Phần I: Địa lý (Chương XXVI)

Địa hình Hà Nam có núi ở phần phía tây của tỉnh (các huyện Kim Bảng và Thanh Liêm), có dãy Đội Diệp ở huyện Duy Tiên. Hà Nam cũng có những vùng đồi (ở huyện Kim Bảng, huyện Thanh Liêm). Nhưng về cơ bản Hà Nam là đất bằng, đất châu thổ.

Chương XXVI

NHÀ Ở

Nhà ở bao giờ cũng dựng theo địa hình, thế đất và phương vị. Địa hình Hà Nam có núi ở phần phía tây của tỉnh (các huyện Kim Bảng và Thanh Liêm), có dãy Đội Diệp ở huyện Duy Tiên. Hà Nam cũng có những vùng đồi (ở huyện Kim Bảng, huyện Thanh Liêm). Nhưng về cơ bản Hà Nam là đất bằng, đất châu thổ. Dân cư tập trung ở những xóm núi, ở các thị trấn (huyện, xã), ở các làng xóm trên những khu đất cao vùng đồng bằng và ở thị xã Phủ Lý. Hà Nam có nhiều sông, ngòi, đầm vực, nên lại có ngư dân ở những xóm chài, nửa trên bờ, nửa dưới thuyền; có khi không có đất, ở hẳn dưới nước thành xóm thuyền. Lại có dân ngụ cư không đất, không thuyền thường ở rìa làng tạo thành xóm trại. Nói chung, nhà ở dân cư Hà Nam chủ yếu là ở tập trung thành làng xã, thôn, xóm, trại và các thị trấn.

Ngôi nhà xưa chủ yếu là nhà tranh tre nứa lá. Hình bóng của nó còn lại trong phương ngữ, rất phổ biến trong dân gian: “Nhà tranh vách đất”. Cho đến tận cuối thế kỷ XIX, nhà ông quan Tam nguyên Nguyễn Khuyến vẫn còn một dãy là “Năm gian nhà cỏ thấp le te”. Đến khi khá dần, những nhà khá giả trong làng mới kiến tạo mô hình “Nhà ngói cây mít”. Đa số dân cư vẫn giữ tập quán là cha mẹ bao giờ cũng mong muốn để lại cho con cháu một nơi che mưa, che nắng chắc chắn, bình an để nối mãi gia tộc. Có câu “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”. Trong đó công việc thứ 3 được coi là công việc của cả đời chắt bóp, chắt chiu, dành dụm. Lại có câu “An cư lập nghiệp”, để thấy ngôi nhà ở quan trọng đến thế nào.

Đến thời cận, hiện đại, nhà ở Hà Nam đa dạng, nhiều vẻ. Do sự pha trộn của nhiều kiểu kiến trúc khác nhau (nhà vẫn giữ nóc, nhưng lại có hiên Tây - mái hiên bằng); cũng nhờ kinh tế ngày một phát triển, nhà ở các thị trấn, ở tỉnh lỵ hiện nay đã có phần lấn át ngôi nhà truyền thống. Ngay ở các làng, xã thì xu hướng đô thị hóa cũng mạnh dần. Ngõ xóm Hà Nam xưa kia bằng gạch “lan nhai” (con gái đi lấy chồng phải góp gạch cho làng làm đường) hoặc bằng đất (“Giếng làng anh vừa trong, vừa mát; Đường làng anh đất cát dễ đi") nay đang bê tông hóa dần dần. Đành rằng phải bê tông mới tốt và chắc mới sạch sẽ, vệ sinh, nhưng đường bằng gạch vỉa nghiêng xem ra lại “mát chân” hơn và kẻ lữ khách từ xa về làng bước từng bước thấy có gì đó mộc mạc, bình dị, thân thương, như thấy cả nguồn mạch của cha ông.

Ảnh minh họa

I - MẤY KIỂU NHÀ XƯA

1. Nhà tranh

Nhà tranh phổ biến có hai kiểu: 1 gian hai chái và 3 gian hai chái.

a. Nhà 1 gian hai chái:

Chất liệu nhà là bằng tre ngâm (có thể có cả gỗ xoan loại nhỏ, cũng được ngâm để chống mối mọt). Kết cấu gồm 2 vì kèo chính, 2 vì kèo phụ. Kèo chính có hình dạng:

Như một tam giác gồm 6 đoạn tre cứng (thường là tre đực), ở mỗi đầu đục tròn thành lỗ, sao cho gióng thẳng 4 lỗ. Sau đó dùng gốc tre, chẻ và vót nhẵn thành những con xỏ dài chừng 30 - 35cm. Dùng con xỏ đút vào 4 lỗ gióng cho chặt mỗi đầu vì kèo. Phải tính toán sao cho lỗ của đầu đoạn tre để sau nhỏ dần cho khớp với con xỏ. Cuối cùng lấy dây mây vót nhẵn néo chặt mỗi đầu kèo cho khỏi xê xích. Hai đáy kèo, mỗi bên lại cũng dùng con sỏ nối với 1 cột:

Cột cắm xuống nền đất, chân cột thường được bôi chất chống ẩm hoặc chèn chặt bằng gạch, đá vụn. Kèo phụ ở hai bên chái không có tam giác mái ở trên, chỉ như hình chữ nhật:

Nối giữa 2 kèo chính và 2 kèo phụ là 1 cây nóc ở trên, 2 cây suốt ở 2 bên chái và 2 cây suốt nữa ở trước và sau nhà. Có hai cột chính ở trước để làm khung cửa, chỗ lõm ở đầu như chữ V tròn là để ôm lấy suốt trước. Rồi lại có các cột phụ xung quanh nhà, khoảng 80 - 100cm dựng 1 cột. Ở giữa 2 cột lại đục thành lỗ vuông để chèn then ngang:

Các then ngang càng dày thì vách càng vững. Lấy tre chẻ ra dựng đứng làm “nhứng” (có nơi đọc là “dừng”, “dứng”), lấy lạt (lạt là từ tre non chẻ mỏng, phơi tái) buộc nhứng với then ngang, lạt buộc cũng phải buộc chéo tay (buộc song song thì các cây nhứng không chắc):

Buộc lạt tức là vòng 2 lần, xoắn chặt rồi đút đầu thừa vào khe hở giữa vòng lạt và cây nhứng. Lỗ nhứng vuông 10cm * 10cm.

Xong khung rồi đến làm mái. Thường thì khi đã dựng khung nhà mấy việc ấy làm song song nhau. Mấy người khỏe trèo lên mái còn mấy người ở dưới cứ buộc nhứng. Việc đầu tiên của mái là đặt cây nóc. Trước khi làm nhà người ta xem ngày. Ngày tốt là làm. Lại chọn giờ tốt để đặt nóc. Giờ tốt sớm thì đặt nóc trước, giờ tốt muộn thì cứ dóng các đòn tay trước, cây nóc để lại. Đòn tay tính từ nóc xuống mái. Mái kèo thường chờm xuống ngoài kèo khoảng 70cm để tránh mưa hắt. Đòn tay đặt song song với cây nóc, bao giờ cũng là số lẻ và ứng với chữ sinh. Cách đếm: sinh, lão, bệnh, tử, sinh. Vậy số đòn tay có thể là 9 hoặc 19, cây nóc đếm cho cả mái trước, mái sau. Dưới mỗi đòn tay lại đục 1 lỗ vuông rồi đóng 1 chốt giữ bằng gốc tre đực cho đòn tay khỏi trôi, rồi đòn tay được níu chặt vào kèo cũng bằng dây mây hoặc lạt bện. Buộc đòn tay là buộc rui xuôi theo 2 mái, đặt vuông góc với đòn tay. Xong rui đến mè, buộc suốt chạy song song với đòn tay. Mè phải tính sao cho khớp với đầu hàng tranh hoặc đầu hàng rạ lợp. (Rui là cây tre chẻ làm tư, dài bằng độ dốc của mái, lúc buộc thì ngửa lòng lên trên; mè là cây tre chẻ làm 8, dài bằng độ dài đòn tay, lúc buộc thì úp xuống; rui). Buộc xong mè, đến lợp mái. Có hai loại vật liệu dùng để lợp:

Gọi là nhà tranh là vì nhà được lợp bằng tranh, có thể đó là tranh được đánh bằng lá mía hoặc bằng rạ. Thường thì tranh được đánh đôi cho dầy và chắc. Chẻ 4 cái cật tre dài khoảng 1,5m đến 2m, bện lại 1 đầu sau đó đánh tranh kiểu xen kề 2 trên 2 dưới cho giạ hoặc lá mía không bị lỏng, đánh được khoảng 50cm lại lấy lạt buộc chốt để giữ. Tranh rạ đánh từ đầu ngọn, còn tranh lá mía đánh theo kiểu gấp đôi từng nắm lá, úp cuống lá luồn xuống dưới, đầu lá quay lên trên.

Khi lợp thì lợp từ dưới lên, lùi dần lên nóc (đầu tiên quay 1 lớp tranh ngược, để giữ mái; sau đó cứ lợp từng lớp tranh, cứ mỗi lớp lại nẹp buộc cho tranh khỏi tốc mái). Tranh lá mía thì lợp xoay đầu cuống lá lên trên. Đầu tiên có thể chuyền tranh bằng tay. Sau lên cao dần phải dùng 1 cái sào buộc 1 đoạn cây ngang ở ngọn rồi xóc tranh đưa lên cho người lợp.

Mái nhà cũng có thể được lợp bằng rạ. Rạ được đon thành từng bó, rồi đưa từng bó lên lợp thành mái. Lợp rạ khó hơn lợp tranh, phải là người có kinh nghiệm và chuyên nghề đi lợp thuê. Lợp rạ bao giờ cũng phải quay gốc rạ xuống dưới, sanh đều và nẹp tốt, lại không để có lỗ, tránh dột.

Cũng như lợp tranh, rạ cũng lợp từ dưới hai mái giật lên, gặp nhau ở nóc, rồi đánh nóc. Đánh nóc bằng rạ dài, đánh nóc cao, dầy và đảm bảo độ dốc. Đánh nóc xong, phải nẹp nóc bằng 1 cây tre dài, chẻ đôi, buộc ghì vào các đầu kèo.

Lợp mỏng hay lợp dầy là tùy khả năng của từng nhà. Lợp dầy nhà sẽ mát và mái nhà lâu bền hơn.

Sau khi lợp xong mái nhà người ta trát vách bằng bùn nhào với rơm, qua các lỗ nhứng, vuốt xuôi cho phẳng.

Cửa giữa nhà thường làm bằng phên hoặc bằng gỗ tạp (gỗ xoan, gỗ sung...). Cửa gỗ có thể đóng, mở kiểu trong then ngoài khóa. Cửa phên cũng có thể đóng mở, cũng có khi chỉ làm một cánh, lại có khi làm kiểu phên buộc lên trên rồi khi mở lấy cây đỡ lại. Phần vách không trát để lại một số ô làm thành cửa sổ, tùy hướng gió và tùy lượng ánh sáng.

Khi vách đã khô, lấy cát trộn với vôi trát miết lên, rồi quét vôi cho nhà sáng sủa.

Nền nhà và nền hiên, sân có thể làm theo hai cách: Lấy vôi trộn gạch vỡ rồi đầm cho nhẵn, gọi là nền ba-ta. Xưa kia do hiếm vôi, người ta thường dùng tro bếp trộn với đất rồi đầm kỹ, nền cũng nhẵn và lâu ngày ngả màu đen bóng.

b - Nhà 3 gian 2 chái.

Cách làm giống như kiểu nhà 1 gian 2 chái, chỉ thêm hai vì kèo nữa ở gian chính. Đây là kiểu nhà thường khi gia đình đã có thêm nhân khẩu, như có con nhỏ, có thể có cả ông, bà cùng ở. Kiểu nhà này dành cho các gia tộc đã ở mức phát triển khá, nên cửa cánh, mái lợp, nền nhà cũng kiến thiết theo hình thức đẹp, đầy đặn, chắc bền và bề thế hơn.

2 - Nhà ngói

Nhà ngói cũng có hai kiểu: nhà 3 gian và nhà 5 gian. Cũng có nhà xây kiểu 3 gian và 1 buồng thùng, tức là buồng xây ra hết cả hiên.

Nhà ngói là nhà của các gia đình làm ăn khá giả, cũng là công sức chắt chiu của cả đời người. Nhà ngói thường phải xây tường xung quanh. Có hai loại tường: tường con kiến (gọi là tường 10) và tường 20. Tường con kiến xây 1 viên gạch, đặt nằm, từ dưới lên, cứ khoảng 2m lại bổ 1 trụ để tường vững. Tường 20 xây 2 viên và không phải bổ trụ. Xưa, chưa có than, phải nung sạch bằng cỏ, nên để gạch chín tốt phải đóng to bản và mỏng (gọi là gạch bát), còn gạch ngày nay gọi là gạch lục. Gạch bát rộng 12cm, dày 4cm và dài 22cm. Gạch lục rộng 10cm, dày 6cm và dài 20cm. Tường con kiến thường xây thấp dưới 3m, tường 20 xây cao từ 3,2m trở lên. Vữa trộn bằng vôi cát, có nhà cho cả muối. Nhà 3 gian, xây tường xung quanh để cửa chính và cửa sổ xong, ở hai hồi xây 2 vỉ ruồi để đỡ đòn tay, ở giữa có 1 kèo chính, hai vỉ ruồi có kèm 2 kèo phụ. Nhà 5 gian thì thêm hai kèo chính đặt đều theo chiều ngang lòng nhà.

Khi làm nhà ngói cần có 2 kíp thợ: thợ nề và thợ mộc. Nhà có đủ hàng cột thì mộc trước, nề sau. Nhà không làm cột thì nề trước mộc sau. Nếu nề và mộc không khớp thì sẽ không đặt được mái. Thí dụ: xà vợt dài 4m mà tường xây 4m2 là không ổn.

Nhà kiểu cổ là nhà làm đủ hàng cột, mỗi kèo hai bên vỉ ruồi 3 cột, mỗi kèo giữa 2 cột. Nhà 3 gian 10 cột, 5 gian 14 cột. Sau để tiết kiệm gỗ và để cho nhà rộng hơn, người ta dùng xà vợt (có nơi gọi là quá giang). Xà vợt đỡ toàn bộ kèo, mái.

Nhà bình thường kèo mái làm giản dị bằng xoan ngâm, tre hoặc bương, luồng ngâm kỹ.

Nhà khá giả thì kèo mái làm bằng loại gỗ tứ thiết hoặc bằng gỗ xoan, gỗ mít,...

Toàn bộ xà vợt, kèo, xà ngang, trụ non con cung đều ăn với nhau bằng mộng, xưa nay không phải dùng đinh nêm vào. Bốn góc nhà có khi còn được trang trí bằng các bức điêu khắc gỗ; có nơi dùng tứ linh (long, ly, quy, phượng); có nơi dùng tứ quý (tùng, trúc, cúc, mai). Hai bên hồi thường viết 2 chữ đại tự: khi thì Phúc, Thọ; khi thì Khang, Ninh; rồi Phúc, Lộc... Dưới cây nóc ghi ngày lành tháng tốt dựng nhà. Dưới hai bộ xà chính là đôi câu đối răn dạy con cháu hoặc nền nếp gia phong,...

Đòn tay làm mái lợp thường bằng bương, luồng, tre ngâm kỹ (cũng đôi khi dùng gỗ xẻ vuông). Đòn tay được giữ bằng một bộ ốp với kèo. Rui bằng gỗ to bản hoặc cau ngâm. Mè cũng phải bằng gỗ hoặc tre ngâm tốt.

Khi lợp dùng ngói chiếu (ngói vuông, phẳng bằng đất nung) lót xuống dưới rồi lợp ngói ta (có nơi gọi là ngói nam) lên trên. Sau có loại ngói theo khuôn mới gọi là ngói Tây. Lợp ngói ta thì nhà mát hơn nhưng mái nặng hơn so với lợp ngói Tây. Ngói chiếu có tác dụng tránh mưa hắt, giữ cho mái bền hơn.

Lợp xong mái thì trát nhà, chít hai đầu hồi và nóc. Trát tường để khô thì quét vôi.

Nhà ngói thường có 1 cửa chính ở giữa, 2 cửa phụ ở liền 2 bên. Cánh cửa làm bằng gỗ tốt. Khi chưa có goong, toàn bộ phần trước nhà làm theo kiểu bức màn. Cửa có bậu, cánh cửa có hai đầu ngõng ăn vào hai lỗ ở trên và ở dưới, ở giữa có then chốt.

Cửa sổ có song cắm vào tường. Song cửa thường tính theo số lẻ (7 hoặc 9 song), bằng gỗ tốt. Bên trên cửa sổ phải vỉa gạch hoặc ngói che cho cửa khỏi hắt mưa (gần đây người ta dùng tấm phên đổ bằng bê-tông).

Xung quanh nhà để đỡ mái và để trang trí, người ta còn đặt hệ thống các con sơn.

Nhà ngói thường đi kèm sân gạch. Sàn và hiên cũng lát bằng gạch. Gạch lát vuông 22cm X 22cm, dày 4cm, mặt phải chín “tịm”, tức là có màu tím xanh. Giữa sân và hiên làm bậc lên xuống hai bên gọi là bậc tam cấp.

Làm xong nhà, phải có con rui cất trên nóc. Con rui ghi toàn bộ kích thước, số đo của nhà (cửa cánh, xà cột, quá giang, kèo trụ...). Số đo ấy thường là số tốt, hưng, vượng, thịnh đạt, khoa đăng... gọi là thước Lỗ Ban - tên ông tổ nghề mộc.

II. CẢNH QUAN VÀ CÁCH BÀI TRÍ

1. Cảnh quan

Trước khi làm nhà, người ta xem hướng. Đa số làm nhà hướng Nam theo câu: “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam”. Nhà hướng Nam để tránh gió bấc (gió Bắc) và để đón gió xuân (gió Nam). Nhà mặt đường ở các trấn thị thì thường quay mặt ra đường, khó chọn hướng, người ta thường dùng gương “bát quái” để khắc phục hướng không hợp, hoặc dùng cách xoay hướng bàn thờ trong nhà.

Đất làm nhà thường chọn chỗ cao ráo, vừa chống lụt lội, vừa đỡ công đổ nền. Dân cư Hà Nam thường quy tụ ở những vùng đất cao, vùng gò nổi lên giữa cánh đồng. Thường thì nhà làm ở giữa, xung quanh là vườn tược, trước mặt là cổng ngõ, ao chuôm, xa hơn nữa là đất trồng cây.

Vườn trồng cây ăn quả và cây lưu niên, mùa nào thức ấy. Ao thả cá, chuồng nuôi gà, lợn.

Công trình phụ gồm bếp, khu vệ sinh, khu chăn nuôi.

Ngày nay không còn khái niệm nhà ngang hay nhà dưới. Đây là dãy nhà ở hai bên tả, hữu nhà chính, khi xưa đây thường là nơi ở của vợ lẽ, thê thiếp và kẻ hầu người ở của các gia đình giàu có.

Bếp đun thường làm bên trái nhà, cũng quay mặt ra sân. Nhà và bếp cách nhau cái bể nước (nước mưa hoặc nước giếng gánh về). Bếp đương nhiên nhỏ và thấp hơn nhà. Bếp là nơi để chạn bát, củi đóm, nơi đun nấu, cũng là nơi chứa cối xay, cối giã gạo. Nhà tắm ở cạnh bể nước.

Khu chăn nuôi (nhiều nhà làm liền với bếp) gồm chuồng lợn, chuồng trâu (bò), và chuồng gà.

Khu vệ sinh gồm hố xí và chỗ đi tiểu, thường được làm ở chỗ khuất trong vườn, lại phải xa cửa nhà hàng xóm. Tuy nhiên, việc vừa phải lấy phân để bón ruộng và việc làm sao giữ được vệ sinh, tránh hôi thối, ruồi muỗi vẫn là vấn đề khó giải quyết.

Hiện nay, nhiều nhà dùng giếng khoan và công trình phụ khép kín.

2. Cách bài trí

Gian chính giữa bao giờ cũng là nơi đặt bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ đóng bằng gỗ tốt, thường là vàng tâm, có chạm khắc rồi sơn son thiếp vàng. Có nhà dùng ngay nóc tủ chè, nóc hòm gian làm bàn thờ.

Đầu hồi phía Đông quay Tây là ban thờ thổ công, ban thờ này đặt cao hơn bàn thờ tổ tiên.

Bàn thờ tổ tiên và ban thờ thổ công cũng phải đo theo thước Lỗ Ban, lấy kích thước dài, rộng, dày vào những cung “cát tường”... Đây là những nơi cực kỳ sạch sẽ, xưa có nhà còn cấm đàn bà con gái thắp hương và không cho phép nằm, ngồi giường, phản cạnh bàn thờ.

Bên dưới bàn thờ là sập gụ hoặc cái phản, là nơi gia chủ tiếp đãi khách khứa và nằm mát. Sau này nhiều nhà bày bộ án thư, tràng kỷ hoặc bộ sa-lông.

Hai bên bàn thờ là nơi đặt giường, chõng - nơi ngủ, nghỉ của đám con cái, đàn ông. Đàn bà, con gái lớn, con dâu thì ngủ trong buồng. Buồng còn là nơi cất giữ gạo thóc, hòm xiểng, quần áo,...

Ngoài hiên có bức dại (đan bằng tre) để tránh nắng nóng hắt từ sân vào.

Sân chủ yếu để phơi các loại thóc lúa, đỗ, vừng, khoai, ngô, rơm rạ... Chiều xuống khi đã dọn dẹp, sân quét sạch sẽ còn là nơi cả nhà ngồi quây quần ăn cơm tối dưới ánh trăng, cho đỡ tốn dầu thắp và cho thoáng mát. Sân cũng là nơi đón trung thu của lũ trẻ, nơi hội họp của gia tộc, bạn bè mỗi khi nhà có công to việc lớn. Góc sân và ngõ thường có giàn mướp, giàn bí bầu, giàn hoa...

Ngoài cùng là cổng. Trước đây cổng thường bằng cửa phiên (“cửa sài”), nhà nào khá giả thì xây trụ lắp cánh hẳn hoi.

Cách bài trí nhà cửa của người theo đạo Thiên chúa về cơ bản thì cũng thế, nhưng có khác ở chỗ trước đây không đặt bàn thờ tổ tiên; dành chỗ cao và trang trọng nhất trong nhà để bàn thờ Chúa Ki-tô và luôn dùng nến để thắp.

Nói chung nhà ở của người Hà Nam thường rộng, thoáng. Môi trường, hàng xóm đều gần gũi, dễ chịu, ở lâu nên quen, có đi đâu xa cũng mong nhanh chóng để sớm trở về nhà mình.

Ngày nay, nhà ở Hà Nam được kiến trúc và xây cất theo khá nhiều kiểu khác nhau. Trong quá trình đô thị hóa, nhà ở truyền thống ngày càng ít dần, nhà xây kiên cố bằng xi măng, sắt thép ngày càng nhiều lên.

(Còn nữa)

Điện tử

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy