiệu thuốc, nhà thuốc lớn.

Còn đối với các cơ sở, cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm ngoài thị trường, trung tâm không có kinh phí để thực hiện việc lấy mẫu kiểm nghiệm. Hơn nữa, cũng do thiếu máy móc nên trung tâm mới chỉ đánh giá được về tiêu chí nhiễm chì, độ nhiễm khuẩn, chưa phân tích được các tiêu chí về giới hạn kim loại nặng và vi sinh vật, đặc biệt là nồng độ thủy ngân cho phép.

Đồng quan điểm với ông Vũ Hữu Chí, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) Vũ Văn Sơn cũng cho rằng, mỹ phẩm là một trong những mặt hàng dễ làm giả và khó quản lý về chất lượng. Bên cạnh những cửa hàng chuyên doanh, mỹ phẩm còn được bày bán tràn lan ở cả các quầy tạp hóa, hiệu sách, cửa hàng thời trang, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình thanh, kiểm tra.

Thêm vào đó, theo Nghị định 176/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, mức xử phạt chỉ từ 5-20 triệu đồng đối với kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, còn khá thấp so với lợi nhuận bán hàng nên chưa đủ sức răn đe. Đặc biệt, tâm lý ham rẻ và dễ dãi của người tiêu dùng là một trong những nguyên nhân chính khiến loại hàng này ngày càng phổ biến.

Theo bác sỹ chuyên khoa I Trịnh Đình Việt, Phó Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các trường hợp đến khoa khám chủ yếu là bệnh nặng và phải nằm điều trị nội trú để theo dõi. Trong đó, phần lớn là dị ứng thuốc nhuộm tóc và kem trộn không rõ nguồn gốc với mục đích để điều trị mụn và làm trắng da.

Để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, người tiêu dùng không nên chạy theo các chương trình khuyến mại, giảm giá từ các cửa hàng trên mạng xã hội, mà cần lựa chọn những địa điểm bán hàng uy tín (hệ thống cửa hàng, nhà phân phối chính thức của nhãn hàng). Bên cạnh đó, cần chú ý đến những chi tiết trên sản phẩm, như: nhãn mác, thông tin đầy đủ, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, thành phần và hướng dẫn sử dụng…

Hân Hân

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy