An toàn thực phẩm - Nhìn từ góc độ người sản xuất, kinh doanh

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2018 có chủ đề "Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm". Bảo đảm ATTP không chỉ là nghĩa vụ của người SXKD trong thực hiện các quy định của pháp luật mà còn là trách nhiệm của họ về góc độ đạo đức đối với cộng đồng.

Nhiều người dân thành phố Phủ Lý hẳn vẫn nhớ thương hiệu bún bò Huế - Hà Bé và bài học xương máu về cái giá phải trả cho việc kinh doanh bất chấp các quy định về ATTP.

Khởi đầu với quán bún bò Huế nhỏ trên đường Biên Hòa ngày mới tái lập tỉnh, với kỹ thuật chế biến điêu luyện, quán ngày càng nổi tiếng và thu hút rất đông khách. “Ăn nên làm ra” với thương hiệu này, chỉ sau một thời gian ngắn chủ quán đã mua đất, xây một nhà hàng lớn ở cuối đường Biên Hòa và kinh doanh cả món lẩu lòng bò.

Nhà hàng đông khách hơn gấp bội, trở thành địa chỉ ăn uống quen thuộc của người dân. Nhà hàng luôn gần như kín khách. Đang lên như “diều gặp gió", chợt một hôm đoàn kiểm tra ATTP của tỉnh vào kiểm tra và phát hiện sự thật kinh hoàng: lòng bò được ngâm chất cấm cho giòn, để được lâu mà không bị thối. Rồi lòng bò để trong khu vệ sinh, nhân viên đi ủng giẫm, chà để làm sạch,…

"Tiếng dữ đồn xa", từ nườm nượp khách vào ra mỗi buổi trưa, tối, bỗng chốc nhà hàng vắng lặng không một bóng người, việc làm ăn sụp đổ hoàn toàn. Chủ nhà hàng phải bán tháo toàn bộ nhà cửa và nghe đâu phải chuyển đi tỉnh khác sinh sống vì bị người dân tẩy chay, lên án. Nỗi ám ảnh của sự việc lớn đến nỗi người mua nhà hàng cũng không thể làm ăn gì được tại cơ sở này, chỉ cho thuê từng phòng nhỏ để trữ hàng, làm lớp mầm non tư thục,…

Đoàn kiểm tra ATTP của tỉnh kiểm tra tại Khách sạn Inco 515.9.

Một ví dụ điển hình nữa về cái giá phải trả cho việc làm ăn gian dối của một cơ sở sản xuất thực phẩm. Đó là cơ sở làm bánh phở của gia đình ông Vũ Mạnh Hùng (trú tại tổ 2, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý). Đây có thể nói là cơ sở làm bánh phở lớn nhất của tỉnh với sản lượng xuất đi khoảng 600 kg bánh phở/ngày.

Tuy nhiên, đầu năm 2017, lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện cơ sở cho formol (một chất cấm dùng trong thực phẩm) vào bánh phở để bảo quản. Cơ sở đã bị xử phạt hơn 40 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 2 tháng. Điều đáng nói là sau khi hết thời hạn bị đình chỉ, gần như các mối hàng đã quay lưng với cơ sở này. Từ chỗ bán khoảng 600 kg bánh phở/ngày, cơ sở này gần như không còn đường làm ăn.

Đối ngược với những cơ sở vì lợi nhuận bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng, có những cơ sở biết giữ chữ "tín" về chất lượng và ngày càng ăn nên làm ra. Trong đợt thanh kiểm tra liên ngành về ATTP tháng 9/2017, khi đoàn kiểm tra vào chợ Bầu, thành phố Phủ Lý, hầu hết các quầy hàng bán giò đều nhanh chóng "tẩu tán" sản phẩm. Nhanh tay thu được một mẫu giò lợn, cán bộ đoàn kiểm tra làm test nhanh và xác định dương tính với hàn the. Các sản phẩm giò bị "tẩu tán" chắc chắn đều có hàn the.

Tuy nhiên, với quầy bán giò chả của bà Lê Thị Vân, chủ cửa hàng hoàn toàn bình tĩnh khi đoàn kiểm tra đến lấy mẫu thử. Kết quả kiểm tra, giò của bà không có hàn the. Bà Vân cho biết,  làm giò không cho hàn the, nhiều khi bị hỏng, nhưng quan điểm của bà là phải củng cố kỹ thuật, đặc biệt là khâu chọn thịt phải chuẩn để hạn chế tối đa việc hỏng hàng chứ không cho hàn the vì việc làm đó "thất đức", gây ung thư, bệnh tật cho bao người. Sau đợt thanh kiểm tra đó, bà Vân còn treo biển "Giò không hàn the" ngay tại quầy và khách đến cửa hàng bà ngày càng đông. Cũng nhờ kỹ thuật chế biến tốt, biết giữ chữ "tín" về chất lượng với khách hàng mà không ít cơ sở SXKD thực phẩm ở thành phố Phủ Lý ngày càng "ăn nên làm ra", như cơ sở cháo Bé Linh, chè bà Phóng (đường Châu Cầu), chè Sài Gòn (đường Biên Hòa),...

Trong SXKD thực phẩm-loại hàng hóa liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, chữ "tín" luôn được đặt lên hàng đầu. Rất nhiều người khởi nghiệp với một cửa hàng nhỏ, thậm chí chỉ là một gánh hàng, nhưng nhờ kỹ thuật chế biến tốt, luôn bảo đảm chất lượng, cùng với cái "duyên" bán hàng đã phát triển thành những điểm ăn uống, nhà hàng thu hút đông khách. Và ngược lại, nhiều cửa hàng đang đông khách nhưng khi bị phát giác lừa dối khách hàng, không chỉ bị cơ quan chức năng xử phạt mà cái giá phải trả là khách hàng quay lưng lại, coi như "sập tiệm".

Trong đợt thanh kiểm tra nhân Tháng hành động ATTP năm 2018, khi kiểm tra Khách sạn Mường Thanh Luxury Hà Nam, Khách sạn Inco 515.9, cả giám đốc hai khách sạn đều cho rằng mong "được" đoàn kiểm tra thường xuyên, phát hiện giúp những gì còn sơ suất để đơn vị sửa chữa.

Ông Nguyễn Thái Hải, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Luxury chia sẻ: Là khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao với 80% khách nước ngoài lưu trú và ăn uống tại đây, rồi các buổi tiệc đông người của cơ quan, đơn vị, gia đình, công tác bảo đảm ATTP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự sống còn của đơn vị. Nếu không kiểm soát kỹ nhỡ có vấn đề gì liên quan đến mất ATTP xảy ra sẽ gây thiệt hại không thể bù đắp.

Yên Chính

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.