Thực tế hiện nay, đa phần người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống cần đến sự trợ giúp, hỗ trợ thường xuyên của gia đình, người thân, các cơ quan, tổ chức và toàn xã hội. Do đó, ngoài việc được bảo vệ quyền, nghĩa vụ như mọi công dân khác thì người khuyết tật cũng cần được bảo vệ các quyền và những ưu tiên dành riêng cho đối tượng này. Vì vậy, đòi hỏi công tác phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người khuyết tật cần thiết thực hơn, phù hợp với nhu cầu của người khuyết tật.
Nhu cầu về tuyên truyền pháp luật, TGPL của người khuyết tật là rất lớn nhưng hoạt động TGPL cho người khuyết tật những năm qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều người khuyết tật chưa biết đến quyền được TGPL miễn phí hoặc biết nhưng khó có thể tiếp cận với dịch vụ này do hoạt động truyền thông chưa sâu rộng, phương pháp truyền thông chưa phù hợp với các dạng tật khác nhau nên thông tin chưa đến được với đông đảo người khuyết tật. Đối với những người bị các dạng tật phức tạp, sinh hoạt trong môi trường hạn hẹp, giao tiếp ở mức tối thiểu với người xung quanh nên rất khó để thu thập thông tin, bày tỏ nhu cầu giúp đỡ về pháp lý.
Về phía các cơ quan, tổ chức trong quá trình xử lý, giải quyết công việc có liên quan đến người khuyết tật còn có tình trạng chưa quan tâm đúng mức việc phổ biến quyền được TGPL của người khuyết tật; không kịp thời thông báo, thông tin cho Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh về vụ việc cần TGPL, nên quá trình TGPL cho đối tượng này còn có trở ngại nhất định. Mặt khác, cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện, nhân lực làm việc của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh còn thiếu thốn, hạn chế… cũng là nguyên nhân khiến hoạt động TGPL cho người khuyết tật không thể mang tính chuyên sâu, chuyên biệt mà chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc lồng ghép thực hiện trong các chương trình phối hợp.
Nhận diện những nguyên nhân đặc thù nêu trên, thời gian qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hà Nam đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan khắc phục khó khăn, đẩy mạnh các hoạt động hướng tới bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người khuyết tật. Theo ông Nguyễn Văn Tình, Giám đốc trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, các hoạt động TGPL cho người khuyết tật ở Hà Nam được lồng ghép với các hoạt động TGPL khác nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong các kế hoạch, chương trình, đề án về người khuyết tật. Trong quá trình thực hiện, có sự tham gia, phối hợp giữa Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh với cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức về người khuyết tật, phòng tư pháp và UBND cấp huyện, cấp xã… Nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra hiện nay cho Trung tâm là đẩy mạnh công tác truyền thông về TGPL cho người khuyết tật một cách đầy đủ, phù hợp với từng đặc điểm khuyết tật của người được TGPL. Qua đó kịp thời nắm bắt và đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ về pháp lý của người khuyết tật.
Công tác TGPL cho người khuyết tật được Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thực hiện trên 3 nhiệm vụ chính: TGPL trong hoạt động tố tụng; tư vấn pháp luật và truyền thông về TGPL. Theo đó, thông qua quá trình phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã bào chữa và bảo vệ quyền lợi miễn phí cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính là bị can, bị cáo, bị hại, đương sự trong 4 vụ án hình sự, dân sự. Phối hợp với hội người khuyết tật từ tỉnh tới cơ sở tổ chức các hội nghị truyền thông về TGPL tại huyện Thanh Liêm, huyện Lý Nhân, thành phố Phủ Lý. Các hội nghị được tổ chức tới từng địa bàn xã, phường, thị trấn nhằm hướng mạnh về cơ sở, tạo điều kiện cho người khuyết tật có thể thuận lợi tham dự. Nội dung truyền thông cũng được Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh lựa chọn xây dựng dựa trên kết quả rà soát, tổng hợp nhu cầu về TGPL của người khuyết tật. Từ đó việc lựa chọn địa bàn tổ chức các hội nghị và nội dung tập huấn, TGPL đã mang tính thiết thực, đáp ứng đúng nhu cầu của người khuyết tật.
Tại hội nghị, nội dung phổ biến chính sách pháp luật có liên quan đến người khuyết tật được đề cập khá phong phú, tập trung vào các vấn đề người khuyết tật quan tâm như: Luật TGPL; Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn thi hành; các chính sách liên quan trực tiếp tới người khuyết tật trong các lĩnh vực như: y tế, giáo dục và đào tạo, lao động, việc làm, bảo trợ xã hội, hôn nhân gia đình...; các thủ tục hành chính để hưởng các chế độ liên quan đến khuyết tật. Cũng thông qua các buổi tập huấn kiến thức pháp luật, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã trực tiếp tư vấn, TGPL cho hơn 30 ý kiến thắc mắc, vấn đề pháp lý mà người khuyết tật đưa ra. Xoay quanh các vấn đề pháp lý như: chế độ chính sách dành cho người khuyết tật, tranh chấp đất đai, quyền thừa kế…
Ngoài ra, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về TGPL thông qua tăng cường thông tin, phổ biến về các chính sách ưu đãi đối với người khuyết tật trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình và các chương trình giải đáp pháp luật; tổ chức nói chuyện pháp luật cho người khuyết tật; phát miễn phí tờ gấp pháp luật giới thiệu về chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người khuyết trong đó có các tình huống pháp luật gần gũi và có liên quan thiết thực đối với người khuyết tật; tuyên truyền rộng rãi tới các câu lạc bộ người khuyết tật từ tỉnh đến cơ sở… Đồng thời, trên cơ sở rà soát nhu cầu TGPL của người khuyết tật, cán bộ Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã chủ động liên hệ (qua hình thức gọi điện thoại, gửi thư tay, gặp trực tiếp), tuyên truyền về quyền lợi, lĩnh vực, hình thức TGPL và trực tiếp tư vấn, TGPL theo nhu cầu cụ thể của người khuyết tật.
Có thể thấy, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ kiến thức pháp luật, TGPL cho người khuyết tật hiện nay đã bảo đảm theo hướng đổi mới hình thức, phương thức tiếp cận, trợ giúp; chọn lọc nội dung sát với nhu cầu của đa số người khuyết tật thông qua hoạt động rà soát, tổng hợp thông tin. Qua đó phần nào đáp ứng mối quan tâm cụ thể cũng như những băn khoăn, vướng mắc, nhu cầu hỗ trợ về pháp lý của người khuyết tật. Tuy nhiên, để người khuyết tật tiếp cận và sử dụng quyền được TGPL miễn phí thì việc truyền thông về TGPL không chỉ dừng lại ở đối tượng người khuyết tật. Việc truyền thông pháp luật về người khuyết tật cũng cần hướng tới đông đảo quần chúng nhân dân, qua đó nâng cao nhận thức, thái độ và sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật trong các hoạt động pháp lý.
Nguyễn Khánh