Nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) đối với học sinh, góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường an toàn, lành mạnh, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) thành phố Phủ Lý phối hợp với Trường THPT B Phủ Lý vừa tổ chức “Phiên tòa giả định” xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra trong trường học. Đây là “Phiên tòa giả định” đầu tiên trên địa bàn tỉnh đề cập nội dung phòng, chống bạo lực học đường được đưa vào trường học để TTPBGDPL theo hướng trực quan, sinh động, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, cần được tiếp tục nghiên cứu áp dụng nhân rộng.
Thời gian gần đây, một số biểu hiện vi phạm pháp luật liên quan đến thanh, thiếu niên, học sinh, như: vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích… có biểu hiện gia tăng đáng lo ngại, ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa, an toàn học đường. Để giúp các em lứa tuổi vị thành niên dễ tiếp cận, dễ hình dung, qua đó nâng cao hiểu biết về pháp luật, chủ động phòng tránh những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra, Viện KSND thành phố Phủ Lý phối hợp cùng Tòa án nhân dân thành phố, Trường THPT B Phủ Lý tổ chức “Phiên tòa giả định” về phòng, chống bạo lực học đường. Nội dung “Phiên tòa giả định” gắn với thực tế một số vụ án có liên quan đến người chưa thành niên phạm tội; “bị cáo” tại phiên tòa là những học sinh xuất phát từ một số xích mích nhỏ, thường gặp do không làm chủ được hành vi, sẵn sàng phạm tội thể hiện cái tôi cá nhân dẫn đến phải xử lý hình sự.
“Phiên tòa giả định” lần đầu tiên tổ chức tại Trường THPT B Phủ Lý được thực hiện thông qua hình thức sân khấu hóa. Nội dung vụ án là “Cố ý gây thương tích” xảy ra trong trường học; “bị cáo” là học sinh lớp 11 chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong lớp học đã dẫn đến hành vi dùng dao đâm “bị hại” - bạn học cùng lớp, gây thương tích làm tổn hại 35% sức khỏe bạn học. Quá trình diễn ra “Phiên tòa giả định”, các tình tiết trong vụ án đã thực sự thu hút, lôi cuốn đối với giáo viên và học sinh nhà trường. Các vai diễn, nhất là vai “bị cáo” được lựa chọn bảo đảm phù hợp với tâm lý, trình độ hiểu biết pháp luật của một học sinh khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó, nội dung phát biểu “luận tội” của đại diện Viện kiểm sát, ý kiến của các thành viên Hội đồng xét xử, Luật sư bào chữa tại phiên tòa, ý kiến của gia đình “bị hại”, người dám hộ của “bị cáo”, trợ giám viên pháp lý… đã giúp các em học sinh, giáo viên nhà trường nhận diện rõ hơn về hành vi “cố ý gây thương tích”, gây nguy hiểm đến tính mạng con người, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại nhà trường cũng như địa phương.
Trước những lập luận sắc bén, có lý có tình của Hội đồng xét xử, “bị cáo” đã nhận thức đầy đủ hành vi vi phạm của bản thân, tỏ rõ thái độ ăn năn và mong muốn được tạo cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Trên cơ sở tính chất, mức độ vi phạm và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đã tuyên “bị cáo” 39 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điểm c, Khoản 3, Điều 134 Bộ luật Hình sự. Đây là “mức án” phù hợp, có tính răn đe, đồng thời chuyển tải thông điệp đến các em học sinh về việc phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và hậu quả phải gánh chịu nếu vi phạm pháp luật…
Nói về cảm nhận của bản thân khi tham dự “Phiên tòa giả định”, em Trần Thị Hằng Nga, học sinh lớp 12A1, Trường THPT B Phủ Lý chia sẻ: Đây là lần đầu tiên em được biết đến cách thức hoạt động của một phiên tòa. Việc tổ chức TTPBGDPL thông qua hình thức sân khấu hóa về “Phiên tòa giả định” rất lôi cuốn, giúp chúng em là đối tượng tiếp nhận dễ hình dung và tự giải đáp những thắc mắc liên quan đến một số hành vi vi phạm pháp luật và các mức xử phạt đối với lứa tuổi học sinh khi mắc các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó góp phần giáo dục đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử cho thanh, thiếu niên, học sinh.
Cùng chung cảm nhận, em Nguyễn Đức Mạnh, học sinh lớp 11A5, Trường THPT B Phủ Lý bộc bạch: Trong môi trường học đường cũng như trong cuộc sống, mâu thuẫn, va chạm là khó tránh khỏi. Thực tế, ở lứa tuổi chúng em đã xảy ra nhiều tình huống tương tự, nhưng không phải ai cũng nhận thức đúng và biết cách giải quyết phù hợp. Do nhận thức, tuổi trẻ bồng bột, dễ bị kích động, chúng em khó kiểm soát được ý thức, tình cảm, dễ dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật. Được chứng kiến “Phiên tòa giả định”, chúng em không chỉ được trang bị thêm kiến thức về pháp luật, mà còn liên hệ, học tập một số kỹ năng cơ bản để xử lý những tình huống cụ thể khi xảy ra mâu thuẫn.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Thu, Hiệu trưởng Trường THPT B Phủ Lý cho biết: Thời gian qua, nhà trường đã có nhiều cách thức TTPBGDPL cho học sinh, như: lồng ghép tuyên truyền sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, trong một số môn học xã hội. Tuy nhiên, việc TTPBGDPL thông qua “Phiên tòa giả định” là hình thức lần đầu tiên nhà trường phối hợp thực hiện, được giáo viên, học sinh hưởng ứng tích cực. Tình huống phạm tội và mức xử phạt mà “Phiên tòa giả định” đề cập đã góp phần răn đe, cảnh báo những hành vi vi phạm pháp luật đối với học sinh, từ đó giúp các em tự nâng cao ý thức và rút ra bài học kinh nghiệm thiết thực cho bản thân. “Phiên tòa giả định” tác động rất sâu sắc đến nhận thức và hành vi, thái độ của các em sau này. Tôi mong rằng, thời gian tới cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phối hợp với nhà trường để tổ chức các “Phiên tòa giả định”.
Có thể nói, việc tổ chức “Phiên tòa giả định” là một trong những hình thức TTPBGDPL hiệu quả, tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với mỗi học sinh khi tham dự phiên tòa, bởi tình huống thực tế gần gũi, sát hợp với đời sống của giới trẻ, qua đó góp phần nâng cao kiến thức về pháp luật cho giáo viên, học sinh trong các nhà trường. Nhân dịp này, lãnh đạo Viện KSND thành phố Phủ Lý còn lồng ghép tuyên truyền, phổ biến một số thông tin về công tác tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; chia sẻ với các em học sinh về định hướng tương lai nghề nghiệp khi trở thành sinh viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện KSND thành phố Phủ Lý cho biết: Đây là “Phiên tòa giả định” đầu tiên trên địa bàn tỉnh được Viện KSND thành phố Phủ Lý phối hợp với cơ sở giáo dục triển khai thực hiện trong nhà trường. “Phiên tòa giả định” giúp các em học sinh có cái nhìn sinh động, cụ thể và thực tế hơn về các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó nâng cao ý thức chấp hành nội quy của nhà trường cũng như pháp luật của Nhà nước. Từ kết quả của “Phiên tòa giả định” này, thời gian tới, Viện KSND thành phố Phủ Lý tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, trường học tổ chức nhiều “Phiên tòa giả định”, góp phần cải tiến, đa dạng hóa hình thức TTPBGDPL đến nhiều đối tượng, đặc biệt là thanh, thiếu niên, học sinh trên địa bàn, qua đó thiết thực góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Trần Ích