Bán hàng "live stream"

Chẳng cần ra đường, chỉ cần ngồi nhà với vài cú nhấp chuột, các "thượng đế" đã có thể lựa chọn những món hàng ưng ý. Có được tiện ích đó là bởi gần đây từ người kinh doanh nhỏ lẻ đến các nhãn hàng lớn hầu như đều lựa chọn "live stream" (một hình thức phát sóng trực tiếp video) facebook hoặc youtube để quảng cáo cho sản phẩm của mình.

Trước đây, chỉ có người nổi tiếng hoặc kênh truyền hình đủ điều kiện mới sử dụng hình thức "live stream". Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi tính năng này được phổ biến cho số đông người dùng, nhiều chủ shop hoặc cá nhân bán hàng online nhanh nhạy đã ngay lập tức bắt kịp xu hướng ứng dụng rộng rãi tiện ích này.

Chị Trần Thị Thùy Nhung (chủ tiệm quần áo thời trang trên đường Văn Lâm, thị trấn Quế, Kim Bảng) cho hay: Dù có mở cửa hàng tại nhà nhưng tôi vẫn thường xuyên sử dụng facebook để tăng nhanh khả năng "đẩy" hàng. Ngoài chụp hình, đăng ảnh sản phẩm lên facebook, gần đây tôi bắt đầu ứng dụng tiện ích "live stream" để tăng thêm sự tương tác với khách hàng.

Ban đầu người xem chưa đông lắm (60-70 người đã là nhiều) nhưng sau khi tôi chia sẻ video trực tiếp ở các nhóm bán hàng trực tuyến, tìm kiếm nguồn khách mới, lượng người xem tăng lên gấp đôi, gấp ba, số đơn hàng cũng theo đó tăng dần. Vì vậy, khách mua hàng không chỉ là người Hà Nam mà còn có rất nhiều người ngoại tỉnh. Theo chị, điều quan trọng nhất để bán được hàng ngay khi "lên sóng" ngoài giá cả phải chăng thì mẫu mã phải đẹp, lạ, chất lượng. Buôn bán theo phương thức nào cũng cần phải giữ chữ "tín" thì mới lâu bền.

Tính năng “live stream” trên mạng xã hội được các chủ cửa hàng sử dụng để tăng lượng tương tác với khách hàng.

Cũng theo chị Nhung chia sẻ, "live stream" ngày càng được dân bán hàng online coi là công cụ đắc lực vì chủ cửa hàng có thể giới thiệu cặn kẽ, chi tiết hơn sản phẩm của mình, trực tiếp trả lời thắc mắc của người mua.

Khách hàng theo dõi "live stream" cũng có thể yên tâm phần nào khi được "nhìn" thực tế sản phẩm, từ kiểu dáng đến màu sắc đều rất rõ nét. Nhiều shop còn thuê cả mẫu dáng chuẩn, gương mặt ưa nhìn để mặc đồ cho khách xem thử. Khách hàng không thể thử trực tiếp nên cũng cần thông qua mẫu để áng chừng cho bản thân. Hơn nữa, những người bỏ thời gian theo dõi "live stream" gần như đều có nhu cầu mua hàng thực sự.

Vì vậy, mỗi lần "phát sóng" đều bán được khá nhiều đơn, không như hình thức khác, phải mất công gõ chữ giới thiệu, tư vấn cả giờ đồng hồ mà chưa chắc đã bán được hàng.

Thời buổi công nghệ lên ngôi, các hãng lớn cũng không chịu kém cạnh những tiểu thương nhỏ lẻ. Chi nhánh YODY Fashion tại Hà Nam có lẽ là thương hiệu chịu khó "phát sóng" nhất. Từ các sản phẩm trong bộ sưu tập mới đến chương trình giảm giá, khuyến mãi, các nhân viên cửa hàng đều rất chăm chỉ thay từng bộ đồ, vừa trình diễn trước ống kính vừa liên tục giới thiệu về sản phẩm và trả lời thắc mắc của người xem.

Các buổi "live stream" thường kéo dài khoảng 30 phút, mục đích chính là tăng lượng tương tác, kích cầu doanh số. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, khách hàng có thể đặt mua sản phẩm trực tuyến hoặc trực tiếp đến cửa hàng để thử đồ, giúp các "thượng đế" giảm được phần lớn thời gian lựa chọn.

Theo chị Nguyễn Thu Phương (nhân viên cửa hàng), trong khi các hình thức quảng cáo facebook ngày càng đắt thì "live stream" gần như có giá bằng 0. Chỉ với điện thoại hoặc máy tính kết nối internet đã có thể tự tổ chức một buổi phát sóng trực tuyến.

Live stream giúp người bán có thể tiếp cận nhanh với những khách hàng tiềm năng vì khi bắt đầu lên sóng, bạn bè, những người like fanpage đều sẽ nhận được thông báo, tạo độ lan truyền cao. Khi người theo dõi video để lại bình luận hay cảm xúc thì bạn bè của người theo dõi cũng có thể thấy được video "live stream".

Chưa kể "live stream" giúp chốt giá sale (ưu đãi) rất nhanh, khách hàng có thể cảm nhận được tình trạng sản phẩm và trả giá ngay tại buổi phát sóng. Mọi thứ diễn ra thuận lợi, nhanh chóng nên "live stream" ngày càng được ưa chuộng cũng là điều dễ hiểu.

Thuận tiện như vậy nhưng thực chất đây vẫn là kiểu kinh doanh online giao tiếp qua màn hình thiết bị điện tử nên ít nhiều vẫn tiềm ẩn nguy cơ cho cả người mua lẫn người bán. Người bán thì dễ gặp "bom hàng" vì phần lớn khách hàng hiện nay đều yêu cầu chuyển hàng theo hình thức COD (giao hàng nhận tiền trực tiếp), chỉ cần không ưng ý sản phẩm hoặc hết hứng mua, khách trả hàng là chuyện bình thường.

Còn người mua thì vẫn không tránh khỏi mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng, bởi nhìn qua màn hình không thể bằng thử trực tiếp. Vì vậy, khi mua hàng cũng nên lựa chọn những cửa hàng, thương hiệu uy tín để tránh trường hợp mất tiền, mất cả niềm vui.

Thanh Vân

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy